Nữ nhà văn trẻ Linh Lê vừa phát hành tiểu thuyết Người tình Sài Gòn – cuốn sách thứ 3 của chị tại TP.HCM. Cuốn sách này không những thu hút sự quan tâm của độc giả thông thường mà còn lôi cuốn cả những người làm nghệ thuật.

“Sài Gòn hợp với tất cả mọi người, mà thật ra lại chẳng hợp với bất cứ ai”- Linh Lê đã nhận xét “gây sốc” về Sài Gòn như vậy. Chị chia sẻ: “Tôi không so đo, đong đếm là mình hiểu về Sài Gòn thế nào, hiểu được bao nhiêu. Tôi viết cả cuốn sách với rất nhiều trang sách dành cho Sài Gòn, chứ không phải riêng một câu nói như vậy; và phải đặt câu nói này trong tương quan với toàn bộ tác phẩm, vì khi viết, bao giờ tôi cũng đặt mình vào vị trí đại diện cho các nhân vật của mình.

Khi tôi viết như vậy, cũng có nhiều người Sài Gòn hoặc sống ở Sài Gòn lâu năm không đồng quan điểm lắm, nhưng tôi cho rằng, mỗi người chúng ta là những cá thể biệt lập, không ai giống ai, mỗi người là một câu chuyện, nên cảm quan nhìn nhận cũng khác nhau.

“Sài Gòn hợp với tất cả mọi người, mà thật ra lại chẳng hợp với bất cứ ai”, đối với tôi, đó là điều đẹp nhất và cũng là điều thú vị nhất của Sài Gòn, vì như tôi đã nói từ đầu tiểu thuyết: Sài Gòn là bức tranh của nhiều mảnh ghép xa lạ.


Nữ nhà văn trẻ Linh Lê

* Tên các tác phẩm của Linh Lê thể hiện sự “di chuyển” của tác giả, lúc thì ở Kuala Lumpur, lúc ở Singapore và bây giờ là Sài Gòn. Xin hỏi sự “xê dịch” này với chị là một nhu cầu hay đó chỉ là công việc khiến chị phải di chuyển và điều này để lại trong tác phẩm những dấu ấn gì?

– Tôi đến Kuala Lumpur, Singapore và Sài Gòn là vì những cái duyên “đến” và “đi” rất tình cờ. Ở mỗi nơi đi qua đều có những duyên gặp gỡ mới với những câu chuyện mới, chừng ấy năm sống văng mình cho những nơi xa lạ rồi lại hóa thân quen là một trải nghiệm thú vị của tôi. Khi xa những nơi chốn từng gắn bó với mình rồi thì mới thấy tất cả những điều ấy trở thành máu thịt của mình từ lúc nào không hay và khi viết, giống như mình tự xoa dịu những vương mang, luyến lưu của mình vậy.

Nếu muốn hiểu rõ hơn những điều này để lại trong tác phẩm của tôi những dấu ấn gì thì có lẽ không có cách nào thuyết phục hơn là tôi hân hạnh được mời thử dành chút thời gian để khám phá chính những tác phẩm ấy. Hiện tại, tôi vẫn đang chờ đợi cuộc sống đưa mình đến với những duyên gặp gỡ mới trong đời.

* Được biết quê chị ở Đà Nẵng, hiện sống tại Hà Nội nhưng hai địa danh này vẫn chưa được chị viết thành một cuốn sách. Có phải chị “cần một khoảng cách” mới có thể viết về những nơi đó?

– Nếu nói về “khoảng cách” thì đáng lẽ ra tôi đã viết về Đà Nẵng và Hà Nội từ lâu lắm rồi, vì tôi rời Đà Nẵng năm 18 tuổi, và rời Hà Nội năm 20 tuổi, và mới trở về Hà Nội được gần 1 năm nay. Đà Nẵng và Hà Nội là hai nơi gắn bó với tôi từ lúc ấu thơ cho đến tận bây giờ, tôi thân thuộc từ những điều xưa cũ đến hiện đại của hai nơi này. Nhưng chính vì sự gắn bó như vậy, vì một tình yêu tri kỷ như vậy mà tôi muốn chờ đợi, chờ đợi khi đã lang thang qua tất cả các nơi với tất cả những trải nghiệm, những “được” và “mất” trong đời sẽ trở lại để nhìn thấy mình rõ hơn nữa.


Tiểu thuyết Người tình Sài Gòn

* Có nhiều lời nhận xét tích cực về Người tình Sài Gòn. Riêng chị, chị sẽ nhận xét thế nào về tác phẩm của mình?

– Không chỉ riêng Người tình Sài Gòn, cả những tác phẩm khác của tôi Không khóc ở Kuala Lumpur, Mùa mưa ở Singapore… tôi xin được tóm gọn lại trong một câu thôi: Tất cả các tác phẩm văn chương của tôi đều là những tác phẩm của một người đàn bà đích thực.

Trong một bài phỏng vấn cách đây không lâu của tôi, có một câu hỏi được đưa ra là: “Thế nào là người đàn bà đích thực?”, và tôi trả lời rằng: “Người đàn bà đích thực là người đàn bà luôn mong có cả thế giới”.

* Có thể nói Linh Lê là một trong số ít các tác giả nữ trẻ đẹp hiện nay, với nhiều người thì nhan sắc cũng là một cơ hội trời cho để lập danh, lập nghiệp… Vì sao chị lại chọn con đường viết lách để người đời biết đến mình?

– Tôi đâu có chọn. Tôi thuận theo mọi điều tự nhiên và tố chất của bản thân mình. Văn chương ngấm vào tôi từ bé, tôi thích sáng tác thơ, văn, nghĩ vẩn vơ và lãng mạn từ bé. Tôi nghĩ, có khi văn chương chọn mình đấy chứ. Với nhiều người khác, có thể người ta có cái duyên nhan sắc để đi trên một con đường khác, còn tôi, từ trước đến giờ, vẫn luôn thấy mình đẹp nhất trong văn chương. Vậy thì tại sao phải từ chối vẻ đẹp ấy?

Nguồn: Thể thao & Văn hóa

Exit mobile version