Thời công nghệ thông tin, sách vở dồi dào, muốn tìm hiểu về một vùng đất, chỉ cần lên mạng, đến thư viện hoặc ra quầy sách. Nhưng liệu có vì thế mà việc các tác giả đến tận nơi để thực tế sáng tác sẽ không còn cần thiết?

Đoàn nhà văn trẻ tặng sách cho đồn biên phòng Đàm Thủy

Thanh niên cũng ham đi thực tế

Tưởng chỉ các “tác giả già” là quen, là ưa đi thực tế, bởi đã thành truyền thống của nhiều chục năm, khi các cây bút đến với những vùng mỏ, vùng gang thép, nông trường, làng bản… để quan sát, thu lượm, “ăn nằm” ở đó hàng tháng trời rồi “thai nghén” tác phẩm. Nhưng nhiều cây bút trẻ – “công dân” của văn chương mạng, của “thời đại facebook”, của hàng trăm lý do bận bịu không tên hôm nay cũng rất hứng thú với việc đi thực tế. Dù điều kiện, tính chất những chuyến đi hiện nay cũng có nhiều thay đổi.

Chuyến đi ba tỉnh Bắc Cạn, Cao Bằng, Lạng Sơn do Ban nhà văn trẻ – Hội nhà văn Việt Nam tổ chức, vừa “lôi kéo” được 10 nhà văn, nhà thơ trẻ từ những tỉnh thành khác nhau, nhiều người là công dân 8X. Hầu hết các cây bút đang làm những công việc, nghề nghiệp khác nhau, như nhà thơ trẻ Hoàng Anh Tuấn là công an ở Lào Cai, nhà thơ trẻ Nguyễn Minh Cường là cán bộ Trường Sĩ quan Chính trị Bắc Ninh, nhà thơ trẻ Miên Di kinh doanh nhà hàng ở Pleiku – Gia Lai, nhà văn trẻ Trương Anh Quốc làm việc tại dàn khoan ở Vũng Tàu… Quanh năm túi bụi với đủ những thứ việc về tổ chức, nghiệp vụ, giấy tờ, hàng họ…, nhưng khi cơ hội đến, mỗi người đều cố gắng thu xếp để có được vài ngày đến những miền đất khác, lắng nghe, tìm hiểu nhằm bồi bổ cho việc xây dựng những ý tưởng sáng tác của mình.

“Đi được là quý lắm!”, nhà thơ trẻ Miên Di tâm sự: “Tham dự mới được biết, được cảm nhận ít nhiều về Bắc Cạn, Cao Bằng, Lạng Sơn, những nơi mà bình thường không biết khi nào mới đặt chân đến được”.

Cơ hội và những gợi mở

Nhưng thời gian hạn hẹp, tác giả trẻ đi theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”, trở về lại cuốn vào đủ những lo toan, thì liệu người viết có làm nên “cơm cháo” gì chăng? Được biết, với chuyến đi vừa rồi, chỉ trong bốn ngày từ 26 đến 30-9, đoàn văn-thơ trẻ gồm 13 người cũng đã đến được nhiều nơi: Hồ Ba Bể ở huyện Ba Bể – Bắc Cạn, khu di tích lịch sử Pác Bó, mộ và tượng đài Kim Đồng ở huyện Trường Hà – Cao Bằng, động Ngườm Ngao, thác Bản Giốc, đồn biên phòng Đàm Thuỷ, huyện Trùng Khánh – Cao Bằng…, đồng thời tặng tác phẩm, giao lưu với các nhà văn, nhà thơ ở địa phương.

Nhà văn Võ Thị Xuân Hà – Trưởng Ban nhà văn trẻ cho rằng, khó lòng để tổ chức được những chuyến thực tế dài ngày, nhưng những gì các bạn ghi nhận trong mấy ngày ít ỏi ấy phải nói rằng “giá trị”. Những ấn tượng ban đầu, những ký ức đẹp và cảm nhận độc đáo về con người, vùng đất, văn hoá bản địa, dù chưa thể dồi dào, nhưng sẽ là sự gợi mở để các cây bút tiếp tục tìm hiểu và đưa vào các tác phẩm tới đây của mình.

Đã có những lần Ban nhà văn trẻ tổ chức cho các cây bút đi thực tế ở Hà Giang, Ninh Bình, Bắc Ninh… Được biết, các cây bút tham dự đều lần lượt có “sản phẩm” tốt, được đón nhận trên một số báo chí văn nghệ hoặc trang, mục văn hoá nghệ thuật của một số báo khác. Việc có tác phẩm từ những chuyến đi, cũng như sự trao đổi, chia sẻ sáng tác mới với đồng nghiệp, trở thành một sinh hoạt nghề nghiệp quen thuộc, ít nhiều động viên các cây bút giữ lửa tình yêu văn chương, nhất là những người ở xa, không mấy khi gặp gỡ, trao đổi trực tiếp được với các bạn văn.

Ở mỗi địa phương vốn chưa có nhiều sinh hoạt nghề nghiệp dành cho các cây bút trẻ. Những chuyến đi thực tế còn góp phần kết nối, gợi mở cho các hoạt động tiếp theo. Nhà thơ Dương Khâu Luông – Chủ tịch Hội VHNT Bắc Cạn cho rằng, rất cần có thêm các chuyến đi thực tế, các cuộc gặp gỡ, trao đổi sáng tác giữa các cây bút trên địa bàn với những người viết trẻ đến từ nhiều vùng miền. Đó là những cơ hội tốt để học hỏi lẫn nhau và nâng cao năng lực sáng tác, nhất là khi địa phương đang kỳ vọng vào sự vươn lên của các cây bút trong tỉnh.


Các nhà văn, nhà thơ trẻ tại thác Bản Giốc, Cao Bằng.

HOÀNG THI
Nguồn: NDĐT