Theo cuốn Nhà văn Việt Nam hiện đại xuất bản năm 2010, nhà văn Tô Hoài sinh năm 1920, tức là bây giờ ông đã 92 tuổi. Thế mà gương mặt của ông sáng 19/12 tại Cung Văn hóa Hữu nghị vẫn rất tươi tỉnh, thậm chí sáng láng… Có lẽ không khí chung vui của giới văn chương đã làm ông thêm sinh lực, dù tôi biết rất rõ rằng, cơ thể của một trưởng lão ở tuổi ngoại cửu thập thì khó có thể nói là khỏe được… Và những gì được chứng kiến ở buổi lễ liên quan tới nhà văn Tô Hoài khiến tôi thực sự cảm thấy nao lòng.
Tôi nghĩ rằng, phải là kẻ rất vô đạo mới hạ bút nhận xét về lễ kỷ niệm Hội Nhà văn Việt Nam 55 tuổi, diễn ra tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội sáng 19/12, là “già nua”. Đúng là có không ít nhà văn cao tuổi đã tới tham dự lễ kỷ niệm nhưng nếu chúng ta chỉ cần là những người bình thường thôi thì cũng phải nhìn thấy trong hình ảnh đó những xúc cảm tốt lành, thậm chí cả lòng biết ơn. Bởi lẽ, đó là những con người đã từng phụng sự nền văn học của chúng ta từ rất lâu rồi và nếu không có thế hệ những người như họ, thì chắc gì chúng ta đã có đội ngũ những người cầm bút như hôm nay. Chính trong tuổi hạc của các nhà văn trưởng lão mới toát ra sức xuân của một nền văn học, có gốc rễ lâu bền từ trong quá khứ. Mạo phạm tới các vị là mạo phạm đến đạo đức chung của tất cả chúng ta.
Hình như nhà văn cao tuổi nhất của buổi lễ sáng 19/12 là Tô Hoài. Theo cuốn Nhà văn Việt Nam hiện đại xuất bản năm 2010, nhà văn Tô Hoài sinh năm 1920, tức là bây giờ ông đã 92 tuổi. Thế mà gương mặt của ông sáng 19/12 tại Cung Văn hóa Hữu nghị vẫn rất tươi tỉnh, thậm chí sáng láng… Có lẽ không khí chung vui của giới văn chương đã làm ông thêm sinh lực, dù tôi biết rất rõ rằng, cơ thể của một trưởng lão ở tuổi ngoại cửu thập thì khó có thể nói là khỏe được… Và những gì được chứng kiến ở buổi lễ liên quan tới nhà văn Tô Hoài khiến tôi thực sự cảm thấy nao lòng.
Chính vì thế nên rời buổi lễ về nhà, tôi đã tìm lại trong kho lưu trữ của mình những ghi chép cuộc trò chuyện với nhà văn Tô Hoài từ những năm trước. Dễ phải đến hơn 10 nghìn từ… Và hôm nay tôi muốn giới thiệu với bạn đọc của ANTG CT một phần của những ghi chép đó. Thực sự tôi cũng muốn nhà văn Tô Hoài được đọc lại những gì mà ông đã nói cách đây còn chưa lâu.
– Trong làng văn, ông cũng như ông Kim Lân, là những nhà văn rất hạnh phúc, ít nhất là bởi vì sống qua thời đại của mình, sống đến thế kỷ mới trong khi rất nhiều người cùng thời đã trở thành “những người muôn năm cũ”. Trong những cuốn hồi ký rất được ưa chuộng, rất được nhiều người tìm đọc, ông đã kể không ít điều về nhiều người cùng thời với ông, mà trong đó có những điều mà không hẳn các nhà văn ấy đã thích được bộc lộ ra. Ông nghĩ như thế nào về chuyện này? Ông có nghĩ rằng, đã đến lúc chúng ta nên nói tất cả mọi điều về nhau, mọi sự thật đều cần được công khai “một miếng giữa làng”? Như thế vẫn hơn là giấu giếm đi những góc cạnh nào đấy của cuộc sống?
– Tôi thì tôi thấy như thế này, chả có gì phải giấu giếm cả. Chắc là tôi còn viết nữa. Viết thì người ta không thích, mà mình cũng tự hiểu rằng không phải mọi điều mình viết ra đều đúng cả, nhưng mình viết theo tầm biết của mình, theo những gì mình biết, theo cách nghĩ của mình. Có nhiều cái nên viết hơn nữa.
– Sự thật hiện ra trước mắt lớp hậu sinh, nhiều khi là nhiều người nói theo cách khác nhau của họ với sự trung thực, chứ không phải mình làm cho mọi chuyện trở nên tròn trịa hơn hay méo mó đi chỉ vì một, hai, ba, bốn lí do nào đấy, nghe ra thì có vẻ hợp lý nhưng thực chất không hẳn là như thế?
– Nhiều khi những chuyện lặt vặt, nhưng thật ra là rất thích, ví dụ như chuyện Nam Cao trước khi về vùng tề. Cái chuyện vùng tề mà Nam Cao bị mất là cái chuyện như thế, nhưng bên trong nó có những cái nông nỗi như thế này: đúng là như Kim Lân đã viết cái chuyện về Nam Cao, ông viết về cái làng ấy, song viết xoàng quá thì chính Nam Cao cũng xé đi, đấy là ông ấy bận tâm về cái chuyện đấy. Thật tình mà nói, lúc Nam Cao đi cùng Nguyễn Huy Tưởng về khu 4 chứ không phải đi vùng tề, nhưng trước lúc ấy thì Nam Cao được báo Cứu quốc gọi lên Việt Bắc cùng làm với tôi thì công việc cũng yếu yếu, rồi theo vợ con về vùng tề, nói chung là…
– Không ở chiến khu nữa vì khổ quá?
– Không, ở khu 3. Nam Cao không ở Điện Biên Phủ được nữa nên phải về vùng tề. Nam Cao đi cùng anh Tưởng qua khu 3, về khu 4. Nghe báo cáo hẳn hoi là khu 3, cái vùng cơ sở an toàn có đại đoàn của ông Văn Tiến Dũng, đại đoàn mạnh lắm (Đại đoàn 320). Nguyên tắc là đi nông nghiệp, nhưng qua Đại Hoàng thì ông ấy quyết định rẽ vào. Từ cái vùng Ninh Bình qua Đại Hoàng thì chỉ có một đêm thôi. Thế còn cái đám nông nghiệp thì đi nông nghiệp. Không may đấy là một cánh đồng chiêm, nếu may thì đi qua một đêm là xong, nhưng đến chập tối thì du kích gác rút đi, Tây thì chỉ có một bốt đi tuần. Nghe nói, lúc địch đến thì bên ta đi 7 thuyền, Nam Cao ngồi thuyền đầu. Tôi đã đi với Nam Cao một lần ở đường số 4 trong chiến dịch Biên giới năm 50, Nam Cao rất cẩn thận, và nhát nữa, nhưng tất cả những lúc cần thiết thì ông ấy đi đầu. Có những lúc đi theo đường dây mà liên lạc dẫn qua, không ai muốn đi đầu, đi đầu nhỡ cái… nhưng lão cứ thế lão lao, lù lù dẫn đầu (cười). Việc chó gì mà phải đi thuyền đầu, có 7 thuyền thì mình là nhà văn mình tội gì. 3 thuyền bị bắt, 4 thuyền chạy được. Ông ấy có lấy giấy trong người nói là cán bộ y tế hay bình dân học vụ, thì địch thường cũng không sát hại vì có người biết tiếng Pháp. Đêm hôm ấy, tất cả 8-9 người ở cái thuyền đầu rất ô hợp. Có những người định trốn thì nó đem bắn cả cho tiện. Nếu không có thì cái bốt ấy theo nguyên tắc là nó giao cho đồn địa phương chứ không xử lý gì, nó chỉ đi qua thôi, thế là chết. Cái chuyện nó rất là tình cờ.
– Hồi còn bé đi học, tôi có được nghe phân tích truyện ngắn “Đôi mắt” của Nam Cao thì các thầy giáo, kể cả các thầy là học trò của ông Vũ Bằng ngày xưa, và con cháu thì hết sức phê phán thái độ của ông Hoàng trong đấy, tức là Vũ Bằng. Và sau này mới biết hoá ra Vũ Bằng là điệp viên của quân đội. Một khi biết cái tin ấy thì thái độ người đọc của chúng ta đối với nhân vật Hoàng và Vũ Bằng là khác hẳn. Như vậy, khi diễn giải hoặc khi nhà văn viết, đôi khi là không có cái ý như thế, và cái ý được truyền ra lại do một số người diễn giải sai, hay thực sự là Nam Cao hồi ấy đã nhìn Vũ Bằng như thế, hay thực sự Vũ Bằng là điệp viên nhưng vẫn là người xấu chăng? Ông là người chứng kiến, ông nói như thế nào về Vũ Bằng, về mối quan hệ của Nam Cao và Vũ Bằng, về quan niệm của Nam Cao thể hiện trong truyện ngắn “Đôi mắt”?
– Trước hết, tôi thấy tất cả những chuyện Vũ Bằng sau này thành Vũ Bằng phản động thì nó là cái chuyện của cả nền văn học của mình lúc ấy có khuynh hướng theo Tàu, tiêu cực tích cực nó rõ ràng. Chứ còn những việc xảy ra như Nam Cao viết rằng Vũ Bằng nhận xét nông dân như thế thì nó rất thường lúc bấy giờ đối với một người tiểu tư sản ở thành phố đi ra ngoài nói về nông dân ở thôn quê trong kháng chiến chống Pháp, đấy là qua những việc sâu hơn. Chứ còn các vấn đề của anh Nam Cao nói có khi cụ không biết. Ông Vũ Bằng mà phân tích ra là thế này: với sự hiểu biết sau cùng của mình, ông ấy là cơ sở của tình báo. Bảo ông ấy là tình báo là không đúng. Là cơ sở của tình báo thì ông ấy làm gì, không làm gì, ông Nam Cao không thể biết. Thứ hai, con người của Vũ Bằng cực kỳ phức tạp. Viết đểu, chơi bời cũng đểu lắm (cười). Không chơi với ai. Trong cái thời trước cách mạng ấy, tôi với Nam Cao là hai người ảnh hưởng của Vũ Bằng rất nhiều, ảnh hưởng về phong cách ấy, đặc biệt trong cáiThương nhớ mười hai của Vũ Bằng. Tôi rất quý! Nhưng ông ấy cũng là người chơi rất ghê! Phải nói rằng đời ông ấy cứ chuyên viết văn thì chắc là khá hơn, nhưng ông ấy làm báo nhiều quá, ông ấy làm giàu nữa.
– Có khát vọng làm giàu?
– Ông ấy làm giàu thật. Ông ấy là con một nhà nho có hàng quán làm ăn kiểu như tư sản ở Hàng Gai. Ông ấy học Albert Sarrau cùng với cụ Phạm Văn Đồng và Trần Lệ Xuân ấy, sau rồi ngay lúc còn thanh niên, ông ấy đã lấy bà Quỳ bấy giờ, lúc chúng tôi lên chơi, bà ấy còn xoa phấn lên tay.
– Bà ấy hơn ông Vũ Bằng bao nhiêu tuổi?
– Chắc là hơn nhiều. Đại khái là bà ấy chơi họ với mẹ của ông Bằng, rồi ông ấy lấy bà đó.
– Theo ông thì ông ấy lấy vì tình yêu hay vì cái gì khác?
– Chắc là vì tình yêu thôi…. Cho nên, đối với ông Vũ Bằng thì ngày ấy chúng tôi chỉ biết như thế thôi. Mà Nam Cao sau này viết Đôi mắt thì chính cái chuyện ấy Nam Cao kể cho tôi rất kỹ về cái lần đến chơi nhà Vũ Bằng. Có một chi tiết mà Nam Cao không dám viết là Vũ Bằng chỉ phục có 2 người trong Cách mạng, đấy là Cụ Hồ và ông Nguyễn Khánh Toàn. Cái đêm Vũ Bằng và vợ đọc Tam Quốc cho Nam Cao nghe thì Vũ Bằng thích nhân vật Tào Tháo nhất, thích lắm ấy (cười). Chính lúc đầu Nam Cao đặt tên cái truyện ấy là Tiên sư thằng Tào Tháo (cười). Sau cậu ấy bỏ cái tên đó đi mà đổi thành Đôi mắt vì sợ những liên tưởng quá đà… (cười).
– Xem ra trước năm 45, những nhà văn như ông, Nam Cao, Vũ Bằng không sợ ai cả. Tại sao trong vài năm, bằng cách nào mà tự nhiên các nhà văn lại có nhiều nỗi sợ như thế? Chẳng hạn như chúng tôi được sinh ra trong lòng chế độ này, ngay từ bé đã được truyền trong dòng máu tất cả những nỗi sợ ấy rồi. Vậy bí quyết nào, phương thức nào mà trong vòng chỉ vài ba năm những nhà văn kiểu “bán giời không văn tự” như các ông lại trở thành những người hết sức ngoan đạo, chỉn chu, mực thước, ít ra là về mặt hình thức?
Vợ chồng nhà văn Tô Hoài.
– Tôi cho rằng chỉn chu, mực thước… cũng là đúng con người như thế.
– Vấn đề của nghệ thuật là phải bước qua nỗi sợ để tiến tới mọi giới hạn. Thế hệ hậu sinh như chúng tôi vẫn ngạc nhiên rằng tại sao chỉ trong vòng vài năm lại biến cải được những con người như thế, đấy là vì lý tưởng hay có một phương thức huyền diệu nào chăng?
– Do những điều kiện của chế độ mình thôi, nó nghiêm khắc, ngay ngắn đến khắc nghiệt.
– Và các nhà văn với trí thông minh thiên bẩm hiểu rất nhanh điều đó và thích ứng rất nhanh?
– Thích ứng rất nhanh và cũng ba lăng nhăng rất nhanh (cười).
– Tại sao trí thức của mình lại ít những nhân cách như ngày xưa, dám bỏ tất cả vì chữ nghĩa của mình, vì lý tưởng của mình? Ông lý giải điều ấy như thế nào, hay đấy là sự cần thiết để tồn tại trong một thế kỷ hết sức khó khăn đối với cá nhân chúng ta cũng như đối với cả dân tộc?
– Theo tôi thì cái cũ của những ông nhà văn ấy cũng chả có gì, các ông ấy cũng nghèo hèn.
– Tức là người đã nghèo hèn thì ở đời nào cũng nghèo hèn, người có nhân cách thì thời nào cũng có nhân cách?
– Chế độ ta nó rõ ràng, quan chức cũng rõ ràng!
– Có ý kiến như thế này và có thể là không đúng: nhà văn Tô Hoài rất khôn ngoan trong cuộc đời mình, cuộc đời như cuộc chơi của ông và ông biết cần đi nước nào để bao giờ đi ra khỏi nước mà vẫn khô, bao giờ cũng vừa an toàn mà vừa đạt được cái điều ông muốn trong bất cứ tình huống nào. Bởi vì ông đã biết rõ con đường của ông cần phải đi, việc ông cần phải làm?
– Có thể cũng đúng một phần, vì muốn làm gì thì làm, tôi vẫn cứ muốn làm cái việc của tôi đã, ví dụ như là viết. Từ trước viết thế nào thì bây giờ tôi vẫn viết như thế.
– Trong thế hệ của ông, ông đã có điều kiện nhìn gần những nhà văn, nhà thơ hiện nay đã trở thành những tên tuổi, những cái mốc hết sức sáng chói của văn học nước ta, ông có thấy rằng đôi khi giữa những tác phẩm và nhân cách nhà văn có khoảng cách nào đó không? Nó không phải một thể thống nhất, và những lệch lạc ấy là do áp lực hay do điều kiện khách quan, và vì vậy thế hệ sau phải nên kính trọng hay nên thương cảm những nhà văn đi trước?
– Tôi thấy mỗi người mỗi khác, thí dụ như anh Đồ Phồn khác, anh Thế Lữ khác, ông Nguyễn Tuân khác… Trong số văn nghệ sĩ thì tôi chỉ chơi với một số người thôi.
– Những người ông chơi là ai ạ?
– Trước kia là Nguyễn Tuân, sau là ông Nguyễn Văn Bổng, thế thôi.
– Ông cũng không chơi với nhiều người. Nhưng ông nghĩ như thế nào về Xuân Diệu và Huy Cận?
– Trong Cát bụi chân ai tôi đã viết về thơ Xuân Diệu rồi (cười).
– Đấy là trong sách, nhưng bây giờ ở đây, trong ngôi nhà của ông?
– Tôi thấy ông Xuân Diệu không có gì, khác thì chỉ khác ông Huy Cận thôi.
– Nhưng mà phải thấy như thế này, Tô Hoài viết mỗi ngày một hay hơn, triết lý hơn, trong khi đó Huy Cận lại ngày một “trẻ thơ” hơn, đơn giản hơn. Ông nghĩ điều này như thế nào?
– Tôi cho rằng ông ấy già, ông ấy lẩm cẩm rồi.
– Ai mà chẳng vậy, có sao đâu…
– Đành thế. Ví dụ như ông Huy Cận trả lời phỏng vấn Tạp chí Văn học, nói rằng “chưa bao giờ tôi viết sung sức như bây giờ”, lẩm cẩm rồi chứ còn gì nữa (cười). Cũng như đọc Thượng đế cười của Nguyễn Khải, tôi thấy ông ấy cũng lẩm cẩm. Ông Nguyễn Khải đi tìm các cụ 5 đời nhà ông ấy, từ ông tổ Nguyễn Bặc ở Thanh Hoá, tìm cho kỳ được rồi ông ấy viết Thượng đế cười, rồi ông sáng tạo ra cái nhân vật vợ ông ấy hay ghen…
– Bây giờ, nếu như nhà văn Tô Hoài chỉ được viết một cuốn tiểu thuyết nữa thôi, ông sẽ nói cho thế hệ sau điều gì trong cuốn sách đó? Điều gì cần thiết nhất nhà văn Tô Hoài cần nói lại?
– Chắc chắn tôi cũng chỉ làm được như thế thôi. Có lẽ tôi cũng định viết, dự định cũng nhiều nhưng, nhiều lắm là viết được một quyển, cũng định viết một cuốn hồi ký nữa, nhớ cái gì thì viết cái ấy. Mình cũng định viết một cái về thời bao cấp.
– Là người đã sống với các nhà văn nổi tiếng, ông thấy ai là người ít thay đổi nhất trong văn nghiệp của mình, bất luận tình huống bên ngoài như thế nào thì vẫn giữ được khí chất của họ? Mà là thực chất chứ không phải cái hình thức bên ngoài kiểu Nguyễn Tuân đâu?
– Có lẽ chỉ có Nguyên Hồng.
– Cái chất của Nguyên Hồng là gì?
– Ông ấy chỉ như thế thôi. Trước Cách mạng cũng thế, ông ấy gần như chẳng để ý gì đến xung quanh cả. Cho nên tôi nói đến ông ấy trong quyển Bước ngoặt là: ông lúc nào cũng đeo, cũng vác cái tha ma trên lưng, ông ấy thích cầm bản thảo lắm. Thứ hai là tôi không thích làm cái chuyện đó nên ông ấy chửi tôi ghê lắm. Cái ý nghĩ của ông ấy là cái ý nghĩ từ bao giờ ấy, sẵn có. Cũng như hồi làm báo Văn, ông ấy mắc sai lầm, ví dụ ông ấy giật chồng báo Văn ra như thế này, ông ấy nói một hồi, ông bảo tôi bỏ công bỏ việc ở cơ quan, bao nhiêu việc tôi bỏ hết về để đi làm báo Văn thì tôi có thể sai lầm thế nào được. Ông ấy khóc hu hu lên! Đã mất công như thế rồi thì không thể sai lầm được, thế là người ta tha.
– Còn ông thì có phải là người thay đổi nhiều với thời cuộc không, hay là như lúc đầu ông nói cái thay đổi của ông chỉ là hình thức bên ngoài, còn bản chất bên trong là không bao giờ thay đổi?
– Chắc thế! Mình thì làm thế nào để cho mình dễ chịu hơn, không như Nguyên Hồng bỏ lên Nhã Nam sống.
– Theo ông thì người viết ít như ông Kim Lân có thể được coi là thành công hơn, trong khi ông Bùi Hiển lại viết nhiều. Vậy một người như thế nào thì được coi là thành công trong chế độ mới?
– Có lẽ thế này, không cứ là viết ít hay viết nhiều. Tên gọi là nhà văn thì có một, hai quyển được, không cứ là viết nhiều. Còn ông Kim Lân ông viết ít là do sau này ông ấy lười, ông ấy mất thói quen viết.
– Đơn giản là mất thói quen viết thôi chứ không phải là một sự chủ định tạo dáng, đúng không?
– Không, không. Mất thói quen viết thôi chứ còn với những tác phẩm của Kim Lân như thế có thể là thành công, với Bùi Hiển một hai truyện như thế là thành công. Ông Bùi Hiển thì bố ấy cũng như là công chức, rất hiền, rất chăm chỉ. Một lần, ông Hiển đưa cho tôi xem một truyện ngắn, ông ấy nói, chúng nó bảo tôi đếch biết viết về tình yêu, đây ông xem như thế nào. Ông ấy tả cái nhân vật nữ kỹ lắm, nào là tóc, tai v.v, thì mình mới bảo là ai chứ đây là bạn gái của ông chứ còn chó gì nữa (cười). Ông ấy là cái người chân chỉ, thật.
– Xuân Diệu đã từng viết rằng “Nhân loại xem gần vẫn xấu xa”, câu này có thể áp dụng vào đại đa số các nhân vật trong thế hệ nhà văn các ông không? Văn của họ rất ấn tượng, nhưng khi tiếp xúc với họ thì liệu độc giả bình thường có bị thất vọng hay không? Bởi vì ở một cơ chế khác thì lúc nào họ cũng trung thực với họ, họ không e ngại giấu giếm những điểm yếu của mình, còn các nhà văn của chúng ta thường hiện lên dưới mắt công chúng trong một ánh sáng quá loá và che hết tất cả những góc cạnh đi, và khi gặp nhà văn ấy thì độc giả hay bị thất vọng. Điều ấy có đúng với cả thế hệ ông hay không?
– Không biết lớp sau này thế nào, nhưng đối với chúng tôi, gọi là thế hệ cũ thì thật ra theo cá nhân tôi, nó yếu và nó mỏng, không nhiều. Hầu hết mình vẫn dùng câu “nhai thuê viết mướn kiếm ăn lần hồi”. Những người trở thành tài năng lớn như Vũ Trọng Phụng cũng là viết để kiếm ăn.
– Rất nhiều bạn đọc cũng như một số nhà văn, nhà phê bình rất nuối tiếc cho những người, điển hình là hai nhà văn mất quá sớm là Vũ Trọng Phụng và Nam Cao. Vậy đến bây giờ bác có thể nghĩ rằng liệu họ có thể đạt được những đẳng cấp vinh quang hơn, lớn hơn nếu họ còn sống không?
– Tôi không được biết những cụ như Tản Đà hay Vũ Trọng Phụng khi tôi bắt đầu viết văn. Nhưng tôi biết Nam Cao… Nam Cao là một anh tiểu tư sản trí thức, bởi vì gia đình ông ấy thì ở nông thôn thật nhưng đến đời ông ấy là học sinh ở Nam Định. Ông ấy đã đỗ Thành Chung, đỗ diplome, tức cũng là trí thức. Ông ấy tiếp xúc với giới trí thức sau này khi ông ấy đi dạy học. Truyện Chí Phèo là 100% cái chuyện của vợ ông ấy kể cho ông ấy nghe. Tất cả những truyện Nam Cao viết đều do chị ấy kể hết (cười).
– Ông đã đi nhiều nơi trên thế giới, ông có thấy ở mình nhà văn dường như không thể sống nổi bằng một sự không quyền chức? Các nhà văn địa phương đã thế, các nhà văn trung ương cũng thế, hình như có quyền chức họ mới tồn tại được, mới duy trì được danh tiếng của mình, chứ không ai sống bằng tác phẩm cả. Tại sao lại như vậy?
– Vì ông nhà văn nào cũng là cán bộ thôi.
– Chính sách cán bộ đã khiến các nhà văn chúng ta như thế, và đấy có phải là một lý do khiến cho chúng ta quá ít các tác phẩm lớn?
– Cũng có thể. Không có sự điêu đứng, không có sự thay đổi, không có sự ghê gớm.
– Chúng ta có nhiều tác phẩm đúng hơn nhiều tác phẩm hay?
– Ừ. Đời sống dù sao nó cũng là êm đềm…
– Nếu cho ông chọn thì ông chọn sự êm đềm hay một sự điêu đứng để tác phẩm hay?
– Không nên êm đềm. Lại nói chuyện khôn ngoan của tôi, tôi đi nước ngoài nhiều nhưng nếu để ý sẽ thấy có bao giờ tôi đi dưới danh nghĩa Hội Nhà văn đâu. Cho đến bây giờ tôi vẫn là Phó chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Á – Phi – Mỹ Latinh (cười). Tôi đi theo con đường ngoại giao nhân dân. Bây giờ một là mình già rồi, hai là bây giờ tiếng Anh là chính, không còn tiếng Pháp cho mình nữa, mà mình loay hoay thì không còn mấy anh già nữa… (cười).
– Ông có hay ngủ mơ không?
– Không, không bao giờ.
– Ông quê ở Cát Động, Hà Đông, nhưng vẫn được coi là một nhà văn mang cốt cách của Hà Nội, một trong những nhà văn mang phong cách Hà Nội nhất. Một trong những việc chúng ta tìm thấy những di chỉ khảo cổ mới là tạo nên một tầm vóc khác của cha ông, riêng ông thì ông cảm thấy chuyện ấy như thế nào? Có thực sự như thế không hay là một cơn sốt mới?
– Tôi chắc thực sự là đúng thế. Bởi vì có đào đất lên mới biết, xưa nay di tích của các triều đại Lý, Trần, Lê đều ở dưới đấy cả. Bây giờ tình hình nó khác đi, chứ nếu không khác thì chắc là cái yêu cầu của ông Phan Diễn đã thành công, vì ông Phan Diễn chủ trương là cứ làm. Chúng ta đều biết, trước kia chúng ta định xây nhà Quốc hội ở Quần Ngựa, sau lại bỏ.
– Nếu thực sự cha ông chúng ta đã kỳ vĩ như thế thì cái sự kỳ vĩ ấy biến đi đâu mất? Mà trước việc này, chúng ta đều nghĩ rằng cha ông mình rất nhỏ, mình xem phim Trung Quốc chỉ nghĩ được rằng cái cung điện của mình chỉ to được bằng cái chùa của họ. Vậy thì lý do tại sao cái kỳ vĩ ấy lại biến đi đâu mất, cả kiến trúc lẫn cả cốt cách của người Việt?
– Của mình nó rất vĩ đại ở đâu thì không biết, nhưng cái công cuộc trùng tu và khảo cứu của mình thì nó rất cò con, vì nó tốn tiền quá.
– Ông đã bao giờ thử lý giải tại sao trong hai thế kỷ gần đây, cái sự kỳ vĩ của tính cách Việt nó bị suy giảm như thế, bởi vì khi bị suy giảm thì nó sẽ rất dễ bị hấp thụ cái tà đạo?
– Tôi lớn lên vào cái thời Pháp thuộc, tôi cho rằng ảnh hưởng của Pháp và ảnh hưởng lâu dài của văn hoá Trung Quốc nó đè mình. Nó tạo cho mình cái sự yên tâm khi ở cạnh một nước lớn, ở cạnh một nền văn hoá lớn, tất cả những cái của mình nó chỉ là cái hoạt động vụn vặt.
– Và mình bắt buộc phải chấp nhận vị trí đó và không nên có tham vọng gì hơn?
– Tôi đọc Mạc Ngôn, Giả Bình Ao, Cao Hành Kiện. Giả Bình Ao thì tôi không thích. Mạc Ngôn thì thích mỗi một quyển “Vú với cả mông” (Phong nhũ phì đồn, tức Báu vật của đời trong bản dịch ra tiếng Việt – HTQ) thôi. Linh Sơn thì Tây quá, nhưng mà cũng hay. Tôi đọc đến hai lần rồi tôi vẫn muốn đọc nữa, mặc dù tôi không thích lắm nhưng tôi cho là giỏi. Tôi có cái buồn cười là có anh không thích nhưng vẫn cứ đọc. Tôi đọc bản thảo của anh em viết rất là hưng phấn, thậm chí cả bản thảo vứt đi.
– Nhiều khi là đọc xem sự ngô nghê nó như thế nào?
– Ngô nghê nó như thế nào, đúng! (Cười). Tôi lại có cái thú đọc bản thảo, không ngại viết hay hay viết dở. Hay nói cái truyện cao cấp như Linh Sơn, tôi không thích ông này lắm, Tây quá! Nhưng tôi vẫn đọc đi đọc lại.
– Ông có kỳ vọng gì vào nền văn học của chúng ta không?
– Chưa thấy.
– Biết đâu khi chúng ta yên tâm với sự nhỏ bé của mình giữa những nền văn hoá lớn thì đấy cũng là một tư thế hay hơn là những khát vọng ảo tưởng?
– Có thể trông thấy rõ là cả tại anh em chúng mình, cả tại lãnh đạo. Muốn nói gì thì nói, mấy cái ông lãnh đạo, dù cho là độc tài của Tây, nói riêng về văn học thì ai cũng đọc cả, từ Stalin cho tới Khrusov đều đọc truyện.
– Ông có định mang theo cái bí mật nào đó theo mình mà cả đời không nói ra không, về đời sống, văn chương, tình ái…?
– Có lẽ chỉ ôm mỗi một bí mật này thôi, cũng chả có gì là quan trọng đến mức bí mật. Bây giờ mình đọc Cáo phó mình thấy các lão thành cách mạng nhiều quá (cười). Nhiều quá. Nhiều quá!
– Thực ra khi người ta đã vượt qua những thời buổi nào đó thì cũng thể tất. Ông có điều gì ân hận trong suốt chừng ấy năm không?
– Đời sống của tôi nó nhỏ nhoi. Từ gia đình cho đến bản thân, cuộc sống không có cái gì nó to lớn. Cho đến tận bây giờ tôi cũng chẳng biết dòng họ tôi là ai, ông cụ tôi ở đâu, như thế nào. Tôi sống với mẹ ở quê ngoại tôi.
– Liệu trong lòng một người như ông có còn một mối thù nào không?
– (Cười): Không!
– Có một tình yêu nào mong muốn mà không đạt được không?
– Tình yêu thì mình vốn là một cái thằng “lăng nhăng”, không có gì là cao siêu. “Thiếp như hoa. Chàng như con bướm lượn vành mà chơi”. Thế thôi. Bao giờ chia tay cũng đẹp và buồn (cười)! Không lừa ai.
– Bây giờ một cô bé 20 tuổi đến và nói rằng “Em yêu chàng” thì ông sẽ nói với cô gái ấy như thế nào? Ông có dám phiêu lưu lần cuối cùng không?
– Không để làm gì! (Cười).
– Ông có hay gặp những nhà văn thế hệ cũ còn lại không, hay là chỉ tiếp xúc với những thế hệ sau mình thôi?
– Thỉnh thoảng cũng gặp một số bạn bè cũ, trước hết là xem họ có uống bia được không (Cười).
– Ông hiện nay vẫn uống được bia chứ?
– Tương đối! Những anh hay uống bia với tôi ngày trước, giờ chẳng còn mấy ai; những anh như anh Bổng chết hết rồi.
– Ông có cảm thấy cô đơn khi tiếp chuyện thế hệ hậu sinh như chúng tôi không?
– Không!
Nguồn: CAND