Tôn Nữ Khả Di

Nhà văn Tống Phước Bảo (bên trái) giao lưu với các khách mời tại lễ trao giải truyện ngắn. Ảnh: TL

Hội Quán Chiêu Văn (QCV) vừa trao giải cuộc thi Truyện ngắn Trẻ 2020 – 2021 do Hội quán tổ chức. Nhà văn Tống Phước Bảo, quản trị viên Quán Chiêu Văn, thành viên Ban Truyền thông của Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh, thành viên Ban sơ khảo, người theo sát các tác phẩm dự thi từ vòng sơ loại, chia sẻ với Thời Nay về sân chơi này.

Phóng viên (PV): Thời gian qua có nhiều cuộc thi văn chương diễn ra, làm thế nào để cuộc thi này thu hút được đến gần 700 tác phẩm dự thi?

Nhà văn Tống Phước Bảo (TPB): Chúng ta đang nói nhiều về thế giới phẳng và thời đại 4.0. Không nằm ngoài xu thế này, QCV tạo ra cuộc thi từ nền tảng mạng xã hội Facebook, chính là mong muốn sự thẩm định trên bình diện rộng, mọi người có thể dễ dàng đọc của nhau, tương tác một cách thuận tiện, cởi mở góp ý và mạnh dạn bày tỏ quan điểm. Chính sự hào hứng được khởi lên từ đó đã giúp cuộc thi diễn ra sôi nổi, số lượng tác phẩm gửi về nhiều.

PV: Anh có nhận định gì về mặt bằng các tác phẩm dự thi nói chung và tác phẩm giành Giải nhất – “Lạc đà bay” của tác giả Võ Đăng Khoa?

TPB: Đa dạng từ đề tài, sáng tạo từ thủ pháp cho đến cách tân từ giọng văn. Có những cái tên quen thuộc trong những người viết văn trẻ, đã có giải ở các cuộc thi từ các báo trung ương hay địa phương. Nên BGK chúng tôi đã có một hành trình cân não, bởi chất lượng tương đối tốt của các truyện dự thi. Với “Lạc đà bay”, Võ Đăng Khoa đã chinh phục BGK bởi sự độc đáo trong cách viết, lối văn chỉn chu, câu chữ khéo léo, ẩn chứa nhiều gợi mở và trên hết là giá trị nhân văn mà chàng trai hai mươi tuổi này truyền tải.

PV: Có một thực trạng là không ít cây bút trẻ triển vọng không quá mặn mà về các cuộc thi văn chương. Cũng là một người trẻ đã có một số “gặt hái” qua các cuộc thi truyện ngắn, tản văn, anh có suy nghĩ như thế nào?

TPB: Theo tôi, có ba thứ khiến một cuộc thi trở nên thu hút.

Thứ nhất, cơ quan tổ chức uy tín, danh tiếng. Thứ hai, BGK bảo chứng cho niềm tin công bằng. Thứ ba, giá trị giải thưởng xứng đáng. Nếu một cuộc thi có đầy đủ ba yếu tố này, tôi tin sẽ có một lượng cực kỳ lớn các tác giả tham gia.

PV: Được biết anh còn tham gia vai trò giám khảo một vài cuộc thi viết khác…, vậy anh thu xếp thời gian như thế nào cho hoạt động sáng tác và dự định trong thời gian tới?

TPB: Tôi xem văn chương như là khoảnh khắc lắng đọng trong ngày để giảm bớt áp lực kiếm tiền mưu sinh. Sắp tới tôi cũng sẽ viết gì đó cho thiếu nhi hay một cuốn tiểu thuyết. Rất mong là còn có độc giả thương văn chương, thương cái tên Tống Phước Bảo. Đó là động lực lớn nhất để tôi bền bỉ tận hiến.

PV: Xin cảm ơn anh!

Nhà văn Trịnh Đình Nghi (Người sáng lập QCV):

“MONG CÁC CÂY VIẾT TRẺ ĐI XA, ĐI DÀI VỚI VĂN CHƯƠNG”

Trong diễn đàn QCV, lực lượng người viết trẻ rất đông. Trong một thời gian ngắn vài ba tháng, đã có rất nhiều người tham gia cuộc thi Truyện ngắn Trẻ. Và chỉ 10 tác phẩm hay nhất được vinh danh. Từ đây, chúng tôi mong muốn được lựa chọn những cây viết trẻ xuất sắc mà qua quá trình sàng lọc, tuyển chọn, qua các cuộc thi, qua sự sinh hoạt, học tập, tương tác trên diễn đàn, sẽ đề xuất, giới thiệu trực tiếp đến Ban nhà văn trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam và Ban Chấp hành của Hội để có sự theo dõi, giúp đỡ các cây viết trẻ có thể đi xa, đi dài và đóng góp vào sự đổi mới của văn chương.

Nhà văn Như Bình (Trưởng ban chung khảo):

“NGƯỜI VIẾT TRẺ CÓ TRÁCH NHIỆM VỚI ĐỜI SỐNG HÔM NAY”

10 tác phẩm đoạt giải đều rất xứng đáng. Những “Lạc đà bay” của Võ Đăng Khoa, “Mùi linh giác” của Trần Quốc Toàn, “Lửa tái sinh” của Đào Thu Hà, “Thế giới bất tử” của Mạc Yên… đều là những tác phẩm mới mẻ, độc đáo về cách viết, ngôn ngữ, văn phong và sâu sắc bởi thông điệp gửi gắm. Các tác phẩm đã đề cập đến những vấn đề dân tộc, con người, nhân sinh… gần gụi với đời sống và chứa đựng nhân sinh quan sâu sắc. Những câu hỏi day dứt về đời sống, con người, về sự sinh tồn và bản ngã trở đi trở lại trong tác phẩm cho thấy người viết có trách nhiệm với đời sống hôm nay.

Tác giả Võ Đăng Khoa (Giải nhất):

“ĐÂY THẬT SỰ LÀ SÂN CHƠI BỔ ÍCH”

Tôi được một nhà văn đàn anh giới thiệu vào QCV bằng một comment dưới bài đăng thể lệ cuộc thi Truyện ngắn Trẻ. Tôi chưa biết nhiều về hoạt động của QCV, nhưng đọc qua thấy hoạt động của nhóm rất sôi nổi và có nhiều thành viên là người quen nên tôi rất tin tưởng vào uy tín của QCV và cuộc thi. Tôi nghĩ, cuộc thi được tổ chức trên tinh thần kết nối, giới thiệu những tác giả mới và trẻ, giúp họ học hỏi và trau dồi cho nhau. Đối với tôi, đây thật sự là sân chơi bổ ích.

Theo nhandan.com.vn/baothoinay

Hồng Nhung đưa bài