“Tôi cho rằng khi đã cầm bút, mình không có quốc tịch mà chỉ là một nghệ sĩ đứng ở góc độ con người để nói về con người. Dẫu vậy, dấu ấn Việt Nam đã nằm sâu thẳm trong lòng tôi, nên dù viết thế nào thì các tác phẩm cũng mang hơi thở Việt Nam” – nhà văn Pháp gốc Việt Anna MoI chia sẻ.
Đeo đẳng món nợ với quê hương
– Bà có thể chia sẻ về con đường đến với văn chương của mình?
– Không ai tự nhiên trở thành nhà văn mà không có đường dẫn nào đó. Với tôi, việc ham mê đọc sách từ nhỏ đã dẫn tôi đến với nghề viết. Nhưng phải đến năm 16 tuổi, tôi mới bắt đầu sáng tác, chỉ là một bài thơ ngắn bằng tiếng Anh diễn tả cảm xúc bồi hồi của một con người trước biển và gửi đăng trên tạp chí Seventeen dành cho thiếu niên của Mỹ. Từ đó tôi càng khao khát viết, thấy ẩn chứa trong tâm hồn mình rất nhiều câu chuyện sống động về Việt Nam và muốn thể hiện trên giấy mực, muốn kể cho mọi người cùng nghe. Nhưng khi ấy tôi lại rời Việt Nam sang Pháp. Hòa nhập môi trường mới, hơn 20 năm liền tôi bỏ bẵng văn chương.
Nhà văn Anna MoI tên thật là Trần Thiên Nga, sinh năm 1955 trong một gia đình gốc Bắc vào Nam năm 1954. Những năm 1970, bà học lịch sử tại Trường Đại học Nanterre, Paris, đến năm 1992 mới quay về quê hương. Cảm hứng từ Việt Nam đã giúp bà sáng tác hàng loạt tác phẩm. Năm 2006, bà được Chính phủ Pháp phong tặng danh hiệu “Hiệp sĩ về văn chương và nghệ thuật”. |
– Bẵng đi thời gian dài như vậy, bước ngoặt nào thôi thúc bà sáng tác hàng loạt tác phẩm sau đó?
– Năm 1992, tôi trở lại Sài Gòn, lúc đó đã đổi tên thành TP Hồ Chí Minh nhưng không khác lắm so với trước khi tôi rời đi. Tất nhiên hiện tại thì thành phố này đã thay đổi nhiều lắm rồi. Khi ấy, vừa đặt chân về mảnh đất quê hương, biết bao cảm xúc trong tôi, qua mọi giác quan từ thị giác, xúc giác, thính giác, đến tất cả mùi vị của vùng đất này đều ùa vào mãnh liệt. Những gì về Sài Gòn tôi đã lỡ quên khi sang Pháp bỗng trở nên sống động. Tôi đi trên phố, ngắm nhìn từng hàng cây, hít hà mùi vị của các món ăn đã từng quen thuộc và trò chuyện với mọi người… Để rồi thấy Việt Nam lúc nào cũng thật đáng yêu. Còn mình thì dường như luôn đeo đẳng một món nợ nơi đây – có thể là món nợ bút mực chăng?…
Nghĩ vậy, nhưng tôi vẫn chưa tự tin rằng mình có thể viết tốt, nhất là khi đã xa Việt Nam quá lâu. Đúng lúc đó, tôi gặp một ca sĩ biểu diễn trên đường phố, anh khuyên tôi thử theo một lớp thanh nhạc. Tôi học kỹ thuật thở, luyện giọng và đã có thể hát. Tôi tự hỏi, vậy tại sao tôi không thể viết? Thế là tôi có động lực cầm bút.
– Vậy là Việt Nam đã trở thành chất xúc tác văn chương của bà?
– Đúng vậy. Đó là một Việt Nam đầy chất thơ. Ở đó, tôi thấy có sự giản dị xen lẫn với huyền bí, luôn có một sợi dây vô hình nhưng bền chặt kết nối mọi người với nhau… Đây cũng là điều tôi muốn thể hiện trong các tác phẩm của mình, muốn khoe với bạn đọc.
Quan tâm số phận con người
– Muốn thể hiện một Việt Nam đầy chất thơ nhưng phần lớn tác phẩm của bà lại đề cập đến giai đoạn chiến tranh khốc liệt?
– Tôi không thấy có sự mâu thuẫn ở đây, vì chất thơ ấy thậm chí nổi bật hơn cả ngay trong giai đoạn chiến tranh khốc liệt. Ngoài ra, cũng có nhiều người khuyên tôi nên viết về cuộc sống người Việt lưu vong ở nước ngoài nhưng tôi muốn hiểu hơn về lịch sử Việt Nam mình nên mới chọn đề tài đó. Tuy nhiên, bối cảnh lịch sử chỉ là một phần, điều tôi quan tâm là số phận con người. Chẳng hạn, với tiểu thuyết đầu tay mang tên Riz noir (Cơm đen), ý tưởng bắt đầu từ chuyến du lịch năm 2000 thăm chuồng cọp Côn Đảo, rồi tình cờ tôi gặp 2 nữ cựu tù. Tôi cho rằng các cô chắc sẽ không bao giờ nghĩ về nơi kinh khủng đó. Nhưng không. Với họ, đó là nơi ghi dấu nhiều kỷ niệm và họ vẫn thường xuyên về thăm lại. Trải qua gian khổ như vậy, điều đọng lại không phải là giây phút tra tấn đầy sợ hãi, không phải là những cơn đau đớn giày vò mà là những khoảnh khắc bình yên, như hương vị hạt điều mà các cô tìm thấy trong sân hoặc như cảm xúc khi trông thấy bầu trời xanh vời vợi… Rõ ràng, những con người giai đoạn ấy đã phải chịu nhiều cú sốc do chiến tranh nhưng họ đều vượt qua, thậm chí còn có đời sống tinh thần rất vui vẻ.
– Làm thế nào bà có thể tái hiện hình ảnh con người Việt Nam trong chiến tranh?
– Nếu như tư liệu lịch sử chỉ nêu ra những con số khô cứng thì văn học lại đưa ra hình ảnh nói được nhiều hơn con số đó. Yếu tố chủ đạo trong các tác phẩm của tôi là cảm xúc, bởi tôi cho rằng, trong sự liên hệ giữa người này với người khác, dân tộc này với dân tộc khác, tình cảm là quan trọng nhất. Trong suốt quá trình gặp gỡ những con người bước ra từ cuộc chiến, tìm kiếm, khai thác tư liệu lịch sử chiến tranh, tôi nhận ra rằng gian khổ, đau đớn, chia cách, nhớ thương… đã dằn vặt cảm xúc của biết bao nhiêu con người thời đó. Nhưng họ vượt qua được hết, hoàn cảnh đã tôi rèn người Việt Nam như vậy. Tôi chỉ cần tập trung vào các chi tiết ấy là đủ.
– Xin cảm ơn bà!
Theo Lê Thư – Đại biểu Nhân dân