Nhà văn Thuận.

Với “Thang máy Sài Gòn”, độc giả gặp lại nhà văn Thuận vừa quen vừa lạ. Vẫn trung thành với tiêu chí: tác phẩm văn học không phải là những bữa cỗ dọn sẵn; và ở mỗi lần xuất bản tác phẩm mới, Thuận luôn “cống hiến” những sáng tạo mới mẻ trong nghệ thuật tiểu thuyết. Không lặp lại mình là đòi hỏi với mỗi người cầm bút, nhưng không phải ai cũng làm được. Với chị, để không vấp phải nguy cơ lặp lại những sáng tạo trước đó của mình, trong khi mật độ sáng tác được duy trì liên tục, chị đã làm thế nào?

Có lẽ phải biết chán cái mình đã viết. Khi bắt tay vào một tác phẩm, điều đầu tiên tôi nghĩ tới là tìm một cấu trúc mới. Nhưng không phải một cái khung cố định, một sơ đồ đã vẽ sẵn. Văn chương uyển chuyển hơn kiến trúc, còn tiểu thuyết cũng không giống một ngôi nhà. Thang máy Sài Gòn xáo loạn không chỉ không gian mà còn ngày tháng, trang trước trang sau cách nhau có khi vài thập kỷ. Một trong những ý đồ của tôi là làm sao để chân dung nhân vật bà mẹ hiện lên từ những mảnh vụn ký ức của nhiều nhân chứng khác nhau, từ cả những giả thiết vô biên của cô con gái.

Khi đọc “Thang máy Sài Gòn” bản tiếng Việt, tôi ước giá như mình có thể đọc nó bằng bản tiếng Pháp. Vì mỗi ngôn ngữ có một quyền năng đặc biệt. Ở lớp vỏ ngôn ngữ này nó lại mang đến những xúc cảm rất khác với một vỏ ngôn ngữ khác. Có không sự dằn vặt, thậm chí xung đột trong quá trình chị sáng tạo song song bằng hai ngôn ngữ?

Trong “Thang máy Sài Gòn”, chính trị và tình cảm được xử lý như những chất liệu nghệ thuật độc đáo. Điện Biên Phủ, Đông Dương hay tình yêu đã mất chỉ là những ảo ảnh của một cuộc thử nghiệm văn chương khó nhọc và vô cùng cá nhân .

Tiến sĩ văn học Đoàn Cầm Thi

Tôi không nhớ là đã dằn vặt trong quá trình tự dịch Thang máy Sài Gòn. Có thể vì đã xác định trước là không cần chạy theo nguyên bản. Ngoài ra, giữa viết và dịch là một năm, cũng là khoảng thời gian kha khá để thu dọn các loại ám ảnh. Đương nhiên, tự dịch thì mới cho mình cái quyền ấy. Đó là một trải nghiệm nhiều bất ngờ, bổ ích cho nghề viết. Thế nhưng tôi nghĩ rằng nếu vào tay một dịch giả chuyên nghiệp thì Thang máy Sài Gòn sẽ được một bản tiếng Pháp khác, có thể cũng rất thú vị. Bạn biết đấy, ngôn ngữ văn chương là cõi vô cùng.

Trong “Thang máy Sài Gòn”, chị dựng lên rất nhiều giả tưởng. Chị khiến độc giả hoang mang…

Thang máy Sài Gòn bắt đầu bằng cảnh cô con gái đi tìm người tình xưa của mẹ, nhưng nếu bạn chờ đợi ở đó một thiên tình sử đẫm lệ thì bạn sẽ thất vọng, mà nếu bạn chờ đợi ở đó một tiểu thuyết trinh thám giật gân thì bạn cũng sẽ thất vọng nốt. Thang máy Sài Gòn đề nghị bạn một cách đọc năng động hơn một chút. Bạn sẽ thấy những điều tôi kể chỉ là những giả thiết, bởi vì thực ra là người viết nhưng tôi cũng chỉ theo chân nhân vật chính mà cô ta cũng chẳng biết gì hơn bạn, thậm chí còn thiếu cái khách quan của bạn và luôn ở trong trạng thái hoang mang: đi nhẵn chân Paris, gặp biết bao nhân chứng, xới lại các kỷ niệm đau đớn, người tình xưa của mẹ tìm mãi chưa ra nhưng cứ luôn phải đối đầu với những điều có thể được coi là sự thật về mẹ, sự thật về mẹ không rõ thật bao nhiêu phần trăm nhưng cứ thường xuyên phải đặt câu hỏi về chính bản thân mình.

Thang máy Sài Gòn nếu mang lại cho bạn điều gì bổ ích thì có lẽ trước hết là sự hoài nghi. Rất có thể mỗi một lần tìm ra một trật tự mới cho các chương, bạn lại có thêm những hoài nghi mới. Hãy bỏ lại các niềm tin cũ kỹ, bước vào Thang máy Sài Gòn, bạn tưởng đến Sài Gòn nhưng chưa chắc phải Sài Gòn, tưởng đến Hà Nội nhưng chưa chắc phải Hà Nội, tưởng đến Paris nhưng chưa chắc phải Paris, tưởng là quá khứ có khi lại là ngày hôm nay.

Độc giả có nguy cơ bỏ nếu tác phẩm làm mệt họ. “Thang máy Sài Gòn” với ý đồ là mỗi độc giả có thể tự tìm một trật tự mới cho các chương – như chị chia sẻ, liệu chị có sợ độc giả sẽ nản trong việc tìm một trật tự mới trong tác phẩm của nhà văn?

Với tôi, viết không phải là kể một câu chuyện đèm đẹp, tí hóm hỉnh, tí duyên duyên, có mở có kết, có thắc mắc có lời giải. Tôi không sợ làm độc giả nản chí. Tự thâm tâm tôi tin rằng tác giả nào có độc giả đó: tác giả đã bỏ một năm để viết thì độc giả cũng hoàn toàn có khả năng bỏ vài tuần để đọc, tác giả hướng đến cách viết mới thì độc giả cũng hướng đến cách đọc mới. Ngoài ra tôi thấy chẳng có gì đáng tự hào khi có nhiều độc giả mà toàn các độc giả nóng vội.

Thưởng thức cái gì cũng cần thời gian, nữa là nghệ thuật. Việc nghe đi nghe lại một bản nhạc, xem đi xem lại một bộ phim, ngắm đi ngắm lại một bức tranh và đọc đi đọc lại một cuốn sách, sẽ giúp người ta khám phá những nét mới của tác phẩm và cả những điểm chưa biết của bản thân. Phải chăng bằng cách ấy mà nghệ thuật và con người làm cho nhau giàu có hơn?

Quá khứ – hiện tại luôn có những cuộc rượt đuổi dai dẳng trong tác phẩm của chị. Chinatown, T mất tích, Vân Vy…Và bây giờ là “Thang máy Sài Gòn”. Chị, phải chăng là người ưa hoài niệm?

Không, tôi không thiên vị quá khứ. Quá khứ, với tôi, là một chất liệu văn chương, là cơ sở để tìm hiểu hiện tại.

Nhân vật thú vị nhất trong “Thang máy Sài Gòn” – theo tôi – chính là nhân vật người mẹ. Một nhân vật xuất hiện bắt đầu bằng cái chết, và suốt tác phẩm “hồ sơ”của bà ta được lần giở trong kí ức hết sức mù mờ của người con. Và rồi những mảnh ghép rời rạc được chắp nối với nhau. Sự thú vị của nhân vật ngày càng gia tăng, đến mức tôi đồ rằng, khi bắt tay vào viết “Thang máy Sài Gòn” chị cũng không hề nghĩ rằng mình rồi sẽ bị nhân vật cuốn hút đến vậy?

Thật khó xác định ai là nhân vật chính của tiểu thuyết này, bà mẹ hay cô con gái. Cô con gái xuất hiện thường xuyên hơn nhưng lại có vẻ không ấn tượng bằng. Thành thực mà nói thì ngay từ đầu tôi đã hơi ưu tiên nhân vật bà mẹ. Tôi muốn đưa ra một hình ảnh đối lập với các khuôn mẫu thùy mị, nết na, chịu đựng mà độc giả Pháp ấp ủ trong đầu về phụ nữ Việt, nhất là phụ nữ Việt thời Đông Dương. Thế là nhân vật bà mẹ không có cách nào khác là phải làm một nữ cán bộ ham quyền lực. Và để đẩy xa hơn nữa sự đối lập ấy, tôi cho nhân vật đem lòng yêu say đắm một thanh niên Pháp trong những ngày bị giam cầm ở nhà tù Hỏa Lò. Tuy nhiên cũng từ đó mà nảy sinh nguy cơ một thiên diễm tình Pháp-Việt, cũng là thứ khiến độc giả cả Pháp lẫn Việt vẫn phát rồ phát dại. Nhưng cái này thì tôi chẳng sợ. Lãng mạn chưa bao giờ khiến tôi sợ. Sở trường sở đoản của tôi là giễu nhại. Vì vậy mà độc giả đang mong có dịp rút khăn mùi soa thì lại phải bật cười. Tất cả có vẻ ổn cho tới lúc tôi chợt ngờ rằng có lẽ nào tình yêu không thể tìm thấy chỗ trong một trái tim khô cằn. Chúng ta biết là đao phủ khát máu như Hitler cũng từng yêu say đắm. Nhân vật bà mẹ cứ như thế mà chao đảo giữa lãng mạn và giễu nhại và trở thành nhân vật mâu thuẫn nhất của tôi từ trước tới nay. Nhưng tôi cũng không sợ mâu thuẫn. Mâu thuẫn làm cho nhân vật sinh động hơn, nhân văn hơn.

Kết thúc Chinatown, độc giả thấy có nhu cầu đọc tiếp cuốn sách tiếp theo, bởi những câu chuyện bắt đầu được mở ra, và hứa hẹn được giải quyết ở cuốn sau đó. Với “Thang máy Sài Gòn”, ngay cả khi khép lại trang cuối cùng, những giả định vẫn còn bỏ ngỏ. Độc giả liệu có nên tiếp tục một cuộc chờ đợi mới ở tác giả?

Thang máy Sài Gòn là một tác phẩm hoàn chỉnh. Các giả định bỏ ngỏ bởi tôi cố tình như vậy. Độc giả đừng nên chờ đợi lời giải ở những tiểu thuyết tiếp theo.

Xin cảm ơn chị.

Phong Điệp thực hiện

TP