Viết về cái ác, cái xấu, mô tả nó một cách bạo liệt để người đọc sống hướng thiện hơn đã có từ thời truyện cổ tích. Nhà văn hiện nay đã làm gì trước cái xấu, cái ác nhằm đẩy lùi nó?
Đó là trăn trở của nhiều nhà văn tại Hội thảo khoa học Văn học, nghệ thuật với việc xây dựng nhân cách con người Việt Nam do Hội đồng Lý luận, Phê bình Văn học, Nghệ thuật Trung ương” tổ chức tại TP.HCM vào đầu tháng 10 vừa qua.
Nhà văn Sương Nguyệt Minh: Ngòi bút có dám đứng về “phe nước mắt”?
Cái xấu, cái ác thời nào cũng có, sức sống của chúng như cỏ dại, sống dai dẳng, diệt trừ không phải dễ. Lý Thông là một hình tượng về cái xấu gian manh, xảo trá. Mẹ con Cám là hình tượng của thói đố kỵ, ghen ghét đến nghiệt ngã tương tàn với ngay chính người thân trong gia đình.
Người anh trong truyện Cây khế đại diện cho lòng tham như cái thùng không đáy… đã trở thành những điển hình trong văn học dân gian. Mo-tip cuộc đấu tranh giữa cái thiện và ác, tốt đẹp và xấu xa có nhiều trong truyện cổ nhân loại, như: Lọ Lem, Nàng Bạch Tuyết cũng là những bài học cảnh báo và răn dạy người ta tránh xa điều ác.
Ở thế kỷ 19, trong Tội ác và trừng phạt, nhà văn Dostoevsky đã miêu tả cái ác của con người cũng khủng khiếp và ghê rợn, trần trụi và nghiệt ngã. Nhân vật Raskolnikov đến nhà Ivanovna giàu nứt đố đổ vách và lạnh lùng dùng búa bổ vào đầu mụ chủ tiệm cầm đồ này để cướp. Mở két tiền xong, anh ta bắt gặp Elizabet – em gái mụ chủ tiệm cầm đồ, liền vung búa hạ thủ luôn…
Người viết chuyên nghiệp thời hiện đại phải có ý thức thể hiện chức năng nhận thức, và giáo dục trong tác phẩm thông qua hình tượng nghệ thuật. Bởi người đọc sẽ học được cách làm người, học cái tốt đẹp, cái chân thật và nhận thức cái xấu, cái ác để hoàn thiện nhân cách.
Nhà văn Vũ Trọng Phụng sinh ra thằng cơ hội Xuân Tóc Đỏ, tên dâm ô trụy lạc Nghị Hách. Nam Cao đẻ ra thằng lưu manh Chí Phèo, gã chức dịch nham hiểm Bá Kiến… Để rồi thông qua nhân vật xấu và ác đó, con người nhận diện chính mình, biết căm ghét lên án, loại bỏ cái xấu, cái ác, giúp người đọc hướng thiện và hoàn thiện mình.
Một thời gian dài, văn học Việt Nam chìm sâu vào dòng cảm hứng viết về hiện thực đen tối, đầy cái xấu, cái ác trần trụi. Nhưng xây dựng nhân cách con người qua văn học không chỉ viết về cái xấu, cái ác; mà phải viết cả con người tốt. Nhưng có một sự thật: xây dựng nhân vật tốt bao giờ cũng là một thách đố với nhà văn.
Những thằng dở người dở ngợm, những kẻ lưu manh như Xuân Tóc Đỏ, Chí Phèo, Nghị Hách…, hoặc các nhân vật lạc thời, lỗi thời như Giang Minh Sài, Lão Khúng…, thì vẫn sống sờ sờ, lừng lững trên trang sách. Còn các nhân vật thiện – tốt lại rất khó đứng với thời gian, nếu có chăng cũng rất ít ỏi.
Có nhiều lúc tôi tự đặt câu hỏi: Là nhà văn, phải làm gì có ý nghĩa bằng ngòi bút của mình? Nhiệm vụ nhà văn là sáng tác. Nhưng viết cái gì, viết như thế nào, là không dễ trả lời. Nhà văn cũng là công dân, là con người bình thường trong xã hội.
Nhà văn sống trong xã hội nhiễu nhương, hỗn loạn thấy kẻ trộm cắp trên xe buýt có ngăn chặn không? Thấy giang hồ trên vỉa hè thì đớn hèn chạy trốn hay can đảm hợp thành sức mạnh nhân dân truy bắt? Thấy kẻ hối lộ, tham nhũng… thì có khí phách vạch mặt chỉ tên? Thấy lối sống có phần xuống cấp, chỉ đứng thờ ơ hay lo lắng kiến nghị, góp phần xây dựng nhân cách con người tốt đẹp? Trách nhiệm công dân của nhà văn phải trả lời các câu hỏi đó và chọn cho mình cách ứng xử phù hợp.
Còn nghĩa vụ nhà văn trước các vấn đề ấy như thế nào? Ngòi bút có dám đứng về “phe nước mắt” chống lại cái ác, cái xấu để bảo vệ những người lương thiện, những số phận yếu đuối không có khả năng phòng vệ không?
Nhà phê bình văn học Phùng Văn Khai: “Cần vượt qua chính mình”
Chúng ta đang phải đối mặt với những suy thoái nghiêm trọng, khốc liệt, khó lường trên nhiều mặt đời sống kinh tế xã hội và văn hóa tinh thần, đặc biệt là vấn đề đạo đức. nhối, khó kiểm soát nhiều vấn đề suy thoái phi truyền thống đã như chất thêm gánh nặng mới lên đôi vai và trí óc nhà văn.
Từ những diễn biến trên, các nhà văn, nhà tiểu thuyết đương đại đã và đang ở đâu, làm gì, đóng góp như thế nào là một câu hỏi lớn. Và dường như, câu trả lời từ tác phẩm chưa làm thỏa đáng các nguyện vọng chính đáng của Tổ quốc và nhân dân.
Một bộ phận các nhà văn, trong đó có các nhà văn trẻ viết tiểu thuyết đương đại đã lúng túng, thiếu bản lĩnh, chạy theo những thứ tầm thường, dung tục hóa, tự tha hóa trong tác phẩm đã và đang là mối lo lớn của xã hội. Chạy theo những thị hiếu tầm thường, bắt chước, bị lợi dụng, tự hạ thấp ngòi bút của mình đã không còn là vấn đề đơn giản chỉ trong giới nhà văn với nhau mà đã là mối lo thực sự của xã hội.
Các vấn đề phi văn học dường như đã và đang lên ngôi một cách hệ thống, văn học xa rời những lo toan của đất nước và nhân dân, trốn chạy vào cái tôi, vụn vặt, trà trộn, kích thích, dung dưỡng những nhu cầu mang tính “con vật” đã khiến chúng ta, bao gồm cả giới nhà văn vô cùng lo lắng. Các nhà văn ưu tư với thời cuộc, với đất nước và nhân dân dường như đang phải đối mặt với những áp lực lớn hơn nhiều sự tưởng tượng của họ. Mà trong đó, buồn thay, có không ít nguyên do từ những ngòi bút đồng thời mang lại.
Vẫn biết, sự vượt mình, những khó khăn phải tháo gỡ của các nhà văn chân chính bao giờ cũng cam go và khốc liệt, thậm chí là sự thua thiệt, hy sinh danh dự và nhân phẩm ở ngay cuộc sống của chính họ. Nhưng chúng ta, đặc biệt là những nhà văn đứng về phía chính nghĩa chắc chắn sẽ vượt qua một cách vinh quang và kiêu hãnh.
Nhà thơ Văn Công Hùng: “Thuộc một bài thơ hay thì quên đi một câu chửi độc”
Những vụ giết người hàng loạt ở Bình Phước, Nghệ An, Yên Bái…, như giọt nước tràn ly báo động về cái ác đang hiện hữu trong cuộc sống. Có thể nói, nhân cách một bộ phận người Việt đang có vấn đề.
Đấy là sự lạnh lùng vô cảm, là sự chỉ quan tâm đến mình, là sự co mình trong cái tôi, là những mâu thuẫn khốc liệt giữa những hành xử thiện ác, tốt xấu, chung riêng… Thậm chí là cả sự nhân danh những điều lớn lao thiêng liêng để thực hiện mục đích riêng của mình.
Nhà văn lên án, tố cáo cái ác trong khả năng có thể của văn chương. Nhưng vấn đề là, những ai đã đọc sách? Bây giờ có vẻ người ta lười đọc sách hơn, hay nói chính xác, lười đọc dài, lười suy nghĩ, lười động não, lười tư duy.
Người ta thích đọc cái gì hiểu ngay, ngắn gọn mà không cần suy nghĩ. Đọc để ngủ chứ không phải để trăn trở, để dư ba của sách đeo đẳng, để tẩy rửa thanh lọc, làm sạch làm mới mình. Thế là, nhà văn viết thì cứ viết, còn có ai đọc lại là chuyện khác. Giờ sách in trên ngàn bản rất hiếm, thi thoảng có những cuốn in trên chục ngàn bản vì nhiều lý do chứ không hẳn vì sách hay.
Nếu không đọc sách, tâm hồn con người sẽ thế nào, lớn lên và tồn tại thế nào? Có mối liên hệ nào chăng giữa việc ít (hoặc không) đọc sách với việc gia tăng tội ác? Tôi cho là có. Tôi hình dung cuộc sống khắc nghiệt như một sa mạc khô cằn, lơ thơ những bụi cỏ cứng nhọn và sắc. Sách như những giọt nước làm mềm đi những lá cỏ nhọn hoắt kia.
Có hai câu nói của người làng Chùa mà nhà thơ Nguyễn Quang Thiều thường nhắc: “Thơ không làm ra thóc vàng gạo trắng, nhưng thơ làm ra giấc mơ cho người gieo trồng” và “Thuộc một bài thơ hay thì quên đi một câu chửi độc”.
Những câu này chính là đúc rút của các cụ làng Chùa trong hành trình sống đời này qua đời khác về sự hóa giải cái ác, cái xấu bằng thơ, bằng văn chương. Cũng như thế, sách không làm ra của cải, nhưng nó làm cho tâm hồn con người phong phú thêm, ở đó có những giấc mơ hướng thiện, có những ý tưởng đẹp. Và ở đó, con người chắc chắn sẽ sống lành mạnh, tử tế hơn. Chỉ cần tử tế hơn một chút, con người sẽ tránh xa tội ác được một khoảng cách dài.
Theo Hoàng Nhân – Thể thao & Văn hóa Cuối tuần