Nhà văn Trang Thế Hy thường được bạn bè và người dân trong vùng gọi bằng tên thân mật: Tư Sâm. Có thể với nhiều người thì tên tuổi của ông còn hơi xa lạ. Nhưng tương lai, chắc vị thế của những người như ông sẽ “cao” hơn trước.

Trang Thế Hy nổi tiếng bởi câu nói: “Cái gì mình không yêu mến hay chưa kịp yêu mến thì đừng giả bộ yêu nó. Tôi luôn tự dặn mình như vậy cả trong cuộc sống, chứ không chỉ khi viết văn. Với tôi, cái gì đã viết, dù ít, là phải chân thật. Đôi lần tôi bị vấp cũng là vì vậy. Đừng để cho những người yêu mến mình phải đọc những câu lếu láo”.

Quý hồ tinh…

Với gia tài còn sót lại chừng 65 truyện ngắn, 2 tiểu thuyết, vài chục bài thơ sáng tác và dịch thuật, nếu nhìn về số lượng, thì Trang Thế Hy là ngòi bút “mỏng mảnh”.

Thế nhưng trong sáng tạo, đôi khi “quý hồ tinh bất quý hồ đa”, vì vậy, vị thế của ông vẫn được đánh giá rất cao. Nhà nghiên cứu Trần Hữu Tá xếp ông “cùng chiếu” với Sơn Nam, Mai Văn Tạo, Trần Kim Trắc, Nguyễn Quang Sáng… Có ý kiến khác, xếp ông vào “thập gia” của văn học Nam bộ nửa sau thế kỷ 20, trong đó có Bình Nguyên Lộc, Hồ Hữu Tường, Sơn Nam, Trần Kim Trắc… Có ý kiến nhìn bao quát hơn, thì vị thế của Trang Thế Hy không hề bị mờ nhạt trong một lớp nhà văn (không tính thơ) đa diện, có bản sắc sau năm 1954, mà càng về sau này càng được tái bản và được giới nghiên cứu mổ xẻ.


Chân dung nhà văn Trang Thế Hy của họa sĩ Nguyễn Trung

Sau năm 1983, vì nhiều chuyện “đắng hơn ngọt”, Trang Thế Hy gần như không viết nữa, ông càng lúc càng lặng lẽ. Từ năm 1992, ông lui về quê nhà ở xã Hữu Định (huyện Châu Thành, Bến Tre) sống tới khi qua đời, ngẫm ngợi và đọc nhẩn nha. Cũng có ý kiến cho rằng khi đọc lại bản thảo, ông đã bỏ bớt khá nhiều.

Với cái nhìn đầy hy vọng, ông nói về lớp trẻ và văn chương: “Tôi đọc một số cây bút trẻ hiện nay, cũng có những điều đáng phục lắm. Không nhiều, nhưng có những cây bút đáng nể, đáng sợ. Vẫn có những bạn trẻ viết tinh tế từng ý, tứ, câu, chữ. Đó là điều không phải người viết nào cũng chú ý đúng mức”.

“Mỗi thế hệ cũng như từng nhà văn, giỏi lắm cũng chỉ làm tốt vài chức phận xã hội bằng một số tác phẩm nào đó mà thôi. Nhưng phàm đã là nhà văn thì đều phải chung vai gánh vác một sứ mệnh chung là góp sức làm giàu ngôn ngữ của dân tộc, giàu từ, giàu ngữ, giàu sức chất chứa, đong đựng trong từng tác phẩm của mình bằng một phương tiện duy nhất là ngôn ngữ. Trong sự sa sút vị trí xã hội của văn chương hôm nay, trước hết hãy xem lại đội ngũ những người làm văn” – Trang Thế Hy gởi gắm. 


Tập thơ Đắng và ngọt của Trang Thế Hy do Nguyễn Tiến Văn chuyển ngữ tiếng Anh

Nhà văn viết về nghề văn

Về ngôn ngữ, Trang Thế Hy chịu ảnh hưởng bởi lối văn chương tu từ, từng chữ, từng câu, từng ý được trau chuốt kỹ lưỡng. Thế nhưng, về mặt tư duy, ông giống Maxim Gorky, Lỗ Tấn, Nam Cao (ít nhất trong Đời thừa), Phan Khôi… ở quan điểm cầm bút là phải luôn trách nhiệm với ngòi bút của mình. Trong các nhà văn sống và viết ở Nam bộ, Trang Thế Hy là người viết về nghề văn một cách thường xuyên nhất. Nhưng ông không viết bằng lý luận mà bằng chính các sáng tác của mình.

“Không viết được những điều làm nên phẩm chất quý giá của văn học, trước hết hãy tự hỏi mình: Có lạt lòng với lý tưởng cách mạng vì dân, hay chỉ vì sự ấm êm, giàu có của bản thân, gia đình và phe nhóm mà phản bội lại những người đã hy sinh tất cả cho cách mạng. Lấy cớ nghèo, để thoát nghèo bằng mọi giá, người ta sẵn sàng làm mọi điều xằng bậy, thất đức, có khi tàn độc đến dã man” – Trang Thế Hy từng nói.

“Một nền văn chương muốn được người ta tôn trọng trước hết người viết văn phải tự tôn trọng nghề của mình. Hãy nhớ câu nói về Kinh Thánh: Kẻ phản Chúa là kẻ ở gần Chúa nhất. Phải sống nhiều năm tháng mới thấy đó là chân lý”.

Nhà văn Trang Thế Hy (tên đầy đủ Võ Trọng Cảnh) qua đời ngày 8/12/2015. Ông sinh ngày 9/10/1924 tại Châu Thành, Bến Tre. Ông còn dùng các bút danh như Phạm Võ, Văn Phụng Mỹ, Triều Phong, Vũ Ái, Minh Phẩm, Song Diệp, Văn Minh Phẩm… Các tác phẩm văn xuôi tiêu biểu: Nắng đẹp miền quê ngoại (1964), Anh Thơm râu rồng (in chung, 1965), Mưa ấm (1981), Người yêu và mùa Thu (1981), Vết thương thứ 13 (1989), Tiếng khóc và tiếng hát (1993), Nợ nước mắt (2002)… Mãi đến năm 2009, vào tuổi 85, ông mới in tập thơ đầu tiên có tên Đắng và ngọt.

Theo Văn Bảy – Thể thao & Văn hóa