Nhà văn Phạm Xuân Hiếu, hội viên Hội Nhà văn Hải Phòng, năm 2014 vừa được trao Giải thưởng của Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam. Trong giới chơi đồ cổ ở thành phố Hải Phòng, có hai nhà sưu tầm danh tiếng nổi như cồn khắp cả nước, đó là Hải “đồ cổ” và Hiếu “đồ cổ” (tức nhà văn Phạm Xuân Hiếu). Hai nhà sưu tầm đồ cổ này chơi với nhau từ hồi còn trẻ và số phận hai người lại rẽ sang hai con đường khác nhau. Về sau, khi đã ngoại lục tuần, ông Phạm Xuân Hiếu trở thành nhà văn khá nổi tiếng với những chuyện viết về thú chơi cổ vật thật hấp dẫn, sâu sắc và nhân văn. VanVN.Net đã có cuộc phỏng vấn nhà văn Phạm Xuân Hiếu về việc một chuyên gia đồ cổ trở thành nhà văn.

(

(Nhà văn Phạm Xuân Hiếu)

-Nguyễn Việt Chiến (NVC):Thưa nhà văn Phạm Xuân Hiếu, gần 40 năm sưu tầm đồ cổ, tình yêu cổ vật đã ngấm vào ông thế nào?

-Phạm Xuân Hiếu (PXH): Với những người sưu tầm như chúng tôi, khi được tiếp xúc với cổ vật quý thì đều có cảm giác sững sờ, người nổi gai ốc. Khi cổ vật đã ở với mình thì nó đã trở thành một tình yêu đam mê rất lớn, và khi phải bán cổ vật đi thì người chủ rất lưu luyến, bâng khuâng như mất một thứ gì đó gắn liền với tình yêu của mình và  không muốn rời bỏ nó. Người chơi cổ vật khác người người buôn cổ vật vì người buôn cứ có lãi là họ bán ngay rất nhẹ nhàng vì họ không có tình cảm với cổ vật.

NVC: Với sự gắn bó tình cảm với cổ vật như thế, ông có thấy mỗi cổ vật quý đều có một đời sống tâm linh riêng như thể có hồn hay không?

PXH: Tôi cảm nhận mỗi cổ vật quý đều có một đời sống riêng do tình yêu của những người yêu quý nó, của người chơi đồ cổ truyền vào. Như những pho tượng đang thờ ở các đình, chùa rất linh thiêng vì sự ngưỡng mộ của mọi người, vì cái thần và tình cảm của con người đã truyền vào những pho tượng ấy như tượng có thần vậy. Sở dĩ tôi là nhà sưu tầm giữ được đồ lâu chính vì tình cảm đó, nên chỉ muốn “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Tôi thuộc loại người chơi bảo thủ, cách đây khoảng 20 năm, tôi còn có sự trao đổi trên thị trường cổ vật, bây giờ thì tôi không trao đổi nữa và cũng không phán “thật-giả” nhận định về một món đồ cổ nào nữa.

-NVC: Đằng sau những câu chuyện ly kỳ, bí ẩn và đầy hấp dẫn ông viết về cổ vật, với tư cách một nhà văn, thông điệp lớn nhất ông gửi đến độc giả là gì?

PXH: Điều đầu tiên tôi muốn gửi đến độc giả chính là sự tôn vinh, gìn giữ các giá trị của cổ vật. Sau nữa, tôi muốn thông qua các tư liệu và sự hiểu biết về các món cổ vật quý hiếm để xây dựng những câu chuyện hấp dẫn và có tinh nhân văn. Qua câu chuyện tôi kể, người đọc có thể nhận thấy tư liệu về cổ vật từ màu men đến kiểu dáng, từ giá trị kinh tế đến sự hấp dẫn của nó. Đồng thời cũng cảnh báo cho mọi người biết về đồ thật, đồ giả và biết về những điều họ chưa biết đến về cổ vật. Tôi chú trọng đến tính hấp dẫn của câu chuyện và sau khi đọc rồi, độc giả phải được biết thêm điều gì đó và những gì mới lạ ở đó. Sáng tác phải mới, câu chuyện phải mới, chi tiết phải mới. Tôi cho cổ vật sống gắn liền với đời sống của nó và xây dựng câu chuyện xung quanh nó. Mỗi câu chuyện là một đề tài, một kết luận không giống nhau, không lặp lại.

NVC: Trong số những truyện ngắn đã in của ông, truyện “Cây đèn gia bảo” đăng trên báo Văn Nghệ, Hội Nhà văn được anh em trong nghề văn đánh giá cao. Xin ông cho biết thêm suy nghĩ của mình về truyện này?

PXH: Câu chuyện bắt đầu từ việc một người mê cổ vật ở Việt Nam tình cờ mua được một cây đèn cổ ở một cửa hàng đồ cũ bên Pháp và một người Pháp sang Việt Nam để tìm lại cây đèn gia bảo của gia đình anh ta bị thất lạc. Thông qua truyện “Cây đèn gia bảo” tôi muốn gửi gắm đến mọi người thông điệp về một tình yêu giữa một chàng da đen bị thọt làm việc trong một xưởng chế tác đồ mỹ nghệ, vàng bạc, đá quý nổi tiếng của nước Pháp và một thiếu nữ quý phái, con gái của ông chủ xưởng chế tác. Tình yêu của họ không xuất phát từ tán tỉnh yêu đương xác thịt mà xuất phát từ tâm hồn. Trong quá trình chế tác cây đèn cổ dùng đọc sách theo yêu cầu của cô gái, chàng da đen đã gửi gắm toàn bộ kỹ năng và tâm hồn mình vào việc làm ra cây đèn này và không nghĩ rằng mình sẽ yêu được nàng tiểu thư kia. Trong công đoạn luyện kim, nấu thủy tinh làm cây đèn, anh ta đã nhỏ mồ hôi và chích máu mình vào sản phẩm đang nung đỏ trên bàn khò như loài chim yến phải thổ huyết để xây tổ ấm. Sau khi anh da đen chế tác xong cây đèn, cô gái xuống lấy và mang về phòng đọc sách của mình, rồi nàng cảm thấy yêu anh chàng da đen này. Cây đèn ấy chỉ sáng ở những chỗ cần sáng như một người tài cần được đặt đúng chỗ, như hạt giống cần gieo đúng chỗ thì mới nảy mầm. Và cây đèn ấy chỉ sáng ở phòng đọc sách khi người ta cần phải có học, cần phải đọc. Chàng da đen sau khi trao cho cô gái cây đèn mang về, anh ta như người mất hồn, cứ đêm đêm nhìn lên buồng đọc sách sáng ánh đèn khuya, rồi sau đó anh ta treo cổ tự sát vì biết mình đã yêu cô gái kia nhưng thân phận không thể nào với tới được. Còn cô tiểu thư mê đọc sách dưới ánh đèn ấy sau này cũng không chịu lấy ai và sống một mình cho đến khi qua đời năm 84 tuổi.

NVC: Ông có cho mình là một chuyên gia về cổ vật có nhiều kinh nghiệm?

PXH: Tôi không bao giờ tự đánh giá mình như vậy, còn dư luận trong giới, họ tôn trọng tôi về tuổi tác, thời gian là trong số ít người chơi cổ vật lâu năm nhất miền Bắc. Đấy là sự nổi tiếng từ ngày cách đây 20-30 năm thôi, còn bây giờ tôi không là gì cả. Cái thời của tôi đã qua rồi vì hôm nay có nhiều nhà sưu tầm cổ vật có nhiều đồ quý hơn, nhiều tiền hơn và giỏi hơn tôi nhiều. Tôi bây giờ chỉ còn cái bóng và sự kinh nghiệm, hiểu biết hơn một số anh em thôi.

NVC: Ông đánh giá thế nào về việc thành lập hội những người chơi cổ vật hiện nay ở các thành phố lớn?

PXH: Việc thành lập các hội này rất tốt, nhằm bảo vệ người chơi cổ vật và bảo vệ di sản văn hóa để giữ gìn và tôn vinh các món cổ vật có tính văn hóa-lịch sử. Nhưng có một thực trạng, trong giới chơi cổ vật hiện nay, có một số người thiếu tôn trọng nhau và lạm dụng công việc này để mưu lợi có nhân cho mình. Dẫn đến sự không tin cậy lẫn nhau và tạo ra một thị trường lộn xộn cổ vật thật, giả không phân biệt được. Nếu các hội có được một cơ quan uy tín thẩm định giá trị cổ vật thì các món đồ quý ở Việt Nam có giá trị kinh tế ngang bằng với các món cổ vật quý của thế giới. Việc đánh giá một món cổ vật trên thị trường hiện nay toàn dựa vào kinh nghiệm chủ quan và mắt thường của một số chuyên gia thì làm sao bảo đảm được tính xác thực nếu như cái tâm của họ không sáng khi họ đã nhận được khoản bồi dưỡng khá lớn từ người muốn bán món đồ cổ này.

NVC: Có thời gian dư luận đã cảnh báo về việc “chảy máu” cổ vật ở Việt Nam và nhiều món đồ quý đã thất thoát ra nước ngoài, ông đánh giá về tình trạng này thế nào?

PXH: Thật ra ở Việt Nam hiện nay chưa xuất hiện món cổ vật quý nào có tầm cỡ thế giới, trừ một số con tàu chở cổ vật bị đắm ở ngoài khơi Việt Nam được thế giới đấu giá. Còn thời giá cổ vật bây giờ ở Việt Nam, chưa có món cổ vật quý nào được người bán hô tới 1 triệu USD, nhưng trên thế giới, cũng món đồ tương tự như thế họ hô giá tới 60-70 triệu USD. Có thực trạng, hiện nay anh em sưu tầm đang đi mua cổ vật ở nước ngoài đem về Việt Nam. Trước đây mua của Campuchia, Thái Lan, Hồng Kông giờ đã có người sang Pháp, Đức mua cổ vật đem về Việt Nam, thậm chí sang cả Mỹ đấu giá mua cổ vật. Nhưng đây là những món đồ rẻ tiền. Nên nói cổ vật đang chảy đi nước ngoài cũng không đúng mà ngược lại nói cổ vật chảy về Việt Nam cũng chưa phải. Nên phải hiểu rõ ngọn ngành và đường đi ngầm của nó. Có thể có những món đồ rất quý giá từ  đời nhà Thương, nhà Chu, nhà Hán…đã từ Việt Nam đi ra nước ngoài. Và cũng có những món đồ cổ tầm tầm, rẻ hơn từ nước ngoài chạy về Việt Nam.

NVC:Vậy những món cổ vật từ các triều đại phong kiến Việt Nam để lại thì giá trị thực sự ra sao?

PXH: Cổ vật của các triều đại phong kiến Việt Nam không có mấy giá trị với thế giới. Ví dụ như đồ gốm, bát đĩa thời Lý-Trần đúng niên đại, đúng mẫu mã nhưng giá trị kinh tế và văn hóa không cao vì đấy là những đồ bình thường, đồ dân dã, có nhiều và giá khá rẻ. Đồ cổ phải là đồ độc đáo, quý hiếm nên nó mới đắt. Hiện nay giữa người am hiểu về đồ cổ và người không am hiểu đang lẫn lộn. Nên thị trường đồ cổ hôm nay rất khó nói lên điều gì.

NVC: Xin cảm ơn nhà văn

Dưới đây, VanVN.Net giới thiệu truyện ngắn đặc sắc “Chiếc bát Thập ngũ kê” về cổ vật của nhà văn Phạm Xuân Hiếu


(Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến phỏng vấn nhà văn Phạm Xuân Hiếu tại Hải Phòng)

CHIẾC BÁT THẬP NGŨ KÊ

Phạm Xuân Hiếu

Tiệm cà phê Hồng Hạc phố Xa Khơi là nơi dân cổ ngoạn thường hẹn hò gặp nhau vào sáng chủ nhật hàng tuần. Sáng nay, mọi người chuyền tay nhau tờ báo An ninh đăng tin một chiếc bát đời Càn Long thế kỷ mười tám giá 20 triệu USD. Bà Alice Cheng một nhà sưu tập Trung Quốc đã mua được trong phiên đấu giá tại Hồng Công năm 2006, tính ra tiền Việt Nam là 321,3 tỷ đồng. Thật đắt không tưởng tượng nổi.

Lại trong số báo khác có chuyện “Bí mật về chiếc bát ăn cơm của Mao Trạch Đông” hay là bát “Mao Từ”, sản xuất năm 1974, giá khởi điểm tại phiên đấu giá ở Bắc Kinh 1976 là 3,4 tỷ đồng… Mỗi người một ý, kẻ bảo đắt, người nói rẻ, cứ nháo nhác cả lên như mình vừa mua trượt món đồ quý ấy vậy.

Mặc cho mọi người bàn tán, Thịnh ngồi trầm ngâm rít từng hơi thuốc dài bên tách cà phê tan hết đá vẫn còn đầy nguyên. Nét mặt đăm chiêu suy tính chuyện đêm qua. Hai đàn em mang đến nhà Thịnh, bán cho vài món đồ lặt vặt rồi xót xa kể chuyện phi vụ làm ăn kỳ lạ cho anh nghe.

Đầu tháng trước, chúng bắt được tin đồn tại đền Hải Thần ở một làng chài có chiếc bát vớt được từ dưới biển lên. Chúng lập tức mò về, trà trộn vào đám người đi lễ, thăm dò thực hư. Quả đúng có chuyện như vậy. Chiếc bát cổ như hút hết hồn cả hai đứa. Hôm sau chúng quay lại, quanh quẩn ở đền rất lâu, quan sát địa hình. Rồi đêm đó, chiếc bát không cánh mà bay. Bọn trộm đã lấy được chiếc bát, mang về vùi vội dưới ao nhà.

Sáng hôm sau hai đứa hí hửng rủ nhau lên tỉnh tìm người bán bát. Vừa đi được một đoạn, chiếc xe máy chở chúng lạng xuống ổ gà, hất cả hai ngã lăn quay, quần áo rách bươm, sây sát hết cả. Nghĩ tới đống tiền trước mặt, chúng nén đau dựng xe đi tiếp. Nhưng thật quái lạ, đi chưa bao xa xe lại lao cắm xuống ruộng, bùn đất ngập đầu. Chúng đành dắt xe trở về nhà.

Cả ngày loay hoay sửa xe thế nào cũng không được. Máy chỉ nổ phành phạch một lúc rồi lại chết. Vì ham hố món tiền chập chờn trước mắt, chúng quyết định mượn xe của bạn đi thăm dò chào hàng bằng được. Lần này mới đi cách nhà vài cây số, một đứa bỗng đau đầu như búa bổ, hét quay xe về ngay.

Đêm ấy, dưới ánh trăng thượng tuần, chúng vớt bát lên cọ rửa định sáng mai mang đi chào hàng luôn. Vừa xoa tay rửa bùn thì đột ngột có tiếng rít xé ngang tai làm chúng thất kinh bỏ chạy. Linh tính mách bảo có điều chẳng lành, chúng quay trở lại trong sự hoang mang, hoảng loạn. Đứng nghĩ ngợi một lúc rồi cả hai bàn nhau mang bát trả lại đền, mặc dù tiếc đứt ruột gan.

Nghe chúng kể, Thịnh đoán biết đấy là chiếc bát quý hiếm vô cùng. Chắc nó phải được một bàn tay người thợ kỳ tài chế tác, lấy hỏa biến mà tạo thành hữu thanh, hữu sắc. Thịnh chưa đọc thấy sử sách nào nói về chiếc bát như thế bao giờ. Đúng là ngàn năm mới gặp được. Thịnh cũng thấy ngơ ngẩn tiếc, tuy đã tự nhủ: đồ ăn cắp cũng không nên tham, nhất lại là đồ của chùa chiền linh thiêng, đừng có động vào.

Đó là chuyện gặp gỡ đêm qua. Suốt từ lúc đó đầu óc Thịnh cứ vẩn vơ nghĩ tới chiếc bát lạ, không dứt ra được.

Như đã cả quyết điều gì, Thịnh uống một hơi hết cốc cà phê, rồi rút điện thoại gọi cho đàn em, hẹn chúng đưa đi xem chiếc bát quý ngay hôm đó.

Hai giờ sau một đàn em đã đưa Thịnh về làng chài nọ, đến thẳng miếu Thổ thần.

Ai dè lại đúng ngày lễ cúng thần Điểm Tước làng biển. Để tên đàn em chờ ở ngoài sân, Thịnh lặng lẽ vào nội tự, nhìn ngắm quang cảnh lễ bái diễn ra trong khói hương nghi ngút. Đập ngay vào mắt Thịnh chính là cái bát khá lớn, màu men ngọc, đặt trên chiếc kỷ chân thấp, kỷ lại đặt trên bệ đá xanh ở giữa gian chính điện. Từ xa Thịnh chỉ nhìn loáng thoáng thấy những hình vẽ màu xanh lam gì đó chung quanh bát. Thịnh ngây người như bị hút hồn trước vẻ đẹp của nó. Lúc này già trẻ, trai gái đang lũ lượt đi vòng quanh, kính cẩn chạm tay vào cái bát như để cầu may. Thịnh cũng đứng vào dòng người nhích đi từng bước, chờ tới lượt chạm tay vào báu vật. Khi tới thật gần anh mới quan sát tận mắt hình dáng những con gà tuyệt đẹp vẽ chung quanh bát. Đến lượt mình, anh cố tình chạm ba ngón tay vào đúng cánh một chú gà đang vươn cổ như sắp gáy. Anh nghe cảm giác lạnh trơn ngấm vào da thịt. Anh dừng lại lâu hết mức có thể, tận hưởng cảm giác không gì sánh nổi mỗi khi đụng tay đến một cổ vật, cho đến lúc người đứng sau đẩy anh bật lên. Anh ra khỏi hàng người đi lễ, tới nép bên cửa, mắt không rời khỏi chiếc bát. Sợ mình đứng mãi đó không tiện, lát sau anh đành len ra ngoài.

Đi dạo một vòng, Thịnh rẽ xuống nhà ngang ngồi cạnh bà thủ từ đang têm trầu mời khách. Sau một hồi Thịnh khéo léo gợi chuyện lai lịch của chiếc bát, bà cụ vui vẻ kể ngay:

Xóm chài xưa kia rất nghèo. Nhiều ngôi nhà chỉ dựng tạm bợ bằng những tấm liếp che nắng, che mưa. Gặp những trận giông bão, vạn chài không ít nhà bị cuốn tung cả giường chiếu. Đi biển hàng tuần nhưng tôm cá bắt được không đáng kể, may mắn thì đủ gạo ăn cả tháng, ít chỉ đủ tiền buổi chợ bến sông .

Bỗng dưng vạn chài ấy đột ngột thay da đổi thịt từng ngày như có phép lạ. Mái ngói, nhà lầu lác đác mọc lên, xóm ngõ sầm uất. Thiên hạ trố mắt ra nhìn, không hiểu nguyên nhân do đâu.

Sau người ta đồn rằng sự đổi thay bắt đầu từ ngày một cặp vợ chồng trẻ mang cung tiến chiếc “Bát biển” cho ngôi đền thờ thần của làng chài. Họ lấy nhau gần mười năm vẫn chưa có con. Hàng ngày vợ chồng phơi lưng với trời, vật vã với gió to sóng cả, sống cuộc sống nghèo khó như mọi người. Cái lều lợp lá, quây liếp của họ gần ngay ngôi đền thờ thần, dưới bóng cây thị cổ thụ.

Một chuyến ra khơi, chiều tà mà cá chỉ bắt được mấy con, mẻ cuối cùng lưới không kéo lên được, vợ chồng gỡ mãi không xong. Yến, người vợ loay hoay thế nào bỗng ngã lao xuống nước. Thường như mọi ngày Yến sẽ ngoi lên ngay. Nhưng lần này Tuấn, chồng chị chờ mãi không thấy vợ lên. Sốt ruột anh vội lao xuống cứu. Tìm mãi, tìm mãi mới thấy vợ đang vẫy vùng trong lưới, anh vội túm tóc kéo lên.

Thoát chết nhưng Yến bỗng nói năng lảm nhảm như trong cơn mê sảng. Thấy lạ, Tuấn vội đánh thuyền đưa vợ vào bờ, bỏ cả tấm lưới là tài sản của gia đình chưa kéo lên được

Sáng hôm sau, họ lại phải ra khơi, tìm cầu may giã lưới còn vất lại ngoài biển. Cũng là cái số chưa sạch nghiệp, vợ chồng mừng quýnh quáng khi nhìn thấy phao lưới nhấp nhô trên ngọn sóng. Tuấn ra sức kéo lưới lên. Nhưng thật lạ, kéo mãi không nổi, anh đành phải lặn xuống biển. Một lần, hai lần vẫn chưa gỡ được. Lần thứ ba anh quờ tay vào vật gì trơn trơn. Tuấn vội ôm chặt nó cùng đám lưới ngoi lên. Khi nhoai người đặt được vật ấy vào lòng thuyền thì một tiếng “choang” rất to ngân vang nghe rất lạ lùng. Yến thốt kêu lên: “Ôi, chiếc bát sứ to đẹp quá!”

Quả đúng là chiếc bát sứ men trắng với những nét vẽ màu xanh lam, đẹp chưa từng thấy. Hai vợ chồng nhìn nhau ngỡ ngàng rồi vội thu lưới, dong thuyền về. Suốt cho tới lúc cập bến hai vợ chồng không ai nói chuyện với ai, trong lòng hoang mang chẳng rõ chiếc bát đem đến điềm lành hay dữ.

Sau đó không ngày nào đi biển về vợ chồng Tuấn có được mẻ cá ra hồn. Hết gạo, hết tiền chợ, bí quá Yến đành chạy sang bà cụ hàng xóm hỏi vay tạm.

Yến vừa đến cổng, ở trong nhà bà cụ đã nói vọng ra:

– Lại hết tiền rồi hả?

– Nhà cháu mấy hôm nay cá không bén lưới, hết cả tiền cụ ạ.

Kể lể thở than một chặp, Yến nói đến chuyện vớt được chiếc bát có tiếng vọng lạ thường cho bà cụ nghe. Ngẩn ra một lát, bà cụ thì thào, giọng sợ hãi:

– Chả trách đi lưới không có cá là phải. Cũng còn may, hai vợ chồng chưa ai hề hấn gì đấy. Vật báu của biển dám giữ trong nhà, to gan thế? Mau mau mang ngay chiếc bát cung tiến vào đền để giải hạn đi.

Yến quá sợ. Ngẫm lại từ hôm mang cái bát về, vợ chồng cô toàn gặp chuyện rủi. Tuấn tự dưng vấp ngã chảy máu đầu. Mái bếp tự dưng bén lửa bốc cháy…

Tối hôm đó hai vợ chồng mang thẻ hương với chiếc bát lên đền thờ thần biển cung tiến. Cửa đền đã đóng, gọi mãi không thấy ông thủ từ đâu, vợ chồng đành đặt bát trên thềm, thắp ba nén hương rồi khấn: “Chúng con là dân chài nghèo khó, vất vả quanh năm không đủ ăn. Đi biển vớt được chiếc bát này, nay mang lên đây xin cúng tiến thần linh, cầu xin thần phù hộ độ trì cho nhà chúng con ăn nên làm ra, tai qua nạn khỏi”. Khấn xong hai vợ chồng để bát lại ra về.

Sớm hôm sau nhà bà Tâm hạ thủy con thuyền, mang hương hoa lên đền lễ, bà rất ngạc nhiên thấy có chiếc bát sứ to lạ để ở trên thềm. Hẳn nhà đền chưa mở cửa nên người cung tiến bát chưa thể cất vào bên trong, bà cụ nghĩ thế. Còn đang loanh quanh quét dọn bên ngoài, thì bà nghe “tẹt” một tiếng. Thoáng nhìn bãi phân chim dính vào miệng bát, bà giật mình ngước nhìn lên lùm cây. Có con chim xanh xanh, đỏ đỏ đang chuyền cành rồi biến mất. Bà vội vàng lấy khăn lau vết tỳ uế, nhưng lau mãi, lau mãi không sạch, không hết mùi hôi. Bà ra bể nước gần đó múc gáo nước vào rửa. Vừa đưa bàn tay ướt nước cọ lên miệng bát bỗng bà nghe có tiếng phát ra vi vu như tiếng sáo diều, ngân nga vang vọng tựa tiếng chuông đâu đây. Bà ngừng tay lau mà tiếng ngân còn dư âm mãi chưa dứt. Bà hoảng sợ đánh đổ gáo nước, quỳ sụp vái lạy, hồn vía lên mây cả. Tiếng vang vọng của bát hình như đã làm cho đầu bà u mê, buồn, vui, lo âu lẫn lộn… bà bỏ chạy một mạch về nhà.

Lại nói vợ chồng Tuấn sau khi mang tiến chiếc bát, hôm sau ra khơi được ngay mẻ lưới đầu tiên cả đàn cá thu, đổ đầy ắp khoang thuyền. Những ngày tháng tiếp theo, chuyến nào thuyền của vợ chồng Tuấn cũng thắng lớn. Chỉ dăm tháng góp nhặt, không những vợ chồng trang trải sạch nợ còn có tiền để dành cho hàng xóm vay. Riêng Yến lại có tin mừng, sau ngần ấy năm không sinh nở mới lạ.

Rồi tiếp đến những ngày xóm chài được mùa tôm cá chưa từng thấy, lập tức cảnh người mua kẻ bán ồn ào tấp nập. Dân chài chả mấy đều giầu ụn lên. Ai cũng thành kính tin rằng nhờ có chiếc bát thần mà họ đổi đời. Từ đó không chỉ ngày lễ, ngày thường cũng nhiều người đến thắp hương cầu mong việc nhà, việc biển, cầu chuyện duyên tình, học hành đỗ đạt cho con cháu. Chiếc bát được đặt trang trọng trên trụ đá ở giữa nội tự để mọi người đến thắp hương chiêm ngưỡng như là vật quý của biển ban cho. Mỗi khi lễ xong, mọi người đều khẽ chạm tay vào chiếc bát lấy khước.

Từ ngày bà Tâm xin dâng tiền công đức sửa đền, bà được mọi người mời về làm thủ từâ, sớm hôm đèn hương. Đêm đêm thanh vắng tĩnh mịch bà lại thắp hương, tụng kinh niệm Phật cầu độ cho chúng sinh. Mỗi lần như vậy bà thường chạm tay vào bát thay cho tiếng gõ mõ, lên chuông. Tiếng vang vọng của bát làm cho tâm hồn bà thanh thản hẳn lại.

Nghe xong câu chuyện của bà thủ từ, Thịnh nghĩ ngay tới kho báu và những chiếc bát còn ở dưới đáy biển kia. Là một người sưu tập có nghề, anh hiểu mình phải làm gì.

Chiều hoàng hôn nắng vàng nhạt lấp lánh trên mặt biển. Xa xa nhấp nhô những con thuyền lướt sóng vào bờ. Chợ chiều đông đúc. Thúng mủng, quang gánh tấp nập chuyển cá lên bờ. Tiếng nói, tiếng cười, tiếng gọi nhau, tiếng mặc cả ồn ào át cả tiếng sóng.

Vừa đi vừa hỏi thăm hết chiếc thuyền này đến thuyền khác mới gặp được đúng thuyền Tuấn. Thịnh bước lên tấm ván dùng làm cầu tàu, hất hàm hỏi:

– Thuyền cá này chú định bán bao nhiêu?

Tuấn nhìn người đàn ông lạ, trả lời quấy quá:

– Mười nghìn đồng một cân.

– Để tôi mua hết chỗ cá này. Chú cầm tạm hai triệu đây.

Thịnh đưa xấp tiền cho Tuấn. Quay sang Tuấn, anh nghiêm giọng nói:

– Tôi giúp chú bán nhanh thuyền cá này, về nhà ta có việc bàn với nhau.

Tối đó tại nhà Tuấn, Thịnh sai đàn em mua rượu, thịt chó về bàn chuyện. Nhâm nhi ly rượu trên tay, Thịnh lựa hỏi:

– Mỗi ngày chú đánh được bao nhiêu cá, ngày hơn bù ngày kém đổ đồng chú bán được bao nhiêu tiền?

Tuấn với chai rượu rót mời khách, rồi nâng chén giọng oang oang như đang nói giữa sóng gió ngoài khơi:

– Em đâu tính được. Chỉ vợ em nó biết. Mà bác hỏi làm gì?

Thịnh thủng thẳng:

– Tôi hỏi để tính trả công cho vợ chồng chú.

– Sao phải trả tiền cho vợ chồng em? Tuấn hơi bất ngờ.

– Vì tôi muốn nhờ chú ngày mai đưa tôi ra chỗ vớt được chiếc bát dạo xưa. Chú lặn xuống thử tìm xem dưới đó còn gì không?

Nghe thấy hai chữ chiếc bát, Tuấn vội lắc đầu quầy quậy:

– Bác tìm những thứ đó làm gì? Em sợ đã phải mang ngay đi cung tiến, bác lại thích. Lạ nhỉ? Em không đưa bác đi đâu. Với lại đang vào vụ cá, chúng em không bỏ việc được, bác thông cảm.

Thấy thái độ kiên quyết của Tuấn, Thịnh cũng không nài mà đành chia tay ra về, lòng xôn xang buồn, vui lẫn lộn.

Mấy ngày sau, Thịnh trở lại làng chài mang theo một bọc tiền, quyết tâm đi một chuyến ra biển. Gặp vợ chồng Tuấn ở bãi cá, anh nói thế nào Tuấn cũng không đồng ý. Thịnh lại phải về.

Thấy ông khách quá thiết tha, Yến hỏi chồng:

– Sao anh không nhận lời?

– Cô chả thấy đã suýt mất mạng rồi sao. Người ta cần tiền chứ tôi không cần. Nghề biển chỉ cần bắt nhiều cá là được.

Lần thứ ba Thịnh trở lại làng chài. Trước tiên anh vào đền thắp hương rồi mới đến nhà Tuấn. Lạy các vị thần linh, xin cho con đạt được ý nguyện tha thiết này, con xin hậu tạ không dám đơn sai.

Vợ chồng Tuấn tiếp khách trên tấm phản gỗ làm giường, quanh nhà đầy những chum vại. Mùi cá, mùi chượp, mùi mắm hòa quyện vào nhau quanh quẩn trong nhà ra ngoài sân, chỗ nào cũng sực nức. Anh vờ mua một can nước mắm chắt, rồi lựa lời động viên:

– Chẳng giấu gì cô chú, tôi thích sưu tầm đồ lạ về chơi, nhất là những thứ vớt ở dưới dáy biển. Tôi đã lên đền xem chiếc bát để ở đó rồi, thấy nó đẹp và thích lắm. Cô chú không cần những thứ đó nhưng tôi rất cần, đây là tiền công thay những buổi đánh cá, cô chú cầm tạm.

Nhìn chồng tiền Thịnh đặt trên phản, Tuấn vẫn ngồi lặng thinh. Yến nhẹ nhàng khuyên chồng:

– Anh đưa bác đi một chuyến, cũng như là đi chơi thôi. Bác nhiệt tình đến thế, giúp một chút có mất gì đâu?

Rồi cô quay lại nói với Thịnh:

– Chúng em xin gửi lại số tiền này, bác đừng làm thế, nhà em lại không giúp đâu.

Thịnh dùng dằng chưa biết tính thế nào thì Tuấn đã lên tiếng:

– Thôi được, mai em đưa bác đi nhưng bác phải mang số tiền này về, đừng để đây.

Sáng sớm hôm sau Thịnh y hẹn có mặt trên thuyền Tuấn. Gió lộng, buồm căng, con thuyền lao ra khơi. Thịnh ngồi trên mũi thuyền miên man với bao hy vọng. Anh hình dung dưới đáy biển kia những cái lọ, cái bình, những bát đĩa cổ quý giá, độc đáo từ hàng nghìn năm đang lăn lóc nằm chờ anh… Giấc mơ đẹp khiến anh như mê đi, quên cả thời gian.

Thuyền quay ngang gần chân một hòn đảo nhỏ. Tuấn từ dưới đuôi thuyền nói vọng lên: “Bác ơi, đến nơi rồi”. Ngay lập tức dây neo được quăng xuống làm làn nước biển xanh bắn tung tóe. Con thuyền nhỏ bé dừng lại, bồng bềnh giữa trùng khơi.

Tuấn ngậm ống thở, lao xuống nước như một con nhái. Thịnh căng mắt nhìn theo, tim đập rộn lên.

Sau nhiều lần ngoi lên, lặn xuống mà không mang lên thứ gì, thân hình nhỏ nhắn, săn chắc đen bóng nắng biển của Tuấn chừng đã thấm mệt. Những đợt nghỉ dày hơn. Thịnh ân cần ép Tuấn ăn uống bồi dưỡng cho lại sức và luôn miệng động viên.

Xế chiều con tàu đành nhổ neo quay lái trở về. Nhìn nét mặt Thịnh không vui tự dưng Tuấn thấy mình như có lỗi. Anh lầm lũi bẻ lái, không nói không rằng.

Đêm đó nằm bên vợ mà Tuấn cứ thở dài trằn trọc. Thấy vậy Yến hỏi:

– Anh, có chuyện gì sao ?

– Tôi nhìn dưới đáy biển còn một chiếc bát nữa nhưng không dám bê lên, sợ nó lại mang chuyện chẳng lành. Nhưng trên thuyền về thấy bác ấy buồn, tôi áy náy quá.

– Anh ạ, trong cái rủi có cái may. Từ ngày mình vớt được chiếc bát, gia đình mới mở mày mở mặt ra được. Em nghĩ mình cứ giúp bác ấy, có sao đâu.

Hôm Thịnh quay trở lại, vừa nhìn thấy anh, Tuấn đã ngượng nghịu nói:

– Em đang có ý mong bác đây. Hôm nay em phải mua rượu đãi bác. Bác làm em áy náy quá… Hôm trước em đã nói dối bác. Em cứ muốn tìm bác xin lỗi, nhưng không biết nhà…

Thịnh không ngờ cái quyết tâm trở lại động viên Tuấn một lần cuối cùng của anh rốt cục lại xoay chuyển thế này. Nghe Tuấn kể, anh mừng tưởng đứng tim lại.

Đêm đó Thịnh ở lại nhà Tuấn. Trăn trở mãi không sao ngủ được. Chốc chốc anh lại đưa đồng hồ trên tay lên xem giờ. Đêm sao dài thế. Không thể nằm mãi bên cạnh Tuấn đang còn say rượu ngáy khò khò như kéo gỗ, Thịnh đành ngồi dậy nhẹ nhàng mở cửa đi ra ngoài biển.

Nước và trời một màu đen kịt. Đêm không trăng, thấp thoáng những ngôi sao lấp lánh. Những con thuyền to nhỏ gối đầu lên bãi im lìm. Thịnh lang thang trên bãi cát còn ẩm nước thủy triều in rõ dấu chân, mắt luôn nhìn ra ngoài biển xa xăm. Có tiếng chú gà mới lớn vỡ giọng gáy te te ở một ngôi nhà gần đó, khuấy động không gian yên tĩnh của bãi biển ban mai. Một vùng sáng hồng phía chân trời xa thẳm dần một hiện rõ…

Sau một ngày lênh đênh ngoài khơi, buổi chiều cái ngày đáng ghi nhớ đó, cuối cùng Thịnh cũng được ôm khư khư vào lòng chiếc bát quý để mà vuốt ve thỏa thích, mà say sưa ngắm nhìn màu men ngọc trắng, men xanh hoa văn, họa tiết hài hoà sinh động. Biển trời không phụ công anh, đã ban cho anh báu vật anh thầm ao ước.

Trước khi chia tay, Thịnh cầm một tập tiền đưa cho vợ chồng Tuấn. “Có một chút quà gọi là lộc biển, cô chú cầm giùm anh”. Nhưng Tuấn cương quyết không nhận.

Một tháng sau biết Tuấn xây nhà, Thịnh cho đàn em mua toàn bộ vật liệu sắt, thép, xi măng, gạch đá tặng Tuấn. Ngày khánh thành nhà trước sự chứng kiến của gia đình, họ hàng và bà con xóm chài Tuấn tuyên bố “xin được kết nghĩa anh em”.

Từ ngày Thịnh có vật quý, ngày nào nhà sưu tầm cũng có người đến xin đuợc ngắm nhìn chiếc bát. Nó rộng chừng bốn nhăm phân, men trắng mầu tam lam, chung quanh vẽ đúng mười lăm con gà, mỗi con một dáng, con đang tranh nhau thức ăn, con vươn cao cổ cất tiếng gáy khoe cái ức và bộ mào đỏ chót, con rúc đầu vào cánh co chân ngủ, con xù lông đập cánh đá nhau… Thịnh đặt cho chiếc bát cái tên “Thập ngũ kê”. Trong lòng bát có bài thơ chữ Hán viết thảo, nét chữ đẹp mềm mại, bay bướm như những cánh hoa. Thịnh nhờ người dịch cho nghe. “Hoa lan sinh ra ở vách đá, sắc hoa rực rỡ giữa núi rừng, hương thơm lan tỏa trước gió ngàn, làm mê mẩn những loài yêu hoa”.

Có điều đặc biệt, ai đến chơi cũng xin được một đôi lần đưa tay chạm vào bát. Khi chưa có nước, dù miết mạnh hay miết nhẹ ở các vị trí của bát, âm thanh đều không phát ra. Nhưng chỉ cần một ngón tay có nước vuốt nhẹ lên miệng bát, lập tức vang lên âm thanh vi vu. âm thanh vang dội lên gấp trăm lần nếu vuốt mạnh hơn. Và tay đặt ở vị trí khác nhau, âm thanh cũng kêu khác nhau, khi u… u… u… như tiếng sáo đẩu, lúc vi vu như tiếng sáo muỗi, hoặc ù… ù… như tiếng sấm. Nhất là khi đổ nước đầy bát mà đưa bàn tay xoa vào thành bát, âm thanh vang lên kỳ lạ, các làn sóng nước nối tiếp nhau dâng lên thành vòng tròn hình nón lung linh, Nếu tiết diện bàn tay tiếp xúc lớn, âm thanh sẽ vang to đến mức tai nghe không thể chịu đựng nổi.

Thịnh đặt chiếc bát quý vào nơi trang trọng nhất, giữa bộ sưu tập bát đĩa trắng mỡ đông thời Tống, lọ men thời Minh, những con giống sứ đời Đường… Gian phòng anh trưng bày kho báu của mình ngay sát phòng ngủ. Những lúc thư giãn, anh ngả người trên bộ ghế vách quây, để tâm hồn lang thang đi từ những bức tranh Tibet vẽ bằng nhựa cây bột đá cùng thời cổ xưa của Phật giáo ấn Độ, những bức thủy mạc đời Minh, tranh lụa thời nhà Thanh… Đó là nơi để anh thanh lọc tâm hồn, và quên hết sự đời.

Một đêm khó ngủ, như thường lệ anh sang phòng trưng bày đó. Chưa kịp bật đèn anh bỗng cảm giác trong bóng đêm căn phòng có điều gì là lạ khác thường. Một tiếng vi vu rất nhẹ ngân nga. Anh giật mình đến ngay nơi để chiếc bát Thập ngũ kê. Quả nhiên lớp men bát đang phát ra quầng ánh sáng mơ hồ và đàn gà trông sinh động hẳn lên. Hồi chiều có mấy vị khách đòi thưởng thức sự lạ của chiếc Thập ngũ kê, và làn nước vẫn đổ đầy trong lòng bát lúc này đang lăn tăn gợn nhẹ những vòng sóng lan tỏa. Rồi đột nhiên có tiếng chuông ngân nga vang lên, đồng thời sóng nước rung động rất mạnh.

Thịnh chợt nhớ đến chiếc bát thứ hai ở tại đền thờ Điểm Tước thần vương của làng chài. Chắc chắn giờ này bà cụ thủ từ đang đèn hương, lấy tay chạm bát để thay tiếng chuông mõ… và cái bát của anh nằm đây đang cộng hưởng.

Anh cứ đứng như thế, lặng lẽ trong đêm, để mình chìm vào một cõi tâm linh dịu dàng…

– Theo Nguyễn Việt Chiến – Vanvn.net –

Exit mobile version