Nhà thơ Trần Đăng Khoa khi còn nhỏ

 

1.

Nam Trần Thị Lý và Bắc Trần Thị Lý

Những bài thơ Trần Đăng Khoa

Với hai câu thơ này, in trong tập thơ Cửa mở xuất bản năm 1972, bằng việc đặt ba hiện tượng nọ bên nhau, thi sĩ Việt Phương đã đưa thơ Trần Đăng Khoa lên vị trí ngang hàng với những tên tuổi anh hùng chiến sĩ lẫy lừng thời chiến trận. Quả nhiên, sau tập thơ đầu tay Góc sân và Khoảng trời ấn hành năm 1968, khi mới mười tuổi, những năm 60, 70 của thế kỷ trước thật đáng gọi là những năm của thi sĩ thần đồng Trần Đăng Khoa trên văn đàn.

Thơ Trần Đăng Khoa đã trở thành niềm tự hào của tuổi thơ và của dân tộc. Luận văn tiến sĩ khoa học tâm lý viết về Khoa của phó giáo sư Ánh Tuyết, phu nhân nhạc sĩ Phạm Tuyên, được xếp hạng ưu. Và thật tình là không có gì đáng phải ngạc nhiên khi sự xuất hiện của thi sĩ tuổi thơ xuất sắc này đã trở thành đề tài bàn luận, khảo sát của đông đảo những người quan tâm, đặc biệt là của giới khoa học và các văn nghệ sĩ.

Tài năng của Khoa bắt nguồn từ đâu? Câu hỏi đã đặt ra. Và thế là chẳng cần biết đến cái giới hạn của lý trí, mọi người bằng nhiệt tình hăm hở của mình đều hăng hái tham gia vào công cuộc giải mã hiện tượng kỳ thú hiếm hoi này. Hội thảo liên tiếp hội thảo. Và cuối cùng thì trí khôn của con người dường như đã thỏa mãn vì tưởng rằng như vậy là đã đào xới được đến tận gốc rễ của vấn đề.

Nghĩa là, một cách rất rõ ràng, tài năng của thần đồng Trần Đăng Khoa được khai căn và kết quả là mọi người đã tìm được 4 cái nguyên do sau đây: 1/ Do chế độ Xã hội chủ nghĩa ưu việt của Miền Bắc vốn là cái nôi bằng vàng để nảy sinh ra không những Trần Đăng Khoa mà còn là nhiều tài năng khác. 2/ Do nền giáo dục tiến bộ của chế độ xã hội. 3/ Do đời sống xã hội được cải thiện, quê hương thay đổi từng ngày theo hướng tốt đẹp lên. 4/ Do truyền thống văn hóa của đất nước quê hương, gia đình, đặc biệt là nhờ người mẹ đã ru Kiều cho Khoa từ khi Khoa còn là một bé hài nhi.(1)

Với tham vọng cái gì cũng có thể giải thích tường tận được bằng logic tam đoạn luận, nghĩa là nói như Karl Marx, có thể trần gian hóa mọi hiện tượng, những kết luận như trên rõ ràng là thể hiện tinh thần chống lại chủ nghĩa duy tâm thần bí một cách rất quyết liệt và đầy tự tin. Chỉ tiếc, ngay từ hồi ấy, bốn cái kết luận này, nghe ra, từ trong thâm tâm nhiều người cũng thấy là không ổn và là người trong cuộc, nhà thơ Trần Nhuận Minh, anh trai Trần Đăng Khoa cũng đã gián tiếp phản bác chúng rồi. Nhà thơ họ Trần viết:

“Bốn điều ấy có gì dành riêng cho Khoa đâu. Và xét từng điểm một, thì đúng là như thế  mà không hẳn như thế. Ví như ru Kiều thì hàng triệu bà mẹ Việt Nam ru Kiều cho con. Còn truyền thống gia đình tôi, thì làm sao bằng nhiều gia đình khác, với ông bố cả đời chỉ đi cày thuê và đóng gạch thuê, chữ nghĩa học thời bình dân học vụ, dù là con trai thứ của một ông đồ. Tôi chưa bao giờ thấy người cầm một quyển sách hay ngó một trang sách nào và người cũng hoàn toàn không quan tâm đến văn chương, dù là của các con; với bà mẹ không biết viết đến cả cái tên mình, suốt đời làm lụng trên đồng ruộng, “bán mặt cho đất bán, bán lưng cho trời”. Ngày nông nhàn thì chạy chợ, nấu bánh đúc, bán ngô luộc, lạc luộc, lo quắt người cho con có bát cơm mà ăn không xong… Việc học hành của Khoa thì cũng như mọi đứa trẻ khác, cùng lớp cùng trường cùng xã, tuyệt đối không có hơn, tuyệt đối không có khác bất cứ một điều gì…” (2)

Nghĩa là xem ra bốn điều luận giải như thế cũng chẳng nói lên được điều gì quan trọng căn cốt cả. Mỗi cuốn tiểu thuyết là một bí ẩn. Một nhà văn Pháp đã nói vậy. Nghĩa là với ngay một tác phẩm cũng đừng mong có cơ hội giải nghĩa ngọn ngành cái gọi là cơ chế bên trong hình thành ra nó. Huống hồ, một nhân tài. Trí tuệ đã dừng lại trước cái ngưỡng không thể vượt qua, để mặc cho sự bí hiểm diễn tiến trong im lặng. Tài năng là thiên phú, là bẩm sinh, là thứ Trời cho, không thể dùng năng lực người để giải thích được.

2.

Tuy nhiên, dẫu là bất lực trong việc  khám phá đến kỳ cùng cái căn nguyên của tài năng, đành để nó vào khoảng trời đêm tù mù, thì gạt bỏ đi chút băn khoăn cuối cùng, ta cũng nhận ra, tài năng quả nhiên là đã thiết lập một mối quan hệ hỗ tương với môi trường, với một vùng địa lý nhân văn, nơi tài năng sinh ra và lớn lên. Điều này thực ra cũng chẳng phải là một phát hiện mới mẻ gì! Địa linh – Nhân kiệt. Nhóm từ này, người xưa đã hơn một lần nói đến. Địa linh – Nhân kiệt. Đất và Người. Vùng sinh thái và con người ở đó. Một quan hệ có thật! Và như vậy thì theo phép luận suy thông thường, cái tên tập thơ đầu tay Góc sân và Khoảng trời của Trần Đăng Khoa chính là cái biển chỉ đường cho ta biết xuất xứ của thi sĩ rồi đó còn gì. Nghĩa là nếu như Xuân Diệu đã nói: Góc sân là cái đầu nguồn của thơ Khoa. Thì ta cũng có thể thêm: Khoảng trời Nam Sách, nơi cánh cò chớp trắng trên sông Kinh Thầy là cái nôi sinh nở bế ẵm ru dín nuôi nấng tài thơ của Khoa. Văn chương nết đất, thông minh tính trời. Tài năng Khoa không ra đời ở nơi khác, ở một văn cảnh khác. Khoa là tinh hoa của một vùng đồng ruộng sông nước xóm làng quê hương. Cũng như vậy, Tô Hoài, cái mỹ danh ghép từ tên con sông Tô Lịch và phủ Hoài Đức của Nguyễn Sen, là của văn cảnh một vùng quê ruộng đồng sông nước miếu mạo Từ Liêm, Cầu Giấy, Nghĩa Đô… ngoại thành Hà Nội. Bàn Thành Bình Định là vùng đất sinh tụ của Tứ quái Hàn Mặc Tử – Chế Lan Viên – Quách Tấn – Yến Lan.

Bạn có biết những năm gần đây nhà văn Xuân Cang đã chuyển tài năng của mình sang lĩnh vực nghiên cứu Kinh Dịch chưa? Quái kiệt thật đấy khi ông văn sĩ kiêm thầy lý số này, với công trình toán Hà Lạc, dưới  ánh sáng  Kinh Dịch, đã tìm ra và truy nguyên đến tận cùng cái gốc tích xứ sở và cuộc đời của những 32 anh  em nhà văn ta kia đấy. Thú vị làm sao, chỉ bằng mấy đường hào liền mạch hoặc đứt nối tiếng chuyên môn gọi là quẻ, ông đã chứng minh được mối quan hệ khăng khít giữa vùng sinh thái với nghiệp thơ văn của mỗi người. Chẳng hạn, với Trần Nhuận Minh. Là anh trai Trần Đăng Khoa, nhưng Trần Nhuận Minh mang quẻ giời có tên gọi là Thủy Sơn Kiển. Kiển có nghĩa là gian nan, và người quẻ Kiển đi trong đường đời trước mặt bao giờ cũng  là sông (Thủy), sau lưng bao giờ cũng là núi (Sơn), vô cùng gập ghềnh hiểm trở. Vậy thì trúng phoóc rồi, nghiệp thơ của thi sĩ này lập hiển nhiên là ở tít tận vùng mỏ Quảng Ninh có núi có sông có biển, nơi anh thực thi trách vụ công chức chứ đâu có phải ở quê hương bản quán đồng bằng như em trai mình. Ví dụ khác: Nguyễn Khuyến. Tam Nguyên Yên Đổ có quẻ giời là Thủy Phong Tỉnh. Tỉnh có nghĩa là cái giếng. Người quẻ Tỉnh đặc biệt gắn bó với quê hương. Thời cuộc xô đẩy cụ bốn lần thi mới đỗ đầu thi Hội rồi được bổ làm quan, tri nhậm chức vị hết Huế lại Thanh Hóa, Quảng Ngãi… cuối cùng cáo quan cụ về quê, và từ đây nghiệp thơ của cụ đã được lập. Lập tại chính vùng quê Thanh Liêm, Hà Nam. Vậy có đúng là cảnh thổ sinh thái nơi chôn rau cắt rốn của cụ sinh ra tài thơ của cụ, chứ đâu có phải là nơi nhiệm sở nào. Khác hẳn trường hợp Trần Nhuận Minh nhé!(3)

Càn khôn có linh khí của càn khôn. Nhìn rộng ra thì sẽ thấy Mikhail Solokhov gắn liền với cội nguồn lịch sử văn hóa vùng Cô dắc Sông Đông là điều chẳng cần bàn cãi. Cũng vậy, Garcia Lorca, thiên tài của thơ ca nhạc họa là cái thành tố của không gian văn hóa, văn cảnh Tây Ban Nha, áo choàng đỏ gắt, vành trăng chuếnh choáng, yên ngựa mỏi mòn, cùng tiếng đàn guitare lila lila(4). Non sông đất nước ta đã sinh ra Người và Người đã làm vẻ vang non sông đất nước ta. Đó là một câu trong Điếu văn đọc buổi tang lễ Chủ tịch Hồ Chí Minh tháng 9 năm 1968. Một chân lý hiển nhiên. Một câu văn gây xúc động sâu xa lòng người. Tài năng và văn cảnh. Nhà văn và vùng quê của anh. Một biểu hiện của phép biện chứng mang tính nghiệm sinh.

3.

Bạn đã đọc Sơ kính tân trang chưa? Đọc rồi thì bạn có tin rằng, nếu Phạm Thái (1777 – 1813) lấy được Trương Quỳnh Như thì sẽ không có tác phẩm thơ rất có giá trị này? Sơ kính tân trang – Gương lược kiểu mới, là áng thơ trữ tình của chàng thi sĩ tài hoa yểu mệnh lìa đời khi mới 37 tuổi, trong đó có phần kể lại cuộc tình riêng buồn thảm của mình với tiểu thư họ Trương. Tự tình khúc là một tác phẩm thơ Nôm đặc sắc, một ký sự bằng thơ thể hiện cực kỳ sinh động tấn bi kịch của tài năng bị oan khuất của Cao Bá Nhạ. Ông viết khúc bi ca tâm huyết này trong thời gian bị tù vì có quan hệ máu huyết với Cao Bá Quát khi thánh thi này tử trận trong cuộc khởi nghĩa nông dân Lê Duy Cự. Nhiều tác phẩm văn học xuất sắc của chúng ta và của thế giới đã là con đẻ của những éo le nghịch cảnh như thế đó!

Ly tao của đại thi hào Khuất Nguyên là một ví dụ nữa. Khuất Nguyên sống ở thời Chiến Quốc nước Trung Hoa. Là một vị đại thần, đã từng làm quan đến chức Tả đồ nước Sở. Phát hiện ra nguy cơ mất nước, Khuất Nguyên đã dâng sớ tấu trình một chương trình chấn hưng mọi việc trong triều với Sở Hoài Vương. Tiếc thay, Sở Hoài Vương không đủ nhận biết để nghe theo, lại bị bọn gian thần xúc xiểm, quay trở lại ruồng rẫy Khuất Nguyên, khiến ông phải rời bỏ triều đình mà  ra đi. Phát phẫn trước thư/ Phẫn uất viết sách! Tấn bi kịch của một trí tuệ siêu việt, nỗi phấn uất của một tấm lòng son duy báo nước mà không được lắng nghe của Khuất Nguyên là cái hoàn cảnh để một tác phẩm bất hủ của nhân loại ra đời: Ông đã sáng tác Ly tao trong những ngày đau buồn này!

“Ly tao của Khuất Nguyên là do oán đời vậy…”. Cùng với nhận định này trong Khuất Nguyên liệt truyện, Tư Mã Thiên trong Lời tựa tác phẩm Sử ký của mình, viết tiếp: “Khuất Nguyên bị trục xuất mà viết Ly tao, Tả Khâu Minh bị mù mắt mà viết Quốc ngữ, Tôn Tử bị chặt chân mà luận Binh pháp… Ba trăm bài Kinh Thi đại để đều do thánh hiền nổi giận mà làm ra vậy”. Tư Mã Thiên đã có dụng tâm làm công việc tổng kê để nâng sự kiện lên tầm khái quát. Vả chăng, chính là Tư Mã Thiên sau này bằng cuộc đời mình đã tạo thêm một dẫn chứng nữa phản ánh cái quy luật phát phẫn trước thư – phẫn uất viết sách. Cũng như Bạch Cư Dị đời Đường chỉ nói riêng kiệt tác Tỳ bà hành, sở dĩ có được là do có thời gian thi hào bị biếm trích ở Giang Châu. Và như vậy, Âu Dương Tu, nhà thơ đời Tống thế kỷ XI đã có căn cứ để nói: “Ta nghe đời thường nói, nhà thơ hiển đạt thì ít, mà cùng khổ thì nhiều. Lẽ nào lại như vậy. Phải chăng những vần thơ hay mà đời lưu truyền phần lớn là thơ của những người cùng khổ…”. Tiếp đó ông đã bổ sung vào mệnh đề Phát phẫn trước thư một khía cạnh mới: Thi cùng nhi hậu công – nghĩa là thơ có cùng khốn mới hay.(5)

Tại sao có oán hận, có cùng khốn thơ văn mới hay? Đó là bởi, thơ là tinh chất của những rung động nâng cao và mê hoặc, muốn thơ hay trước hết tình cảm phải chân thành và chan chứa. Vậy thì trạng thái phẫn uất, bị dày vò tinh thần chính là cao trào của cảm xúc. Cũng như thế, bị dồn đến bước đường cùng về cuộc sống vật chất, tất dẫn đến đau đớn về tinh thần tình cảm, và đó là cơ sở để xúc cảm dâng trào. Trong đau khổ, có tư tưởng. Mệnh đề trên của Dostoyevski phải chăng cũng là đúc kết từ mối quan hệ giữa cuộc đời đầy những đau khổ với tác phẩm của ông? Đọc những trang tiểu sử khổ đau khủng khiếp ba chìm bảy nổi của Miguel de Cervantes, ta hiểu rõ hơn lời Alfred de Musset: Nỗi đau đời làm nên thi sĩ lớn! Ta cũng đồng tình với đúc kết mang tính chân lý phổ biến của thi tiên Lý Bạch: Ai oán khởi tao nhân! Có nếm mùi cay đắng mới nên bậc siêu quần. Tức nước thì vỡ bờ! Cùng tắc biến, biến tắc thông hẳn cũng là cái quy luật trong nó chứa đựng cả hiện tượng văn chương này chăng?

4.

Phát phẫn trước thư! Một tài năng văn chương được phát lộ do một éo le nghịch cảnh. Trao đổi điều này với bạn tôi, PGS Trần Đình Huỳnh, một cây bút chính luận, nguyên Viện trưởng Viện xây dựng Đảng, ông bảo: Nếu những dẫn chứng nêu trên thuộc về các trường hợp cá biệt đặc thù, thường là của các bậc siêu nhân, thì điều sau đây tôi cho là quy tắc phổ biến: những ai đã mang cái nghiệp cầm bút đều là những người trong lòng đã có sẵn một nỗi niềm, một nỗi niềm gì đó, không ít thì nhiều. Quả nhiên là vậy. Có điều gì đó ở trong lòng, cần gửi gắm cho người đời thì mới có cái mà viết chứ còn gì. Tố Hữu bảo: Thơ là tiếng nói đồng chí đồng tình cũng là một cách nói có hàm ý vậy.

Dĩ  nhiên, đau khổ khốn cùng và nỗi niềm chứa chất ở trong lòng không phải là cơ hội duy nhất để tài năng bộc lộ và khai triển. Và cũng không phải, hễ rơi vào trạng huống rủi ro khổ ải, trong lòng đầy ứ nỗi niềm  là có ngay văn thơ hay. Chưa kể, văn thơ hay đâu có phải chỉ rặt là những tiếng kêu của ai oán và thổ lộ nỗi lòng buồn khổ. Không! Thơ văn bày tỏ nỗi oán sầu thống khổ bao giờ cũng nhằm mục tiêu tối thượng là để  vượt qua nó, chiến thắng nó, để không bao giờ còn có oán sầu thống khổ phải bày tỏ nữa. Nghĩa là Thân thể ở trong lao. Tinh thần ở ngoài lao. Muốn nên sự nghiệp lớn. Tinh thần thần càng phải cao.

Và như vậy, tới đây câu chuyện đã gặp đúng cái vòng xoáy chu nhi phục thủy – cái gì đã đi tới chỗ tận cùng thì có xu hướng quay trở lại điểm khởi đầu – chúng ta quay trở lại gặp Nguyễn Du: Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài. Và trước đó nữa là B. Pascal (1623- 1662) với câu nói nổi tiếng: Những tư tưởng lớn đều đến từ trái tim. Thực vậy, suy cho cùng, kể từ Phạm Thái đến Bạch Cư Dị, tài năng của các vị đâu có phải chỉ là nảy sinh từ đau khổ, khốn cùng, điểm khai phóng tài năng của họ chính là tình yêu và khát vọng lớn với con người và cuộc đời. Từ tình yêu và khát vọng lớn với con người và cuộc đời!

5.

Tạo hóa hào phóng vung ra vô số sản vật, nhưng chỉ hy hữu mới sinh ra vài hạt giống tốt. Thiên tài văn chương là những tài năng xuất chúng lỗi lạc và có ít thôi. Nguyễn Du, Nguyễn Trãi là hiển nhiên. Còn thế giới thì khỏi phải bàn: Miguel de Cervantes, William Shakespeare, Fédor Mikhailovitsh Dostoyevski, Lev Tolstoy… Tuy nhiên tôi vẫn rất thích nhắc lại câu nói sau đây của F.W. Nietzsche: Thiên tài là người hàng xóm của mình, chứ không phải là con ngáo ộp. Và như thế với tôi, Vũ Trọng Phụng cũng là một bậc thiên tài. Chế Lan Viên cũng vậy.

Tài năng văn chương có nhiều cung bậc, nhiều dáng hình. Marcel Proust nói: Văn chương là hành trình đi tìm con mắt mới. Như vậy thì tài năng trong văn chương là người làm giàu có con mắt nhìn đời của ta. Ta yêu quý và ngưỡng mộ Tây tiến của Quang Dũng vừa cổ kính nghiêm trang vừa lãng mạn bay bổng. Ta yêu quý ngưỡng mộ cả Trường ca Việt Bắc trong cảm hứng lịch sử hòa trộn với xúc cảm mến thương của Tố Hữu. Cả  giọng điệu trữ tình – chính luận trong Mặt đường khát vọng của Nguyễn Khoa Điềm. Cả cái tài khám phá hiện thực ở góc độ thẩm mỹ trong tùy bút Người lái đò trên sông Đà của Nguyễn Tuân. Cả cái giọng kể chuyện rất có duyên của Tô Hoài trong Vợ chồng A Phủ. Cả cái hồn vía Tây Nguyên thấm đẫm trong từng dòng từng trang trong Rừng xà nu của Nguyên Ngọc. Cả cái chất tự sự – triết luận trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu…

Cái tài cũng như cái đẹp, chúng có một cái khung hình thật rộng rãi. Đủ chỗ cho mọi người. Không ai thay thế ai. Không ai lấn át ai. Nó do khí chất, phong cốt mỗi cá nhân làm nên. Tất nhiên tài năng cũng chẳng phải là thứ độc quyền của thế hệ nào. Cũng không phải là của ăn của để mãi mãi của một ai. Tài năng nào cũng có cái  thời  của nó. Ngoại trừ các bậc thiên tài, còn mỗi người như tôi, cái tài thật sự chỉ là sự thông thạo gọi là  một vài thao tác cụ thể nhỏ mọn thôi. Nhà văn nước ta có nhiều người tài, thậm chí rất có tài. Nhưng tôi trộm nghĩ, cũng có nhiều người thật sự là có tài nhưng đã phung phí, để nó mai một đi một cách rất đáng tiếc!

Tôi cũng hiểu, cái gốc của tài năng trước hết là do có được một định hướng lớn trong đời. Sau nữa, một tài năng thật sự cũng là một bảo hiểm chống trả những cám dỗ tục lụy tầm thường. Còn nói riêng về nghề nghiệp thì quan trọng là anh phải có cách đối xử đúng đắn với văn chương. Với cái nghề nghiệp cao quý và sang trọng này, chớ nên xem nó cao cao tại thượng, quá xa cách, nhưng cũng chẳng nên suồng sã bá vai bá cổ mày tao chi tớ với nó.

Tài năng là thứ của hiếm. Cũng là thứ dễ bị mất mát. Nghề văn giống như cuộc chạy Marathon, xuất phát thì rất đông, nhưng tới đích thì rất ít. Rắc rối còn ở chỗ, tài năng lại là thứ người sở hữu nó là người biết đến sau cùng. Có khi mất rồi mới biết!

6.

Tư Mã Thiên bị nhà Hán khép trọng tội phải chịu hình phạt cung hình, tột cùng của đau đớn và nhục nhã; xét về cá nhân thì đó là rủi ro, nhưng với trước tác ông làm ra từ nỗi đau đời đó, thì thật sự là bất nhẫn khi nói đó lại là điều may mắn cho nhân quần. Một cặp phạm trù. May mắn đi liền với rủi ro.

Rủi ro! Bị rơi vào cảnh nghèo đói túng bấn. Bị sa vào ốm đau, bệnh tật. Bị bạn bè ganh ghét phản bội. Bị vu oan giá họa. Bị lâm vào cảnh vong gia thất thổ. Nhưng mà thôi, kể làm chi nữa những nỗi đoạn trường. Vì đường đi vốn lắm núi lắm đèo. Vì Trời chẳng thiên vị ai, nhà văn thì cũng như mọi người, bên niềm vui là nỗi khốn khó. Vì ngẫu nhiên, ngẫu nhiên và ngẫu nhiên, thế giới những ba lần ngẫu nhiên, trong đó không ít cái gọi là ngẫu nhiên may mắn, nhưng cũng rất lắm cái bị coi là ngẫu nhiên rủi ro. Vì trên  đời thiếu gì tài năng đã tàn lụi vì gặp phải điều tréo ngoe, nỗi bất hạnh, cơn tai biến.

Vậy đó! Có tài mà cậy chi tài. Chữ tài gần với chữ tai một vần. Tài tình chi lắm cho trời đất ghen. Cuộc sống là vậy, nhiều chiều, không thuần nhất. Lũ chúng tôi đầu thai lầm thế kỷ. Một đời người u uất nỗi bơ vơ. Bên kẻ sinh bất phùng thời lại có cảnh thời lai đồ điếu thành công dị. Thế nên đáng kể ở đây chỉ là câu chuyện tai nạn nghề nghiệp của văn chương thôi. Vậy đó! ừ thì thánh thơ Cao Bá Quát (1808-1855) vì là lãnh tụ cuộc khởi nghĩa, bị triều đình nhà Nguyễn kết tội phản nghịch, thơ văn bị liệt vào loại quốc cấm, không được lưu truyền, thì đã đi một nhẽ. Còn như Nguyễn Du với Truyện Kiều chỉ rặt chữ nghĩa thôi, vậy mà đọc đến đoạn Giang hồ quen thói vẫy vùng… khắc họa hình tượng Từ Hải mà ông vua hay chữ Tự Đức cũng uất tức đến mức ngay trước mặt triều thần đã cất tiếng dậm dọa, nếu Nguyễn Tiên Điền còn sống thì nọc cổ nghỉ ra đánh cho trăm trượng, là cái cớ làm sao! Mà cũng chẳng còn là dậm dọa nữa đâu. A.Pushkin đã bị Nga hoàng Alexandre đệ nhất nổi cơn giận dữ lưu đày đi tận Sibérie  rồi đấy. Còn M.I.Lermontov, sau hai lần ra tòa, hai lần bị đày đi Capcase, còn bị Sa hoàng tìm mọi cách ám hại, dẫn đến cái chết bi thảm của thi sĩ kế tục thiên tài Pushkin này khi mới hai mươi bảy tuổi, bằng trận đấu súng ngày 15 tháng 7 năm 1841. Và số phận đau buồn của A.I.Solzenitsyn, B.Pasternak thế nào thì chắc ai cũng đã biết…

Tương truyền rằng, kể lại hai giai đoạn viết Thủy Hử, 50 hồi đầu thể hiện tư tưởng thế thiên hành đạo của các anh hùng Lương Sơn Bạc, 70 hồi sau trở lại với tư tưởng trung quân, Thi Nại Am nói: Ta vì viết sách mà vào tù, nay cũng vì viết sách mà ra tù. Khiếp quá thôi, ắt hẳn là có quỷ thần bên trong nên chữ nghĩa mới  trở nên lợi hại đến thế! Tất nhiên nói vậy là người đời vẫn còn bị ám ảnh hãi hùng vì những thảm họa tri thức văn nghệ sĩ xứ sở Hoa Hạ đã chịu trong đại cách mạng văn hóa ở nước họ, với những cuộc đấu tố, đày đọa khốc liệt đến mức thân bại danh liệt cả nhiều tên tuổi lớn. Chúng khiến người ta nhớ đến vụ phần thư khanh nho kinh thiên động địa của Tần Thủy Hoàng năm 213 trước Công nguyên: toàn bộ Thi, Thư, sách bách gia chư tử đều bị đốt hết. Ngự sử do nhà vua phái đi dò xét, thấy ai phản đối là bắt, cuối cùng, chôn sống bốn trăm sáu mươi người, còn thì đày tất ra biên cương khai hoang. Còn nước Việt mình vốn có truyền thống văn hiến, sống trong tình nghĩa yêu thương đùm bọc nhau, vậy mà các vụ án văn tự cũng vẫn có, nó như cái rớp, kể từ mồ ma thời phong kiến còn lai rai đến thời nay, đó cũng là do quen thói cường quyền, ấu trĩ và ngu xuần, nghĩ đi nghĩ lại  cũng thấy tội, nên chẳng buồn nhắc đến nữa!

Những cái án văn tự từ đời xửa xưa đã có, đời nào cũng có trong lịch sử văn chương nước ta và thế giới đã chứng tỏ điều gì? Nó chứng tỏ cái nghề bút mực này cũng có khi ít sự an toàn. Mà ngẫm đến cùng một cách thực sự cầu thị, thì cũng còn thấy, phải chăng nguyên do của nó còn là ở chính kẻ có tài văn chương nữa cơ? Vì thơ đong từng ngao, nhưng lại muốn tát bể. Vì cái cân nhỏ xíu lại định cân cả đời. Vì đến như Nguyễn Khuyến  mà còn có lúc kiêu hãnh ví mình như cái lược quý đồi mồi dùng để chải hết bụi cát bẩn cho thế gian. Vì như đức Khổng tử nói: Kẻ sĩ mà cứ muốn ở yên thì chưa phải là kẻ sĩ. Nghĩa là số phận nhà văn nhà thơ, những kẻ lập ngôn, còn là từ ở trong bản thể, bản tính bước ra nữa cơ, chà! Bị cấm đoán. Bị  hạch tội, bị hạch sách. Bị bạc đãi. Bị tù đày. Thậm chí chỉ vì một cái Những vần thơ của quỷ Sa tăng mà sinh mệnh của Ahmed Salman  Rushdi đã bị thế giới Hồi giáo treo đầu bằng 3 triệu 3 đô la. Thì quả thật, hiếm có nghề nghiệp nào tai nạn lại  khốc hại đến như vậy.

Không ai dở hơi đến mức tự dưng tự lành lại chuốc lấy rủi ro để có được cơ hội thăng hoa (?!)Nhưng nếu rủi ro là một hằng số bất biến, Trái đất xẻ làm đôi. Vết nứt xuyên qua trái tim thi sĩ như Henrich Heine (1797 – 1856) viết thì, ta sẽ như Nguyễn Du: Phong vận kỳ oan ngã tự cư. Cái oan của người phong nhã ta nhận lấy. Nghĩa là ta ngạo nghễ đương đầu vì tin tưởng vào sự bất diệt của tài năng! Nghĩa là dẫu có rơi vào hoàn cảnh khắc nghiệt, ngặt nghèo đến thế nào thì cũng quyết không để thối chí, đánh mất mình, trở nên dị ngợm, cùn mòn, rỉ sét đi. Trái lại, biết lật ngược tình thế, biến điều bất thuận thành xung lực kích thúc sự sáng tạo.

Em cởi áo

Như mùa thu trút lá

Em buông mình cơn ghì riết mê man

Vòng tay dịu êm qua lớp áo choàng

Em là vĩnh phúc trên bước đường

thảm khốc

Khi đời sống còn ghê rợn hơn cơn đau

Thì can đảm – cội nguồn cái đẹp

Chính là điều cuốn ta lại gần nhau

(Boris Pasternak. 1890 – 1960)

7.

Rủi ro là điều bất đắc dĩ, chẳng ai muốn. Vì rủi ro, nói chung là phá hoại, hạn chế tài năng. Vậy thì điều mong mỏi và cần thiết với nhà văn là sự may mắn.

Một lão ngư dân đánh cá biển một hôm câu được một con cá kiếm khổng lồ. Con cá mắc câu vùng vẫy chống trả. Vật lộn với con cá ngoài biển khơi hàng tiếng đồng hồ, cuối cùng lão ngư dân khuất phục được nó và cột được nó vào cạnh thuyền để dong nó vào bờ. Tiếc thay, máu con vật đánh thức lũ cá mập đói. Thế là bọn ác ngư liền xông tới xâu xé con cá. Và, khi lão ngư dân kéo được con cá kiếm, thành quả của công cuộc lao động vô cùng vất vả lên bờ, thì ôi thôi, niềm mơ ước và kiêu hãnh của ông chỉ còn là một  đám xương. Không sao hết. Ông lão lại chuẩn bị đồ nghề để tiếp tục ra khơi.

Một cốt truyện quá hay. Hay vì tình tiết sinh động, ly kỳ và hợp lý. Hay vì trong câu chuyện có cả phông màn biển cả và diễn tiến của dãy sự kiện chứa đầy kịch tính. Hay vì câu chuyện vừa là thật vừa là biểu tượng mang tính ẩn dụ cao, là điều kiện để có thể ứng dụng nguyên lý sáng tác: Tảng băng trôi. Nghĩa là phần nhô lên trên mặt nước chưa phải là tất cả. Quan trọng là phần chìm ở phía dưới kia! Hay vì bản thân câu chuyện đã hàm ẩn cái triết lý nhân sinh độc đáo: Con người có thể bị đánh tơi tả, thậm chí bị hủy diệt, chứ không bao giờ chịu thất bại hoàn toàn.

Ông già và biển cả, kiệt tác đã đem về giải Nobel Văn học danh giá cho Hemingway năm 1954 có cốt truyện như vậy. Đọc sách này của Hemingway xong, tôi tự hỏi, giả thử có được một cốt truyện như thế, liệu mình có thể làm được một cái như Ông già và biển cả không? Tôi tin rằng, không phải chỉ có tôi, mà hàng chục  cây bút văn xuôi nước ta, đều rơi vào trạng thái lưỡng phân, nghĩa là vừa tự tin vừa phân vân, trong khi trả lời  câu hỏi này. May ra thì có thể được. May ra thì có thể được! Thế đấy! Nửa tin nửa ngờ. Vì sao lại như vậy? Vì  tưởng rằng đã đầy đủ tất cả nguyên vật liệu như xi măng, sắt thép, gạch ngói rồi, giờ chỉ còn mỗi việc đơn giản là bắt tay vào việc xây cất ngôi nhà thôi mà hóa ra không phải! Vì quá trình tạo nên một chế phẩm văn chương đâu có phải là một quá trình cơ giới! Đó là một quá trình bị chi phối bởi không biết bao nhiêu yếu tố vi lượng, có khi rất tình cờ, ngẫu nhiên, không chủ động được, bí ẩn, không giải thích được, Cái đẹp đẽ nhất mà chúng ta có thể trải nghiệm được là cái bí ẩn (A. Einstein). Rất nhiều nhà văn nói với tôi rằng, tác phẩm của họ là sản phẩm của một khoảnh khắc nhất định, là sự may tay có lời, giống như đánh bạc, trước đó không làm được và bây giờ sau khi đã khôn ngoan giỏi giang hơn cũng không làm được. Chứ không phải như một nhà lý luận kinh điển Châu Âu nói: Cái gì con người đã làm ra một lần thì cũng con người phải làm lại được chính sản phẩm đó, cho dù đó là sản phẩm nghệ thuật(?!) Truyện Kiều, Danube xanh chỉ có độc bản thôi!

Bài thơ anh, anh làm một nửa thôi

Còn một nửa, cho mùa thu làm lấy.

8.

May mắn! Cái lộc, cái duyên Trời cho người này mà không cho người khác. Cho anh lúc này mà không cho lúc khác. May mắn! Nó như nước mưa trời. Nó như số phận. Như định mệnh. Nó là cái bất khả tri. Điều đó giải thích lúc này anh viết hay, lúc khác không được thế. Điều đó cũng có thể dùng để lý giải sự trồi sụt trong các tác phẩm ngay của các thiên tài văn chương.

Năm 1994, trong trận chung kết World Cup giữa Italia và Brazil, sau 120 phút thư hùng, hai đội đành  phải phân thắng bại bằng chấm 11 mét. Nhận lãnh nhiệm vụ đá trực tiếp quả bóng quyết định thắng bại của đội Italia không phải là cầu thủ loại hai lóng ngóng vụng về, mà là Roberto Baggio, con cưng của đội. Vậy mà báo hại chưa, quả bóng lại vọt ra ngoài cầu môn. Nhắc lại sự kiện nho nhỏ mà gây chấn động cả thế giới hồi ấy này, ông nhà văn Italia Gianrico Carofiglio nói vui: Văn chương cũng như bóng đá vậy thôi…

Văn chương cũng như bóng đá, cũng như các sự nghiệp tạo nên bằng tài sức của chính chủ quan con người đại để có điểm na ná nhau là vậy. Nó phụ thuộc vào may rủi rất nhiều. Với văn chương không có gì là  hứa hẹn trước cả. Chắc chắn là nhiều bạn đồng nghiệp cũng như tôi, có được chút ít cần cù chịu khó và may mắn, đã cầm bút vài chục năm rồi, vậy mà nay bắt đầu vào việc viết một cái gì đó đều cảm thấy run rẩy như trẻ nhỏ tập đi những bước đầu tiên. Sợ hãi lắm! Có cả ngàn duyên cớ đang rình rập sẵn sàng đánh bại anh. Nói chơi thì được, chứ đừng có nghĩ thật rằng tác phẩm hay nhất là cái tôi sẽ viết. Hợm hĩnh là thái độ xa lạ với kẻ làm công việc văn chương. Tôi hỏi Tô Hoài: So với hồi trẻ, việc viết lách có gì khác? Bậc trưởng lão đáp: Giữa dự định và thực tế sáng tác bớt khoảng cách hơn. Quá chí lý! Nghĩa là do từng trải việc đời và tay nghề mà sự cố ít rủi ro ít đi, có cơ hội gặp được nhiều may mắn hơn. J.W. Goeth cho rằng, để có tác phẩm kiệt xuất cần 3 yếu tố: 1/ Dân tộc đó có điều gì đó có thể nói được với nhân loại. 2/ Điều có thể nói với nhân loại phải biến thành hình tượngthẩm mỹ. 3/ Nhà văn phải làm việc trong thời kỳ sung sức nhất.

Vậy thì vấn đề là phải làm việc. Làm việc làm việc và làm việc! Trong một niềm vui vô hạn. Niềm vui của kẻ có chút ít gọi là tài năng. Ta là Một, là Riêng, là thứ Nhất. Không có chi bè bạn nổi cùng ta (Xuân Diệu). Trời đất cho ta một cái tài. Giắt lưng dành để tháng ngày chơi. (Nguyễn Công Trứ). Vênh vang một tí. Cao ngạo một chút. Thì cũng gần như là một thuộc tính. Để thêm chút yêu đời. Để thư giãn. Chắc cũng được mọi người thông cảm. Vì thiên sinh hữu tài, tất hữu dụng – Trời sinh ta có tài, ắt có lúc phải dùng. Quan trọng là đừng đánh mất, đừng để phí  phạm.

——————————————

1/ Xem Đối thoại văn chương. Trầng Nhuận Minh – Nguyễn Đức Tùng. Trang 330.

2/  Sđd. Trang 330.

3/ Xem Góc nhìn bát quái. Tản văn của Xuân Cang. Nxb Văn hóa – Văn nghệ T.P Hồ Chí Minh. 2012.

4/ Xem Đàn  ghi ta của Lorca. Thơ Thanh Thảo, Ngữ văn lớp 12. tập 1.

5/ Tinh thần và nội dung của đoạn văn này được viết  dựa theo  Tiểu luận Phát phẫn trước thư của GS Phương Lựu in trên Văn nghệ số 39. ngày 29/9/2012. Nhân đây tác giả xin ngỏ lời cám ơn Giáo sư.

(Nguồn: Văn nghệ số 5/2013)