Xuất phát điểm là “dân văn phòng… viết văn”, anh có nghĩ sẽ thua thiệt hơn so với những người được học hành bài bản?
– Tôi làm công việc văn phòng mà lại còn là toàn con số, nó khô khốc và thành thói quen hơn cả chục năm. So với các bạn được học hành bài bản, mình chỉ có mỗi bản năng. Tôi hay đùa với bạn văn hoặc các anh chị tiền bối rằng trong đầu có gì viết ra vậy, viết như thể những trải nghiệm xúc cảm lắng sâu trong lòng, tự dưng ngày nào đó nổi hứng trào ra và buộc tôi phải viết. Tôi chẳng có kế hoạch viết, chẳng biết kỹ thuật, lại càng không tính toán chi tiết cài cắm… Văn chương của tôi thiệt tình nó chỉ là cảm xúc xuất phát từ trái tim. Mà chắc do xuất phát từ trái tim nên có lẽ dễ dàng chạm đến trái tim bạn đọc. Phần lớn tác phẩm của tôi là những câu chuyện bình thường hàng ngày vẫn hiện hữu xung quanh cuộc sống. Khác chăng tôi nhìn nó bằng một thứ ánh sáng xanh và lành hơn. Điều này cho tôi năng lượng tích cực để viết.
Văn chương thì học cả đời chưa chắc biết hết hay viết hay được. Văn chương đâu có giới hạn, càng chẳng có thước đo nào cả. Một tác phẩm tự có sứ mệnh riêng. Mỗi tác giả tự có bạn đọc của mình. Văn chương chỉ có đúng một điều cốt lõi, chính là giá trị của nó đem lại cho cuộc sống này là gì? Bạn viết một tác phẩm gieo vào lòng bạn đọc một năng lượng tích cực, hoặc khiến bạn đọc của mình rung cảm. Bạn chạm đến trái tim người đọc thì đó là hay, đó là thắng. Giản đơn chỉ cần vậy thôi.
Có nhiều người bảo, anh là một “cánh chim lạ” trên văn đàn, một “hiện tượng lạ”, khi trình làng mới đây thôi, chỉ một khoảng thời gian không lâu nhưng đã gặt hái được những thành công nhất định. Anh nghĩ gì về nhận xét này?
– Tôi chỉ mới viết một thời gian ngắn, tầm hơn 4 năm và duyên may là có giải thưởng. Tôi hay nói vui với bạn văn là “chắc tôi được tổ đãi” chứ cũng chẳng biết lý giải ra sao. Tôi dùng câu chữ đơn giản, nhẹ nhàng, câu chuyện bình thường gần gũi và viết bằng một giọng kể thủ thỉ. Nhiều khi tôi nghĩ cái đơn giản như vậy lại thành món lạ giữa xu thế trưng trổ chữ nghĩa hay đánh bóng hào nhoáng câu chuyện.
Đọc những truyện ngắn của Tống Phước Bảo, độc giả dò đoán dường như anh yêu, thương Sài Gòn rất mãnh liệt và dữ dội?
– Tôi sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Sài Gòn, quen từng hàng cây góc phố. Cũng trên mảnh đất này, tôi có nhiều ký ức thăng trầm, buồn vui. Có những đoạn đời mà tôi thấy mình phải cảm ơn Sài Gòn đã cho mình cơ hội, cũng có lúc tôi thấy mình nợ Sài Gòn ân tình ấy là lúc tôi chênh vênh nhất. Mảnh đất này lạ lắm! Tự khắc đến rồi cảm nhận và sẽ chẳng nỡ rời Sài Gòn mà đi đâu cả. Sau đợt dịch đầu tiên thành phố dỡ bỏ lệnh giãn cách, tôi đi vòng vèo các con phố, thấy Sài Gòn như bị thương tích với nhiều dây giăng tứ phía, lòng tôi cứ xốn xang.
Tôi nghĩ cũng đến lúc viết một cái gì đó về Sài Gòn, như một chút tâm tình của mình dành cho mảnh đất đã cho mình cuộc sống. Như cuốn sách “Sài Gòn còn thương thì về” ra đời ngay những ngày Sài Gòn đi vào đỉnh dịch năm 2021, cuốn sách khi ấy được nhiều bạn đọc tìm mua và phản hồi tích cực, tựa như một liều vắc-xin để mọi người trụ lại Sài Gòn trong gần 4 tháng phong tỏa.
Có một điều nữa là, trong truyện ngắn của Tống Phước Bảo thường sử dụng phương ngữ rặt Nam Bộ một cách thuần thục và được diễn giải rất “ngọt”. Từ đâu anh lại định hình phong cách viết thế này?
– Tôi sinh ra và lớn lên ở TP.HCM, nhưng gốc gia đình hai bên nội ngoại thì miền Tây. Hồi nhỏ gia đình còn nghèo khó, nên cứ hè lại được khăn gói về quê để ba má trên này có thời gian đi làm kiếm tiền. Giọng nói, từ ngữ của năm tháng đó nó ăn sâu vào tiềm thức. Giao tiếp hàng ngày với gia đình, họ hàng vẫn là âm giọng miền Tây, câu chữ rặt Nam Bộ. Cứ vậy mà tôi lớn lên và quen dần từ miệng, từ cách viết, cũng như cách dùng từ. Khi viết những câu chữ từ trong trí óc mình nhảy ra, theo quán tính tự khắc sẽ là thứ văn rặt Nam Bộ.
Tôi nhớ hồi mình còn nhỏ, cũng hay thắc mắc sao giọng miền Tây mình nó ngọt vậy, hay cách nói của người miền Tây cứ có mấy từ đệm vào cuối câu nghe thấy thương gì đâu. Bà tôi nói tại dân miền Tây uống nước dừa đó. Thiệt ra là nói vui, nhưng kỳ thực cái âm điệu hay phương ngữ nó in hằn thành một vùng sáng trong não của bất cứ đứa con châu thổ Cửu Long nào. Chỉ cần lôi ra là như phù sa vậy đó, bồi đắp cuộc đời của mấy đứa con miệt thứ.
Hình như vì lẽ đó mà có nhiều người bảo: “Tống Phước Bảo là hậu duệ, là truyền nhân của Nguyễn Ngọc Tư”. Anh có thấy vậy không?
– Tôi nghĩ chỉ là nói vui hoặc là trêu nhau thôi. Câu này thì tôi từng được nhắc khi viết truyện ngắn “Tiếng cò líu bên sông” đăng trên một tờ báo. Thế là có vài bạn đọc để lại dòng nhận xét phía dưới truyện đó. Nhưng thiệt ra với tôi, chị Tư là một người chị lớn. Chị từng làm giám khảo vài cuộc thi truyện mà tôi là thí sinh. Sau này có dịp gặp nhau, chị em ngồi nói chuyện hoặc thoảng khi thì nhắn tin, hay tôi ra sách mới cũng hay gửi tặng chị. Tôi nghĩ chắc chị mà nghe câu này sẽ cười vì truyền nhân hay hậu duệ gì “dở ẹc” vậy. Tôi không dám nghĩ vậy, bởi mỗi nhà văn đều có một không gian của tác phẩm khác biệt, họ đều có một giọng văn hoặc cách viết không lẫn với ai.
Đọc đâu đó trên các diễn đàn văn chương, người ta nhận xét truyện ngắn của Tống Phước Bảo hay. Vậy theo anh, đâu là những yếu tố cần và đủ cho một truyện ngắn hay, có thể ghim lại vào lòng người?
– Tôi thật lòng luôn cảm ơn và rất quý trọng các anh chị, bạn bè lẫn độc giả đã đọc tác phẩm mình. Điều đó là động lực để một người viết như tôi bền bỉ với đường văn. Dĩ nhiên tôi cũng nhận được cả lời khen, chê, tôi rất quý trọng và luôn tiếp thu. Điều mọi người khen, nói thật tác giả viết, được khen cũng vui. Vui nhưng tôi biết chừng mực và giới hạn để không tự ru mình giấc mơ ảo huyền. Lời chê tôi quan tâm và nghiền ngẫm, bởi đó chính là yếu điểm để tôi hoàn thiện mình hơn. Một tác phẩm hay với tôi là chuyển tải được câu chuyện chạm đến trái tim người đọc. Và khi họ đọc xong tác phẩm ấy, họ ngẫm ra được điều mà mình muốn nói. Độc giả tìm thấy mình trong tác phẩm, vui buồn, khóc thương hay hạnh phúc theo nhân vật, là họ tìm được một câu chuyện thân gần hiện thực để họ sống cùng tác phẩm. Làm được điều đó thì đã là một tác phẩm hay.
Trong truyện ngắn của anh, đề tài mà anh đề cập rất muôn màu sắc, bối cảnh cũng phong phú, đa dạng. Thế chất liệu để anh sáng tác là từ đâu?
– Tôi nghĩ vui là tất cả những người sáng tác thì có lẽ đều… nhiều chuyện hay chắc tại chuyện nhiều nên thường họ sẽ để ý xung quanh, quan sát kỹ, phân tích sâu. Rồi họ để trong đầu mình, một lúc nào đó khi có điều kiện, cảm hứng, hoặc chất xúc tác lại ngồi viết ra. Tôi may mắn được đi nhiều. Mỗi chuyến ruổi rong lại gặp rất nhiều điều để dòm ngó, ngẫm nghĩ và ghim vào đầu mình, thành thử ra tôi có thể viết nên những câu chuyện mà ở đó bối cảnh có thể ở miền Trung, miền Bắc, vùng biển, vùng núi một cách bình thường và thành thật nhất.
Anh viết ở nhiều mảng đề tài khác nhau, nhưng đâu là sở trường của Tống Phước Bảo khi viết truyện ngắn?
– Sở trường của tôi là những câu chuyện mênh mang sông nước. Tôi có thể thay đổi hoặc làm mới mình ở những mảng đề tài khác nhau, nhưng riêng khi viết về sông nước miền Tây thì như một điều gì đó lạ lắm! Nó cứ chảy tràn, chảy miết và ngồn ngộn những điều cần viết ra. Vùng đất phù sa châu thổ chín nhánh sông ấy vẫn còn rất nhiều câu chuyện mà ở đó người đọc sẽ thấy tình người luôn đong đầy, đạo hiếu lễ nghĩa vẫn lưu truyền dù biến thiên thời cuộc đổi dời nhiều thứ. Đặc biệt miền Tây còn có những câu chuyện văn hóa dân gian kiểu truyền miệng lâu đời mà chúng ta cần khai quật lại và khám phá nó bằng lăng kính của người trẻ. Nên dù cứ quanh quẩn với miền Tây, thì cũng không cạn đề tài để viết.
Cũng qua truyện ngắn của Tống Phước Bảo, có thể thấy những câu chuyện nhân văn, tình người sâu lắng. Hình như anh muốn dùng văn chương để trao gửi và lan tỏa những điều tốt đẹp trong cuộc sống?
– Tôi nghĩ trong cuộc sống chắc chắn chẳng ai muốn mình sống không tốt, hay không đẹp. Có lẽ mưu sinh run rủi, hay dòng đời đưa đẩy chẳng hạn, hoặc từ những lần bất khả kháng. Cứ cho là vậy bởi ông bà mình nói “Nhân chi sơ tính bổn thiện”, nếu tin là vậy, thì tôi cũng tin văn chương câu chữ sẽ mang trong mình một sứ mệnh nhân văn. Không dưng mà chúng ta phải tập đọc, tập viết ngay từ thuở nhỏ. Có người viết những điều tốt đẹp, sẽ có người đọc những thứ thiện lành. Câu chữ nếu đủ duyên sẽ cảm hóa được người đọc. Nếu đủ thấm thía sẽ dẫn dắt người đọc. Vậy nên, tôi chọn những câu chuyện nhân văn để câu chữ mình mang đến cho độc giả một sự chữa lành những vết đau. Khi vết đau lành hẳn, tâm hồn người ta cũng trở nên khoáng đạt, ắt sẽ thông suốt những chấp niệm mà sống cuộc đời thong dong bằng an.
Thời gian tới, anh sẽ chuyển tải những vấn đề thời sự nào, chèn những thông điệp gì qua những truyện ngắn của mình?
– Văn chương luôn song hành cùng đời sống, xã hội, đây là điều hiển nhiên. Mọi chất liệu sáng tác đều từ đời sống mà ra. Tác phẩm ra đời thì cần xã hội để lan tỏa. Thứ văn chương chinh phục được công chúng nhất là thứ văn chương hiện thực mà độc giả cảm nhận được. Là một người viết, tôi vẫn muốn đem đến cho độc giả mình những câu chuyện đời thường nhất để độc giả tôi tìm thấy trong những tác phẩm đó chuyện người, chuyện mình. Từ đó truyền đi một năng lượng sống tích cực và một cách sống tử tế nhất. Suy cho cùng mọi tác phẩm khi gửi đến cho người đọc, cũng chính là gởi đi một niệm lành nào đó.
Nếu để nói về hành trình mấy năm qua khi gắn kết cuộc đời với viết lách, anh sẽ nói gì?
– Tôi thấy mình vui. Sau những mệt mỏi của cuộc mưu sinh nhọc nhằn, tôi còn có một góc riêng để trút lòng mình vào đó. Góc chữ này của tôi cho tôi giải tỏa những ẩn ức, bí bách. Cho tôi lan tỏa đi năng lượng tích cực. Từ góc chữ tôi có thêm bạn bè, có thêm những ân tình. Đó là điều tôi thấy mình được. Còn hài lòng, thành công, hay may mắn thì quá sớm để nói hoặc theo quan điểm cá nhân tôi thì người viết chẳng cần những điều đó đâu. Bởi khi bắt đầu viết lách, ai cũng biết hành trình chữ nghĩa luôn là hành trình dài, và nhiều thách thức. Tôi nghĩ là một người sáng tác thì cứ viết đi, thời gian sẽ trả lời, bạn đọc sẽ lên tiếng. Cuộc đời này luôn có những thứ thuộc về mình nhưng chẳng phải mình tạo ra.
Con đường văn chương đầy rẫy khó khăn và chông gai, đã có những người tạm dừng bước. Anh nghĩ mình sẽ theo được bao lâu hay sẽ “ăn đời ở kiếp”, đi xa đi dài cùng văn chương?
– Tôi là người từng từ bỏ văn chương để mưu sinh. Nhưng như tôi nói, nhiều khi văn chương cũng là cái nghiệp. Kiếp tằm thì phải nhả tơ. Nếu phần số mình đã vương vào câu chữ thì một giai đoạn nào đó mình cũng quay về với văn chương mà thôi. Vẫn có những người chọn từ bỏ vì sự khó khăn cùng túng và chẳng đảm bảo cuộc sống. Nhưng một khi vật chất tạm ổn, thì cái đói tinh thần lại khiến họ đau đáu tìm đường quay về. Tôi không dám nói mình sẽ đi bao lâu, bao xa với văn chương, nhưng chí ít đến thời điểm này tôi vẫn còn có niềm vui với văn chương.
Tống Phước Bảo hiện là người nâng đỡ khá nhiều cây bút trẻ. Anh nhận xét gì về những cây bút trẻ trên văn đàn?
– Nếu nói nâng đỡ thì kỳ thực tôi không dám nhận đâu. Tôi cũng chỉ là một người trẻ cần học hỏi từ các bậc đàn anh, đàn chị. Nhưng tôi chia sẻ những điều mình rút tỉa khi viết lách một thời gian cho các bạn sinh viên hoặc các bạn trẻ bước đầu tập tành viết lách. Chia sẻ hệt như những ngày đầu tôi viết lách được các anh chị đi trước chỉ dạy, nhắc nhở rồi chỉnh sửa trau chuốt giúp. Tôi làm điều này bởi tôi nhìn thấy mình trong các bạn. Tôi thấy quý các bạn trẻ vẫn đam mê văn chương giữa xô bồ cuộc sống, giữa thời đại kim tiền.Thú thật văn chương mấy ai làm giàu được đâu, chỉ cần đủ sống là mừng. Chính vì vậy các cây bút trẻ hiện nay có đam mê, có sự dấn thân và ngày càng biết tận dụng công nghệ của thời đại để lan tỏa tác phẩm của họ là điều tôi rất thích và quý các bạn ấy. Các bạn ấy chính là thế hệ mới, là một bộ mặt đầy hấp lực, độc đáo và tân tiến để 5 hay 10 năm sau, văn chương sẽ đánh dấu một sự biến chuyển lý thú hơn nữa. Tôi tin vào những sự tiếp cận phổ quát của thời đại 4.0 sẽ trao cho các tác giả trẻ những cơ hội rực rỡ.
Với những ai vừa chạm ngõ văn chương, thích viết lách, họ mong được cho lời khuyên, Tống Phước Bảo sẽ khuyên gì để họ có thể chạm được những thành công như Tống Phước Bảo đã từng?
– Trong nhiều cuộc giao lưu tôi thấy các bạn trẻ vẫn còn đam mê với văn chương lắm. Họ tâm sự nhiều điều cho tôi nghe, họ nói những lo lắng về hành trình họ chọn liệu có sống ổn hay không? Nói thiệt là sống ổn hay không là do mình. Chúng ta phải sống được thì mới có hành trình văn chương bền bỉ hoặc tâm trạng để viết. Chẳng ai đói rã rời mà viết nổi cả. Vậy nên tôi hay nói các bạn thắp lửa văn chương bằng sự bình an của cuộc sống chính các bạn.
Hành trình viết lách luôn phải đối diện khó khăn từ vật chất lẫn tinh thần, thậm chí rất cô đơn, lắm khi cô độc nữa. Nhưng chỉ cần lòng mình bình an thôi, đường văn của mình khắc tự sẽ dài. Nếu lòng mình còn chộn rộn cuộc mưu sinh, còn chênh vênh chuyện thế sự, thì con chữ cũng chòng chành mà thôi. Có khi mình ngừng viết một đoạn thời gian để sau này mình bền chí đi cả quãng đời với văn chương cũng là lẽ thường. Người ta càng trẻ càng hăm hởlao mình nhưng người viết lách thì sự lao mình phải thấu đáo hơn người thường.
Trên mạng xã hội, có những luồng tranh cãi trái chiều về việc nhà văn có sống nổi với thu nhập từ những sáng tác của mình hay không. Còn với anh, câu trả lời sẽ là gì?
– Vậy phải hỏi lại là họ thấy bao nhiêu là sống nổi? Bao nhiêu là không? Con số chẳng nói lên điều gì cả. Vấn đề nằm ở cách sống mỗi người. Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm. Ông bà mình đã dạy thế. Nhưng với xã hội hiện nay, nếu chỉ thu nhập từ văn chương để sống thì khó lắm. Có chăng, văn đàn chỉ vài cái tên để bán sách thuộc hàng best seller may ra. Phần lớn vẫn phải cày cuốc thêm mảng khác như viết báo, viết giới thiệu… Hoặc có cả những nhà văn, nhà thơ làm những ngành nghề khác để đảm bảo cuộc sống. Cá nhân tôi thì công việc văn phòng là điểm tựa thu nhập cố định để tôi trang trải chi phí cuộc sống. Còn thu nhập từ văn chương tôi dành làm điều tử tế, góp quỹ từ thiện, hoặc nếu tháng nào dư đôi chút tôi cũng tự thưởng cho mình một chuyến du lịch vừa túi tiền. Xem như những chuyến đi tìm chất liệu để viết.
Nhiều tranh cãi, những cuộc đấu tố nhau dữ dội trong giới văn chương đã nổ ra. Khi thấy những tranh cãi, đấu tố ấy, cảm xúc của anh như thế nào?
– Tôi vẫn theo dõi những trận bút chiến như thế. Làng văn hay bất cứ một ngành nghề nào đó cũng như một cộng đồng thu nhỏ trong xã hội mà thôi. Chuyện tranh cãi, sanh nạnh, tị hiềm thậm chí chửi bới dọa nạt cũng nhan nhản xảy ra hàng ngày. Thời chưa có mạng thì những góc tối ấy của làng Văn sẽ nằm trên bàn trà đá vỉa hè, hay trong các cuộc nhậu bí tỉ. Thời này thì nhanh và dễ quá chừng. Cứ bê lên mạng và “đập” nhau tơi tả.
Tôi vốn chẳng thích chốn thị phi, đứng ngoài nhưng cũng có cảm nhận riêng cho mình. Kỳ thực đúng sai của mọi câu chuyện có quan trọng bằng cái nhìn của cộng đồng soi vào làng Văn hay không? Họ ngao ngán, thậm chí còn dè bỉu. Mọi cuộc đấu tố hay khẩu chiến chẳng làm tăng giá trị của một nhà văn. Tàn cuộc rồi thì người tố hay kẻ bị tố cũng mang trong mình nhiều vết xước. Cái nhìn của độc giả vào hai từ “Nhà văn” thêm phần bớt kính.
Vậy nên, tôi nghĩ đã là dân văn chương, viết những thứ hay ho, tử tế, thì cách sống cũng tao nhã và bao dung thấu đáo hơn người bình thường đôi phần. Cùng là dân viết, bày cái bàn, châm bình trà, phải quấy ngồi lại cùng nhau, to nhỏ cho êm xuôi chứ bưng bê ra ngoài chẳng khác nào vạch áo để thiên hạ xem lưng. Sẹo da thịt thì có thể lành, chứ sẹo đời văn thì nó chẳng thể phai mờ đâu.
Anh mong mỏi gì với văn chương nước nhà? Và anh sẽ làm gì để cùng chung tay thực hiện mong mỏi ấy?
– Tôi mong văn chương nước mình ngày càng phát triển và lan ra tầm thế giới. Một thứ văn chương thuần túy, không có rào cản và ràng buộc. Thế giới họ xem văn chương là một mảnh đất tự do. Dĩ nhiên để mong muốn ấy thành hiện thực tôi tin mỗi một nhà văn của nước mình cần sống trọn vẹn và mạnh mẽ với ngòi bút hơn nữa. Riêng bản thân tôi, tôi nghĩ mình chung tay và ủng hộ khuynh hướng mới trên mảnh đất văn chương thuần túy ấy.
Anh có dự định sẽ thử thách bản thân qua một thể loại mới chẳng hạn? Và nếu có, thì bao giờ sẽ “trình làng”?
– Tôi vẫn luôn muốn làm mới mình. Nếu vẫn cứ là một Tống Phước Bảo cũ mòn như vậy độc giả sẽ dễ ngán lắm! Tôi vẫn muốn độc giả của mình được gặp một Tống Phước Bảo lạ lẫm, nhưng vẫn giữ được chất riêng. Tôi đang mày mò thử sức mình với tiểu thuyết và mảng đề tài thiếu nhi. Dĩ nhiên khi dịch chuyển mình qua một không gian sáng tác mới thì rất khó và mất thời gian hơn. Nhưng tôi hy vọng độc giả vẫn yêu thương mình và đồng hành cùng văn chương của tôi.
Sắp tới tôi ra tập truyện ngắn mang tên “Hỗn Kỳ Đài”, bao gồm những truyện ngắn tôi viết về Sài Gòn, về người ở Sài Gòn, cả người bản xứ sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này, lẫn những dân tứ chiếng quá giang đoạn đời ngắn với Sài Gòn. Mỗi người ở thành phố này, đều có một câu chuyện hay ho đáng kể, mỗi câu chuyện lại mang trên mình một sứ mệnh riêng biệt. Ghép nối, hoặc góp nhặt mải miết chẳng bao giờ hết. Thành thử ra viết về Sài Gòn, cũng không thể cạn nguồn cơn.
Xin cảm ơn anh và chúc anh thành công hơn trong nghiệp viết!
Theo danviet.vn