Định cư tại Pháp, đều đặn ra sách (cả sáng tác lẫn dịch thuật), sở hữu giọng văn cá tính cùng bút lực sung sức, mười năm trở lại đây, nhà văn Thuận được cho là một cái tên đáng đọc, trong bối cảnh văn đàn Việt đang dần thưa vắng các cây bút nữ. Những chia sẻ mới nhất về nghề của chị, từ Pháp, nhân bản dịch mới vừa ra mắt…

Kênh tốt nhất để tiếp cận văn hóa

– Bản dịch mới của chị có một cái tên khá gợi cảm: “Cho xem đùi nào, Leila”. Tôi không tin, một cây bút cá tính như chị lại chọn một cái tựa, chỉ để… bán sách?

– Thật ra thì trong lần đầu tiên xuất bản ở Lebanon vào năm 2002, tiểu thuyết này có tựa là “Hãy quên chiếc xe hơi ấy!”. 4 năm sau, khi chuyển ngữ sang Pháp văn, dịch giả tiếng Pháp đã có sáng kiến đổi thành “Cho xem đùi nào, Leila”. Tác giả Rachid El-Daif vui vẻ chấp nhận và đến lượt tôi, khi dịch sang tiếng Việt, cũng chọn cái tựa thứ hai này. Vì thật ra, sự cố tai nạn xe hơi của nhân vật chính trong truyện chỉ là cái cớ để tác giả kể một câu chuyện khác, mà chúng ta vốn được ít biết về người phụ nữ Hồi giáo, ý thức về bản thân và khát vọng bình quyền của họ…


Ảnh: Nguyễn Thế Hưng

– Cùng kỳ này năm ngoái, nhân loại bàng hoàng trước một loạt tấn công của IS vào nhà hát Bataclan, sân vận động Stade de France của Pháp. Chọn dịch một tác phẩm của một tác giả Lebanon và thời điểm ra mắt cuốn sách, liệu có gì liên quan?

– Tháng Giêng năm ngoái, khi trụ sở tòa soạn tạp chí Charlie Hebdo bị các phần tử Hồi giáo cực đoan tấn công đẫm máu, tôi đã có ý định tìm hiểu văn hóa Hồi giáo. Tôi tin rằng mối xung đột giữa Hồi giáo và phương Tây nằm trong sự khác nhau quá xa về văn hóa giữa Đông và Tây.

Người ta có nhiều cách để tiếp cận một nền văn hóa, như qua phim ảnh, báo chí, nhân chứng… Còn tôi, tôi lại muốn đến với nó bằng con đường văn chương. Là một nhà văn, tôi thích sự phong phú và mẫn cảm của hiện thực được phản ánh trong tiểu thuyết. Những số phận con người, dù đã được nhào nặn dưới ngòi bút và trí tưởng tượng của người viết, vẫn hấp dẫn tôi và khiến tôi tin hơn là những con số hay những dữ liệu chính xác nhưng khô khan. Văn chương là một món quà vô giá và tôi muốn chia sẻ nó với những người khác, trong đó có các độc giả tiếng Việt.

– Nhà văn Lebanon đã nói sao về việc tác phẩm của ông được dịch ra tiếng Việt?

– Ông đã vui đến độ tôi không ngờ. Tác phẩm của ông từng được dịch ra hơn hai mươi thứ tiếng, nhưng ông chưa từng nghĩ sẽ có ngày được dịch ra tiếng Việt. Tuổi trẻ của Rachid gắn liền với những từ Sài Gòn, Hà Nội… Trong suốt hai thập kỷ sáu mươi và bảy mươi của thế kỷ trước, ông từng không ngừng xuống đường, ở Beirut và Paris để tham gia vào các cuộc biểu tình chống can thiệp quân sự của Mỹ vào Việt Nam.

Dịch thuật đưa lại cảm hứng viết lách

– Rất hiếm người viết ở ta có đủ khả năng và quan tâm đến việc dịch thuật. Vì sao chị quyết định chia đôi quỹ thời gian gõ phím của mình cho hai đầu việc ấy?

– Đây không phải lần đầu tôi dịch sách. Trước cuốn này, tôi cũng đã từng dịch 3 cuốn khác và vào đầu năm sau, sẽ thêm một cuốn nữa hợp tác cùng dịch giả Lê Ngọc Mai, và một cuốn khác… Đúng là trên thế giới không có nhiều trường hợp vừa viết vừa dịch, tuy không hiếm nhà văn nắm vững một ngôn ngữ khác ngoài tiếng mẹ đẻ. Có vẻ như cái câu “văn mình, vợ người” khá mỉa mai nhưng có phần đúng: Các nhà văn thường chỉ quan tâm đến tác phẩm của mình.

Với tôi, viết là một công việc kỳ lạ. Nó khiến tôi lúc nào cũng canh cánh trong lòng, khi ăn, khi ngủ, khi chơi, và đương nhiên cả khi đọc hay dịch tác phẩm không phải của tôi. Nhờ dịch mà tôi học được nhiều thứ, ví dụ như các kỹ thuật viết, nhưng với bản dịch vừa xong thì có lẽ còn hơn thế: Nhờ nó mà tôi đã có cảm hứng bắt đầu một bản thảo tiểu thuyết mới có tựa đề là “Thư gửi Mina”.

Nhân vật chính, một nhà văn nữ gốc Việt sống ở Paris đã dành những ngày được sống một mình khi chồng và con trai đi nghỉ xa, để viết riêng cho Mina, một bạn gái người Afghanistan cùng học ở nước Nga Xô Viết mà cô đã vĩnh viễn mất liên lạc sau khi tốt nghiệp. Từ căn phòng áp mái giữa khu Pigalle từng chứng kiến những ngày đầu tiên của cô ở Paris, ba mươi bức thư lần lượt ra đời trong vòng một tháng, nhưng có lẽ sẽ không bao giờ gửi đi, để trở thành một tác phẩm văn chương…

– Cụ thể, Mina sẽ được đọc gì trong những bức thư của chị?

– Tôi đã viết về Hà Nội thời bao cấp, về nước Nga thời Cải tổ, về Paris của người nhập cư… Nhưng Kaboul thời nội chiến và nước Pháp của khủng hoảng kinh tế, chính trị và di dân thì phải đợi đến “Thư gửi Mina” cùng những kiến thức về thế giới Hồi giáo mà tôi đã thu nhận được khi dịch tác phẩm của Rachid El-Daif. Bản thảo đang ở bức thư thứ mười. Hy vọng với một hình thức mở như vậy, ngòi bút của tôi sẽ có cơ hội lan man…

– Xin cảm ơn chị!

Nhà văn Thuận tên thật là Đoàn Ánh Thuận, sinh năm 1967. Hiện định cư tại Pháp, cùng chồng là nghệ sĩ thị giác Trần Trọng Vũ – con trai cố nhà thơ nổi tiếng Trần Dần, và chị gái là dịch giả, nhà phê bình văn học Đoàn Cầm Thi. Chị tốt nghiệp khoa Anh ngữ – ĐH Sư phạm Ngoại ngữ Pyatigorsk (Liên bang Nga) năm 1991, làm cao học văn học Anh cổ điển tại ĐH Paris 7 (1991 – 1992) và cao học văn học Nga đương đại tại ĐH Sorbonne (1992 – 1993).

Xuất hiện lần đầu trên văn đàn vào năm 2002, đến nay, Thuận đã xuất bản được 7 tiểu thuyết: Made in Vietnam, Chinatown, Paris 11 tháng 8, T mất tích, VânVy, Thang máy Sài Gòn, Chỉ còn 4 ngày là hết tháng Tư. Các bản dịch: Mở rộng phạm vi đấu tranh; Xạ thủ nằm bắn; Ba gã cần khử; Cho xem đùi nào, Leila và tới đây sẽ là: Ngôn từ, Cha tôi – Kẻ xa lạ… Trong đó, bản tiếng Pháp cuốn “Thang máy Sài Gòn” đã được Trung tâm sách quốc gia Pháp trao giải Sáng tạo năm 2013.

Lê Quân thực hiện – Đại biểu nhân dân