Ông học Tiểu học ở Rạch Giá, trung học ở Cần Thơ và tốt nghiệp bậc Thành chung. Từng tham gia giành chính quyền năm 1945 ở địa phương, công tác ở hội Văn hóa Cứu quốc, phòng Văn nghệ Ban Tuyên huấn Xứ ủy Nam bộ. Sau hai tập thơ: Lúa reo, Cho lòng em vui là hai truyện ngắn: Bên rừng Cù lao Dung và Tây đầu đỏ, cả hai truyện đều đoạt giải nhất, nhì trong chiến khu. Viết báo ở Sài Gòn, Sơn Nam bị vào tù hai lần trong chế độ Mỹ Diệm. Là nhà văn duy nhất gốc Nam bộ được Trung ương mời ra Bắc để sống và viết. Ông viết các báo tiến bộ ở Sài Gòn : Nhân loại, Công lý, Ánh sáng, Lẽ sống, Tiếng chuông…và viết trên 60 truyện, tiểu thuyết, biên khảo, tiêu biểu có: Hương rừng Cà Mau (1962), Chim quyên xuống đất, Văn minh miệt vườn, Từ U Minh đến Cần Thơ, Tìm hiểu đất Hậu Giang, Lịch sử khẩn hoang miền Nam…Sơn Nam được gọi là “Nhà Nam bộ học”… và là Hội viên hội Nhà văn Việt Nam. Như Nguyễn Khoa Điềm, Nguyên Ngọc, Sơn Tùng, trước khi mất, Sơn Nam dặn lại gia đình từ chối Giải thưởng Nhà nước với lý do ông viết văn để kiếm sống và đi vào lòng người đọc, chứ không màng đến giải thưởng, danh vọng.
Nhà văn Sơn Nam quê quán tại Cù lao Ông Chưởng (Long Xuyên, nay là An Giang), giữa một vùng sông nước trù mật nhiều cây trái cá tôm: Chiều chiều quạ nói với diều / Cù lao Ông Chưởng có nhiều cá tôm. Xuất thân từ một gia đình lao động, từ đầu thế kỷ trước, ông nội của Sơn Nam đã đưa cả gia đình từ cù lao Ông Chưởng ở Long Xuyên đến lập nghiệp ở ven rừng U Minh Cà Mau, nơi phần lớn người Khmer sinh sống. Thuở nhà văn còn bé, người mẹ không đủ sữa nên cho con bú thép (1) ở một bà mẹ người Khmer, nên khi bắt đầu viết văn, ông đặt bút danh Sơn Nam, đứng đầu chữ Sơn vốn là một họ của phần đông người Khmer, ngụ ý nhớ ơn người mẹ dân tộc đã nuôi sữa cho mình. Còn Nam là để luôn nhớ mình là người phương Nam. Sơn Nam lớn lên trong rừng rậm khai hoang tại U Minh với muôn vàn cỏ cây, hoa lá, chim muông, sống gần gũi với những gia đình của người Việt, Khmer, và Hoa (đa số là người Tiều) nơi miền đất mới. Do vậy, Sơn Nam am tường hầu hết những nét đặc thù của không gian thiên nhiên còn in đậm nét hoang sơ với từng phấn lá hương rừng. Cả sinh hoạt thường nhật cùng những tập quán, lời ăn tiếng nói đặc biệt của người dân địa phương. Nhà văn Nguyễn Trọng Tín, một bạn văn cũng là người ngưỡng mộ Sơn Nam, coi ông là một trong số rất ít người hiểu biết nhiều về Nam bộ và khẳng định: “Truyện ngắn Hương rùng Cà Mau được xếp ở vị trí cao trong số những tác phẩm văn học đặc sắc nhất của Nam bộ”. Yêu quê hương đất nước tức là yêu tổ quốc dân tộc. Sau Cách mạnh Tháng Tám, khi thực dân Pháp lật lọng trở lại xâm chiếm miền Nam, Sơn Nam hăng hái hoạt động theo sở trường và kiến thức của mình trên lĩnh vực văn hóa nghệ thuật ở Quân khu 8. Thành tựu đầu tiên trong nghề cầm bút của Sơn Nam là hai tập thơ viết về công tác địch vận : Lúa reo (1948) và Cho lòng em vui (1950). Nhưng không lâu sau, chắc Sơn Nam đã ngộ ra điều gì đó về con đường nghệ thuật của mình nên ông “đoạn tuyệt” hẵn với nàng Thơ để viết văn xuôi. Và nhà văn đã thành công ngay khi mới chân ướt chân ráo bước sang lĩnh vực văn học mới. Hai truyện ngắn : Bên rừng Cù lao Dung (1951) và Tây đầu đỏ (1951) của Sơn Nam đã chiếm ngay giải nhất và giải nhì của Giải thưởng Văn nghệ Cửu Long trong cuộc thi do Ủy ban Kháng chiến-Hành chánh Nam bộ tổ chức. Cuối thời kháng chiến chống Pháp, một vinh dự lớn đến với Sơn Nam là nhà văn duy nhất chính gốc Nam bộ này được Trung ương mời ra Bắc để sống và viết, nhằm bảo vệ một tài hoa văn chương trong hoàn cảnh ác liệt của chiến tranh. Tuy nhiên, Sơn Nam vì quyến luyến với mảnh đất chôn nhau cắt rún nên từ chối không đi. Nhờ ở lại gắn bó với quê hương Nam bộ, và biết nghe lời khuyên của bậc đàn anh nhà văn Bình Nguyên Lộc (1914-1987) là “nên viết sâu về đất và người vùng châu thổ sông Cứu Long”, Sơn Nam có cơ hội viết được những tác phẩm văn học có giá trị cao như : Hương rừng Cá Mau, Chim quyên xuống đất, Văn minh miệt vườn, Tìm hiểu đất Hậu Giang,.. Lịch sử khẩn hoang miền Nam, Vạch một chân trời…
Về chân dung Sơn Nam, ông có thói quen giống nhà văn Pháp Jean Jacques Rousseau (1712-1778) ngày trước là hay đi bộ. Bởi một lẽ đi bộ ông dễ la cà, ngồi quán uống cà phê, nhâm nhi vài ly bia để nghe biết và cập nhật nhiều thông tin mới làm chất liệu sáng tác. Đi bộ một mình nhất là trong không gian tĩnh lặng, giúp nhà văn cơ hội tốt để tư duy sâu sắc về đề tài sáng tác. Sơn Nam chỉ thích giao du với người lao động nghèo, gặp anh em bè bạn chỉ nói chuyện văn chương, nghe ai nói gì khác thì lạnh lùng bảo : “ Ôi, hơi đâu” rồi tìm cách bỏ đi. Sơn Nam ăn mặc xuề xòa, nói năng thật thà chơn chất, không ba hoa lời lẽ với ai, cũng ít hay khen hoặc chê ai bao giờ nhưng có thói quen hút thuốc và nói suốt ngày nghỉ khi gặp ai. Người hạp tính thì hay gần gũi, tới lui như trường hợp của nhà báo Đào Tăng, người bạn văn đã cho Sơn Nam ở chung nhà hơn mười năm vì hai người có nhiều điểm giống nhau trong cung cách sống. Khi đã là nhà văn với nhiều giải thưởng ở chiến khu, Sơn Nam có thái độ chân tình với với người bạn nhỏ tuổi hơn có ý định viết văn : Nguyễn Quang Sáng (1932-2014) – tác giả “Mùa gió chướng” lúc chưa cầm bút : “Mày cũng có chữ nghĩa, viết đi ! ” Nhờ biết nghe lời bậc đàn anh, Nguyễn Quang Sáng về sau trở thành nhà văn có vị trí uy tín trên văn đàn. Người ta còn nhận ra nét bén nhạy và phóng khoáng của một Sơn Nam trong quan hệ tình cảm với phụ nữ, được một bạn thơ thân thiết tặng cho nhà văn mấy nét ký họa vui tiêu biểu trong hai câu lục bát : Tới đâu thấy vịt cũng lùa/ Thấy duyên cũng kết/ Thấy chùa cũng tu. Đó là lý do khiến nhà văn có nhiều bến đỗ tình yêu. Nhà thơ Phan Hoàng kể lại chuyện Sơn Nam từng sống hơn tình nghĩa vợ chồng, trong một ngôi nhà thuê ở Gò Vấp, với một người phụ nữ nghèo bán bia nhỏ hơn nhà văn 30 tuổi cho tới lúc nhà văn qua đời. Dù đời văn không giàu, tính Sơn Nam vẫn hào hiệp, xài tiền rộng rãi, thấy ai nghèo túng thì hay cho tiền. Nhà thơ Kiên Giang có lúc thay anh em, hỏi vui Sơn Nam vì sao đến với văn chương, Sơn Nam chân tình : “Xứ mình nghèo quá, mình được đi học và mình phải làm cho người ta biết đến xứ mình như thế nào”. Và lý do tại sao Sơn Nam viết được thành công, thì “Nhà văn miệt vườn”cũng thành thật, mà xem ra như một “bí quyết” cho giới cầm bút : “ Tụi nhà văn chúng mình phải biết la cà”. Do vậy, suốt cả đời mình, chiếc thuyền văn Sơn Nam đã đỗ hết bến này đến bến nọ, luôn cả bến tình …để viết nên tên tuổi nhà văn thực sự được trang trọng trước bạ trên văn đàn.
Sự nghiệp văn chương của Sơn Nam, ngoài hai tập thơ : Lúa reo (1948) và Cho lòng em vui (1950) được coi mở đầu cho cuộc đời cầm bút của Sơn Nam, những tiểu thuyết tiêu biểu : Chim quyên xuống đất (1963), Vọc nước giỡn trăng (1965), Hai cõi U Minh (1965), Ngôi nhà mặt tiền (1992)…người đọc không mấy để ý. Chỉ thể loại truyện ngắn sau đó là biên khảo, công chúng văn học mới có sự quan tâm đặc biệt. Sơn Nam viết khá nhiều truyện ngắn được đánh giá là xuất sắc : Hương rừng Cà Mau (NXB Phù sa,1962), gồm 18 truyện. Sách được tái bản hơn chục lần. Khi in lại vào năm 2001, ngoài “Hương rừng Cà Mau – tập 1 giống như bản đầu tiên, nhà xuất bản Trẻ -TP. Hồ Chí Minh còn tuyển chọn và cho in thêm hai tập nữa : “Hương rừng Cà Mau – tập 2, “Hương rừng Cà Mau – tập 3. Tiếp theo là những truyện ngắn tiêu biểu: Chuyện xưa tích cũ (NXB Khai Trí-1958), Truyện ngắn của truyện ngắn ((NXB Phù sa-1967), Xóm Bàu láng (Gái đẹp – 1968), Bà Chúa Hòn (Kỷ nguyên-1969)…Về biên khảo, tác phẩm tiêu biểu có thể kể : Nói về miền Nam (1967), Lịch sử khẩn hoang miền Nam (1973),Tìm hiểu đất Hậu Giang (1974), Gia Định xưa (1984), Văn minh miệt vườn (1992), Biển cỏ miền Tây (1993)…Trong toàn bộ tác phẩm, đáng lưu ý nhất và cũng làm cho Sơn Nam có một vị trí cao trong văn học Nam bộ là cuốn Hương rừng Cà Mau (NXB Phù sa, 1962) – tác phẩm được coi như lấy nền tảng từ cuốn Tìm hiểu đất Hậu Giang (1974) hay ngược lại.
Hương rừng Cà Mau là tập truyện ngắn hay nhất của Sơn Nam. Trong tác phẩm, tác giả vẽ lại đời sống cơ cực của người dân ở miền Cà Mau, Phú Quốc. Họ sống giản dị mà can đảm trong một không gian xa lạ giữa núi cao biển cả mà không có lũy tre xanh bao bọc yên lành hay tập quán lâu đời như vẫn thường gặp trong truyện, tiểu thuyết xưa nay ở Bắc và Trung. Nhân vật ở đây có khi là người sống một mình trên hoang đảo, vì không muốn thấy cảnh Tây bóc lột đồng bào. Họ chỉ có một bộ quần áo mà “nghĩ cũng hơi dư” (Hòn Cổ Tron), có khi là một tay cướp biển ở hải phận Hà Tiên (Đảng Cánh buồm đen) chuyên đánh ghe Tây đen và thuyền buôn Hải Nam đi ngang qua vịnh Thái Lan.
Cảnh vật ở đây có thể là cảnh “ len ”trâu (tức là tháo ra, cởi ra có nguồn gốc từ tiếng Campuchia : “Len Krabey” nghĩa là “ tháo cho trâu chạy ra. Hồi xưa trâu nhiều, mà người thương trâu như bạn, giăng mùng cho trâu ngủ để khỏi muỗi chích, mùa nước nổi phải dắt trâu lên núi tránh nước”. Trong truyện “Mùa len trâu”, được dưng thành phim chiếu trên thế giới – cùng với truyện ngắn “Cây Huê xà”- Sơn Nam cho thấy từng đàn năm bảy trăm con mỗi lần lội từ núi Ba Thê đến miệt Thất Sơn trông đen đầu đặc nước, oai vệ hơn đàn voi, đàn cọp nhiều ! Có khi, là cảnh nguời đứng trên ghe xem hát bội, dưới nước xung quanh rào, cá sấu ghếch mỏ nhìn vào và trên bờ cọp ngồi trông xuống : “U Minh, Rạch Giá, thị quá Sơn Trường/ Dưới sông sấu lội, trên rừng cọp đua” (Hát bội giữa rừng)… Đất đai ở đây cũng có những tên nghe rất lạ tai : Xóm Cà Bây Ngọp, rạch Khoen Cà Tưng, rạch Cà Bơ He…, và những địa danh thường nghe mà khó giải thích : Cái Răng, Cái Cui, Cái Nai…, Chắc Băng, Chắc Cà Đao…
Ta hãy làm quen với cái tên “Xóm Cà Bây Ngọp” (nghĩa là Xóm Trâu chết) trong “Tình nghĩa giáo khoa thư”. Truyện kể một phái viên nhà báo ở Sài Gòn xuống thu tiền một độc giả ở tận một miền quê heo hút dưới Rạch Giá. Hai người xa lạ mới gặp nhau lần đầu. Sau buổi cơm chiều, vì xứ muỗi nhiều, độc giả chủ nhà vội vã giăng mùng, mời thầy phái viên cùng chun vào trò chuyện cho vui. Thầy phái viên ngượng nghịu nhưng rồi cũng rón rén giở mí mùng chun lẹ vô vì sợ bị muỗi đột nhập vào. Hai người cùng thuộc làu nhiều đoạn trong sách Quốc văn giáo khoa thư. Người này đọc “Chốn quê hương đẹp hơn cả”, người kia đọc tiếp “Ai bảo chăn trâu là khổ”. Cả hai thích thú, tâm đồng ý hợp như đôi bạn chí thân tự thuở nào…Cả hai xúc động trong niềm hạnh phúc gặp lại nhau ở tuổi thơ cắp sách đến trường qua trang sách giáo khoa, rối “không ai bảo ai, hai người lại nằm xuống lim dim”…mơ màng vì họ giờ đã ở tuổi xế chiếu của đời người ! (the evening of life). Sơn Nam không được nhắc đến bằng thơ, nhưng ở truyện này và nhiều truyện khác trong “Hương rừng Cà Mau” như “Hương rừng”, “Cây Huê xà”, “Mùa len trâu”… người đọc rất dễ nhận ra hồn thơ, cái thi vị thấm đẫm trong từng nội dung trang viết. Vẫn trong tác phẩm chủ lực này, tác giả muốn nói lên nỗ lực chinh phục thiên nhiên của mhững người dân vùng đất mới và tinh thần chiến đấu anh hùng để bảo vệ quê hương của họ, Từ đó, Sơn Nam gián tiếp phản ánh lòng căm thù giặc ngoại xâm sâu sắc ăn theo bởi những tên tay sai gian ngoan như xã Nê trong “Ông già xay lúa” bên trên là bộ mặt của những tên thực dân hống hách như Rốp trong “Sông Gành Hào”. Ông cha ta xưa nay có nhiều cách đấu tranh chống áp bức xâm lược. Bị đẩy tới bước đường cùng, người dân Rạch Giá đã không ngại cởi truồng nằm tênh hênh ở ven biển để làm áp lực trước chính sách “bần cùng hóa’ nhân dân ta của thực dân… Sau truyện ngắn, Sơn Nam có viết biên khảo, tức là có lúc đi cùng một con đường với các nhà văn, học giả :Nguyễn Hiến Lê (1912-1984),Vương Hồng Sẽn (1902-1996), Nguyễn Văn Hầu (1922-1995), Nguyễn Bá Thế (1925-1996),… nhưng chính sự vượt trội ở những truyện ngắn của Sơn Nam đã làm cho người đọc hầu như không còn quan tâm đến dòng tác phẩm biên khảo của nhà văn nữa.
Trên cơ sở những tác phẩm giá trị, cộng với sự cống hiến không ngừng nghỉ của nhà văn, đóng góp cho văn học nước nhà, nhiều người mến mộ gọi Sơn Nam là : “ông già đi bộ”, “ông già Nam bộ”, “ông già Ba Tri”, “nhà Nam bộ học”, “nhà văn hóa Nam bộ” hoặc “pho từ điển sống về Nam bộ”. Nhưng xét kỹ ra, gọi thế nào cũng chưa đủ ý nghĩa, và biểu lộ lòng kính trọng Sơn Nam bằng gọi ông là “nhà văn miệt vườn”. Vì lẽ Sơn Nam trong đời thường là người khiêm tốn giản dị, không thích được tôn xưng cũng chẳng màng danh vọng. Đó mới là cách minh họa đúng nhất phong cách độc đáo của Sơn Nam theo đời sống và trong tác phẩm của ông. Từ sự nghiệp và hoạt động của nhà văn, nhiều người coi Sơn Nam là một khuôn mặt lớn trên văn đàn phương Nam – sau nhà văn Hồ Biểu Chánh (1885-1958) (2), Bình Nguyên Lộc (1914-1987) (3) và trước nhà văn Anh Đức (1935-20) (4), Nguyễn Quang Sáng (1932-2014) và gần đây là Nguyễn Ngọc Tư (sinh năm 1976) – một ngòi bút có phong cách đặc biệt, khó có thể nhầm ông với một nhà văn nào khác. Trong khi Hồ Biểu Chánh được coi là một tiểu thuyết gia (theo Vũ Ngọc Phan ) chuyên viết chung về tính cách, phong tục của người Nam bộ, Bình Nguyên Lộc sung sức về truyện ngắn xoay quanh chuyện lấn đất khai hoang ở miền Đông Nam bộ trên bước đường Nam tiến, Sơn Nam cũng xuất sắc ở thể truyện ngắn nhưng tập trung ở đề tài con người nhiều sắc tộc với ngôn ngữ, tập quán, và vùng đất Tây Nam bộ đầy u minh chướng khí, và nhiều thú dữ trong thời khẩn hoang mở cõi của dân tộc.
Với quan niệm “Văn tức là người” (Le style, c’est l’homme), bút danh của Sơn Nam trước tiên đã minh họa cho ta thấy được không ít chân dung đặc thù của nhà văn : sâu nặng nghĩa tình với con người và quê hương đất nước. Chưa nói đến mảng biên khảo chiếm một vị trí quan trọng trong sự nghiệp văn chương của Sơn Nam, trong truyện dài, truyện ngắn, lời văn Sơn Nam bao giờ cũng giản dị, tự nhiên, cốt truyện hiện thực cảm động, rất đời thường mà nói lên được tâm lý sâu sắc ý vị, đầy sức thuyết phục người đọc. GS. Trần Hữu Tá đã nhận xét đầy đủ và tinh tế về Sơn Nam : tác phẩm của Sơn Nam – mà đỉnh cao là tập truyện ngắn “Hương rừng Cà Mau” đã đem lại cho nhiều thế hệ người đọc những xúc cảm thẩm mỹ bổ ích, những gợi ý chân thành cao quý về đất nước và tình người ”. Nghĩ lại cuộc đời la cà phảng phất nét lãng tử của Sơn Nam, ta có thể hiểu thêm một lần nữa hồn cốt của “nhà văn miệt vườn”qua chính vần thơ ý nhị, giàu hình tượng của tác giả : Phong sương mấy độ qua đường phố/ Hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê.
Nguyễn Thanh – nguồn: Văn Nghệ
* (1) Bú nhờ khi mẹ ruột ít sữa hoặc vắng nhà
(2) Hồ Biểu Chánh (1885-1958), quê ở Gó Công, tiểu thuyết gia Nam bộ, viết rất sớm. Tác phẩm tiêu biểu :
Cay đắng mùi đời (1923, phóng tác), Nhơn tình ấm lạnh (1925), Ngọn cỏ gió đừa (1926, phóng tác), Cha
con nghĩa nặng (1929), ……có tên trong bộ sách Phê bình văn học “Nhà văn hiện đại” (Hà Nội,1951) của
Vũ Ngọc Phan.
(3) Bình Nguyên Lộc (1914-1987) , quê ở Biên Hòa. Nhà văn viết truyện dài nhưng nổi tiếng ở nhiều truyện
ngắn với tác phẩm tiêu biểu : Nhốt gió (1959)Đò dọc (1960), được giải thưởng), Ký thác (1963)….
(4) Anh Đức (1935-2014), tên thật là Bùi Đức Ái, quê ở Long Xuyên, nhà văn lớn trong kháng chiến hai thời
kỳ. Là tác giả được nhà văn Nguyễn Tuân ưu ái. Tác phẩm của Anh Đức được đưa vào chương trình Giáo
khoa THPT : Hòn đất (1966), Đứa con của đất (1976), Một truyện chép ở bệnh viện (1958, được quay
thành phim : Chị Tư Hậu), Bức thư Cà Mau (1965)… Là nhà văn Việt Nam
(5) Nguyễn Quang Sáng (1932-2014), quê ở An Giang. Là nhà văn kháng chiến, tác giả : Chiếc lược ngà
(1966), Dòng sông thơ ấu (1985), Mùa gió chướng (1975)… và gần 10 kịch bản phim
(6) Nguyễn Ngọc Tư (sinh 1976), Giải thưởng Hội Nhà văn, tác giả : Ngọn đèn không tắt (2000), Cánh đồng
bất tận (2005, được giải thưởng và dựng thành phim…
Tài liều tham khảo:
– Văn nghệ Miền Tây số 5 – Xuân 1970, bài « Sơn Nam và Kiên Giang » – Nguyễn Thanh
– Hường rừng Cà Mau- Sơn Nam (NXB. Phù Sa , 1962)
– Văn minh miệt vườn, Sơn Nam (NXB. Phù Sa , 1962)
– Tìm hiểu đất Hậu Giang – Sơn Nam ((NXB. Phù Sa , 1962)
– Các tác phẩm khác của Sơn Nam.
– Nhà văn hiện đại- Vũ Ngọc Phan (NXB. Vĩnh Thịnh, 1951
– Từ điền Văn học – bộ mới (NXB Thế Giới, 2004)
– Từ điền Văn học, nơi miền đất mới- Nguyễn Q. Thắng (NXB Văn học, 2004)