|
+ Tập sách mới nhất của bạn:“Bay trên mái nhà thành phố”, mang lại cho tôi hình dung về một người đang đi, rất vội vã và có phần hớt hải nữa, tranh thủ dừng lại lúc đèn đỏ để nhìn về phía sau. Cũng cuốn sách này, cho người đọc hình dung về một thị thành rất bất an…
– Quả là cuộc sống này, chúng ta đều đang quá vội vã thì phải. Những buổi sáng vội vã. Những buổi trưa nháo nhác. Đến những bữa ăn gia đình, cũng hối hả và gấp gáp. Tôi đã viết “Bay trên mái nhà thành phố” – như là cách để mình được sống chậm lại, tĩnh lại với từng khoảng khắc sống trôi qua, từng cảm xúc đang dội đến. Nếu không chậm lại, đằm lại, cái cảm giác ngày hôm qua lặp lại ngày hôm nay, cái cảm giác hoang mang giữa phố phường chật hẹp đông đúc sẽ nhấn chìm tôi mất.
+ Bạn là một trong số những nhà văn tiên phong trong việc lập website cá nhân, và website Phongdiep.net đã là một trong những địa chỉ văn chương nghiêm túc được bạn đọc rất chú ý Vậy website, blog cá nhân có vai trò thế nào đối với công việc sáng tác của bạn?
– Nó là cầu nối, giúp tôi có cơ hội gặp gỡ những bạn viết của mình, những độc giả của mình. Bây giờ nhiều khi sống chung một thành phố, nhưng cơ hội để những người bạn có cơ hội ngồi hàn huyên trò chuyện với nhau không nhiều. Bởi vậy website, blog là một “ngôi nhà hữu dụng” để mọi người cùng tề tựu bên nhau, lắng nghe nhau, đọc của nhau bỏ qua mọi rào cản của thời gian, không gian.
+ Nói rộng ra một chút đến văn học mạng. Cho đến thời điểm này mà gọi tên những tác phẩm văn học được giới thiệu trên internet ở ta là một “dòng văn học” thì cũng chưa đúng lắm. Nhưng rõ ràng, đã có một số lượng rất đáng kể những cuốn sách trước khi ra sạp đã được “tự xuất bản”. Cá nhân bạn đánh giá thế nào về hiện tượng này?
– Nó góp phần đa dạng hóa đời sống văn học. Nó tạo điều kiện cho những tác giả mới có cơ hội được xuất hiện trước công chúng, không phải chỉ ở mạng ảo. Nó giúp khoảng cách giữa người viết và bạn đọc được xích lại gần nhau hơn. Ví dụ độc giả của bạn cũng đồng thời là bạn trên facebook chẳng hạn. Ngay lập tức họ có thể comment về tác phẩm mới của bạn.
Tuy nhiên cái gì cũng có tính hai mặt. Sự cởi mở, dễ dàng khiến những tác phẩm nhiều tính giải tri, ít giá trị văn học bỗng nhiên trở thành best-seller. Tất nhiên, độc giả và thị trường sẽ có cuộc sàng lọc để cái gì có giá trị sẽ ở lại.
+ Tờ Văn nghệ Trẻ mà bạn là trưởng ban biên tập đã có những thay đổi rất đáng kể thời gian gần đây. Theo quan điểm của cá nhân bạn, thì với một tờ báo dành cho các tác giả trẻ, điều gì là quan trọng hơn: Chất lượng hay sự mới mẻ?
– Tôi chú trọng cả hai: chất lượng và sự mới mẻ. Nếu không đề cao chất lượng, sự nhạt nhẽo và dễ dãi trong nội dung sẽ làm cho tờ báo mất uy tín ngay trong chính những “độc giả ruột” của mình. Giống như một quán ăn ngon, nếu người ta bước vào, bỗng nhiên thấy các món ăn làm cẩu thả, không chú tâm vào chất lượng, người ta sẽ bỏ quán đi và không bao giờ trở lại.Chất lượng – đó chính là tiêu chí sống còn của tờ báo. Còn sự mới mẻ – nó thực sự cần thiết, nhất là ở tờ báo Trẻ. Văn học đang có những chuyển động mạnh mẽ về tư duy, về đề tài, về phong cách sáng tác. Chúng tôi hân hoan chào đón những sự mới mẻ đó trên các trang báo của mình. Nhưng sự mới mẻ nào cũng phải trên cái gốc là chất lượng. Mọi sự thể nghiệm, mọi sự cách tân trong sáng tạo,… thì chất lượng vẫn là tiêu chí kiểm định cao nhất.
+ Trở lại với cuốn sách “Bay trên mái nhà thành phố”, tôi rất bị cuốn hút bởi những trang bạn viết cho các con, có thể cảm xúc đó xuất phát một phần từ việc tôi cũng là một bà mẹ. Những trang viết đó luôn ngập tràn yêu thương, nhưng thường đi kèm với nó là những nỗi xót xa rất thời cuộc, rất đô thị?
– Tôi luôn có cảm giác bấp bênh và âu lo về đời sống đô thị này. Những rủi ro bất trắc quá nhiều. Cũng có thể tôi cả nghĩ quá chăng. Hôm qua, chứng kiến một chiếc xe bốc cháy ngùn ngụt trên đường, ám ảnh không dứt trong tôi là, nếu tôi là người ngồi trên chiếc xe ấy thì sao? Ai sẽ đón các con, sẽ lo bữa cơm chiều? Mỗi buổi chiều đón con ngoài cổng trường, tôi luôn phấp phỏng đoán định cảm xúc của con qua từng biểu hiện trên nét mặt.Người lớn đã dễ tổn thương. Trẻ con càng mong manh vô cùng. Hình như cuộc sống này, càng ngày con người càng ít chú ý đến cảm xúc sống của mình và của những người xung quanh. Chúng ta luôn vội vã mà không hiểu vì sao mình lại phải vội vã đến thế.
+ Và cả những trang viết về mẹ, về quê hương, về thiên nhiên, về những số phận nữa. Một số bài viết tôi thấy có những chi tiết hoàn toàn có thể dựng thành truyện ngắn được, có vẻ như dùng nó trong một cái tản văn ngắn thì hơi… phí?
Tôi thì quan niệm là cứ viết ra, không mất đi đâu mà sợ (cười). Cuộc sống này có nhiều thứ để buộc người viết chúng ta phải ngồi vào bàn. Chỉ sợ chúng ta không đủ tài mà thôi. Viết mỗi ngày cũng là cách để nuôi dưỡng cảm xúc sống và cảm xúc viết. Vì một ngày sẽ trôi qua rất nhanh. Sự lười biếng, sự thỏa hiệp sẽ kéo tuột chúng ta đi qua những ngày không cảm xúc. Đó mới là điều đáng sợ.
+ Phong Điệp là một cái tên đã rất quen thuộc với bạn đọc. Bạn viết nhiều, viết khỏe, phong phú về thể loại và đa dạng về đề tài. Nông thôn, thành thị, miền núi… gì cũng đã từng xuất hiện trong các cuốn sách của bạn. Và phải nói thật, tôi rất khó để có thể nói rằng cá nhân tôi thích mảng nào của bạn hơn: Nỗi khắc khoải nhớ nhung làng quê hay nỗi xót xa của phận người đô thị. Bạn thì sao?
– Tôi viết những gì mình day dứt. Sự day dứt, nỗi ám ảnh khiến tôi ngồi vào bàn viết. Tôi không có ý định khoanh vùng đề tài cho mình. Mỗi vùng đất tôi từng sống, từng có cơ hội đặt chân đến đều để lại những ấn tượng sâu đậm trong tôi. Tôi tự nghĩ mình may mắn vì được đi, được viết.
+ Bạn từng nói:“viết xong một cuốn sách là xong, và tôi sẽ khép lại hành trình sáng tạo để viết một cuốn mới”, nhân việc nói tới khả năng tự quảng bá tác phẩm của các nhà văn. Hình như đây là một trong những vấn đề mấu chốt của “thị trường văn chương”?
– Thị trường văn chương hiện nay quả là muôn hình vạn trạng. Những cuốn sách mới, những tác giả mới. Người thì lặng lẽ, người thì ồn ào. Và cái sự PR giai đoạn này cũng chứng kiến nhiều hỉ nộ ái ố, khiến có lúc văn chương ồn ào chẳng kém gì giới showbiz. Tôi thì đề cao tính chuyên nghiệp. Nhà văn trước tiên hãy lo sáng tạo. Nếu anh có thể tự quảng bá cho tác phẩm của mình thì cũng tốt, những nếu không thì cũng là chuyện bình thường. Nó chỉ không bình thường thì ai đó cứ cố làm quá khả năng của mình, đến mức thành ra một thứ kệch cỡm mà thôi.
Bay trên mái nhà thành phố – hẳn nhiên người đọc đã hình dung được khát vọng mà tác giả cố tình gieo trong từng câu chữ. Dường như tác giả không có tuổi. Lại dường như tác giả đã già với trò đô-mi-nô sắp trên nóc phố với những buồn vui nhân thế. Dẫu biết bến sông ấy có nhiều lắm những xô lệch, những hạt sạn. Nhưng một nụ cười sớm mai dưới con thuyền chòng chành bên “con đường ràm rạm cỏ may”, lại cho ta những cảm nhận về phố. Phố với những ban mai bước ra đường, với người phụ nữ nơi ngã tư, với những người lạ gặp… hàng ngày, với một mái tóc thuần khiết xuất hiện giữa những mái tóc uốn ép nhuộm khiến hàng phố giật mình. Phố với những lòng tốt ở trên đường, với tình chợ, và món cháo đêm được tinh cất từ niềm tin yêu cuộc sống. Và văn chị khiến người đọc rưng rưng những hồi tưởng về một miền quá khứ, với những kỷ niệm đã xa, đẹp đẽ, lung linh buồn. |