Tiến sĩ PHÙNG GIA THẾ Sinh năm 1977 tại Phú Thọ Hiện công tác tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 |
– Chúc mừng nhà nghiên cứu – phê bình Phùng Gia Thế đã trình diễn một “ca-song-sinh” rất ấn tượng: cùng lúc công bố hai cuốn sách Những dấu hiệu của chủ nghĩa hậu hiện đại trong văn xuôi Việt Nam đương đại (giai đoạn 1986 – 2012) (chuyên luận, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2016) và Văn học Việt Nam sau 1986 – phê bình đối thoại (tiểu luận – phê bình, Nxb Văn học, 2016). Về tên sách Văn học Việt Nam sau 1986 – phê bình đối thoại, anh chủ ý “đính kèm” hai chữ “đối thoại” sau từ “phê bình”, tức là…?
+ Cảm ơn anh. Tôi đặt tên sách có cụm từ “phê bình đối thoại” là muốn nhấn mạnh vào tính chất, đúng hơn là khát vọng về sự triển hiện của một kiểu tư duy phê bình. Mặc dầu không phải lúc nào cũng kì cùng triệt để, song các bài viết trong cuốn sách đều có ý hướng vượt thoát khỏi lối phê bình “đồng cảm”, “tri âm”, đặc biệt là phê bình “thù tạc”, “vuốt ve” đang rất phổ biến trên sách báo hiện nay. Tôi nghĩ, lối phê bình đồng cảm, tri âm tự nó chả có tội tình gì. Vấn đề là ở chỗ, sự phì đại của lối phê bình này trong đời sống văn học hiện nay khiến phê bình văn học nói chung bị đồng quy hoặc bị hiểu nhầm thành một hoạt động tu từ, đưa đẩy, uốn éo, nhiều khi tự biến mình thành nhảm nhí. Phê bình đối thoại cũng khác với phê bình “chỉ bảo”, “dạy bảo” vì loại phê bình này luôn đứng cao hơn văn học. Tôi rất mong muốn, trong chừng mực nào đó, phê bình phải là tiếng nói đối thoại với văn học. Đối thoại ở đây không phải là cãi nhau, nói ngược, mà là trao đổi, tranh luận, tất nhiên cũng có thể âm vang sự đồng điệu và tiếng nói đồng hành. Theo tôi, điều quan trọng nhất của phê bình đối thoại là người viết phê bình và văn bản phê bình phải được đặt trên cùng một mặt sân giá trị bình đẳng với nhà văn và với văn bản văn học.
– Lực hấp dẫn nào đã hút anh về phía không gian văn học Việt Nam đương đại?
+ Công việc dạy học khiến tôi phải chuyển dịch phạm vi khảo sát khá thường xuyên. Phê bình văn học của tôi có nguồn cơn từ nhiệm vụ giảng dạy các chuyên đề về văn học Việt Nam đương đại. Qua học hỏi và tích lũy kinh nghiệm, sự đọc dần vượt qua giai đoạn cảm tính, gắn liền với quan sát, phân tích, thế rồi tự nhiên trở nên gắn bó. Đọc văn học Việt Nam đương đại, tôi thấy có nhiều hiện tượng, vấn đề, nhiều sự kiện nghệ thuật cần được khảo sát, thảo luận. Tuy nhiên, như anh thấy đấy, khác với nghiên cứu văn học thuần túy, phê bình có chút phiêu lưu, thậm chí cả rủi ro nữa. Cũng như nhiều đồng nghiệp khác, phê bình với tôi vừa là cơ duyên, vừa là công việc, và trên hết có lẽ là tình yêu với văn học và với nghề dạy học của mình.
– Quả là hai cuốn sách biểu hiện sinh động sự mê đắm của anh trước không gian văn học Việt Nam sau 1986, đặc biệt là mảng văn xuôi mang dấu ấn hậu hiện đại. Tôi còn nhớ nhà văn Bảo Ninh, trong một bài trả lời phỏng vấn, đã nói rằng “văn học Việt Nam rất đáng đọc”. Tôi lại nhớ vài đồng nghiệp từng bảo là văn học Việt Nam chẳng có gì đáng đọc. Anh bình luận gì về những cách phát biểu rất-khác-nhau này?
+ Theo quan điểm của tôi, với người viết phê bình chuyên nghiệp, một nền văn học “đáng đọc” hay “không đáng đọc” đều phải trở thành đối tượng của phê bình. Yêu ghét cảm tính sẽ không giúp nhà phê bình giải quyết được điều gì nghiêm túc. Chữ “đáng đọc” mà nhà văn Bảo Ninh dùng ở đây có lẽ nói đến tác phẩm chất lượng. Văn học Việt Nam mấy năm gần đây chưa có hiện tượng nổi trội đặc biệt, nhưng tính trong không gian từ sau 1986 thì có nhiều tài năng. Tôi xin nói thêm, tác phẩm chất lượng, thậm chí xuất sắc và tác phẩm “đáng đọc” không phải lúc nào cũng trùng khớp nhau vì điều này còn phụ thuộc vào mục đích và năng lực diễn giải của các nhóm người đọc khác nhau. Nhiều tác phẩm được cộng đồng đọc cho là hay, được đọc nhiều trên thực tế lại có ít vấn đề để nghiên cứu. Ngược lại, một số tác phẩm rất “khó đọc”, ít người đọc lại trở thành tâm điểm của nghiên cứu, phê bình. Tôi khẳng định, bản đồ văn học Việt Nam đương đại có nhiều điểm nhấn quan trọng, thậm chí là những “điểm vàng”, như truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp hay Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, chẳng hạn. Dĩ nhiên, nhà văn viết tác phẩm xoàng thì nhiều vô biên.
“Phùng Gia Thế, lần đầu tiên, bằng sự phân tích toàn diện, nhiều bằng chứng sinh động, đã khẳng định các dấu hiệu hậu hiện đại trong văn học Việt Nam giai đoạn 1986-2012 như là một thực tế không thể phủ nhận. Tác giả chỉ rõ một cách thuyết phục tính chất nội sinh của nó và phân tích những hình thức biểu đạt của nó trên cứ liệu văn học. Tác giả cũng cho thấy văn học Việt Nam đương đại chỉ mới có các dấu hiệu hậu hiện đại, chứ chưa có trào lưu, và đó là một nhận định thỏa đáng.
Đối diện với các dấu hiệu ấy, tác giả đã có một thái độ nghiêm túc, tỉnh táo, nhận chân, không vồ vập say sưa, cũng không đả kích bài bác. Đó là thái độ đúng đắn đối với một khuynh hướng văn học đang triển hiện. Tôi cho rằng sản phẩm nghiên cứu của Phùng Gia Thế là một đóng góp đáng kể vào việc nhận diện giai đoạn văn học mà chúng ta đang trải qua từ cuối thế kỉ XX sang đầu thế kỉ XXI. Từ các dấu hiệu đó ngẫm lại các hiện tượng văn học bị đánh giá phân hóa lâu nay sẽ được nhìn nhận thỏa đáng trong khuynh hướng của chúng.” (GS.TS.NGND Trần Đình Sử)
|
– Tôi bị thuyết phục bởi sự uyên bác thông tuệ, bởi hàm lượng tính chuyên môn khoa học, tính biện chứng khách quan nơi hai cuốn sách anh công bố. Dấu ấn hậu hiện đại in hằn trong bức tranh đời sống văn học Việt Nam đương đại thì đã quá rõ, và bất khả cưỡng, và khả năng sinh tạo sinh khí, sức hấp dẫn, sức đẩy của nó đối với sinh thể văn học này là một thực tế không thể phủ nhận. Ở đây, tôi muốn anh xâu chuỗi lại, đâu là những biểu hiện cực đoan trong sáng tác và phê bình văn học (có dấu hiệu) hậu hiện đại ở Việt Nam…
+ Nói là bình thản thì chưa hẳn đúng, song tôi luôn cố gắng duy trì sự trầm tĩnh trước văn học hậu hiện đại. Tôi là người quan sát, không phải kẻ cổ súy. Bản chất hậu hiện đại là đa cực, phi trung tâm, chơi giỡn, carnaval hóa. Cái nhìn thế giới trong văn chương hậu hiện đại mang một ý nghĩa dân chủ và nhân văn mới mẻ. Văn chương hậu hiện đại giải thiêng đối tượng, giải thiêng chủ thể, giải thiêng chính mình. Tuy nhiên, cái nhìn giải thiêng với tính chất hư vô phiêu dạt đôi phần thái quá của nó cũng tiềm ẩn những nguy cơ. Thiếu định hướng ý nghĩa, thiếu vắng khát khao về cái trật tự, hài hòa khiến các sáng tác văn học hậu hiện đại gây ra cho bạn đọc không ít những trống vắng, hụt hẫng. Nếu carnaval truyền thống mang tính chất lưỡng tính: có phủ định, có khẳng định thì xu hướng carnaval trong khuynh hướng văn chương hậu hiện đại ở ta lại hơi nghiêng về phủ định. Theo đây, sự phì đại của giễu nhại, sự thái quá của tiếng chửi tục, mắng nhiếc đôi khi cũng gây cảm giác mệt mỏi.
Còn về phê bình văn học hậu hiện đại, tôi thấy có hai chuyện cực đoan. Một là xu hướng khăng khăng xổ toẹt, dị ứng toàn phần với hậu hiện đại. Những người này khi nói về văn học hậu hiện đại thường lấy những ví dụ tiêu cực nhất của nó để chứng minh. Hai là xu hướng nói quá lên về hậu hiện đại. Việc cổ súy cho hậu hiện đại khiến một số nhà phê bình ở ta luôn lấy tiêu chuẩn mĩ học hậu hiện đại để đánh giá đời sống văn học. Theo đây, các hiện tượng văn học ngoài hậu hiện đại, trong nhãn quan của họ, đều là văn học phi đổi mới.
– Trong cuốn Văn học Việt Nam sau 1986 – phê bình đối thoại, hơn một lần anh xếp các yếu tố “nhục thể”, “dục tính” trong thơ vào những biểu hiện của chủ nghĩa hậu hiện đại, và cho rằng sáng tác của Vi Thùy Linh là một trong những thí dụ cụ thể. Tôi cứ lưỡng lự, phân vân, rằng liệu có đúng thế không nhỉ…
+ Với văn học hậu hiện đại, tôi chú ý nhiều đến phạm trù cảm quan. Cảm quan hậu hiện đại được kiến tạo từ nhiều yếu tố và chỉ xuất hiện trên nền tảng văn hóa đương đại. Chủ nghĩa hậu hiện đại trên thực tế cũng biểu hiện thành nhiều trào lưu. Nữ quyền là một trong số đó. Thơ Vi Thùy Linh thể hiện tiếng nói và cảm hứng nữ quyền. Sự biểu hiện đặc biệt công nhiên các yếu tố “nhục thể”, “dục tính” qua mảng từ vựng trên văn bản thơ của Vi Thùy Linh theo tôi đã thể hiện một phần cảm quan này. Ví dụ về thơ Vi Thùy Linh của tôi nằm trong một ngữ cảnh văn bản cụ thể. Tôi hiểu, không phải yếu tố “nhục thể”, “dục tính” nào trong văn chương cũng thuộc về hậu hiện đại.
– Cũng trong cuốn Văn học Việt Nam sau 1986 – phê bình đối thoại, hơn một lần anh tỏ thái độ không nhiều thiện cảm với truyện ngắn Bóng đè của Đỗ Hoàng Diệu. Theo tôi, mặc dù ý tưởng được mượn từ Nguyễn Huy Thiệp (lời của nhân vật Phăng trong truyện ngắn lịch sử Vàng lửa), nhưng Bóng đè là một ẩn dụ nghệ thuật, một dự đồ văn chương được khai triển khá chắc tay, bằng vào việc mượn sex làm cái cớ, làm vỏ bọc, làm phương tiện…
+ Anh thấy đấy, người viết phê bình đôi khi không tránh khỏi sự bộc lộ một thiên hướng đánh giá nào đó, ở một không quyển (hay một khung) văn hóa cụ thể nào đó. Bóng đè là một sự kiện của văn học đương đại. Thời điểm đọc Bóng đè, tôi không có nhiều thiện cảm với thi pháp của cả tập Bóng đè, chứ không phải riêng truyện ngắn Bóng đè. Việc dùng sex như một ẩn dụ nghệ thuật về cơ bản không có vấn đề gì. Vấn đề là ẩn dụ này thực sự đã tạo nghĩa nghệ thuật hay không thôi. Theo tôi, Bóng đè hơi lộ tư tưởng. Ẩn dụ bị làm cho trở nên phì đại, có lúc bị biến thành đối tượng miêu tả, không còn là ẩn dụ. Thành ra nếu là sex thì Bóng đè chưa “tới nơi tới chốn”, nếu là ẩn dụ thì nó chưa có sức khái quát chiều sâu, vì “phô” quá. Nguyễn Huy Thiệp thì khác. Thời điểm ông ấy viết cũng khác. Nhiều người mượn ý tưởng, thậm chí viết “giống như” Nguyễn Huy Thiệp nhưng không thể trở thành Nguyễn Huy Thiệp được. Trên thực tế, trong văn học Việt Nam đương đại, việc dùng sex như một ẩn dụ được một số nhà văn khai thác khá thành công, như Nguyễn Đình Tú chẳng hạn. Tôi rất thích việc dùng yếu tố sex để nói sự tương tác, đối kháng giữa văn hóa Đông – Tây và tâm thức hậu thuộc địa trong tiểu thuyết Nháp của nhà văn này.
– Giữa thực tại/điều kiện/hoàn cảnh này mà người cầm bút nào không mang trong mình tâm thức, cảm trạng hậu hiện đại thì tôi rất nghi ngờ cái gọi là cốt cách, tư cách trí thức – nghệ sĩ ở họ. Chẳng biết anh có đồng tình?
+ Tôi đồng tình với anh ở ý nghĩ thoạt nghe có vẻ hơi “nghịch nhĩ” này (cười), rằng trong bối cảnh văn hóa đương đại, nếu không hậu hiện đại một tí, người ta khó trở thành nhà văn! Xin nói thêm, trong không quyển văn hóa đương đại, sự mẫn cảm của nhà văn sẽ kéo anh ta về phía hậu hiện đại một cách tự nhiên (thậm chí có thể tự phát), đặc biệt là sự chuyển hướng đến phần nhân văn mới mẻ trong tư duy và tâm thức hậu hiện đại. Cũng cần lưu ý là, sự dịch chuyển về hậu hiện đại trong tâm thức của nhà văn là một chuyện, còn việc nhà văn có thừa nhận mình thuộc về, dịch chuyển về hậu hiện đại hay không lại là chuyện khác.
– Từ cuối những năm 60 của thế kỉ trước, R.Barthes tuyên cáo về “cái chết của tác giả” và chủ trương “độ không của lối viết”, M.Foucault cũng tuyên cáo về “cái chết của chủ thể”. Trong cuốn Văn học Việt Nam sau 1986 – phê bình đối thoại, anh cũng viết: “Trong tâm thức hậu hiện đại, dưới cái nhìn và cách đọc liên văn bản, người ta cũng không thể nói cá tính sáng tạo, phong cách cá nhân, tính độc sáng của nhà văn dễ dàng như trước” (tr.42); “…nền văn học của chúng ta có quá nhiều người viết luôn tự phụ, phô phang bản ngã của một tiểu hóa công, một thiên tài…” (tr.43). Còn nhà nghiên cứu – phê bình Đoàn Cầm Thi, bằng cuốn sách Đọc “tôi” bên bến lạ (Nxb Hội Nhà văn và Nhã Nam, 2016), đã “lập biên bản” (chữ dùng của nhà phê bình Inrasara) một cách hứng khởi cho sự trở lại và bùng nổ ngoạn mục của những cái “tôi”, trong các tác phẩm văn học đương đại Việt được công bố từ Đổi mới đến hôm nay, của các tác giả từ hải ngoại đến trong nước như Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Bảo Ninh, Trần Dần, Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Việt Hà, Tạ Duy Anh, Trần Vũ, Đỗ Kh, Thuận, Vũ Đình Giang, Phan Hồn Nhiên, Phan Việt… Tôi nghĩ, con đường tiến hóa của văn học theo chiều thuận phải là: càng ngày mỗi chủ thể viết càng ý thức cao độ việc đóng lên tác phẩm dấu ấn cái-tôi-nghệ-sĩ-sáng-tạo của mình; viết là cách để họ nhập quốc tịch cho mình tại lãnh thổ văn chương, bởi nói như Cao Hành Kiện, “quốc tịch của nhà văn, chính là văn học”.
Tôi dông dài một chút như thế để đi đến thành thật với anh rằng, lí thuyết về “cái chết của chủ thể” hay “cái chết của tác giả” là thứ mà tôi tiếp nhận có vẻ khó khăn nhất trong lịch-sử-đọc của mình. Anh có thể tường giải một cách dễ hiểu nhất về những mệnh đề này?
+ “Cái chết của tác giả” thực ra chỉ là một ẩn dụ, một cách nói bóng về sự phá hủy của phạm trù cái tôi, cái cá nhân tự trị trong bối cảnh văn hóa đương đại. Nói khác đi, nó là sự báo hiệu một sự thay đổi của khung tri thức hay một cuộc dịch chuyển hệ hình trong tư duy triết học và lí luận văn học. Nguồn cơn của nó bắt nguồn từ bối cảnh văn hóa phương Tây và sự ra đời của lí thuyết liên văn bản. Như anh thấy đấy, với cái nhìn và cách đọc liên văn bản, tôi có thể “bắt quả tang” anh đang viết như là anh đang trích dẫn. Tôi mượn ý của R.Barthes và M.Foucault để nói đến ý nghĩa “phản tỉnh” của nó trong ngữ cảnh nhiều người vẫn u mê cho viết văn như là một hành vi của thiên tài, coi văn chương giản đơn là sự độc sáng. Không phải ngẫu nhiên, trong nghiên cứu văn học hiện nay, phạm trù “phong cách” không còn chiếm được thế thượng phong như trước nữa. Trên thực tế, sáng tạo vẫn cần “cái tôi”, nhưng vai trò của nó đã được hiểu khác trước rất nhiều (điều này nằm ngoài ý thức của cá nhân nhà văn). Bản thân Barthes, trong tiểu luận của mình, rốt cuộc cũng không phủ định toàn bộ phạm trù tác giả (ông vẫn phải nói đến một hình thù bé xíu ở đầu mút bên kia sân khấu). Sự cực đoan của Barthes là rất rõ, nhưng ý nghĩa thức tỉnh trong tuyên cáo của ông phải nói là rất lớn lao. Ông ấy nói tác giả đã chết thì không có nghĩa là tác giả chết thật. Vấn đề là sẽ chết, chỉ chết những ai khăng khăng tư duy về văn học theo lối cũ, và nhất là những ai khăng khăng đánh giá văn học hôm nay chỉ bằng các tiêu chuẩn của ngày hôm qua.
– Tác phẩm văn học, tự bản chất của nó, là một cuộc giao tiếp với người đọc bằng thứ ngôn ngữ ẩn dụ-lấp lửng-bóng gió-giảm tránh-vẽ mây nẩy trăng. Nhưng, thời gian gần đây, người ta nhắc nhiều đến cụm từ “văn chương ám chỉ” bằng một thái độ khinh khi. Anh kiến giải câu chuyện này như thế nào?
+ Tôi nghĩ thế này. Văn chương thời nào chẳng gợi dẫn, quy chiếu về một thứ “hiện thực” hay “thực tại” nào đó. Về bản chất, sáng tạo nghệ thuật là một hoạt động kí hiệu học. Việc mượn dẫn, nhào nặn chất liệu (chẳng hạn của “những người sống quanh tôi”) để tạo nên một nhân vật văn học và thế giới nghệ thuật là chuyện quá đỗi bình thường. Hiểu theo nghĩa này, văn chương nào mà không ám chỉ, nói bóng (“Nói bụi tre, nhè bụi chuối”). Và đó là ám chỉ (sự ngầm chỉ) mang tính nghệ thuật, cũng là phương thức của nghệ thuật, chúng ta không bàn ở đây. Sự “khinh khi” đối với văn chương ám chỉ, nếu có, chỉ nên dành cho những nhà văn mượn văn học để thỏa mãn những hằn học, phiền não sân hận cá nhân. Đó là loại văn chương ám chỉ tầm thường. Trong trường hợp này, nhà văn dẫu có tài năng thì cũng không thể trở thành nhà văn lớn được.
– Lâu nay, mọi nỗ lực phân loại phê bình của các nhà chuyên môn, bản thân tôi đều thấy ít thuyết phục. Anh có cách phân loại của riêng mình không?
+ Sự phân loại phê bình khó khăn không phải bởi các nhà chuyên môn kém thông minh, hiểu biết, mà do bản chất của đối tượng phân loại này rất phức tạp. “Phê bình khoa học”, “phê bình nghệ sĩ”, “phê bình chuyên nghiệp”, “phê bình hàn lâm”, “phê bình báo chí”… thực ra chỉ là những “cách nói” thôi, trên thực tế không rạch ròi như thế được đâu. Tôi không nỗ lực để phân loại phê bình. Chân lí của tôi nằm trong ngữ cảnh.
– Theo dõi hoạt động phê bình mươi năm trở lại đây, chứng kiến cái cách Phùng Gia Thế, hay chẳng hạn Đoàn Cầm Thi, giải phẫu những tác phẩm độc đáo, bộn bề nhất và cả phức tạp, trừu tượng, mơ hồ nhất của văn xuôi Việt đương đại, hay chẳng hạn cái cách Trần Ngọc Hiếu giải phẫu “thơ hình ảnh” của Tam Lệ, thơ “chữ cái” của Từ Huy, “thơ ngoài lời” của Dương Tường…, tôi quả thực bất ngờ thú vị về mức độ trưởng thành của ý thức và trình độ phê bình văn học hôm nay. Anh bình luận gì về cái câu “phê bình không theo kịp sáng tác” mà chúng ta vẫn thường nghe?
+ Nói cho công bằng, câu này có ý đúng đối với những người làm phê bình “tán nhảm”, “vuốt ve” hoặc được viết trên một nền tảng kiến thức văn hóa, văn học thấp. Những người này thường đánh giá văn học nghiêng về cảm tính. Trên thực tế, câu “cửa miệng” này chủ yếu xuất phát từ phía các nhà sáng tác, nhất là những nhà sáng tác tự thấy mình tài năng nhưng sốt ruột vì chưa kịp được tôn xưng. Và cứ theo tinh thần này thì ở nước ta phê bình thời nào cũng sẽ bị đánh giá như vậy. Việc coi nhẹ phê bình không chỉ là chuyện của một số người sáng tác mà còn xuất phát từ trình độ tự ý thức về văn học của những người cầm bút của cả thời đại nói chung. Phê bình hiển nhiên có nhiều thể loại, mỗi thể loại lại có những chức năng riêng. Cá nhân tôi luôn tâm niệm: phê bình phải là tiếng nói song hành và đối thoại với đời sống văn học.
– Cảm ơn anh vì cuộc đối thoại thú vị này!
HOÀNG ĐĂNG KHOA thực hiện – VNQĐ