Nhà văn Thanh Châu

Trên nấm mồ của nhà văn Thanh Châu ở TP HCM, những người hâm mộ đã trồng lên đó một giàn hoa ti – gôn lộng lẫy, loài hoa có hình trái tim tan vỡ… Sinh thời, ông rất mê loài hoa này, và đó cũng là khởi nguồn cho truyện ngắn “Hoa ti gôn”, mở đầu cho một giai thoại văn học gắn liền với người thơ TTKH được xem là giai thoại đẹp nhất trong lịch sử văn học Việt Nam. Ông nằm đó, an nhiên, tĩnh tại, giữa bạt ngàn hoa cỏ, như cách ông đã đến và sống trong cuộc đời này, như ông chưa từng đi xa.

1. Hà Nội là nơi nhà văn Thanh Châu sống cả cuộc đời viết văn và làm báo của mình. Nhưng ngôi nhà ở Trần Quốc Toản, nơi lưu giữ nhiều kỷ niệm của ông đã bán đi. Rồi những cuộc chuyển dịch trong thời đoạn nhiều biến cố, nên gần như gia đình không giữ lại được nhiều những kỷ vật của ông. Một tổng tập của nhà văn Thanh Châu cũng chưa kịp làm. Nhìn bà Quỳnh Châu, con gái cả của ông loay hoay vừa tìm tài liệu vừa than thở vì số lượng tư liệu quá mỏng để làm một bộ phim về ba mà thấy tiếc nuối, ngậm ngùi…

Nhà văn Thanh Châu tuy viết không nhiều và  không có những tác phẩm lớn, nhưng ông đã có mặt trong đội hình lớp nhà văn Tây học góp phần dựng nên nền văn học Việt Nam đầu thế kỷ XX.

Ông tên thật là Ngô Hoan. Sinh ra trong một gia đình công chức, có đời sống khá giả, từ bé ông được gia đình chăm chút chuyện học hành. Từ phủ Diễn Châu đến Quốc học Vinh rồi ra Hà Nội học ở Trường Pháp Anbert Sarro, nhưng Thanh Châu mê văn chương. Ông không thích bó hẹp cuộc đời mình trong thế giới công chức nhỏ bé, chật hẹp. Hai bài báo đầu tiên được đăng tải trên Tiểu thuyết thứ Bảy. Thanh Châu bỏ dở việc học, về làm biên tập cho tờ này. Môi trường làm báo, viết văn phóng khoáng tự do khiến tâm hồn ông như được chắp cánh.

Những truyện ngắn đầu tiên của Thanh Châu bắt đầu xuất hiện trên Tiểu thuyết thứ Bảy từ năm 1928 nhưng phải đến năm 1936, khi tập truyện Trong bóng tối gồm 13 truyện ngắn đăng tải trên Tiểu thuyết thứ Bảy xuất bản, thì Thanh Châu mới bước vào nghề văn như một cây bút chuyên nghiệp.

Theo nhà nghiên cứu Phong Lê, Thanh Châu là một cây bút lãng mạn, trong thế giới của tình yêu với những hẹn hò hoặc ước nguyện không thành. Ông không quay lưng lại với cuộc sống cần lao của các tầng lớp dân nghèo. Thế giới của ông ngập tràn tình yêu thương, sự sẻ chia với những cảnh đời cùng khổ. Với bạn đọc trước 1945, ông là một cây bút quen thuộc bên cạnh những tên tuổi của trào lưu lãng mạn như Khái Hưng, Nhất Linh, Thạch Lam… Nhưng với bạn đọc sau 1945, thì Thanh Châu dần dần trở nên xa lạ. Có rất nhiều lý do, bởi các tác phẩm của ông ít được in lại và cũng bởi, ông ngừng viết quá sớm  ở tuổi 49.

Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Thanh Châu đưa vợ con sơ tán về Thanh Hóa, và tham gia cách mạng. Năm 1949, ông nhập ngũ và được điều về Ban Văn nghệ, Phòng Chính trị Quân khu IV, sau đó làm thư ký toà soạn Báo Vệ Quốc quân. Năm 1954 ông về công tác tại tuần báo Văn nghệ. Nhưng rồi, do những biến cố của thời cuộc đã đến. Một không khí nghi kị, ngột ngạt như cái bóng phủ lên đời sống tinh thần của nhà văn. Ông tâm niệm, đã là người theo nghiệp văn nghệ thì phải yêu thương. Thanh Châu bước ra khỏi thời cuộc, bằng cách xin về hưu sớm. Đó cũng là cách ông xa lánh cõi đời để tìm chốn yên bình. Cú sốc lớn khiến nhà văn Thanh Châu ngừng viết. Ông không chấp nhận đổi tên để viết. Đó hẳn là một nỗi đau.

Hồi đó, cả gia đình nhà văn Thanh Châu sống ở phố Trần Quốc Toản, Hà Nội. Ông buồn lắm. Thường ngồi lặng lẽ một mình, nhưng không tâm sự với ai. Cuộc sống nghèo khổ, đạm bạc. Nhà văn hóa Hữu Ngọc, hội viên trong “nhóm bia” của Thanh Châu tâm sự: “Mỗi lần tôi tìm đến nhà văn Thanh Châu, qua chiếc cầu thang cheo leo, tôi có cảm giác mình đang leo núi để tìm một ẩn sĩ”. Ẩn sĩ đó sống trong một căn phòng viết 6m2 và một hành lang đầy cây. “Ở đó ba tôi trồng rất nhiều hoa. Một cái ấm nứt, một cái chậu vỡ, một cái bát mẻ, ba tôi đều có thể dùng để trồng lên đó những cây xanh tươi hay những cụm hoa rực rỡ. Rồi thi thoảng, bác Bùi Hiển mang tới một khóm cúc vàng, bác Kim Lân mang sang một chùm liên đài, bác Trần Lê Văn đi Tây Bắc về biếu một giò phong lan”. Căn gác nhỏ bên cạnh vườn hoa là nơi nhà văn Thanh Châu ngồi chơi với các bạn văn chương. Những Bùi Xuân Phái, Hữu Loan, Kim Lân,… thường ghé qua đàm đạo chuyện văn chương, hội họa…

Thanh Châu tìm sự bình yên, tĩnh tại giữa thiên nhiên, hoa cỏ. Tâm thế an nhiên, tĩnh tại đó đã giúp ông sống và đi qua những biến động của đất nước, những biến cố của thời cuộc, và cả những đau đớn trong tâm hồn mình. Ông vẫn giữ được cái nhìn nhân ái về cuộc đời, “ông yêu thương, chung thủy với bạn bè, yêu đất nước, không bao giờ giận hờn ai. Tâm ông như Phật vậy”. Các con Thanh Châu, có những lúc khó khăn cùng quẫn, tỏ ý phàn nàn, ông nhỏ nhẹ nói: “Con sông có lúc đầy, lúc vơi. Con người có số phận lúc lên, lúc xuống. Nhưng quê hương mình, đất nước mình, và cao hơn nữa, là tổ quốc mình thì vĩnh viễn không thay đổi”.

Nhà văn Thanh Châu và gia đình.

2.Nhà văn Thanh Châu với truyện ngắn Hoa ti-gôn, khởi nguồn cho một nghi án văn chương đẹp trong lịch sử văn học Việt Nam. Theo lời kể của bà Quỳnh Châu, sinh thời ông rất đẹp trai, vóc người nhỏ nhắn, nho nhã. Trước khi lấy vợ, ông có một mối tình sâu nặng với một tiểu thư khuê các ở Thanh Hóa. Ngày đó ông mới 20 tuổi. Khi lên Hà Nội học, hàng tuần ông đi tàu hỏa về thăm người yêu. Hai người vẫn thường ngồi tình tự trong một khu vườn đầy hoa ti-gôn. Đó cũng là lý do vì sao ông yêu loài hoa này đến vậy. Nhưng rồi, gia đình ông sa sút. Cô tiểu thư khuê các bị gia đình gả cho một ông quan huyện. Ông đau khổ ôm chặt mối tình đầu tan vỡ – mối tình ám ảnh ông đến suốt cuộc đời. Tận 7 năm sau ông mới lấy vợ.

Nhiều người khẳng định, truyện ngắn Hoa ti-gôn chính là câu chuyện tình của ông. “Những bó hoa ti-gôn với sắc hoa thẫm màu máu, hình trái tim vỡ, rất chóng tàn, sáng nào cũng có trong bình hoa của họa sư Lê Chất để giúp ông lưu giữ một mối tình rất bâng quơ mà khó quên và không thành với một thiếu nữ, sớm trở thành thiếu phụ – vợ một công chức – là Mai Hạnh”. (Giáo sư Phong Lê)…

Ông chỉ kể rằng, một lần ông tới phòng làm việc ở Tiểu thuyết thứ Bảy, thì  thấy một bó hoa ti- gôn để trên bàn. Mọi người nói lại với ông có một thiếu phụ rất đẹp và sang trọng mang đến nhưng không để lại danh thiếp. Có lẽ nhà văn Thanh Châu biết rõ người đó là ai nhưng ông không bao giờ tiết lộ, để lại một thiên tình bí ẩn cho người đọc đến tận bây giờ. Sau này, có lần giặt áo cho bố, bà Quỳnh Châu thấy trong túi áo ngực của ông có bức ảnh một mệnh phụ phu nhân rất đẹp. Bà gặng hỏi, có phải TTKH không, ông bảo không phải. Nhưng nhiều bạn bè cùng thời ông khẳng định, TTKH chính là người phụ nữ đó, và là mối tình đầu của nhà văn Thanh Châu.

Nhân vật họa sĩ Lê Chất trong Hoa ti- gôn có nguyên mẫu là danh họa Lê Phổ, em trai cụ Lê Hứa – một dòng họ danh giá của Hà Nội thuở đó. Nhà văn Thanh Châu chơi thân với họa sĩ Lê Thiết, con cả cụ Lê Hứa. Hồi đó, ông Lê Thiết là chủ rạp Chuông vàng.  Nhà văn Thanh Châu tham gia viết vở Hạng Vũ cho rạp. Vở kịch do nghệ sĩ Kim Chung lừng danh một thời đóng vai chính đã gây tiếng vang lớn ở Hà Nội thời đó.

Chính tình bạn với ông Lê Thiết đã đưa đến mối lương duyên của Thanh Châu. Ông thành hôn với bà Lê Kim Thịnh – em gái ông Lê Thiết. Lúc đầu, bố mẹ Lê Thiết lại muốn gả bà cho một ông Tổng đốc, vì có ý chê Thanh Châu nghèo. Nhưng rồi, ông bắt đầu nổi tiếng khi xuất hiện ở Tiểu thuyết thứ Bảy và kiếm được tiền mua ngôi nhà ở phố Hàng Than. Bố mẹ bà Kim Thịnh đồng ý. Ông chọn bà Kim Thịnh, có lẽ không đơn thuần vì tình yêu mà vì ông biết bà là một người chủ gia đình giỏi giang. Bảy năm sau, bà mới sinh được cô con gái đầu lòng. Quỳnh Châu là con cầu tự. Thế nên, nhà văn Thanh Châu rất yêu quý con gái. Ngay cả khi gia đình tản cư về Thanh Hóa, gia đình ông Thanh Châu vẫn giữ nếp sống quý tộc, tổ chức các ngày lễ tiệc. Ông vừa ôm cô con gái bé bỏng đang ngủ vừa nhảy điệu vales.

Nhà văn Thanh Châu may mắn có một người phụ nữ yêu thương và biết lèo lái gia đình qua những biến cố khó khăn. Khi ông nghỉ hưu sớm, cả 5 miệng ăn trông chờ vào đồng lương dược sĩ và tiền bán xôi bà tranh thủ lúc 3 giờ sáng. Thế mà, nhà Thanh Châu vẫn là nơi tụ bạ bạn bè. “Mẹ tôi luôn chuẩn bị những món ăn nho nhỏ để ba và các bạn nhâm nhi cùng những ly rượu đựng trong những cái chén bé xíu. Khi thì một ít lạc. Khi thì một đĩa đu đủ trộn. Có lần, có một đĩa thịt, được cắt nhỏ thành từng miếng bé xíu, nhưng các cụ không ai ăn mà để dành cho chúng tôi. Nhiều khi ba tôi đến thăm bạn, không mang theo hoa mà xách một túi gạo làm bằng ống quần cũ đến thăm bác Quang Dũng”. Thời đó, các bạn văn sống tựa vào nhau để đi qua một thời gian khó như thế…

Nhà văn Thanh Châu chỉ một lần duy nhất nói về bi kịch của mình. Bà Quỳnh Châu kể: “Đó là khi hai ba con tôi đi dạo trên con đường Lý Thường Kiệt vào buổi đêm. Lúc ấy có một người đi xe đạp lại. Hai người nói chuyện với nhau bằng tiếng Pháp rất lâu. Tôi hỏi ông, đấy là ai, ông nói, đấy là một vĩ nhân con ạ, ông là nhà triết học Trần Đức Thảo. Tôi nói, trông bác ấy cô đơn quá. Ba tôi không trả lời. Rất lâu sau ông mới nói: “Ba nhiều lúc cũng buồn và cô đơn lắm”.

Đám tang nhà văn Thanh Châu dưới trời mưa tầm tã. Bên cạnh nấm mồ được lấp đầy bằng cỏ cây, hoa lá có một chú dế mèn màu đen. Cạnh đó, là bài thơ ông viết trước khi rời xa “Hà Nội vào Nam theo con trai được khắc cẩn thận trên bia mộ: Xin cỏ nội xóa đi ngàn chuyện dở/ Để trên mồ con dế đẫm sương kia/ Sẽ thay mình kể chuyện đẹp sớm khuya”.

Chắc trong cõi phiêu linh nào đó, nhà văn Thanh Châu đang mỉm cười. Bởi ông vẫn sống, và sống mãnh liệt trong lòng bạn đọc. Đối với một người viết và viết không nhiều như ông, thì đó là một niềm hạnh phúc

Nguồn: CAND

Exit mobile version