Gia đình hiện đại, đời sống hiện đại đang nhan nhản nguy cơ đổ vỡ, nhan nhản những mâu thuẫn, nghịch lý, và cả phi lý. Đó là thực tiễn. Còn trên sách vở thì sao? Sách vở cũng đang nhan nhản đủ mọi loại sách dạy kỹ năng sống, kỹ năng hàn gắn hạnh phúc, những tâm sự, chia sẻ,… nhưng người ta cũng phát chán những công thức “dạy dỗ” giáo điều ấy. Vậy, chúng ta có thể làm gì để chia sẻ với nhau, chia sẻ với nhiều người? Câu trả lời, theo cách của nhà văn trẻ

Nguyễn Văn Học, đó là truyện ngắn, và hãy cứ viết bằng nhiệt tâm, không nhân danh cái gì để phán xét các nhân vật, đời sống tự nó sẽ biết điều chỉnh.

– PV: Cuộc sống có nhiều bất trắc, nhiều giá trị bị đảo lộn, như anh đã chia sẻ. Vậy đó có phải là một trong những động lực để anh có thêm nhiều sáng tác?


– Nguyễn Văn Học (NVH): Đúng là như vậy. Mỗi người cầm bút có một thế mạnh, và họ đều muốn qua tác phẩm văn học, phản ánh được phần nào và lý giải phần nào đời sống xã hội đương đại. Ngay trong các gia đình, dù là gia đình hạt nhân, gồm bố mẹ và các con, vì mưu sinh, áp lực và lo lắng khiến họ bị quá tải, chênh chao. Họ đôi khi không làm chủ được bản thân, đánh mất mình và đánh mất tổ ấm. Có thể nhiều người viết khác cũng như tôi, đang phản ánh sắc nét vấn đề gia đình thời hiện

– PV: Phải chăng vì lẽ đó, mà những truyện ngắn trong tập Bình minh lúc nửa đêm của anh do NXB Văn học ấn hành mới đây đã khéo léo ẩn đi cái tôi tác giả, tự nhân vật cùng các chi tiết tạo nên tình huống truyện và kéo câu chuyện trở nên sinh động?


– NVH: Như tôi đã nói, cuộc sống quá phức tạp. Liên quan đến gia đình thôi cũng quá nhiều vấn đề và chúng ta không bao giờ khai thác hết. Những năm qua, tôi đã chứng kiến từ thực tế có những chuyện chỉ cần người bình thường kể lại thôi đã gây xúc động, đã hay rồi. Và khi những chi tiết đời sống sinh động ấy được thể hiện bằng tình yêu, và khéo léo một chút là nó đã trở thành những cái truyện khá. Bây giờ thủ pháp truyện ngắn mà các bạn trẻ viết ra khá phong phú. Người viết để nhân vật tự lên tiếng, chứ không nhảy vào câu chuyện  làm thay nhân vật.

– PV:  Là một người đọc, tôi thấy đọc truyện của anh nhàn. Sự nhàn ấy đã tạo nên hấp dẫn. Bởi, tác giả đã đưa những ngổn ngang củđời sống, của số phận con người vào trang sách một cách rất tự nhiên. Đọc như sống giữa đời. Anh chia sẻ thêm gì với bạn đọc từ cách tiếp


– NVH: Có thể nói là, những câu chuyện như tôi thể hiện trong các truyện ngắn trong tập, được chưng cất từ thực tế, cộng với sự nhạy cảm của người làm nghề, tình yêu của tác giả với cuộc sống đã khiến các truyện ngắn gần gũi. Các bạn trẻ đọc sẽ thấy ở đó có chuyện của mình, của người thân, bè bạn, hoặc mình đã chứng kiến, đã sống trong đó hoặc ở đó mà đi ra…

– PV: Tôi có thể nói thế này được không: Đời sống con người muôn hình vạn trạng đủ hấp dẫn và thừa chi tiết hay. Nhà văn cứ thế mà viết còn chưa hết, không cần phải hư cấu?


– NVH: Tôi đồng ý với anh. Cuộc sống này vô cùng phong phú và đa dạng, song cũng thật khó hiểu. Vì thế, chúng ta cần chia sẻ tri thức cho nhau, không ai có thể làm được tất cả. Và, không có sự hư cấu nghệ thuật nào không bắt nguồn từ hiện thực. Ví dụ, anh có mô tả theo trí tưởng tượng về người ngoài hành tinh không có mắt, không có trái tim; như vậy là anh vẫn lấy mắt, trái tim con người hiện thực làm tiền đề cho tưởng tượng bay xa đó thôi.

– PV: Tôi nghĩ nhiều bạn đọc sẽ chia sẻ được với anh ở cách diễn đạt trong sáng, ngôn ngữ dung dị, đời sống. Phải chăng đó cũng là thủ pháp mà anh chủ định sử dụng trong tập Bình minh lúc nửa đêm?


– NVH: Mỗi người có một giai đoạn sáng tác. Người chịu làm mới mình là người đôi khi thay đổi phương thức sáng tác ở mỗi truyện ngắn. Tôi đã viết tập truyện Bình minh lúc nửa đêm bằng những chất liệu hiện thực nhất, chọn một lối viết ngắn gọn, súc tích nhưng vẫn làm sao cho ngôn ngữ uyển chuyển, linh hoạt và có chất văn.

– PV:  Tập truyện ngắn mới lần này của anh có thể dành cho nhiều đối tượng bạn đọc khác nhau. Đó là sự lựa chọn ngẫu nhiên hay theo ý tưởng nào, của tác giả và nhà xuất bản?


– NVH: Như tôi đã chia sẻ, đề tài gia đình nó hợp với bất cứ đối tượng nào, trừ lứa tuổi thiếu nhi. Đó là đề tài mà nhiều người đọc, soi vào thấy mình trong đó. Họ cũng dễ thấy đồng cảm. Và phải khẳng định đây là ý tưởng của tôi, muốn đưa những chuyện chủ yếu liên quan đến vấn đề gia đình vào một tập. Đó cũng là cách để đánh dấu một giai đoạn sáng tác, cũng là cách đưa đến cho bạn đọc một món ăn, với các vấn đề gia đình được nhìn từ nhiều chiều.

– PV: Anh từng nói nếu chỉ trông chờ vào cảm xúc, bạn sẽ phải đối mặt với một thực tế là cạn cảm xúc. Anh có từng nghĩ, khi cảm xúc dạt dào, như khi anh từng viết không kịp với cảm xúc, thì truyện sẽ hay hơn không?


– NVH: Khi mới viết, quả là tôi đã từng viết rất nhanh khi cảm xúc đến. Tôi viết như điên, chỉ sợ viết không kịp những gì vừa hiện ra ở trong đầu. Nhưng điều ấy cũng có nghĩa là tôi sẽ không thể viết được chữ nào nếu không có cảm xúc. Như vậy, anh sẽ chỉ là người viết “tay chơi” mà thôi. Càng làm nghề lâu, tôi càng chiêm nghiệm sâu sắc một điều: viết khi cảm xúc đã được ghìm nén lại, nung nấu ở trong lòng, mới có thể mang đến cho bạn đọc những tác phẩm tốt.

– PV: Được biết, anh đã từng thành công và có tác phẩm bán khá chạy về vấn đề nhạy cảm của xã hội. Đó là một số truyện về đối tượng gái mại dâm. Tại sao anh không đi theo dòng tiểu thuyết ngôn tình hay đam mỹ? Biết đâu bán sẽ chạy?


– NVH: Tôi không phải nhằm câu khách. Ngay cả khi tôi viết tiểu thuyết Gái điếm hay những truyện ngắn khác về đề tài này, tôi không hề có ý định câu khách. Tôi viết về những gì tôi thấy và tôi cảm. Viết những cái đó, tôi như chắt cả máu trong cơ thể mình ra. Và khi nó đến tay bạn đọc, thì tôi hoàn toàn thở phào, và tự thấy mình đã chẳng đưa ra thị trường một tác phẩm nhạt nhẽo. Một điều nữa, tôi không viết được sách ngôn tình hay đam mỹ. Tôi sẽ vẫn viết ở mảng mà một số người nói đó là dòng văn học chính thống. Người ta bảo, dòng văn học ngôn tình hay đam mỹ là một thứ mốt. Nó có thể bị thay bất cứ lúc nào.

– PV: Như phần đầu tôi đề cập đến những loại sách tâm sự, chia sẻ kỹ năng sống nhưng lại được viết theo kiểu một chiều lý thuyết, thiếu hẳn sự sinh động của đời sống vì thế bạn đọc thấy chán. Với tư cách một tác giả truyện ngắn, anh có thể chia sẻ thêm về sức hấp dẫn của thể loại văn học này?


– NVH: Nói gì thì nói, truyện ngắn vẫn hấp dẫn bạn đọc, dù là thời buổi sống rất nhanh, rất gấp. Truyện ngắn có lợi thế về dung lượng ít, đọc nhanh, nhiều người viết có nghề, dẫn dắt câu chuyện khá hay. Còn như bạn nói, một số cây bút viết thiếu thực tế, thì sự bợt bạt trong tác phẩm là khó tránh khỏi. Đơn giản vì sự tưởng tượng đã không phong phú. Một người đã không giỏi tưởng tượng, lại viết chụp giật, ăn xổi thì làm sao giúp độc giả có được những tác phẩm chất lượng.

– PV: Để tạm dừng cuộc trò chuyện này, anh có thể chia sẻ thêm gì với bạn đọc của mình?


– NVH: Sách đã xuất bản, nó sẽ có đời sống riêng. Tôi không thể kiểm soát tác phẩm, bạn đọc sẽ làm việc đó.

– PV: Vâng, xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện thú vị này!

Theo Khúc Hồng Thiện

Exit mobile version