Đó là tổng kết của giáo sư Phong Lê tại Hội thảo tưởng nhớ một năm ngày mất của nhà văn Tô Hoài được tổ chức tại Hà Nội ngày 18/7.
Còn một tuần nữa theo lịch ta mới đến đúng ngày giỗ của nhà văn Tô Hoài, nhưng theo dương lịch thì đã qua 12 ngày. Ngày 18/7, Hội Nhà văn Hà Nội kết hợp với Công ty sách Phương Nam tổ chức Hội thảo về ông. Ngoài 17 tham luận đã được in thành cuốn, 12 diễn giả trình bày, hội thảo cũng mong muốn có một định danh riêng dành cho ông.
Tô Hoài với những cái nhất
18 đầu sách của Tô Hoài được tái bản đúng tháng 7/2015 trong gần 200 tác phẩm của ông viết ra. 70 năm liền liên tục đi và viết. Giáo sư Phong Lê tổng kết ông Tô Hoài là người đang sở hữu rất nhiều cái nhất. Thứ nhất, về tuổi thọ, so với tuổi thọ trung bình của người Việt Nam hiện nay là 73, thì ông đã vượt 21 năm; Hai là về đầu sách. Ngay trong hội thảo, con số đưa ra là 150 đầu sách (khá nhiều sách khảo cứu, thiếu nhi. Có cuốn chỉ 15-20 trang), tuy nhiên, có thể là 200 (hiện tại chưa ai thống kê chính xác, kể cả Viện Văn học). Hiện nay chưa có nhà văn nào vượt qua con số này; Ba là về lượng người đọc. “Tô Hoài là người có lượng người đọc nhiều nhất trong các nhà văn thế kỷ XX”.
Giáo sư Phong Lê cho biết, ông đọc Tô Hoài với Con dế mèn từ năm 14 tuổi, sau đó là con, cháu và sắp tới sẽ là chắt cũng vẫn… đọc Tô Hoài bằng Dế mèn Phiêu lưu ký. Thậm chí, ông còn tổng kết: “Cả dân tộc Việt đọc dế mèn”; Nhà văn Tô Hoài viết đa dạng thể loại, chất liệu… là cái nhất thứ tư. Năm là, độ phủ sóng của nhà văn rộng khắp trên mọi lĩnh vực, bằng vốn sống huy động vào sách; Cuối cùng, nhà văn Tô Hoài là một người chuyên nghiệp, phục dựng khoa học đậm chất, từ phong tục học, văn hóa học, tới dân tộc học, địa phương học.
“Tôi đặt nhà văn Tô Hoài trong thời kỳ văn học 1930 – 1945, tôi coi đây là thời kỳ ngoạn mục nhất trong lịch sử, với 3 trào lưu văn học đích đáng, phong cách và rõ nét. Riêng ông Tô Hoài nằm trong trào lưu đó. Ông thuộc nhóm 6 nhà văn hiện thực tiêu biểu của Việt Nam: Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Nguyên Hồng, Vũ Trọng Phụng, Nam Cao và Tô Hoài”. Giáo sư cũng nhấn mạnh thêm, Tô Hoài được coi như một bách khoa thư đồ sộ, thật khó gọi ông với nhân xưng nào, không chỉ đơn thuần là nhà văn lớn hay đại thụ. MC Phạm Xuân Nguyên thì nói, có thể gọi Tô Hoài là ông Sáu nhất, hoặc Đa Nhất.
Tô Hoài khơi gợi hứng thú học sử cho giới trẻ
Diễn giả trẻ nhất sinh năm 1994 là cô sinh viên năm 3, khoa Báo chí, trường ĐH KHXH &NV TPHCM, Đặng Thị Thanh Hà. Người nhỏ xinh, phải đứng hẳn trên bục mới đủ độ cao cho mọi người cùng thấy, cô thỉnh thoảng tìm dẫn chứng từ chiếc Iphone 6 trong tay. Khác từ phong thái cho tới cách tiếp cận khi đọc Tô Hoài, cô coi ông như người giải ảo cho lịch sử qua văn học. “Giải ảo đơn giản là phơi bày sự thật, những sự thật lịch sử người ta muốn lãng quên và thực sự lãng quên”- Thanh Hà bày tỏ.
Ngoài ra, cô kêu gọi những giáo viên dạy sử nên đưa những câu chuyện văn học có tính thời kỳ, lịch sử truyền đạt cho học sinh. Từ những bút ký Chuyện cũ Hà Nội, Phố mới, Ba người khác, cô sinh viên Thanh Hà đã thấy một Tô Hoài không chỉ tài năng mà còn truyền được lòng dũng cảm tới giới trẻ. Những tài liệu trong sách giáo khoa sử khó mang lại niềm hứng khởi cho cô, nhưng những chi tiết lịch sử trong văn của Tô Hoài đã khiến cho cô không thể nào quên, kể cả 10 năm sau! “Người trẻ nên đọc Tô Hoài để có trách nhiệm với ngôn ngữ vì ông sống trong tâm tư của người trẻ. Tô Hoài đã mang lại một ký ức rõ ràng và trọn vẹn về thời trước. Hãy để Tô Hoài chỉ ta sống đúng trách nhiệm với lịch sử và dạy ta biết sống những chữ của mình”.
Theo Hiếu Thảo – Tiền phong online