Niềm vui dù đến với bác Phù Thăng thật muộn màng, nhưng đó cũng là nỗi niềm chung của nhiều tác giả. Trong số 38 tác giả khối văn học được nhận Giải thưởng Nhà nước năm 2012 có đến 14 tác giả đã qua đời. Phù Thăng cũng nằm trong số ấy.

Trước đây tiểu thuyết “Phá vây” mang đến cho Phù Thăng nhiều phiền lụy thì nay chính tác phẩm đó lại mang về cho ông vinh quang lớn. Khi xem Đài truyền hình tường thuật trực tiếp cuộc trao giải, nước mắt tôi ứa tràn. Phải chi cuộc trao giải này diễn ra 5 năm về trước thì bác Phù Thăng được bước lên bục vinh dự cùng bao tác giả khác. Nay bác đã đi xa rồi…

Nhớ lại những lần về thăm vợ chồng bác Phù Thăng, hình ảnh tôi nhớ nhất là nụ cười đôn hậu của cả hai bác khi mời chúng tôi thưởng thức những món “cây nhà, lá vườn”. Ngôi nhà cấp bốn của hai bác tọa lạc ngay bìa làng, dù đường vào chỉ là đường đất nhưng ôtô vẫn có thể vào tới cổng. Ngôi nhà có 3 gian chính. Một gian được ngăn làm buồng, một gian kê tủ thờ và chiếc bàn nhỏ tiếp khách, một gian vừa kê giường, vừa kê giá sách và bàn làm việc của bác Phù Thăng. Những lần về thăm bác, chúng tôi thường uống nước xong là ra ngồi trên chiếc giường cạnh bàn làm việc của bác. Gọi là bàn làm việc nhưng đó cũng chỉ là chiếc bàn uống nước bằng kính kê cạnh chiếc ghế đi văng. Trên tường là giá sách với nhiều cuốn sách bạn bè bác gửi tặng. Những năm chúng tôi thường xuyên về thăm bác (khoảng từ năm 1997 đến năm 2004) thì ở Hải Dương chưa phổ cập vi tính, càng chưa có mạng Internet, nhà bác chỉ có điện thoại bàn. Nhưng chúng tôi cũng chẳng bao giờ gọi điện trước, cứ nhớ bác thì về hoặc đi công tác tiện đường là tạt qua. Chưa lần nào chúng tôi đến mà bác vắng nhà. Khi chúng tôi nói chúng tôi đã đọc bài về bác trong “Chân dung và đối thoại” của Trần Đăng Khoa, bác tủm tỉm cười và bảo: “Ôi dào, những chuyện đã qua cứ để cho qua, các bạn còn trẻ cứ viết đi, viết theo sự thôi thúc của trái tim mình là được”. Chúng tôi hiểu rằng bác không muốn khơi lại chuyện buồn, nhưng tôi vẫn cố hỏi thêm hai chi tiết, một là bản thảo của bác bọc lá chuối để trong chum; hai là truyện ngắn “Hạt thóc” đã in ở đâu. Bác bảo đúng là mình có cho bản thảo vào chum như Khoa viết, còn truyện “Hạt thóc” thì mình mới có ý tưởng như thế rồi kể cho bạn bè nghe chứ chưa viết ra. Rồi bác kể về những bạn bè của bác những ai thường đến thăm, những ai lâu không gặp, nếu các bạn có gặp thì cho mình gửi lời thăm…

Nhà văn Phù Thăng trên khai sinh là nguyễn Trọng Phu, sinh ra và lớn lên tại làng Phù Tinh, xã Trường Thành, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương. Từ năm 1940 bác cùng gia đình chuyển sang sinh sống tại thôn Tất Lại, xã Cộng Lạc, huyện Tứ Kỳ cùng trong tỉnh. Phụ thân của bác Phù Thăng là một chức dịch hàng Tổng, nhưng cụ không theo phong cách làm việc của đa phần chức sắc lúc bấy giờ – họ thường hách dịch, vơ vét của dân. Cụ thì hiền lành, nhân hậu, luôn làm việc vì dân và thương những người nghèo. Cụ hiền hậu đến mức cụ tên là Nguyễn Trọng Bật, đáng lẽ dân làng gọi cụ là Tổng Bật thì mọi người thường gọi chệch đi là Tổng Bụt, ý nói cụ hiền như Bụt và cũng kính trọng cụ như Bụt. Cũng vì luôn yêu quí bà con trong làng, trong tổng nên năm 1955, khi cải cách ruộng đất, nhân dân thôn Phù Tinh đã cứu cụ thoát khỏi án oan, dù lúc đó gia đình cụ đã chuyển sang làng Tất Lại, huyện Tứ Kỳ. Bác Phù Thăng rất yêu quí cha mình và thể hiện tình yêu ấy một cách khác thường. Khi cha mất rồi, trên chiếc ghế ngồi của Phù Thăng luôn vắt tấm áo của cha. Thân mẫu của Phù Thăng là người hiền thục, tuy không được học chữ nhưng tâm hồn rất phong phú và đa cảm. Cụ thường dành dụm tiền đưa cho con trai đi thuê những cuốn truyện cổ về đọc cho mình nghe. Có đoạn quá thương cảm, cả hai mẹ con cùng khóc. Chính người cha đức độ và người mẹ tinh tế ấy đã truyền lại cho Phù Thăng một tính cách ngay thẳng, một bản lĩnh vững vàng và một tâm hồn lãng mạn. Tất cả những phẩm chất đó tạo nên một nhà văn, nhà biên kịch Phù Thăng sau này.

Nhà văn Phù Thăng bắt đầu đến với văn chương khi hòa bình lập lại trên miền Bắc. Bấy giờ, bác đang là giáo viên Trường Bồi dưỡng văn hóa của Quân khu III. Truyện ngắn đầu tiên “Con những người du kích” bác gửi đến tạp chí Văn nghệ Quân đội đúng lúc tạp chí đang có cuộc thi viết về “Những kỷ niệm sâu sắc trong đời bộ đội”. Và truyện ngắn ấy đã đoạt giải Nhì của cuộc thi (cuộc thi không có giải nhất). Sau thành công bước đầu này, lãnh đạo nhà trường đã tạo điều kiện và dành thời gian cho Phù Thăng sáng tác. Năm 1960, trường ca “Hoa vạn thọ” của Phù Thăng đoạt giải B trong cuộc thi thơ của tạp chí Văn học (cùng đoạt giải B với Phù Thăng là nhà thơ Nguyễn Bính). Hiếm có tác giả nào trong một thời gian ngắn lại đoạt 2 giải cao cả về văn lẫn thơ như Phù Thăng. Thời gian này, Phù Thăng là một trong số rất ít tác giả có nhiều đầu sách ra đời. Tiểu thuyết “Trận địa mới”, NXB Quân đội nhân dân in năm 1960; tập truyện ngắn “Chuyện kể cho người mẹ”, NXB Văn học in năm 1960; truyện vừa “Thử lửa”, NXB Quân đội nhân dân in năm1961; tiểu thuyết “Phá vây”, NXB Quân đội nhân dân in năm 1962; truyện vừa “Con nuôi trung đoàn”, NXB Kim Đồng in năm 1965.

Theo nhà thơ Xuân Sách thì chỉ trong vòng hơn 1 tháng dự trại viết do Tổng cục Chính trị mở, Phù Thăng đã viết xong cuốn tiểu thuyết “Phá vây” có độ dài trên 600 trang in. Những ai từng dự trại sáng tác chắc đều biết người viết văn xuôi khổ cực như thế nào. Ngày nay, thông thường với thời gian hơn một tháng, dù có máy vi tính trợ giúp thì tác giả chỉ hoàn thành một, hai truyện ngắn hoặc vài chương tiểu thuyết đã được coi là tích cực rồi. Thế mà ngày ấy bác Phù Thăng viết bằng bút thường, vài chữ lại phải chấm vào lọ mực, trong thời gian ngắn ngủi ấy bác đã viết hàng ngàn trang (thì mới có hơn 600 trang in). Tiểu thuyết “Phá vây” đã gây được tiếng vang lớn, nhưng rồi sau đó tác giả gặp phiền hà vì một số quan niệm quá ngặt nghèo lúc đó. Trước tiểu thuyết “Phá vây”, Phú Thăng được điều chuyển từ Trường Bồi dưỡng văn hóa của Quân khu III lên Phòng Văn nghệ của Tổng cục Chính trị và được thăng quân hàm Thiếu úy. Sau “Phá vây”, bác được điều chuyển xuống Xưởng phim Quân đội, rồi lại chuyển sang Xưởng phim truyện cho đến lúc về hưu (1980). Thời gian làm việc ở hai xưởng phim, bác đã viết kịch bản và biên kịch nhiều phim, tiêu biểu như: Kịch bản phim “Quê nhà”, kịch bản phim “Nguyễn Văn Trỗi”, kịch bản phim truyện “Biển lửa”, biên kịch phim “Tiếng gọi phía trước”. Các phim này đều được tặng giải Bông sen Vàng, Bông sen Bạc trong các kỳ liên hoan phim Việt Nam từ lần thứ nhất đến lần thứ tư.

Thời gian nghỉ hưu ở quê nhà, bác được mời tham gia viết lịch sử Trung đoàn 42, rồi bác viết bản thảo cuốn tiểu thuyết “Tấn công” là phần tiếp theo của cuốn “Phá vây”, vẫn viết về những người lính dũng cảm của Quân khu III. Thời gian nghỉ hưu ở quê, một phần do tuổi cao, một phần do hoàn cảnh, bác Phù Thăng không còn “cày” nhiều trên trang giấy như trước mà bác dành sức lực và thời gian cày trên cánh đồng thực thụ, để lấy thóc, lấy ngô, khoai nuôi các con. Dù tuổi cao, sức yếu (cơ thể chưa đầy 40 kg), vậy mà bác nhận tới 7 sào ruộng khoán, rồi lại nhận chinh phục những con trâu ngang ngược, dữ dằn nhất như con trâu Sứt, đến nỗi dân làng quen gọi là ông Phu Sứt. Có lần tôi hỏi bác, sao bác phải làm nhiều như vậy, có phải vì gia đình quá khó khăn không? Bác cười bảo, lý do đó chỉ là một phần thôi, cái chính là mình thích lao động, mình yêu cây lúa, cây ngô, cũng như yêu những con chữ trên trang giấy vậy. Mình đã về làng quê thì cũng phải làm một lão nông ra trò chứ.

Năm 1994, sau rất nhiều nỗ lực thuyết phục của bạn bè và lớp đàn em như Nguyễn Huy Khoát, Ngô Bá Thước, Nguyễn Ngọc San, bác Phù Thăng mới chịu trở thành Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Hải Hưng. Lúc đó bác đã sống ở quê đến 15 năm rồi. Không phải bác không biết tới Hội, cũng không phải bác coi thường Hội Văn nghệ địa phương như một số người lầm tưởng, mà bác ngại vốn cạn rồi, vào Hội lại không đóng góp được gì với Hội thì buồn lắm. Cũng vì cái tâm lý này mà chưa bao giờ bác làm đơn xin vào Hội Nhà văn Việt Nam. Chỉ vì bác ngại mình không đóng góp được gì và cảm thấy mình hơi lạc lõng thôi. Hội Văn nghệ Hải Hưng trước kia và Hải Dương sau này luôn luôn kính trọng bác, yêu quí bác, coi bác như người anh cả trong số các hội viên.

Những năm nửa sau của cuộc đời, bác Phù Thăng viết ít và in càng ít (chỉ thỉnh thoảng in một bài thơ), nhưng bạn bè, độc giả lại dành tình cảm cho bác ngày một nhiều. Năm 2003, Nhà Xuất bản Hải Phòng đã cho tái bản tiểu thuyết “Phá vây”. Có lẽ đây là niềm vui lớn với bác Phù Thăng nói riêng và với bạn đọc nói chung. Nếu không tái bản thì ngày nay bạn đọc, nhất là các bạn trẻ khó lòng tìm được tác phẩm này. Khi bác Phù Thăng từ bỏ thế giới này, nhiều nhà văn, nhà thơ, bạn đọc đã đến tận thôn Tất Lại để đưa bác về nơi an nghỉ cuối cùng. Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Hữu Thỉnh cũng đã mang vòng hoa đến tiễn đưa Phù Thăng ra tận cánh đồng làng, mặc dù chưa bao giờ bác Phù Thăng là hội viên Hội Nhà văn.

Một lần bác Phù Thăng yếu mệt, tôi đến thăm và muốn xin bác ghi cho vài điều gì đó, cũng là để lưu bút tích của bác. Tôi đưa bác cuồn sổ tay của mình. Chừng 15 phút sau bác đưa lại và nói: “Hiền Hòa xem, ý của mình là thế này, vừa là tặng riêng vừa là tặng chung cho các bạn viết trẻ”. Tôi đón nhận cuốn sổ và cảm động gai người khi đọc xong bài thơ. Tôi cố nói vui để ngăn nỗi nghẹn ngào “Xin cảm ơn đại ca”. Bài thơ đó như sau: “Rất mong em Hiền Hòa/ Trong đời như giọt nước/ Trong nhà như tiếng ru/ Trong tình như mật ngọt/ Nhưng văn chương cần lửa/ Và như thép xanh nòng/ Thơ cũng là bão tố/ Quét sạch những bất công/ Xua đi và bồi đắp/ Nỗi buồn và niềm vui/ Đời vẫn là như thế/ Yêu – yêu thật say mê/ Ghét – ghét cay ghét đắng/ Nhưng tình người phải thắm/ Giữ trong ta dài lâu”.

Nay bác Phù Thăng đã đi xa rồi, những vần thơ viết vội của bác đã trở thành món quà vô giá với tôi. Những vần thơ này cũng chính là phương châm của người cầm bút, yêu ghét phải rõ ràng, phải hết mình, phải sâu sắc. Nhưng cái quan trọng nhất vẫn là tình người phải thắm và phải giữ dài lâu.

Nguồn: cand.com