Nguyễn Ngọc Tư sống ở Cà Mau, viết về Cà Mau hay như vậy, còn Hà Nội có rất nhiều cây bút trẻ năng động, tại sao không viết ra những tác phẩm lớn về Hà Nội?
Hội nghị Những người viết văn trẻ Hà Nội lần thứ hai khai mạc sáng 24/9 tại khách sạn Công đoàn Quảng Bá, Hà Nội. Với sự dẫn dắt và khích lệ của nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội, hội nghị đã dành nhiều thời gian cho những người trẻ lên tiếng.
Ngô Gia Thiên An (16 tuổi), Nhật Phi (24 tuổi), Du Nguyên (26 tuổi)… đã phát biểu ý kiến của mình, dù trước đó, họ khá ngập ngừng.
Sẽ có một lớp tác giả mới về Hà Nội?
Nhà thơ Lưu Quang Vũ từng viết: “Tôi chán cả bạn bè/ Mấy năm rồi họ chẳng nói được câu gì mới/ Tôi bỏ ra đi, họ ngồi ở lại”. Những câu thơ này được nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên đưa vào bài phát biểu khai mạc. Đó như một lời “khích tướng”, khiến hội nghị không thể dừng lại ở việc đọc tham luận, lắng nghe, nhất là từ những người trẻ.
Nhà văn Nhật Phi (tác giả tiểu thuyết Người ngủ thuê đoạt giải Văn học tuổi 20) nêu ý kiến: “Con sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Hà Nội trong mắt con bằng tuổi con, tồn tại từ năm 1995 trở lại đây. Hà Nội trong văn của chúng con không thể giống như thời Nguyễn Khải. Văn chị Nguyễn Ngọc Tư có cái duyên của một địa phương (Cà Mau), còn một đô thị như Hà Nội lại có nhiều pha tạp”.
Hà Nội, nền tảng của nhiều tác giả trẻ, được Nhật Phi gọi là “một xã hội náo hoạt”. Trong đó, không thể đòi hỏi các tác giả trẻ phải viết như thế nào cho ra “chất Hà Nội” mà viết gì là lựa chọn của riêng họ.
“Vài năm nữa, khi những tác giả sinh năm 1995, 1996 nổi lên thì diện mạo lớp tác giả Hà Nội sẽ rõ rệt hơn” – Nhật Phi nói như một lời hứa hẹn.
Nhiều ý kiến trái chiều…
Bàn về quan điểm quen thuộc “tác giả sống ở Hà Nội cần viết về Hà Nội”, nhà thơ Du Nguyên (đến từ Nghệ An, hiện sống ở Hà Nội), bày tỏ suy nghĩ: “Chúng tôi thấy Hà Nội không còn hấp dẫn nữa. Không còn như một chất gây nghiện. Chúng tôi có quyền không viết về Hà Nội. Tại sao những người đi trước lại áp đặt cho chúng tôi là phải viết về điều này điều kia trong khi chúng tôi cũng có những câu chuyện của riêng mình?”.
Trong khi đó, nhà thơ Trần Hoàng Thiên Kim lại cho rằng, với cô, Hà Nội thực sự là miền đất hứa đã mang lại cho cô tất cả những gì quý giá trong cuộc sống hiện tại. Những kỷ niệm với Hà Nội luôn ở trong ký ức cô và luôn là đề tài sáng tác mà cô yêu thích.
Phản hồi các tác giả trẻ, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nói không ai ép ai phải viết về Hà Nội. Nhà thơ Phan Huyền Thư cũng nhấn mạnh thiên chức của mỗi thế hệ nhà văn luôn là nói lên những vấn đề của thời đại mình sống: “Nếu các bạn không nói ra được những vấn đề của thế hệ mình thì các bạn sẽ trở thành tội đồ của thế hệ tương lai”.
Nhà văn Nguyễn Xuân Thủy, người tự nhận là “người Hà Nội nhập cư”, bày tỏ quan điểm: “Khi chúng ta làm nghề viết, chúng ta không hỏi tại sao Nguyễn Huy Thiệp hay Bảo Ninh không viết về Hà Nội. Nói như nhà thơ Phan Huyền Thư, Hà Nội cũng không cần chúng ta đến đây để tô vẽ hay thương vay khóc mướn cho nó. Hãy để nhà văn viết theo nhu cầu tự nhiên”.
Chủ đề Hà Nội hay không Hà Nội khá sôi nổi. Trong khi đó, tác giả trẻ nhất hội nghị, nhà thơ Ngô Gia Thiên An (sinh năm 1999), đã thể hiện mối quan tâm của cô không gói gọn trong một thành phố là Hà Nội, mà là sự nghèo nàn tư tưởng của những người bạn cùng lứa và nền giáo dục. Phát biểu của cô gây ấn tượng về sự quyết liệt.
Theo Nha Đam – Thể thao & Văn hóa