Bạn đọc vừa theo dõi hành trình của một nhà văn đi xuyên chiều dài đất nước qua ngòi bút của nhà thơ Thanh Thảo. Tiền Phong có cuộc trò chuyện với nhân vật chính, nhà văn Phạm Ngọc Tiến.
Thưa nhà văn, ông có thể mô tả lại hành trình chuyến đi?
Tôi xuất phát từ Hà Nội ngày 3/7/2016. Chia làm 3 chặng. Hà Nội – Đà Nẵng, Đà Nẵng – Thành phố HCM và Thành phố HCM – Đất Mũi. Giữa các chặng tôi có ngắt quãng thời gian để lo công việc ở Hà Nội, Tây Nguyên, Miền Tây Nam bộ bằng các phương tiện khác. Cán đích Đất Mũi ngày 18/9/2016. Thời gian thực đạp là 41 ngày với chặng đường dài hơn 2.000 km. Bình quân 50km/ngày.
Chuyến đi của ông hẳn phải có những mục đích đặc biệt?
Tôi mong chờ chuyến đi từ lâu và đúng dịp nghỉ hưu tôi lập tức thực hiện. Thực chất chuyến đi này là gì? Nó chẳng là gì cả. Không ràng buộc vào bất cứ một tiêu chí gì, chẳng liên quan đến bất cứ một ai. Chuyến đi là hành trình của một con người bình thường đi ngược thời gian tìm về nguồn cội, tìm về đời sống quá vãng của chính mình. Cuộc xuyên Việt cũng là thử thách nhiều mặt của cuộc đời một người đến ngưỡng tuổi 60. Ngưỡng giai đoạn sau của đời một con người. Là ngưỡng tuổi phải đối mặt với nhiều thử thách, gian khó như tuổi tác, bệnh tật, xung đột tình cảm, mâu thuẫn gia đình, hạn chế năng lực, tài chính sụt giảm và sự mặc cảm khó tránh của căn bệnh bất lực tuổi tác. Muốn vượt qua được nó tôi nghĩ cần phải tiến hành một cuộc cách mạng với bản thân. Phải thay đổi. Cách mạng là thay đổi triệt để. Không thay đổi được tính cách, bản chất thì phải thay đổi hoàn cảnh sống để thích ứng với điều kiện sống. Đơn giản là thế.
Chuyến xuyên Việt trước hết mang lại cho tôi sự tự do tuyệt đối điều mà suốt cuộc đời chưa bao giờ có được. Tôi lần đầu tiên được làm chủ mình một cách có lý trí và có cả tình cảm cũng như đạt được trạng thái cảm xúc tuyệt đối. Đó là lý do để tôi thực hiện chuyến xuyên Việt một mình. Hy vọng trải nghiệm của chuyến đi sẽ giúp tôi thay đổi được sự mặc cảm bất lực tuổi tác để đủ nghị lực, ý chí, sức khỏe, tình cảm và cả trí tuệ làm mới được con người mình ngõ hầu lựa chọn được một cuộc sống lành mạnh và thanh thản có những đóng góp sau cùng cho bản thân.
Chuyến đi đã kết thúc, những điều đạt được có như ông kỳ vọng? Và ông thu được những gì?
Tôi hoàn toàn hài lòng. Sức khỏe cải thiện rất nhiều trong quá trình đạp xe. Nhưng cái thu được nhiều nhất là thấy được lòng tốt của mọi người trên đường. Một quán võng, một gia đình ngư dân vùng biển Hà Tĩnh, nạn nhân trực tiếp của vụ Formosa, những người không quen biết thậm chí là một em bé bán nước mía đều tận tình giúp đỡ một người xa lạ là tôi từ đêm ngủ đến bữa ăn, miếng nước. Nhân dân ta thật tốt dù còn rất nhiều vùng nghèo khó, đời sống người dân khó khăn. Những người bạn chưa một lần gặp mặt ngoài đời chỉ quen nhau trên mạng xã hội cũng là những người bạn tuyệt vời. Không có sự giúp đỡ của họ chuyến đi khó có thể hoàn thành mỹ mãn. Kết thúc chuyến đi tôi đạt được trạng thái tốt nhất từ thân xác đến tinh thần, tư tưởng. Với sự hưng phấn này, giai đoạn tuổi già của tôi sau đây có lẽ sẽ là một giai đoạn sáng tác sung mãn. Tôi đã lên kế hoạch làm việc từ viết một cuốn sách về chuyến đi đến những sáng tác văn học, điện ảnh truyền hình cụ thể. Tôi cảm ơn chuyến đi, cảm ơn mọi sự giúp đỡ.
Ông có thể chia sẻ những thử thách của một người độc hành?
Sự cô đơn. Âm thầm một mình suốt ngày trên đường, ăn ngủ một mình là điều rất khó vượt qua. Kế đến là mệt mỏi của quá trình đạp xe cộng với địa hình cùng thời tiết mưa, nắng, đặc biệt là gió.
Với ông, điều ấn tượng nhất của chuyến đi là gì?
Là biển của đất nước đẹp tuyệt vời. Cả một dải bờ biển từ Bắc vào Nam đều là những thắng cảnh kỳ thú hiếm có mà thiên nhiên ưu đãi cho đất nước chúng ta. Tiếc thay sự tàn phá của con người đã, đang và sẽ hủy hoại những tài sản ấy. Formosa đã biến một vệt biển của 4 tỉnh bắc miền Trung thành biển chết hoang tàn. Cà Ná cũng là một vấn đề cần xem xét, cân nhắc kỹ. Là người trực tiếp chứng kiến trong quá trình chuyến đi tôi đã viết nhiều bài báo về những vấn nạn này. Hy vọng chúng ta giữ được biển không để một Formosa nào nữa tàn phá thiên nhiên tươi đẹp của Tổ quốc.
Theo Lê Việt – Tiền phong