Trong câu chuyện phiếm, có lần nhà văn Phạm Ngọc Tiến bảo tôi: “Chỉ có kẻ bất chính mới không dám nhắc đến nguồn gốc của mình”. Rồi anh nói thêm: “Tôi tự hào vì tôi là thợ điện”. Gặp nhau hàng ngày, đọc nhau cũng hàng ngày, nhiều khi tranh cãi một chuyện gì đó trở nên chán phè nhau, anh bảo tôi: “Tôi ghét ông, không thèm chơi với ông nữa!”. Rồi rủa thầm nhau: “Đồ lính tẩy”- “Quân thợ thuyền”, nghĩ đi, nghĩ lại, lại thấy chẳng có gì mà sinh sự, đôi khi cũng biết, chỉ vì ba cái chén nhố nhăng. Không có nó thì buồn mà có nó quả cũng phiền tâm thật.

Một tháng đôi lần anh lại rủ tôi: “Sang bên điện” chơi. Anh có nhiều bạn thân ở cơ quan Truyền Tải Điện. Lại thỉnh thoảng anh rủ “Đi chơi với mấy thằng bạn lính”. Bạn thợ bạn lính của anh nhiều hơn bạn văn, nhóm nào cũng mạnh mẽ ồn ào, mày tao mắng mỏ nhau như thuở hàn vi.

Họ hiện lên trong tác phẩm của Phạm Ngọc Tiến như là chính bản thân anh tự thể hiện mình. Không trang văn nào của Phạm Ngọc Tiến thiếu vắng bóng dáng của hai nhóm bạn đời của anh. Thỉnh thoảng tôi lại được anh giới thiệu một người bạn theo cái cách rất riêng của anh: “Thằng này là thằng Bình ních trong “Tàn đen đốm đỏ” đấy”; “Đây là thằng Cường Choắt”.

Tôi thấy các bạn anh rất thoải mái, rất tự nhiên khi thấy anh đưa mình vào trang sách. Họ động viên anh viết không phải theo kiểu khen chê như cánh nhà văn nhà thơ với nhau. Họ sẵn sàng sổ toẹt cả những chuyện “có thật một trăm phần trăm”, nếu anh viết không thật, không hấp dẫn.

Nhưng cũng lại chính họ chấp nhận thoải mái những tính cách, những thói xấu, những chi tiết trong các truyện ngắn, và đặc biệt trong tiểu thuyết “Tàn đen đốm đỏ”, họ coi đó là cuốn sách về họ, đã đành, mà đây là cuốn sách của họ. Phạm Ngọc Tiến chẳng qua chỉ là người “Có tài văn vẻ một chút”, được vinh dự tự hào chép lại, vậy thôi. Tiến “béo” – biệt danh của anh trong hai nhóm bạn, đối với họ mãi mãi vẫn chỉ là Tiến “béo”: Thân mật, bỗ bã và hay dỗi vặt, thế thôi.

Ngồi với anh, họ không bao giờ tính đến chuyện gọi anh là nhà văn, nghe sao nó cứ xa lạ, kỳ cục thế nào, có lần anh Thuỷ bên điện bảo tôi thế. Nhà văn người ta phải khác chứ, sao lại như nó được? Hỏi khác thế nào thì anh chịu. “Bụt chùa nhà không thiêng”, tôi đùa. “Không phải không thiêng, mà nếu thiêng thì mất toi thằng bạn, bởi vậy mới không cho nó thiêng làm gì”. Anh Lít gù, bạn thân của Phạm Ngọc Tiến bây giờ là tay thợ mổ lợn nói thế.

Anh thân với nhà văn Nguyễn Khắc Trường, người cùng làm biên tập viên  ban Văn với tôi. Mỗi lần anh tới là lôi Trường đi đâu đó, khi về, tôi thấy Trường rất hỉ hả kể tay này hay lắm. Nó giỏi xe máy kinh khủng. Nó tháo vát ghê gớm. Rất cao thủ trong món mua bán xe máy, ăn nhậu sành điệu chơi bời, tính tình phóng khoáng sởi lởi.

Tôi nghe Trường ca ngợi nhiều lần thì đâm ghen ghét, khó chịu, thậm chí thấy hơi khó chịu vì dân bụi đời tôi chơi với hạng cao thủ hơn nhiều. Tay này sánh sao được với đội Sơn Đông mãi võ giang hồ khách bạn thân của tôi. Cũng không thể sánh với mấy thằng đàn em Tây đen thật của tôi ở ga Hàng Cỏ. Tôi chỉ cần nháy một cái là chúng nó xuất hiện ngay và…

Khắc Trường là người ít giao tiếp với các thành phần phức tạp ngoài đời như tôi nên thấy tay này lôi đi uống bia hơi, đánh chén ba bữa thịt chó ngoài chợ Hòe Nhai về là được Trường ta tôn vinh lên hàng “anh chị” ngay. Thế rồi có lần Tiến đến, Trường kéo tôi đi theo. Tôi đi.

Tôi muốn kéo theo ông anh của tôi ở phòng bên cạnh là nhà thơ Duy Khán. Nhưng anh Khán đi với nhiếp ảnh gia bên Báo Quân đội là Bá Thước ngày nào cũng như ngày nào liêu xiêu bí tỷ nên đành bỏ ông anh, lại ra “chó chặt” gầm cầu mà Khắc Trường rất mê món đùi chó bóng nhẫy. Ba anh em làm một mẹt và ba cái đùi, đĩa lòng, ít giả cầy.

Tôi thực lòng không say mê với khoản thịt chó, nhưng nể bạn mà theo. Khắc Trường là tay nghiện thịt chó chân thành và nồng hậu, không giấu giếm. Xem ra tay Tiến này cũng thuộc loại “máu” có hạng nên vừa ngồi cái mà y đã kêu chủ quán làm riêng cho một đĩa tiết canh. Phục. Tiết canh chó không phải  đâu cũng làm được và không phải khách nào cũng biết ăn.

Tôi phải vào được hai ba chén thì mới vô không khí, bắt được nhau vì thấy Tiến hay chơi trò trăm phần trăm. Nhất trí, tôi hô. Trăm phần trăm ba cặp liền nhé! Không đưa đẩy, Tiến đóc cạn ba cặp liền, không khách khí. Thế đấy! Coi như qua thủ tục làm quen, bây giờ suồng sã. Tôi  thấy Tiến kể hồi trước, năm bẩy lăm y làm lính Pháo phòng không ở hình như vùng núi Bình Long Bình Phước gì đó.

Thảo nào vớ được Khắc Trường như vớ được cái cọc để níu để dựa vì Khắc Trường là lính Phòng không Không quân xịn. Tôi kể cho Tiến nghe chuyện hồi hành quân trên đỉnh Trường Sơn, bọn thu dung chúng mình đã trói một tay lính pháo coi rẫy, vì bọn mình xin mấy gùi sắn mà hắn không cho. Không cho thật không? Thật. Chúng tôi lấy mấy gùi sắn về cho đơn vị chống đói chứ không phải làm giầu, ông có cho không? Không là không!

Tay lính pháo phòng không ấy kiên quyết và bọn tôi xúm vào, trói gô vào gốc cây. Tay này định kêu, chúng tôi cho “ngậm” khăn mặt rồi nhổ sắn, rồi xem có gì khá hơn thì “khoắng” luôn, nhưng chả có gì. Trước khi gùi sắn về, mở trói cho tay ấy, nói: “Ông nên nhớ là chúng tôi phải trói ông để lấy sắn chống đói, về ông báo cáo lại đơn vị là cánh lính thu dung vô đây “chơi” ông đấy. Báo ông biết, khẩu súng của ông chúng tôi lấy hết đạn rồi, ông không bắn báo động hay làm gì được bọn tôi đâu. Chào “đồng hương” anh em tụi này “biến!”.

Nghe xong chuyện, Tiến ta khoái quá cụng luôn mấy phát nữa thì bắt đầu hăng máu xưng “em” và bày tỏ luôn: “Em” lâu nay rất mê anh nhưng thấy anh lạnh lùng nên không dám “thấy người sang bắt quàng làm họ”. Tôi được Tiến tâng bốc thế cũng khoái, hai anh em “rượu vào lời ra” và kể từ hôm ấy thân nhau như đã lâu rồi.

Nếu tôi nhớ không lầm thì truyện ngắn đầu tay của Phạm Ngọc Tiến hồi ấy là một thiên truyện độc đáo. Nó độc đáo cả về đề tài lẫn về cách viết. Anh viết thoải mái tự nhiên không làm văn chương màu mè mà đọc rất cuốn hút, nó cuốn hút vì giọng văn giản dị và vì câu chuyện thật hay về một anh chàng cựu lính về  chả biết làm gì kiếm sống, đã nuôi một con lợn giống.

Lợn giống của anh ta phối giống rất có nghề và đặc biệt rất có hiệu quả. Trước khi dắt nhau đi phối giống, anh ta yêu cầu chủ nhà cho lợn chén một chục trứng gà để giữ sức và giữ  kết quả. Các bạn nên nhớ hồi ấy giá trị một chục trứng gà không phải đơn giản đâu nhé. Chú lợn giống ấy được ăn ngon, được bồi dưỡng cao cấp thành ra cá tính khá nghênh ngang, đi lại có vẻ tự tin, mỗi lần “chiến đấu” là một vinh dự tự hào. Vinh dự tự hào cho cả nó và cả cho chủ.

Nhà văn Phạm Ngọc Tiến vào bệnh viện thăm nghệ sỹ Hán Văn Tình lúc bệnh nặng.

Trong cuộc sống thường ngày, Phạm Ngọc Tiến là người không bao giờ nghiêm chỉnh được. Cái gì anh cũng phịa thêm được và cái gì cũng có thể biến báo thành ra khôi hài. Một khối lượng khôi hài dân dã hóm hỉnh mà người nghe luôn luôn bị cuốn theo. Truyện ngắn và kể cả tiểu thuyết của Phạm Ngọc Tiến bao giờ cũng có cái tứ cái đường dây truyện móc nối các nhân vật rất hồn nhiên và giàu chất dân dã, một tố chất không phải nhà văn nào cũng có. Đó là vẻ đẹp trời cho mà các nhà nghiên cứu gọi là tài năng.

Hồi mới phát hiện bị tiểu đường, Tiến ta bộc lộ là một tay khá yếu đuối, khá dễ bị lung lay tâm tưởng. Hắn đến báo tin “em bị” cú này, chắc không qua được. Tôi phải dẫn hắn đi cafe an ủi, bảo tao nghi cô Vân (vợ Tiến) cô ấy cậy mình là bác sĩ cao cấp, có tay nghề tên tuổi và có khi nàng “dọa” mày cho mày bỏ thói rượu quá chén!

Và đến bây giờ tôi cũng vẫn còn tin nhận định ấy của mình là đúng, là có thật. Chứ sao bây giờ tay tiểu đường bỏ rượu được một thời gian thành ra tay cua-rơ đơn độc xuyên Việt một chuyến ở tuổi 60. Kinh. Tôi thấy y vô đến Sài Gòn, thật lòng tôi mới thở phào nhẹ nhõm và nhắn cho hắn tìm ngay Nguyễn Trọng Tín – bạn thân của chúng tôi, đi ngay Cà Mau mà nhậu một phát cho đã.

Thực ra Phạm Ngọc Tiến không hề đơn giản.

Vì thế mà đến đây chỉ là tạm hết!

Trung Trung Đỉnh – Văn nghệ công an

Exit mobile version