Nếu bạn muốn tìm hiểu ngọn ngành về nhà văn Thái Bá Lợi, thì tôi khuyên bạn, hãy tìm đọc những truyện ngắn đầu tiên của ông: “Lòng cha”, “Vùng chân Hòn Tàu”, “Đội hành quyết” rồi đến truyện vừa “Thung lũng thử thách”, lần lần, từng nấc một, như bạn đang leo thang, mỗi truyện ngắn của ông là một nấc thang khỏe khoắn, vững chắc, chỉn chu, đưa bạn lên tít trên đỉnh cao mà không thấy mệt, đấy là đỉnh cao “Hai người trở lại trung đoàn”.

Một đỉnh cao chói ngời, đỏ thắm của truyện ngắn Việt Nam thời hậu chiến. Trước năm 1975, trước “Hai người trở lại trung đoàn” gần như tên Thái Bá Lợi mới chỉ được giới viết văn khu vực miền Trung Trung Bộ lờ mờ biết đến.

Nhưng sau “Hai người trở lại trung đoàn” thì những người viết văn cả nước đều ngả mũ nể phục đón chào Thái Bá Lợi. Truyện ngắn này, nếu tôi nhớ không lầm, sau khi được in ra, ngay lập tức có hai luồng dư luận đối nghịch nhau. Một bên khen, khen ngút trời, cho rằng Thái Bá Lợi xứng đáng là nhà văn “Trung úy” có cái nhìn dũng cảm và chính xác về mình, về thế hệ mình, một thế hệ vừa oai hùng lừng lẫy từ trong cuộc chiến thắng với lấp lánh huân huy chương chiến công ngời ngời bước ra.

Tác giả dám nhìn thẳng vào sự thật như một lời cảnh tỉnh về sự tha hóa của người lính. Còn một bên phản đối kịch liệt, cho rằng đây là một cách nhìn sai lệch về người lính cách mạng. Bên này cho rằng, những con người hiển hách như vậy, sau chiến tranh, sẽ càng hiển hách hơn, không bao giờ có chuyện sa ngã, mất “quan điểm lập trường”.

Vấn đề sau đó là, sự thật ngày càng chứng tỏ, cách nhìn nhận cảnh tỉnh của Thái Bá Lợi không hề lệch lạc. Những vấn đề hậu chiến của người lính, của hậu phương người lính, của cả một loạt những nhức nhối nóng bỏng mới nảy sinh trong lòng xã hội thời bình sau chiến tranh.

Giữa lúc chúng ta còn đang chưa đủ bình tĩnh nhìn nhận nhân tình thế thái thời hiện tại, thì nhà văn Thái Bá Lợi đã lại một lần nữa tiếp cận vào bên trong những nhức nhối lớn hơn của đời sống xã hội. Ông như một nhà tiên tri bị cuốn sâu vào tâm điểm của những mâu thuẫn nội tại nơi con người Việt Nam những năm thương khó, phải nói là thương khó tội tình.

Tôi có cảm giác lúc nào Thái Bá Lợi cũng đang viết. Mà đúng thật. Ông ta ngồi vào bàn, thực ra chỉ là để chép lại câu chuyện mà ông ta đã viết chín nẫu trong đầu. Thái Bá Lợi viết văn như nghĩ, viết bằng nghĩ thì đúng hơn. Vì vậy văn ông lúc nào cũng trau chuốt, trau chuốt nhưng không bóng bẩy mà cực kỳ kỹ lưỡng.

Tôi nghĩ rằng, nếu bạn mới viết văn, có máu mê viết văn, thì tốt nhất bạn nên tránh xa Thái Bá Lợi. Không nên để ý, không nên xem ông ta thao tác nghề nghiệp này. Bởi vì, tôi nói thật, tôi đã được lén lút xem ông bạn của tôi ngồi một mình với trang giấy trắng. Nói như thế thì sang cho ông.

Thực ra đấy là lúc ông ta được tự do nhất, đuợc coi trời bằng vung, “anh hùng” nhất khoảnh nhất. Tức là mọi sự việc xung quanh, mọi người xung quanh, tất thảy đều vô nghĩa. Mắt Thái Bá Lợi vốn đã lệch lúc này dại đi, nước mũi, nước dãi tự nó “bươn chải”, không nơi cư trú, mặc dù trước đó, trước khi viết văn, bao giờ Thái Bá Lợi cũng long trọng lau chùi bàn ghế tinh tươm.

Câu chuyện và ý tưởng ông ta đã thuộc làu làu, vậy mà, tóm lại, chúng ta không nên nhìn thấy cảnh này. Nó vừa bi ai hùng tráng lại cũng vừa rất chi là bê tha. Đọc văn thì sướng thiệt chứ xem các nhà văn làm văn thì oải!

*

Thời bao cấp khó khăn, tôi với Thái Bá Lợi ra học khóa I của Trường Viết văn Nguyễn Du. Lợi thì đã nổi tiếng “hoành tráng”. Tôi mới tập tọe viết được vài ba truyện ngắn, chưa ai biết gì. Nhóm bạn chơi của tôi hồi ấy được anh em gọi là “cánh rừng phía Tây” gồm có tôi, Thái Bá Lợi, Nguyễn Trí Huân và Phạm Hoa.

Nhóm chúng tôi chủ trương sống thoáng, tự do, “gió chiều nào che chiều đó”, nếu không che được thì “cuốn theo chiều gió” luôn, lấy vui làm gốc. Nguyễn Trí Huân là người nghiêm chỉnh nhất, không rượu chè, không trà lá, chỉ thuốc lào. Thú vui của y dồn hết vào cái nõ điếu thuốc lào. Chúng tôi nhất trí.

Phạm Hoa gốc gác lái xe Trường Sơn, đầu bù, tóc rối, viết văn rất hay vì có nhiều vốn sống hay về lính lái xe Trường Sơn, lại hóm hỉnh và tài tử. Năm ấy Phạm Hoa in truyện ngắn liền tù tì trên báo Văn nghệ. Hình như năm cái. Một con số mơ ước cho những người viết trẻ.

Tôi thì hay rượu, ham chơi, gần với Thái Bá Lợi hơn. Kết với nhau như thế nhưng hồn ai nấy giữ. Phạm Hoa với Nguyễn Trí Huân hay ngả sang chơi với nhóm Trần Nhương, Dương Duy Ngữ. Mỗi khi nghỉ hè, nghỉ phép, chúng tôi nhập nhóm “đi thực tế vùng miền” kết hợp đi buôn “đánh quả”, chỉ mong lấy lại tiền vé tàu xe.

Hồi ấy xà phòng rất hiếm. Thái Bá Lợi có anh bạn tên là Châu (già) ở Đà Nẵng. Anh Châu có một “xưởng” nhỏ sản xuất xà phòng, loại xà phòng trắng nhởn, rất nhớt, hôi, nhưng giặt quần áo  thấy rất hiệu quả. Tôi và Thái Bá Lợi “đặt vấn đề” buôn chuyến ra Bắc và ngay lập tức được anh Châu nhiệt liệt hưởng ứng. Ba anh em chúng tôi làm ba ba lô kễnh, lên tàu.

Trước hết là đến Đại học Bách Khoa, theo tính toán của chúng tôi, sinh viên ta nghèo, dùng xà phòng này quá hợp. Bỏ mối chào hàng thì có vẻ ai ai cũng tấm tắc, nhận mua, thậm chí có quán nước bốc lên bảo các anh có nhiều thì tôi sẵn sàng bao tiêu, hoặc ta bàn chương trình làm xà phòng tại chỗ, bán sẽ lời hơn.

Về, tôi và Thái Bá Lợi khấp khởi tổ chức liên hoan nhẹ với món truyền thống cá mè hồ công viên nấu dưa và mấy xị quốc lủi, hẹn nhau sang tuần thu tiền vốn, chưa lấy lãi vội. Tuần sau đi thu hồi, đa số người ta trả lại, không những không mua mà lại còn chê. Khó khăn thì khó khăn cả nước, vậy mà mấy vị buôn lại còn bày đặt chê hàng Đà Nẵng “nhà quê”, không hợp với người Hà Nội, rất khó chịu. Thôi thì làm ăn buôn bán có duyên, có nghiệp, đâu phải dễ ăn. Cánh tôi biết thân biết phận rút quân, thua thì nói là thua cho nó lành!

*

Nhà văn Thái Bá Lợi là tay ham chơi, thích ngao du, rủ đi đâu chả mấy khi từ chối. Hồi ở trên rừng Trà My ông đã bộc lộ cách tư duy hóm hỉnh của mình, khi cơ quan có hội nghị liên hoan, tập trung nhiều người về bếp ăn tập thể. Đấy là những ngày hiếm hoi vui vẻ. Một hôm, vòi nước được anh em bắc bằng ống nứa từ tít trên núi cao rất công phu đưa nước sạch về bếp tự dưng bị tắc.

Mọi người đang hoang mang lo lắng, nhất là mấy cô chị nuôi, thì Thái Bá Lợi kéo theo cậu công vụ đi ngược núi dọc đường ống lên dốc “kiểm tra”. Đến đoạn  trên dốc cao, đường ống bị một túm lá cây chặn tắc, nhấc túm lá ra, đường ống thông, dưới bếp mọi người hoan hỉ.

Thái Bá Lợi được khen là “sáng kiến”. Lợi ta hỉ hả bảo mọi người rằng, không ngờ chỉ mấy cái lá cây có thể làm tắc được cả một dòng nước. Bây giờ nhấc túm lá  bỏ đi, được mọi người khen sáng kiến, giỏi. Thế mới biết muốn “lập thành tích”, viết được một “cái gương” thì dễ nhỉ! Ở cơ quan văn nghệ có hẳn một “tổ gương”, đấy là một tổ những nhà văn được phân công chuyên đi thực tế xuống đơn vị, chỉ để sưu tầm gương người tốt, việc tốt, về nhà, viết lên, biểu dương quân dân là hoàn thành tốt nhiệm vụ rồi.

Nhưng Thái Bá Lợi thì luôn luôn được ưu tiên cùng nhóm đi vùng sâu, đi phía trước. Câu chuyện các nhà văn đi thực tế ở khu V cũng nhiều. Thái Bá Lợi cũng như Nguyễn Trí Huân, Vũ Thị Hồng (Bắc Hà) Nguyễn Hồng, Thanh Quế, Bùi Minh Quốc, Cao Duy Thảo, Ngô Thế Oanh, tất cả khi ấy các anh đều trẻ trung.

Nguyễn Hồng là một cây viết trẻ, nhiều hứa hẹn, bị hy sinh trong một lần về vùng sâu. Trước đó các nhà văn Nguyễn Mỹ, Dương Thị Xuân Quý, Chu Cẩm Phong, Hà Xuân Phong có thể nói các anh chị đều là những tấm gương lớn cho anh em sau này. Họ đều là những anh hùng.

*

Có hồi Thái Bá Lợi phải bươn chải một mình nuôi hai đứa con ăn học, vì bà xã của ông vốn là một thành viên tích cực của phong trào sinh viên nội thành, sau giải phóng, chả hiểu làm ăn thế nào mà lâm vòng lao lý. Ông vốn không phải loại người tháo vát, chưa bao giờ biết làm ăn (cái vụ làm ăn to nhất có lẽ là vụ buôn xà phòng thời bao cấp với tôi!).

Nhưng không có con đường nào khác, ông lầm lũi vượt qua tất cả những trớ trêu, những điều tiếng, để trụ lại với đời, với nghề. Có lẽ đây là khúc bi ai nhất trong những khúc đời trước đó mà nhà văn Thái Bá Lợi phải chịu đựng. Hóa ra tạo hóa cũng vẫn không để ai mất hết. Hai đứa con Thái Bá Lợi như hai thiên thần, chúng lớn lên cùng cha, học giỏi, ngoan, hiền, bởi quanh chúng còn có bà con cô bác, anh chị em bè bạn của ba mẹ.

Thái Bá Lợi vẫn viết, viết cả khi đi theo các vị sư vào ở hẳn trong chùa. Viết cả khi tưởng như trước mắt chỉ có bóng đêm tăm tối. Đi theo nhà Phật, hướng theo triết lý Phật giáo, tu tập không phải là con đường, không phải là lối thoát, mà đó là duyên mệnh. Thái Bá Lợi lao động sáng tạo như là một định mệnh, như là một nhu cầu tự thân, không hề nhằm vào bất cứ giải thưởng hay có ý đua chen nào.

Ông viết văn cũng như uống rượu, không cố gắng, không phấn đấu, hình như cơ địa ông nó cho phép ông được thế. Hình như bản mệnh ông phải thế. Thái Bá Lợi là người không nhanh không chậm, không vừa phải. Ông là người lúc cần nhanh thì nhanh, khi cần chậm thì chậm. Chuyện hóm hạng nhất mà chuyện nhạt cũng đôi khi.

Ngồi với bạn thâu đêm suốt sáng, mặt vẫn tỉnh bơ. Ít thấy ông kêu ca, phàn nàn về người này người khác. Càng ít thấy ông bốc đồng thái quá. Khen ra khen, chê ra chê, không chung chung nước đôi lấy lòng. Khi bị những kẻ xấu ganh tị, Thái  Bá Lợi đặc biệt cảm thông, bỏ qua. Thế sự thăng trầm, tình người thay đổi, có người hôm qua là bạn, hôm nay vì đố kỵ mà tự chuyển thành đối thủ. Khôn khôn lường lường, khôn lường mãi âu rồi đâu cũng vào đó vậy.

Trung Trung Đỉnh – Văn nghệ công an

Exit mobile version