Nhà văn Thùy Dương sinh năm 1960, tốt nghiệp Trường Viết văn Nguyễn Du khóa 4, theo cách đánh giá của đồng nghiệp thì sự nghiệp văn chương của Thùy Dương cho đến nay đã thể hiện đầy đủ bốn chữ “đầy đặn tỏa sáng”. Nhà văn Thùy Dương là tác giả của 6 tập truyện, đáng chú ý hơn cả là các cuốn tiểu thuyết Ngụ cưThức giấc – đều đoạt giải thưởng tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam hay tiểu thuyết Nhân gian – giải văn xuôi Hội Nhà văn Hà Nội (2010).

1. Câu chuyện trong tiểu thuyết Chân trần được nhà văn Thùy Dương kể bằng nhiều giọng, có bóng dáng của những cuốn tiểu thuyết dòng tộc kinh điển. Nhân vật trong cuốn tiểu thuyết là những người đàn bà, những số phận, những đôi chân trần nhọc nhằn trên con đường đời đầy sỏi đá, đầy những chông gai trên cõi thế vô cùng.

Thân phận những người phụ nữ, họ chỉ có một mối dây liên lạc máu mủ rất xa xôi nhưng gần về đường dây tâm linh và những giấc mơ chiều dài lịch sử thăng trầm của dòng họ. Chân trần đã chiếu rọi từ cuộc sống gia đình vừa phức tạp, vừa hài hước của ông đốc tờ đa thê nhưng cuối cùng còn lại nhõn một người và đó lại là người neo giữ linh hồn của ngôi nhà.

Nhà văn Thùy Dương.

Việc chia từng phần nhỏ trong cuốn tiểu thuyết, mỗi phần lại có những đề từ được dẫn từ kinh Phúc âm, F.Nietzsche, Kant, Milan Kundera hay Olga Bergoltz khiến cho độc giả dễ tiếp nhận và đây như là khoảng lặng, những “chiếu nghỉ” của tâm hồn trong một cuốn tiểu thuyết dài hơi.

Đôi khi người đọc rơi vào trầm tư bởi gặp ý kiến của Steve Jobs được “gắn” vào để chuyển tải một chủ đề ẩn trong một phần tiểu thuyết: “Đừng rơi vào bẫy của sự độc đoán, giáo điều của người khác. Đừng để những ý kiến ồn ào xung quanh đánh chìm tiếng nói bên trong bạn. Và quan trọng nhất, hãy đủ dũng cảm để đi theo tiếng gọi của trái tim và linh tính. Chúng biết bạn thực sự muốn gì. Mọi thức khác chỉ là thứ yếu”.

2. Nhà văn Thùy Dương luôn biết cách mang những tâm trạng, cảm xúc hiện tại của mình để dự phần vào ký ức buồn đau của “đường trần”, vào nỗi buồn quá vãng trong cõi nhân thế. Chị đã lần lượt gõ cửa, gọi tên và phục sinh cho những tàn khuyết kỷ niệm, ngày một tròn trặn, đủ đầy. Văn của chị nhờ vậy, cứ thấm tháp lặng lẽ, rơi chầm chậm từng giọt, từng giọt lấp lánh và thẳm sâu trong trí nhớ một cách dịu dàng và lành ngọt.

Dường như lối viết của Thùy Dương, đặc biệt là các tiểu thuyết gần đây, ít nhiều chịu ảnh hưởng từ nghề báo của chị: nhiều sự kiện, tràn thông tin và đầy thời sự. Một kiểu viết thông thái khi chị đi lẫn giữa truyền thống và hiện đại hướng đến kiểu “độc giả đồng tác giả”. Chẳng hạn như ở trang 266 (tiểu thuyết Chân trần), Thùy Dương cũng đã trích một đoạn văn khá dài gần hai trang về sex trong cuốn 50 sắc thái đang “làm mưa làm gió” trên thị trường sách Việt, làm người đọc gai hết cả người, sửng sốt không biết mình có phải là nhân vật xưng “tôi” trong tiểu thuyết của chị khi “căng cứng ra một cách vô thức và cứ co thắt ở một vùng thẳm sâu nào đó”.

Bìa cuốn tiểu thuyết Chân trần.

3. Cuộc sống thực tế của nhà văn Thùy Dương đầm ấm, hạnh phúc một cách không ngờ với một gia đình nhỏ có hai cô con gái thông minh và xinh đẹp. Gặp nhà văn Thùy Dương ngoài đời, thấy sự bình an hiện rõ trong mắt và nụ cười của chị. Dường như giông tố, bão táp gia đình chỉ diễn ra trong những trang văn, trong những cuốn tiểu thuyết mà chị đã nuôi dưỡng hằng giờ, hằng phút bởi sự chiêm nghiệm “mắt thấy tai nghe” những bi kịch cuộc sống hắt lên từ xã hội.

Điều đó không có gì là trở ngại khi nhà văn Thùy Dương tâm sự rằng chị muốn trình bày cuộc sống như mình nhận thấy, dứt khoát sẽ chia sẻ, yêu mến nó và sẽ tìm cách thể hiện, buông thả thích hợp nhất cho câu chuyện, cho những trang văn của đời mình.

Mỗi người sinh ra cho đến lúc lìa bỏ cõi thế, đi hết trọn vẹn một kiếp, cuối cùng vẫn là chân trần. Hãy phá vỡ sự vô cảm, sự im lặng để đến với tình yêu, lòng nhân và đức tin vang dội như dòng cuối cùng trong tiểu thuyết Chân trần: “Tận thế đã đến gõ cửa rồi còn gì nữa, trong mỗi chúng ta, từ lâu lắm rồi. Anh sợ không kịp nói điều này với em khi ngày tận thế đã đến – anh yêu em!”.

Lãng Ma
Thể thao & Văn hóa