Trong số các nhà văn Việt Nam cùng thời thì nhà văn Thanh Tịnh làm nhiều nghề nhất (ông sinh 1911 tại Huế, mất năm 1988 tại Hà Nội). Ông là hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam (1957). Năm 20 tuổi ông từng làm hướng dẫn viên du lịch, rồi làm thầy giáo, làm nhân viên đo đạc ruộng đất… Năm 1937 khi 26 tuổi ông cho ra đời tập thơ đầu “Hận chiến trường”, ông có thơ giới thiệu trong Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh và Hoài Chân xuất bản năm 1942. Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, ông tham gia tổng khởi nghĩa rồi đi kháng chiến chống Pháp xa nhà và xa quê hương từ 1945-1975. Suốt 30 năm, ông “ăn cơm tập thể nằm giường cá nhân”. Ông từng làm Tổng thư ký Hội Văn hoá cứu quốc Trung bộ, rồi phụ trách đoàn kịch Chiến thắng của quân đội. Hoà bình lặp lại, sau 1954 là phó chủ nhiệm tạp chí Văn nghệ Quân đội. Trong đợt sửa sai giảm tô cải cách 1955-1957 ông được biệt phái về làm phó ban Tuyên huấn Đoàn cải cách ruộng đất miền Năm Hưng Yên. Ông được người ta gọi là người có nhiều nhà: Nhà quản lý văn nghệ, nhà báo, nhà viết kịch, nhà văn, nhà thơ, nhà hướng dẫn du lịch, nhà viết tấu nói, tấu hài ông tự biên, tự diễn phục vụ ngay tại chỗ. Những bài ca dao của ông thật điêu luyện, nhuần nhuyễn khiến người ta tưởng đó là ca dao bình dân:

“Mồ hôi mà đổ xuống đồng

Lúa mọc trùng trùng xanh ngát đồi nương”.

Có câu người ta tưởng là của lãnh tụ:

“Dễ trăm lần không dân cũng chịu

Khó vạn lần dân liệu cũng xong”.

Có lẽ trong tất cả các nghề ông đã làm ở trên, thì chỉ có nghề báo và nghề lính mới là thực thụ của ông. Khi còn đang công tác ở Văn nghệ Quân độiông mở mục “Ca dao chiến sĩ” và mục “Những đoạn văn ngắn”. Tác giả MDN có kể: Nhà văn Thanh Tịnh về tạp chí Văn nghệ Quân đội từ năm 1956 và từ đó đến khi qua đời, ông hoàn toàn yên tâm với nghề làm báo của mình. Ông luôn luôn tìm tòi ra những đề mục mới đề hấp dẫn bạn đọc và gây cho họ những hứng thú bổ ích. Đồng thời với mục “Những nhận xét nhỏ” là mục “Những đoạn văn ngắn”. Ông bảo nhiều bài không thể đăng được toàn văn, mình trích được đoạn nào đăng cho anh em đoạn ấy, vừa khuyến khích được bạn viết lại phản ánh được nhiều mặt đời sống của bộ đội.

Nguồn Văn nghệ số 9/2016