– Chị hãy nói về cuốn “Thiếu nữ đánh cờ vây”?
– Tôi đã viết một bản trước bản này và đã huỷ đi. Vào mùa xuân năm 2000, tôi hiểu rằng tôi đã lâm vào ngõ cụt sau 100 trang. Tôi rất lo, rồi tôi đi Venice, suốt ngày khổ sở, tưởng như không sống nổi. Đến một đêm, tôi có một giấc mơ, trong giấc mơ đó, tôi nhìn thấy một cuốn tiểu thuyết. Và khi tôi thức dậy, tất cả lại bắt đầu…
– Trong “Thiếu nữ đánh cờ vây”, có sự tương phản rõ rệt giữa sự yên lặng của viên sĩ quan cùng cô thiếu nữ với cái phông lịch sử bạo liệt. Chị muốn nói gì thông qua điều này?
– Tôi muốn làm sáng tỏ thời kỳ đặc biệt này của Trung Hoa, một thời kỳ ngắn ngủi đầy khoái lạc và đau đớn, biến chuyển từ phong kiến lên hiện đại, mà người ta gặp những ông quan đội mũ khảm xà cừ, những cô điếm ăn mặc kiểu ngày xưa, nhưng cũng đụng cả các quý bà Âu hoá sẵn sàng đi nhảy. Người ta vừa nghe kinh kịch vừa thưởng thức nhạc giao hưởng… Tôi rất yêu thời kỳ này, trong sự sa đọa, sự nổi loạn của nó.
– Hai nền văn hoá mà chị thụ hưởng (nói tiếng Hoa và viết tiếng Pháp) để lại dư âm gì trong sách của chị?
– Viết bằng tiếng Pháp đối với tôi là cách tốt nhất để liên kết giữa Trung Quốc và Pháp. Viết trực tiếp bằng tiếng Pháp có cái lợi, đó là viết một tiểu thuyết thực thụ, độc giả có thể du ngoạn trong một thế giới xa lạ với sự dễ dàng về ngôn ngữ. Và tôi hy vọng rằng qua đó, người ta có thể nhận ra tiếng Hoa.
– Vậy phải chăng đó là một loại tiểu thuyết lai, giữa hai ngôn ngữ, hai tâm tính?
– Tôi không thích từ “lai”, kể cả từ “gặp gỡ”, bởi vì nó giả định một sự đối lập, như hai trong một. “Lai” là một cái gì đó đầy tính vật lý.
– Ý nghĩa của những cảnh cờ vây giữa người lính Nhật và cô gái người Hoa trong “Thiếu nữ đánh cờ vây” là gì?
– Trên quảng trường Thiên Phong, tiếng nói bị cấm và người ta chỉ nghe thấy tiếng lách cách của những quân cờ… Tôi viết những câu giống như vậy trong các tiểu thuyết khác của tôi. Trong cuốn Thiên An Môn, một nữ sinh viên đã gặp một thiếu niên bị câm. Một trong những chủ đề yêu thích của tôi: sự gặp gỡ giữa lời nói và im lặng. Khi con người ta nói là nói ra trí tuệ, còn khi im lặng thì đó là lãnh địa của cảm giác thấu hiểu, là tình yêu.
– Văn học Trung Quốc hay văn học Nhật là nguồn cảm hứng của chị?
– Tôi bám vào văn học Trung Quốc rất sâu. 16 tuổi, tôi chỉ đọc những tác phẩm cổ điển Trung Quốc, không chú ý đến tiểu thuyết hiện đại mà chỉ say mê thời cổ xưa. Trong lúc đó, tôi lại đọc tiểu thuyết Nhật hiện đại rất kỹ. Đó cũng là lý do tại sao tôi có thể viết được như bây giờ. Văn học Nhật thật tuyệt. Đó là một cuộc du ngoạn thú vị với những Kawabata, Tanizaki, Mishima. Tôi rất mê văn học Nhật, nó như một sự bổ sung của văn học Trung Quốc.
– Thế còn cờ vây thì sao?
– Cờ vây là một trò chơi cao quý, tuyệt đối, về chiến lược, vây hãm, về sự sống và cái chết.
– Người ta nhận thấy chủ đề căn bản trong các tiểu thuyết của chị: tình yêu, lãng mạn, tồn tại… Liệu còn có chủ đề nào khác cho các nhân vật luôn tìm kiếm chân lý của chị?
– Tôi hy vọng rằng tôi có thể làm điều đó trong cuốn sách sắp tới của tôi.
– Vì sao chị chọn bài thơ của Issa, “Trên đời này, ta bước chân trên địa ngục, và ngắm những đoá hoa” để dùng trong “Thiếu nữ đánh cờ vây”?
– Tôi dùng bài thơ này cho viên sĩ quan Nhật. Đối với anh ấy, thế giới này là địa ngục. Còn những đoá hoa chính là những thời khắc đầy cảm hứng về tình yêu mà anh ta chẳng có được, kể cả với các cô geisha, hay với cô gái đánh cờ. Đó là cách tồn tại rất Nhật trong đời sống, rất bi quan: tức là chúng ta đã ở trong địa ngục mất rồi.
– Quan điểm của chị về cuộc sống là gì?
– Tôi nghĩ như cô gái đánh cờ vây rằng cuộc sống là một sự nhập môn, nơi ta bắt đầu rất thấp, trong vô tri, để đi tới nhận thức, kể cả khi nhận thức nó hại ta, làm ta thương tổn, và ta tiếp tục đi trên đường, không hối hận. Ta sẽ phải học để hoài thai, thật đấy. Ta phải cáng đáng sự sống, dấn bước mà không quay lại.
(Theo Lao Động)