Ai cũng có một thời tuổi trẻ và nhà văn nào cũng có tác phẩm đầu tiên. Những tác phẩm đầu tiên có ý nghĩa như thế nào với người cầm bút để khi thành danh, họ có cách ứng xử với tác giả mới vào nghề là chủ đề chúng tôi trao đổi với hai nhà văn họ Lê là Lê Văn Thảo và Lê Hoài Nam.

PV: Nhà văn có thể chia sẻ về tác phẩm đầu tiên của mình được viết ra. Khi viết xong, ông có nghĩ đến chuyện cho ai đọc, đem đăng báo hay làm gì không? Xin ông chia sẻ cảm xúc khi tác phẩm đầu tiên được công bố?

Nhà văn Lê Văn Thảo: Tôi bắt đầu viết trễ hơn những người khác. Và cũng viết chậm hơn. Trong chiến khu chống Mỹ, đầu những năm 60, ở Hội văn nghệ giải phóng, bộ phận Văn, có tờ tạp chí văn học, tên là Tạp chí Văn nghệ Giải phóng. Tôi là phóng viên ở đó, chuyên đi theo các đơn vị bộ đội chủ lực viết phóng sự chiến trường. Tôi nhớ bài viết đầu tiên của tôi là phóng sự Những người đang chiến đấu, viết về trận đánh ở Đồng Xoài. Tiếp theo là nhiều phóng sự khác. Mấy năm sau quen dần chuyện viết lách, và cũng có chút vốn sống, tôi bắt qua viết truyện ngắn, thật ra cũng là những mẩu chuyện, chuyện tai nghe mắt thấy thêm thắt chút đỉnh cho gọn ghẻ, có đầu đuôi. Đó là những truyện Đêm Tháp Mười, Đi thăm chồng, Đôi bạn, Kỷ niệm của người chiến sĩ… Tôi là người của tạp chí, dĩ nhiên tôi viết bài cho tạp chí, gọi là “phục vụ” cũng được. Văn chương cũng giống như chuyện tu hành, có trăm đường đi tới cửa phật. Người ta có thể viết với bất cứ lý do gì, miễn là chân thật, nhiệt tình. Đặng Thùy Trâm chỉ viết cho mình, nhưng rồi thành văn. Tạp chí chúng tôi in số lượng ít thôi, bài vở chủ yếu sau đó gởi ra miền Bắc phát trên đài, đọc trong mục “Đọc truyện đêm khuya”, vào những năm đó là nơi phổ biến văn học sâu rộng nhất.


Nhà văn Lê Văn Thảo (ảnh Internet)

Nhà văn Lê Hoài Nam: Nếu kể từ khi cầm bút viết những trang văn mang tính chất sáng tác đầu tiên trong đời thì đó là những bài tản văn tôi gửi đăng ở Tạp chí Văn nghệ tỉnh Hà Nam Ninh, quê tôi, vào những năm 1978, 1979. Nếu kể tác phẩm đầu tiên đăng trên báo chí ở thủ đô thì đó là truyện ký Biển dữ, biển lành, đăng ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội tháng 2 năm 1980. Nếu kể tiểu thuyết đầu tay thì đó là cuốn Những đêm huyền ảo, Nhà xuất bản Phụ nữ in năm 1988. Cả ba loại sáng tác đầu tay này đều có những kỷ niệm không thể quên với tôi. Mảng tản văn, dù đăng ở tạp chí địa phương, nhưng nó giúp tôi tự tin hơn; tin rằng mình có thể sáng tác được văn học. Còn cái truyện ký Biển dữ, biển lành, tôi viết trong những ngày chiến tranh biên giới phía bắc. Tôi là bộ đội Hải quân, từ Bộ tư lệnh Quân chủng tôi xin ra đảo Vạn Hoa sống cùng những chiến sĩ pháo bờ biển để viết. Tác phẩm viết trong những ngày nóng bỏng chiến tranh ấy không dễ mà quên được. Còn cuốn tiểu thuyết Những đêm huyền ảo ra mắt được hơn một năm thì nhờ nó mà tôi được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam, thì nó càng khó quên.

Thực ra khi viết văn mà bảo không nghĩ tới người đọc thì có gì đó như không thành thật. Nhưng cái sự thôi thúc cao nhất khiến tôi cầm bút khi ấy chính là cuộc sống của những người lính Hải quân canh giữ biển, đảo. Ở đấy có quá nhiều điều khiến văn chương không thể bỏ qua. Động cơ khiến tôi cầm bút là vì cuộc sống nhiều hơn là vì sự nổi danh.

PV: Khi đã trở thành nhà văn, có bao giờ ông đọc lại tác phẩm đầu tiên đó không? Khi đó cảm xúc của ông khi đọc lại thế nào?

Nhà văn Lê Văn Thảo: Tôi rất ngại đọc lại truyện đã viết. Nếu bắt buộc phải đọc lại, ví như cần phải tái bản, tôi sửa rất nhiều. Cứ đọc lại là sửa, còn có thời gian là sửa. Theo tôi một bài văn, cũng như một câu văn, không bao giờ là hoàn chỉnh, vẫn còn có thể sửa cho hay hơn. Nhiều truyện khi sửa, tôi gần như viết lại.

Nhà văn Lê Hoài Nam: Tôi không có thời gian để đọc lại tất cả. Chỉ đọc lại những tác phẩm mà sau đó được in vào tuyển tập hoặc có báo, tạp chí nào đăng lại thôi. Tôi vẫn xúc động. Vì những trang văn ấy đánh thức nhiều kỷ niệm những năm tháng chiến tranh và tuổi trẻ của tôi.

 

Nhà văn Lê Hoài Nam (ảnh: tác giả cung cấp)

PV: Còn chất lượng tác phẩm khi đọc lại, ông có ngạc nhiên vì lúc ấy mình còn trẻ mà đã viết được như thế? hay thất vọng, thậm chí giờ đã là nhà văn thành danh thì không dám công bố, hoặc tiếc nuối vì không thể có được cách tư duy khi cầm bút như xưa?

Nhà văn Lê Văn Thảo: Thường đọc lại những tác phẩm cũ tôi có hai cảm xúc trái ngược nhau. Tôi cảm động nhớ lại chuyện cũ, năm đó tháng đó tôi đã chứng kiến gặp gỡ người đó việc đó, có được mối xúc cảm đó, cảm động vì những tình cảm ngây thơ trong sáng lúc đó. Đó hoàn toàn là những tình cảm có tính chất kỷ niệm. Còn đối với tác phẩm, dĩ nhiên tôi thấy ra sự non kém, thậm chí quá non kém, tiếc đã cho công bố, tiếc cho đề tài, cốt truyện hay như thế đáng ra phải viết công phu chăm chút hơn. Nhiều truyện sau này tôi mạnh dạn viết lại, bất kể đã in thành sách rồi.

Nhà văn Lê Hoài Nam: Cho dù cách nhìn cuộc sống thời ấy nó rất hồn nhiên, bút pháp tiểu thuyết, truyện ngắn chưa có gì ấn tượng, nhưng đọc lại tôi vẫn rất hài lòng, nếu tái bản cũng không muốn sửa, vì nó y như những trang nhật ký của đời mình vậy. Đã là nhật ký thì không nên sửa.

PV: Khi đọc tác phẩm của một cây bút mới, ông thường có cách ứng xử thế nào? Có đặt địa vị mình cũng có một thời như thế để “bao dung” hơn không, hay nhất định phải khắt khe?

Nhà văn Lê Văn Thảo: Thường tôi không quan tâm lắm chuyện “trẻ – già” trong văn chương. Kinh nghiệm cho tôi thấy nhiều nhà văn hai mươi, ba mươi, viết vài truyện đầu tay nhưng đã rất già dặn, trong suy nghĩ cũng như trong cách biểu đạt. Ngược lại nhiều người khác già sáu bảy mươi, sách in có thể xếp chồng kê tay ngồi uống trà, vậy mà vẫn cứ sơ lược nông nổi. Vậy thì đâu là “trẻ”, đâu là “già”? Tôi chỉ có tình cảm riêng tư nho nhỏ: khi đọc được một truyện hay, biết được tác giả còn trẻ, mới viết những truyện đầu tay, tôi thật sự vui mừng thấy văn chương nước nhà có được khám phá mới, cách nhìn mới đối với con người, thiên nhiên, sự việc.

Nhà văn Lê Hoài Nam: Tôi không quá khắt khe, cũng không quá chiều nịnh, mơn trớn. Thái độ của tôi là nếu cây bút trẻ ấy muốn tôi đọc và lắng nghe ý kiến của tôi thì tôi sẽ nói đúng những gì tôi nghĩ.

PV: Có ý kiến cho rằng, tác phẩm của tác giả trẻ nên dành lời khen để họ có thêm động lực. Nhưng cũng lại có ý kiến cho rằng, khen có thể là con dao hai lưỡi giết chết tài năng vì ảo tưởng. Theo nhà văn thì nên khen thế nào và chê thế nào với những tác phẩm đầu tay của tác giả trẻ?

Nhà văn Lê Hoài Nam: Khen đúng và chế đúng làm cho cây bút trẻ ấy tâm phục khẩu phục, đó là cách ứng xử mà tôi lựa chọn.

PV: Ông sẽ làm gì khi đọc được một tác phẩm xuất sắc của tác giả mới tinh và ngược lại, một tác phẩm rất dở cũng của tác giả mới?

Nhà văn Lê Văn Thảo: Đọc một tác phẩm hay của một tác giả trẻ, tôi đã nói rồi. Còn tác phẩm dở thì tôi không đọc. Trừ trường hợp chấm thi, hoặc biên tập sách báo. Văn chương chỉ có hay, không có khái niệm “tốt” hay “bổ dưỡng”. Tiêu chí của Hội nhà văn Việt Nam trong nhiệm kỳ qua là “phấn đấu để có những tác phẩm hay”.

Nhà văn Lê Hoài Nam: Nếu là tác phẩm hay, tôi sẽ viết bài đăng báo khen những gì là đặc sắc (chứ không tâng bốc), phân tích những gì còn chưa ổn, để động viên tác giả viết tiếp những tác phẩm hay hơn. Khi gặp tác phẩm dở, nếu tác giả có chút khả năng và thiện chí muốn nghe ý kiến của tôi thì tôi góp ý. Nếu tôi nhận thấy người ấy hoàn toàn không có khả năng sáng tác văn chương thì tôi sẽ có cách nói tế nhị sao đó để người ấy hiểu rằng rằng anh ta (chị ta) không phù hợp với nghề văn, chọn nghề khác mà làm dễ thành đạt hơn.

PV: Hình như có những nhà văn đã tự sửa tác phẩm một thời xưa cũ của mình khi quyết định công bố vào thời điểm mà tên tuổi đã được độc giả nhớ đến. Theo ông thì các nhà văn, nhà thơ có nên thành thật chia sẻ những tác phẩm đầu tiên của mình trên con đường viết văn cho độc giả trẻ biết không?

Nhà văn Lê Văn Thảo: Một nhà văn chân chính, có lương tri không bao giờ tự bằng lòng với mình, bao giờ cũng muốn tự hoàn thiện mình. Nhà văn Nga thiên tài Đốtxtôiepxki có nói: “Nếu tôi có thời giờ sửa chữa, tác phẩm tôi sẽ hay hơn gấp đôi”. Văn chương là dành cho người đọc, tại sao ta không cung cấp cho người đọc món ngon hơn? Tôi hoàn toàn ủng hộ việc các tác giả “chỉnh đốn” tác phẩm mình trong những lần tái bản. Đó chỉ là để phục vụ người đọc, không có chuyện danh giá gì ở đây.

Nhà văn Lê Hoài Nam: Tôi sẽ ứng xử theo về thứ hai chị nói, nghĩa là không nên che giấu sự ấu trĩ thời mình còn trẻ mà nên thành thật chia sẻ.

* Xin cảm ơn nhà văn!

Hiền Nguyễn (thực hiện)

Nguồn: Toquoc

Exit mobile version