Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược của dân tộc ta đã sản sinh ra đội ngũ nhà văn viết về chiến tranh khá hùng hậu trong đó có nhiều người cầm bút trẻ. Trong lời giới thiệu cuốn Tổng tập Nhà văn Quân đội do Nhà xuất bản QĐND phát hành năm 2000 có đoạn viết: …Quân đội đã đào tạo và rèn luyện những thế hệ văn nghệ sĩ thực sự có tài, với nhiều tác phẩm mang đậm tính sử thi, nồng nàn lòng yêu nước. Ấy là một chặng đường lịch sử vẻ vang của dân tộc đã được văn chương hóa, nghệ thuật hóa với những tài nghệ đặc biệt. Đội ngũ những người cầm bút trong quân đội, nếu được tập hợp lại đã có thể thành một binh đoàn. Đây là một binh đoàn chủ lực tinh nhuệ đặc biệt, cùng với các loại hình nghệ thuật khác đã làm nên sức mạnh tinh thần hào hùng trong suốt nửa thế kỷ qua. Điều ấy có thể chứng minh được một cách thuyết phục khi nhìn lại đội ngũ nhà văn kháng chiến với những tác phẩm của họ. Viết về chiến tranh cách mạng và người lính là trách nhiệm, nghĩa vụ và tình cảm của phần lớn các nhà văn thời đó.
Sau năm 1975, khác với những gì nhân dân ta mong đợi, Đất nước vẫn chưa có hòa bình trọn vẹn. Sự hi sinh mất mát của dân tộc trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc và trên Biển Đông cũng như giúp bạn Căm Pu Chia thoát khỏi nạn diệt chủng Khơ me đỏ chẳng hề ít chút nào. Không thể nói khác được, chiến tranh vẫn để lại những dấu ấn vô cùng sâu đậm trong đời sống nhân dân. Còn rất nhiều liệt sĩ chưa tìm được hài cốt hay chưa xác định được danh tính, còn rất nhiều nạn nhân chất độc da cam, còn rất nhiều bom mìn chưa nổ nằm dưới mặt đất…Nỗi đau chiến tranh có vợi đi ít nhiều nhưng hậu quả do nó để lại còn không ít; sự nghèo đói, phụ nữ góa bụa, trẻ mồ côi, trẻ khuyết tật…Trong khi đó, chiến tranh, xung đột vẫn còn xảy ra nơi này, nơi khác trên thế giới làm cho hàng trăm, hàng nghìn người dân vô tội phải hứng chịu chết chóc tang thương.
Tôi nghĩ, chiến tranh vẫn là đề tài văn học không cũ của các nhà văn. Dù không còn chiếm địa vị thượng phong như trước đây nhưng dòng văn học viết về chiến tranh vẫn thông chảy và như chúng ta thấy phần nhiều những tác phẩm hay ở nước ta sau năm 1975 vẫn thuộc đề tài này. Tuy nhiên, số nhà văn viết về chiến tranh chủ yếu là những người đã trải qua bom đạn; họ thuộc thế hệ U50, 60 và hơn.
Đối với các nhà văn trẻ thì viết về chiến tranh là một thách thức không nhỏ. Thách thức đầu tiên là ngay trước mặt họ đã và đang có những nhà văn lớp cha chú viết về chiến tranh với tư cách là người trong cuộc nhiều từng trải và đầy chiêm nghiệm, bản lĩnh. Hồi ức chiến trận và độ lùi về thời gian cộng với sự giao lưu, giao thoa mang qui mô toàn cầu là những yếu tố dẫn đến thành công cho một số nhà văn thế hệ trước khi viết về đề tài này. Điều ấy, các nhà văn trẻ không có được. Họ sinh ra khi Đất nước đã chấm dứt chiến tranh chống Mỹ và cũng còn rất bé khi xung đột biên giới, lãnh hải nổ ra. Họ không hề nếm mùi vị của chiến tranh, xung đột, đạn bom là cái gì đó vô cùng xa xôi với những người trẻ. Họ chỉ cảm nhận được chiến tranh qua sách báo, phim ảnh, sân khấu và nếu ai quan tâm thì tiếp cận được phần nào nỗi đau, nỗi buồn chiến tranh qua đồng đội, gia đình, bè bạn của những người lính đã ngã xuống nơi chiến hào. Thật giàu lòng thông cảm, chia sẻ họ mới lắng nghe được những giông bão, xoáy lốc trong những góc khuất của thời hậu chiến mà nó rất dễ bị chìm khuất giữa muôn vàn bề bộn, nhốn nháo của xã hội hôm nay.
Hiện thực cuộc sống là phôi liệu làm nên tác phẩm. Khi không có nó người viết sẽ thực sự lúng túng, mơ hồ và rất ít lòng tin vào sự thành công của mình. Những thành công hết sức ít ỏi của người cầm bút trẻ trong đề tài chiến tranh càng làm cho các nhà văn trẻ e ngại khi muốn thử sức với nó. Quả là ngại ngần thật, vì nếu tính từ năm 1995 (mốc nhà văn 20 tuổi) đến nay thì ở nước ta hình như chưa có nhà văn trẻ nào tạo được dấu ấn sáng tác về đề tài chiến tranh. Nguyễn Đình Tú, tác giả của 6 cuốn tiểu thuyêt dày dặn tính đến thời điểm này, trong đó có Bên dòng Sầu diện và Hoang tâm là viết về chiến tranh. Tiểu thuyết Bên dòng Sầu diện mau chóng bị khuất chìm đâu đó, may còn Hoang tâm với ít nhiều ám ảnh về một cuộc chiến mang tính chất biểu tượng khá huyền kỳ mung lung và một cuộc chiến cụ thể khốc liệt ở biên giới Tây Nam nước ta vào những năm 78-79…Cái đáng ghi nhận của Nguyễn Đình Tú ở Hoang tâm là đã khơi mở được một lối viết mới về chiến tranh trên sự nhào trộn giữa hiện thực và huyền ảo, giữa cái biểu tượng và cụ thể, giữa thế giới bao la và xứ sở mình. Tuy vậy, Hoang tâm vẫn chưa phải là tiểu thuyết viết về chiến tranh xuất sắc trong những năm gần đây. Đọc nó, người ta vẫn nhận ra sự thiếu hụt về chất liệu chiến tranh, thấy cái “khéo” của người viết nhiều hơn là hiện thực cuộc sống được tạo dựng trong đó.
Gần đây nhất, Đỗ Bích Thúy có tiểu thuyết Cánh chim kiêu hãnh. Nhà phê bình văn học trẻ Hoàng Đăng Khoa cho rằng: Tác giả đã nỗ lực chiếm lĩnh, kiến tạo cái hiện thực mà mình chưa từng kinh qua: công cuộc kháng Pháp đuổi Nhật cách đây 70 năm của đồng bào miền núi. Tuy nhiên, nhân vật chính của cuốn sách vẫn là một người đàn bà (Mai), phông nền của câu chuyện vẫn là vùng cao Hà Giang của tác giả. Riêng điều này, tôi nghĩ: giá trị tác phẩm văn học không nằm ở nhân vật một người đàn bà hay đàn ông và chẳng lệ thuộc lắm vào nơi xảy ra. Cái đáng quan tâm phải là trong nhân vật ấy có cái gì để ta nhớ và nhớ, trong không gian nghệ thuật ấy có điều gì làm ta nghĩ và nghĩ…
Còn có một số nhà văn, nhà thơ trẻ viết về chiến tranh nhưng nhìn chung chưa có mấy tác phẩm hay. Hiếm hoi lắm mới có được một vài bài thơ viết về chiến tranh xúc động như Bà tôi của Hoàng Chiến Thắng trong vài năm trước đây.
Cũng cần phải nói thêm, khi theo dõi cuộc thi truyện ngắn trên Văn nghệ quân đội hiện nay tôi thấy có những dấu hiệu đáng mừng về những người viết trẻ với đề tài chiến tranh và người lính hôm nay. Nhờ những kích thích nào đó, cảm hứng viết về chiến tranh và người lính cỏ vẻ như đang được khơi dậy. Chúng ta có thể kể đến Hoàng Hải Lâm với Tiếng chim gọi trên sông, Vũ Thanh Lịch với Người đi tìm cánh tay, Lê Mạnh Thường với Hoài niệm U Đôn Xay, Hồ Kiên Giang với Trên núi Tuwk-cót, Võ Diệu Thanh với Mùi vị trần ai, Doãn Dũng với Âm thanh của ký ức, Trần Đức Tĩnh với Lính cậu, Tống Ngọc Hân với Mây không bay về trời…
Như vậy, không phải các nhà văn trẻ đều quay lưng hay hờ hững với đề tài chiến tranh mà chính là ta còn ít đốt lửa lên cho họ. Đừng nghĩ rằng trong họ ai cũng đã có lửa rồi, không cần đốt nữa. Nếu như, không có các cuộc vận động viết về chiến tranh và người lính của Bộ Quốc phòng, các cuộc thi truyện ngắn và thơ của Văn nghệ quân đội, các cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam chắc chắn số người viết và tác phẩm về chiến tranh chắc không có được như bây giờ.
Không phải ai trải qua chiến tranh cũng viết được về chiến tranh và viết hay cả. Không phải ai chưa trải qua chiến tranh đều không viết được về chiến tranh và viết hời hợt cả. Hiện thực cuộc sống mới chỉ là phôi liệu, sản phẩm văn học còn phụ thuộc vào tài năng của người cầm bút. Mà cái này mới là yếu tố quan trọng nhất tạo ra chất lượng, đẳng cấp tác phẩm. Mặt khác, nếu các bạn trẻ cứ viết về chiến tranh như cha anh mình đã viết thì đó là điều không thể chấp nhận được và đương nhiên sẽ thất bại. Trong văn học, lối mòn đồng nghĩa với cũ kỹ. Tôi nghĩ, với tài năng và sự nghiêm túc, các nhà văn trẻ vẫn viết hay về chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc bằng cái nhìn, cái nghĩ hôm nay. Vẫn còn quá nhiều điều về chiến tranh để các nhà văn trẻ khai thác kể cả những kỳ tích hào hùng và những thương đau bi tráng của dân tộc. Thời gian đã đủ cho ta nhìn lại các cuộc chiến một cách bình tĩnh, công bằng và sâu sắc hơn. Thắng-bại, được-mất, ta-địch…sẽ được soi chiếu dưới ánh sáng của chủ nghĩa nhân văn cao cả, của sự hòa hợp hòa giải dân tộc chân thành.
Trẻ đồng nghĩa với mới mẻ, sáng tạo, vì thế không lý gì ta không tin các nhà văn trẻ sẽ thể hiện các cuộc chiến mà cha anh mình đã trải qua với những phong cách khác lạ. Tôi đã thấy điều ấy thấp thoáng trong tiểu thuyết Hoang tâm của Nguyễn Đình Tú hay truyện ngắn Tiếng chim gọi trên sông của Hoàng Hải Lâm…, bài thơ Bà tôi của Hoàng Chiến Thắng…
Tất cả vẫn đang ở phía trước. Dù là thách thức lớn nhưng đề tài chiến tranh không phải là “bài tập quá sức” đối với các nhà văn trẻ. Nếu biết dấn thân, nếu được chăm lo, chắc chắn các nhà văn trẻ sẽ có những tác phẩm hay và lớn về chiến tranh. Mà cũng đúng thôi, thế hệ nhà văn kháng chiến dần dà rồi cũng ra đi theo quy luật sinh tử của tạo hóa. Thế hệ cầm bút tiếp nối họ làm nên những thành tựu vẻ vang mới cho nền văn học nước nhà, trong đó có dòng văn học viết về chiến tranh mang tên: Nhà văn Trẻ.
Nguồn: VNT