Mỗi người trong chúng ta đều hiếu kỳ muốn biết nhà văn có tính sáng tạo lấy nguồn tư liệu sáng tác ở đâu, họ sử dụng nguồn tư liệu này tạo nên hình tượng nghệ thuật như thế nào, những hình tượng này một lần nữa đem đến cho chúng ta những tình cảm và cảm xúc gì. Giả sử chúng ta hỏi nhà văn, yêu cầu họ giải thích nhưng không có được câu trả lời mỹ mãn thì chính điều này sẽ gợi cho chúng ta cảm giác hiếu kỳ càng sâu sắc…
Giả sử chúng ta tìm thấy bản thân chúng ta hoặc từ người khác có hoạt động sáng tác thì chúng ta có thể khảo sát quá trình này để tìm hiểu quá trình sáng tạo của nhà văn. Nhà văn sáng tạo thực tế muốn thu hẹp khoảng cách với những người bình thường, họ thường tin tưởng rằng nơi sâu thẳm tâm hồn của mỗi con người đều là một nhà thơ, nhân loại còn thì nhà thơ mãi mãi còn tồn tại.
Lẽ nào chúng ta không nên trở lại quá khứ tuổi thơ để tìm hiểu hoạt động tưởng tượng hay sao? Trẻ con thích nhất là vui chơi. Chúng ta có nên cho rằng quá trình vui chơi của trẻ con có điều gì giống với hoạt động sáng tạo của nhà văn không? Bởi vì lũ trẻ đã sáng tạo ra thế giới của chính chúng, nói chính xác hơn thì chúng đã sắp đặt lại thế giới bằng phương thức mà chúng cảm thấy vui vẻ. Nếu chúng ta cho rằng trẻ con không nghiêm túc khi chơi, thì chúng ta đã sai hoàn toàn. Ngược lại, chúng rất nghiêm túc, dốc hết tình cảm vào sự vật mà chúng đang vui chơi. Cho dù trẻ con dốc hết tình cảm vào sự vật khi vui chơi, nhưng vẫn có thể tách bạch giữa trò chơi và hiện thực. Chúng đã liên kết giữa sự vật và cảnh vật khi chơi cùng hiện thực, chính sự liên kết này đã làm cho trò chơi và giả tưởng khác nhau.
Nhà văn sáng tạo và trẻ con khi chơi đùa không có gì khác nhau. Họ sáng tạo ra một thế giới giả tưởng, và rất nghiêm túc khi đối mặt với thế giới ấy, nghĩa là dốc hết bầu nhiệt huyết vào đó, nhưng họ vẫn tách bạch giữa thế giới giả tưởng ấy và thế giới hiện thực. Chính ngôn ngữ đã giữ lại mối liên hệ giữa trò chơi trẻ con và sáng tạo trong thi ca. Thế giới trong tưởng tượng của tác giả có tính chất hư cấu, điều này ảnh hưởng mạnh mẽ đến kỹ năng sáng tạo của tác giả. Bởi vì có những sự vật xuất hiện ở hiện thực sẽ tạo cảm giác nhàm chán, nhưng nếu xuất hiện trong thế giới giả tưởng của nhà văn, chúng lại gây được tiếng vang.
Trẻ con sau khi lớn lên, chúng không chơi trò chơi nữa, sau bao nhiêu năm rèn luyện, đối diện với cuộc sống, có một ngày chúng sẽ cảm nhận được mình đang ở vào một trạng thái có sự khác biệt giữa trò chơi và hiện thực. Là người lớn, họ nhìn lại trò chơi lúc nhỏ với một sự nghiêm túc cần thiết, đồng thời tạo mối liên hệ giữa trò chơi tuổi nhỏ và sự nghiệp đang theo đuổi, từ đây họ cảm nhận được niềm vui vô bờ bến.
Khi người ta lớn lên, dường như ngừng ngay việc vui chơi, dường như từ bỏ niềm vui có được khi chơi trò chơi. Thực tế, chúng ta không từ bỏ một thứ nào cả, thực chất là sự hoán đổi từ sự vật này sang sự vật khác. Chúng ta tạo ra một ngôi nhà trên không trung, sáng tạo ra cái gọi là giấc mơ giữa ban ngày. Tôi cho rằng, con người đa phần đã tạo ra những giả tưởng cho bản thân mình, đây là điều mà nhiều người đã xem nhẹ, tính quan trọng của nó chưa được nhận thức một cách đầy đủ.
Sự giả tưởng của con người khó quan sát hơn sự vui chơi của trẻ con. Đương nhiên, trẻ con có thể chơi một mình hoặc chơi cùng bạn bè, chúng có thể không chơi trước mặt người lớn nhưng chúng cũng không muốn giấu giếm điều gì. Ngược lại, người lớn lại giấu giếm sự giả tưởng của mình. Họ không muốn nói cho người khác biết về những giả tưởng của mình.
Giả tưởng có vài đặc trưng, trong đó có thể quả quyết rằng một người hạnh phúc tuyệt đối không đắm chìm trong giả tưởng, chỉ có thể là không vừa ý mới có giả tưởng. Động lực của sự giả tưởng đó là sự thiếu thỏa mãn, mỗi một sự giả tưởng là một nguyện vọng được đáp ứng, có nghĩa là chúng ta thay đổi hiện thực không được thỏa mãn. Chúng ta không nên cho rằng, sản phẩm của hoạt động tưởng tượng là những giấc mơ giữa ban ngày, những ngôi nhà trên không trung, những mô thức cứng nhắc rập khuôn. Ngược lại, chúng có quan hệ mật thiết với người sáng tạo ra nó, nó thay đổi theo hoàn cảnh. Giả tưởng và thời gian có mối liên hệ quan trọng với nhau, hoạt động tinh thần có liên quan tới thời khắc mà trong thực tế gợi lên những cảm xúc sâu sắc cho tác giả, thông thường đó là những trải nghiệm thời còn thơ ấu, lúc này hoạt động tinh thần sáng tạo ra cảnh tượng có liên quan tới tương lai, cảnh tượng này thể hiện sự thỏa mãn của một nguyện vọng nào đó. Sự sáng tạo này chính là giấc mơ giữa ban ngày hay có thể gọi là giả tưởng, nó gợi lại dấu vết của ký ức trong quá khứ. Ngôn ngữ mang theo trí tuệ đã định nghĩa cho sản phẩm hư cấu cái tên gọi giấc mơ giữa ban ngày. Liệu chúng ta có thể nói nhà văn có tính sáng tạo là người mơ mộng giữa ban ngày? Mỗi một tác phẩm đều có một nhân vật anh hùng, nhà văn dùng đủ các thủ pháp để hình ảnh người anh hùng này được chúng ta chấp nhận, có cảm xúc sâu sắc khi nhắc đến nhân vật này. Nếu trong câu chuyện có một chương nào đó nói về nhân vật này bị thương, thì ngay sau chương đó có thể hình dung được rằng nhân vật này sẽ được chăm sóc rất kỹ lưỡng, dần dần khôi phục sức khỏe. Hoặc trong một chương nào đó nhân vật anh hùng bị đắm thuyền ngoài khơi xa thì chương sau chắc chắn có cảnh nhân vật anh hùng được cứu thoát một cách ly kỳ. Một nhà văn đã từng miêu tả cảm xúc về những tình huống này như sau: “Vạn vật làm gì được ta?”. Tuy nhiên, theo tôi, thông qua những đặc trưng như đao gươm bất nhập có thể thấy sự hóa thân thành thần nhân của nhân vật chính, mỗi một giấc mơ ban ngày và nhân vật chính của mỗi câu chuyện đều như vậy.
Câu chuyện lấy cái bản ngã làm trung tâm đều mang tính chất tương tự như vậy. Tất cả các nhân vật nữ đều yêu nhân vật nam chính, chúng ta không thể cho rằng đây là ảnh phản chiếu từ hiện thực cuộc sống. Nhưng chúng ta không thể phủ nhận được rằng đây là đặc trưng quan trọng của giấc mơ giữa ban ngày. Các loại nhân vật khác trong tác phẩm cũng có hoàn cảnh tương tự, họ được chia làm hai phái, đó là người tốt và người xấu, mặc dù trong thực tế cuộc sống, tính cách của con người là muôn hình vạn trạng. Người tốt là những người phụ giúp nhân vật chính, còn người xấu lại có chức năng ngược lại, là kẻ thù hoặc tình địch của nhân vật chính.
Chúng ta hoàn toàn tỉnh táo và nhận thấy rằng, trí tưởng tượng phong phú của nhà văn hầu như có một khoảng cách lớn đối với giấc mơ ngày, nhưng chúng ta cũng không thể phủ nhận được rằng, bằng một loạt sự thay đổi, trí tưởng tượng đó có liên hệ mật thiết tới giấc mơ giữa ban ngày.
Phạm Huy Quỳnh (dịch)