Nhà xuất bản Riveneuve vừa cho ra mắt tiểu thuyết T mất tích của nhà văn Thuận tại Paris vào trung tuần tháng 10.

Ðây là tiểu thuyết thứ tư bằng tiếng Việt của Thuận, xuất bản ở VN năm 2007, và là tiểu thuyết thứ hai của chị được dịch ra tiếng Pháp.

Buổi ra mắt được tổ chức tại hiệu sách Le Phénix – một địa chỉ hàng đầu của Pháp, chuyên giới thiệu văn hóa và văn chương châu Á. Dịp này, CTV Tuổi Trẻ có buổi chuyện trò với nhà văn.

Nhà văn Thuận (trái) và dịch giả Ðoàn Cầm Thi tại buổi ra mắt sách Ảnh: Dạ Thảo Phương

Bắt tay vào viết tiểu thuyết năm 1999, 13 năm trôi qua Thuận đã hoàn thành sáu cuốn tiểu thuyết và năm cuốn đã đến được với bạn đọc VN. Ðó là Made in Vietnam, Chinatown, Paris 11/8, T mất tích và Vân Vy. Trong đó, Chinatown và T mất tích đều đã ra mắt độc giả Pháp, do dịch giả Ðoàn Cầm Thi chuyển ngữ. Cuốn thứ sáu Thang máy Sài Gòn cũng sẽ được xuất bản vào đầu năm tới tại Pháp.

Chị đến với nghề viết tiểu thuyết như thế nào?

– Khi đã 26 tuổi, gần mười năm xa VN, tôi mới bắt đầu viết. Không để giãi bày hay để tâm sự chuyện đời mà để phục vụ nhu cầu tưởng tượng, nhu cầu đi xa khỏi bản thân. Sau đó là tìm những lối viết khác. Mới đầu tôi viết truyện ngắn. Nhưng thể loại này nhanh chóng tạo cho tôi cảm giác chật chội và dễ dãi. Tuy vậy, phải đợi năm năm sau thì Made in Vietnam mới có thể thành hiện thực. Tiểu thuyết là một cuộc phiêu lưu và như mọi cuộc phiêu lưu, nó cần năng lượng và lòng dũng cảm.

Chị định ra cho mình hai năm viết xong một cuốn sách, nhưng sáng tác văn học lại cần cảm hứng, đặt ra kế hoạch như vậy có phù hợp cho nghề nhà văn không?

– Trong xã hội phát triển, nơi mọi ngành nghề đều phải cạnh tranh gay gắt thì nghề viết không lẽ gì lại có quyền thoát khỏi quy luật đó. Tôi luôn bị cảm giác áy náy giày vò mỗi khi không viết hay không làm gì đó phục vụ công việc viết. Trước khi nói đến trách nhiệm với xã hội và cộng đồng, có lẽ nhà văn cũng nên thành thực nhìn nhận trách nhiệm với bản thân và nghề nghiệp. Ðấu tranh cho công bằng và bình đẳng thì cá nhân mình không thể lẳng lặng hưởng đặc quyền đặc lợi.

Sáng tác văn học cần cảm hứng, nhưng chỉ những tác giả không chuyên mới đợi cảm hứng từ trên trời rơi xuống hay người khác ban cho. Với tôi thì ngay khi đóng tác phẩm này lại đã có tác phẩm khác mở ra, tác phẩm sau bổ khuyết tác phẩm trước… Sự tiếc nuối, hối hận triền miên khiến tôi cứ phải viết mãi khôn nguôi. Tự vấn là một phần không thể thiếu của sáng tác.

Nếu tự nói về mình, đâu là những nét tiêu biểu nhất trong phong cách sáng tác của chị, để người đọc tiếp xúc tác phẩm là có thể biết đó là sản phẩm “made by Thuận”?

– Nếu độc giả thấy những mẫu mực kiểu “cao trào – xung đột – mâu thuẫn”, “đặt vấn đề – giải quyết vấn đề”, “khảo sát thế giới nội tâm”, “khắc họa và phát triển tính cách nhân vật”, “nêu cao tư tưởng nhân văn”, thì đó dứt khoát không phải là tác phẩm của Thuận.

Nếu độc giả và tác giả cứ ôm nhau thút thít, mùa thu là nôn nao hoa sữa, mùa hè là khắc khoải hoa phượng, tết đến quay cuồng nhớ hoa đào bánh chưng, hết tết lại quay cuồng nhớ bánh chưng hoa đào… thì đó dứt khoát không phải là tác phẩm của Thuận.

Còn những nét tiêu biểu nhất cho phong cách của Thuận là gì thì có lẽ để các nhà chuyên môn trả lời cho khách quan. Chủ quan mà nói, tôi chú trọng tới nhịp điệu. Theo quan niệm của tôi, mỗi tác phẩm có một nhịp điệu riêng, tác giả có khả năng cuốn độc giả vào tác phẩm hay không chính là nhờ nhịp điệu. Nhịp điệu của tác phẩm phụ thuộc vào cách sử dụng từ, cách đặt câu, cách ngừng lại, cách thêm bớt từng dấu phẩy, dấu chấm. Làm sao để mỗi tác phẩm bộc lộ được một kiểu hòa âm đặc thù. Và làm sao để tiểu thuyết là một tổng thể văn chương trọn vẹn chứ không phải là các truyện ngắn đặt cạnh nhau.

Ngoài nhịp điệu, tôi cũng bị sự khôi hài quyến rũ. Trong trường hợp của tôi, hài hước là một chất liệu cần thiết. Nếu không, trước những câu chuyện và những nhân vật mà tôi tạo ra, có lẽ độc giả sẽ phải vài phút rút khăn mùi xoa một lần, khóc thương cho đã mà không cần tự hỏi tại sao phải khóc, hoặc có nên khóc hay không.

Tôi cho rằng dùng hài hước để nói những điều nghiêm trọng, như một nghịch lý, có thể gây nên nhiều băn khoăn cho người đọc. Họ phải ngừng lại nhiều hơn vì nghịch lý chứ không phải chỉ thuần túy vì câu chuyện được kể. Những băn khoăn này có thể đã là những tiếp xúc đầu tiên của họ với văn chương.

Những nhà văn nước ngoài nào có ảnh hưởng đến phong cách sáng tác của chị?

– Tôi đặc biệt yêu thích Céline, Camus, Kundera, Kandare, Houllebecq, Duras… Ở mỗi tác giả tôi đều tìm thấy những phẩm chất cần được học hỏi, nhưng tôi cũng ý thức được rằng đừng bao giờ trông chờ họ đọc cho mà viết như viết chính tả, hoặc cầm thước kẻ gõ vào tay nhắc từ này ước lệ, câu kia thiên hạ viết mãi rồi. Những gì mà các tác giả lớn có thể mang lại cho tôi chỉ là những cái nháy mắt, hay nói theo cách của nhà văn Phạm Thị Hoài, những “hạt giống” mà tôi phải “mang về đất của chính mình, đổ sức của chính mình vào đấy” thì mới mong có ngày được hái quả.

Nhưng nói cho cùng, trong nghề viết, kinh nghiệm nào cũng hữu ích, ở tác giả nào cũng có thể tìm được một lời khuyên, thậm chí các tác giả kém thú vị nhất cũng khuyên được ta một điều thú vị: hãy nhanh chóng rời họ mà đi.

Nguồn: Tuổi trẻ