Hệ thống đa dạng và phong phú các giải thưởng văn chương Nhật Bản không chỉ dành để trao cho các tác phẩm đã hình thành. Nhiều giải thưởng được lập ra nhằm hỗ trợ và tuyển lựa những cây bút trẻ có triển vọng, giúp họ trở thành những người viết văn chuyên nghiệp.

Khi gặp gỡ hay đọc tiểu sử các nhà văn nổi tiếng Nhật Bản, chúng ta sẽ luôn ngạc nhiên về những lời giới thiệu phức tạp và dài dòng về họ: Số lượng thống kê các tác phẩm đủ mọi thể loại, một danh sách dài đầy ấn tượng của những giải thưởng đã đạt được… Những thông tin có vẻ dư thừa này đối với những người trong giới cầm bút Nhật Bản thực ra là những chỉ báo rất quan trọng, chỉ báo để hiểu được những thành công của tác giả đó, từ những bước khởi đầu sự nghiệp cho tới lúc đã thành danh.Trong lĩnh vực này, các tạp chí văn chương đóng một vai trò quyết định cho sự thành công của những nhà văn trẻ.

Ở Nhật Bản, rất hiếm gập một bản thảo nào lại được xuất bản một cách “trực tiếp” và “trọn gói” dưới dạng một cuốn sách. Sự ưu ái này thường chỉ dành cho các nhà văn đã rất nổi tiếng, có nhiều tác phẩm được xuất bản và gặt hái được những thành công. Các bản thảo, ở lần xuất bản đầu tiên, thường chỉ được đăng tải trên các tạp chí hay các tờ báo. Những văn bản “tiền-xuất bản” này khi được chính thức xuất bản dưới dạng sách, có thể sẽ được thêm thắt hay chỉnh sửa theo yêu cầu của nhà xuất bản, những yêu cầu có một phần dựa trên những ý kiến, những mong muốn của giới độc giả “tinh hoa”, những kẻ chót mang trong mình cái gen di truyền của lòng đam mê đọc sách.

VIẾT THEO ĐƠN ĐẶT HÀNG

Ở Nhật Bản, các tác phẩm đầu tay xếp chồng chất lên nhau chờ đợi những đánh giá và thừa nhận đến từ các giải thưởng văn chương

Trong các nhà sách của Nhật Bản, thường xuyên có mặt khoảng 30 cuốn tạp chí văn chương ra hàng tháng với độ dầy trung bình khoảng 350 trang, in đen trắng. Các tạp chí này đều có sự gắn kết chặt chẽ với một vài nhà xuất bản. Chúng được phân chia theo hai nhánh chủ lực của thị trường văn học Nhật Bản: Văn học đại chúng hay văn học giải trí với các thể loại như tiểu thuyết trinh thám, tiểu thuyết huyễn tưởng-ma quái, tiểu thuyết lịch sử, tiểu thuyết kinh dị hay khoa học viễn tưởng. Văn học bác học hay văn học “thuần khiết” với những tác phẩm mang nhiều tính sáng tạo hơn cả về hình thức lẫn phong cách.

Ở Nhật Bản, nếu một ai đấy mới bắt đầu khởi sự cầm bút viết văn và muốn được xuất bản, anh ta/chị ta không thể ngồi cắm đầu viết một cuốn tiểu thuyết dầy cộp rồi gửi vòng quanh cho các nhà xuất bản và chờ đợi kết quả. Đối với các nhà văn trẻ, những người mới bắt đầu sự nghiệp cầm bút, con đường tối ưu nhất là tham gia vào một trong vô số các cuộc thi có trao giải thưởng, được tổ chức hàng năm bởi các tạp chí văn chương. Khi đó anh ta phải sáng tác trong khuôn khổ và các quy định của cuộc thi đó, chủ yếu là những hạn chế về độ dài và về thể loại. Bù lại, nếu anh ta giành được giải thưởng, tác phẩm của anh ta nói chung sẽ được xuất bản. Vì vậy các tác phẩm lần xuất bản thứ nhất của các nhà văn trẻ (chủ yếu là trên các tạp chí) sẽ dồn về xếp chồng chất trên bàn các thành viên hội đồng giám khảo của những giải thưởng văn chương. Nếu được giải thưởng, cây bút mới nhập cuộc đó ngay lập tức sẽ được đánh giá/định vị về mặt tầm vóc và trọng lượng (tương ứng với cái giải thưởng đã trao) trong cái thứ bậc ngặt nghèo đầy cạnh tranh của thế giới văn chương Nhật Bản… Cuộc leo dốc cứ thế tiếp diễn cho tới cái thứ bậc mà những ai đặt chân được lên đó sẽ được các nhà phê bình gán cho những phẩm chất mơ hồ đầy quyết rũ của “một tài năng mới”.

Nếu như trước đây các tạp chí đóng vai trò là người tìm kiếm và phát hiện ra các cây bút tiềm năng cho các cuộc thi thì giờ đây họ lại lao vào một cuộc cạnh tranh ráo riết để lôi kéo những nhà văn mới nhận giải thưởng về với mình. Các nhà văn này có cơ hội mài giũa thêm các tài năng của mình thông qua việc viết những tác phẩm mới theo đơn đặt hàng của tạp chí đó. Ngoài các sáng tác, họ còn viết bài điểm sách hay tổ chức những cuộc phỏng vấn/ trò truyện về những vấn đề văn chương. Các tác giả mới này thường sẽ viết các tiểu thuyết dài kỳ (feuilleton), nhận nhuận bút theo số lượng trang in hoặc các tiểu phẩm ngắn tùy thuộc vào yêu cầu của tạp chí. Để giữ được hòa khí với tất cả các bên, họ không ngần ngại nhận làm cộng tác viên “ruột” của những tạp chí đang cạnh tranh và là đối thủ của nhau. Những xuất bản dạng này đóng một vai trò rất quan trọng với các nhà văn trẻ, nó là tiền đề cho sự ra đời cuốn sách đầu tay, chứa đựng cả những gì đã xuất bản trên tạp chí và thường được che chắn bởi một lời giới thiệu ở đầu sách hay lời bạt cuối sách của một nhà văn đàn anh đã thành danh. Phải nhấn mạnh thêm rằng, theo thông lệ, lời mời các nhà văn trẻ viết những tiểu thuyết dài, nhiều kỳ chỉ đến sau khi anh ta cho in một số truyện ngắn và được tạp chí đánh giá cao.

XUẤT BẢN CÁC TÁC PHẨM THỬ NGHIỆM, MỘT SỰ LÃNG PHÍ?

Hàng năm các thành viên giám khảo của các hội đồng trao giải thưởng thường xuyên phải làm việc vất vả khi đọc một khối lượng khổng lồ các tác phẩm được gửi đến. Đó hầu hết là những tác phẩm ngắn đã in trên các tạp chí. Tuy nhiên tình trạng “mất mùa” – tình trạng không có tác phẩm nào xứng đáng để trao giải – vẫn thường xuyên xảy ra. Ở Nhật Bản như vậy không giống như ở các nơi khác, các nhà xuất bản Nhật không ném tiền ra để tài trợ cho bất cứ người mới cầm bút nào khi chỉ dựa vào niềm tin hay sự cá cược vào thành công của anh ta trong tương lai, thay vào đó các nhà văn trẻ sẽ được hỗ trợ bằng việc xuất bản tác phẩm theo từng giai đoạn với những quy mô khác nhau tùy thuộc vào mức độ thăng tiến nghề nghiệp. Họ phải viết theo đúng yêu cầu của các tạp chí văn chương, sống một đời sống khá lệ thuộc. Nhưng tùy theo quan niệm của mỗi người, có thể xem đấy là một rành buộc ngặt nghèo hay ngược lại đấy là một yếu tố để khích thích sự sáng tạo.

Trong cái hệ thống đang tôi luyện và sản sinh ra các nhà văn Nhật Bản được nói tới ở trên, đang tồn tại một nghịch lý đáng lưu tâm. Các nhà văn của nhánh văn chương bác học, thứ văn chương “thuần túy”, thứ văn chương “tìm kiếm”, những người được phép có độ tự chủ cao hơn, những người có nhu cầu vứt bỏ cái hình thức trói buộc của thể loại tiểu thuyết đăng dài kỳ trên tạp chí để tạo ra những loại hình mang tính sáng tạo hơn, lại là những người rất khó khăn để đạt được sự tự chủ về tài chính và đành phải ngồi lại và gắn bó lâu dài với kiểu viết tiểu thuyết dài kỳ. Ở phía bên kia, các nhà văn của nhánh văn học giải trí, thứ văn học trên thực tế khá thích hợp với thể loại tiểu thuyết nhiều kỳ thì lại rất nhanh chóng rời bỏ thể loại này sau khi đã đã có thu nhập đáng kể từ một số cuốn sách best-seller.

Dấu hiệu cho thấy một cây bút đã đạt được vị thế của một nhà văn “có hạng” thường được khẳng định bằng việc anh ta được trực tiếp xuất bản tác phẩm ở dạng sách (không phải xuất bản lần đầu trên các tạp chí ) và việc anh ta được chuyển sang “phía bên kia của các giải thưởng”, thay vì chờ được trao giải thưởng anh ta sẽ là người đi trao giải thưởng, nói cách khác là được mời tham gia vào hội đồng giám khảo của một giải thưởng văn chương nào đó. Con đường đi tới vị thế của “một nhà văn lớn” của anh ta sẽ được tiếp tục xây đắp bằng những giải thưởng càng ngày càng hấp dẫn hơn và càng ngày càng được các thể chế văn hóa có uy tín hơn trao giải, ví dụ như giải thưởng của Bộ Giáo Dục Nhật Bản hay Huân chương Công Trạng Văn Hóa (l’Ordre national du mérite ), tiếp sau đó sẽ là một sự thừa nhận rộng rãi trên thế giới, và cao nhất chắc chắn sẽ là giải Noobel văn chương.

Xuất bản các tác phẩm mang tính thể nghiệm để rồi đa số trong đó được xem là một sản phẩm của sự lãng phí, các tạp chí văn chương Nhật Bản giờ đây cũng đang phải trực tiếp đối mặt với cuộc khủng hoảng đã khoét sâu tới tận nền móng của xuất bản truyền thống, một vài tạp chí đã phải chuyển hoàn toàn sang dạng tạp chí trên mạng.Nhưng khó có thể xẩy ra tình trạng các tạp chí văn chương tại Nhật Bản biến mất hoàn toàn. Không chỉ là trận địa chủ yếu của nền phê bình văn học, các tạp chí này còn đóng vai trò tìm kiếm, phát hiện và nâng đỡ cho những nhà văn trẻ, và cũng là nơi hội tụ và tỏa sáng của những cây bút sáng tạo nhất của nền văn học Nhật Bản.

—————————————————————————————————

Dương Thắng dịch từ nguyên bản tiếng Pháp “ Le Contrôle des Prix”.Đăng trên Le Magazine Littéraire.Tháng 5/2012. Tác giả Benjamin Giroux

Văn nghệ Trẻ