Sáng ngày 19-8-2017, tại trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam (số 9 Nguyễn Đình Chiểu, Hai Bà Trưng, Hà Nội), Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và Phát triển văn hóa dân tộc cùng Hội Nhà văn đã tổ chức buổi tọa đàm về cuộc đời và sự nghiệp của nhà văn, nhà viết kịch Thanh Hương. Sự kiện này nhận được sự quan tâm của đông đảo các văn nghệ sĩ ở hai lĩnh vực: văn học và sân khấu. Tọa đàm cũng có sự tham gia của đại diện lãnh đạo Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.
Nghệ sĩ Thanh Hương (ngồi giữa trên bàn chủ tọa)
Nhà thơ Hữu Thỉnh – Chủ tịch Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam phát biểu chúc mừng sinh nhật lần thứ 80 của nhà văn, nhà viết kịch Thanh Hương (19-8-1937). Nhận định về những đóng góp cho thắng lợi của Cách mạng cũng như trong công cuộc xây dựng đất nước thời kì đổi mới của nghệ sĩ Thanh Hương, nhà thơ Hữu Thỉnh đặc biệt nhấn mạnh: “Chị Thanh Hương là một nghệ sĩ trưởng thành cùng Cách mạng tháng 8, đi theo và cống hiến tài năng, tuổi trẻ của mình cho sự nghiệp cách mạng, cho đất nước. Đó là một người làm văn hóa, cống hiến cho văn hóa một cách tận tụy bằng tất cả trái tim và sức lực. Chị suốt đời chọn con đường văn hóa để đam mê, theo đuổi, làm giàu cho văn hóa dân tộc. Bên cạnh đó, chị còn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình trong lĩnh vực chính trị khi đảm nhiệm vai trò Đại biểu Quốc hội trong hai nhiệm kì (khóa IX và X), góp tiếng nói quan trọng của nghệ sĩ, của giới nữ với Quốc hội và Chính phủ. Những đóng góp của chị đã được ghi nhận xứng đáng bằng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật cùng một số giải thưởng trung ương và ngành sân khấu…”
Giáo sư Hoàng Chương – Tổng giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và Phát triển văn hóa dân tộc đánh giá: “Nữ sĩ Thanh Hương được hun đúc tinh hoa văn hiến xứ Nghệ từ thuở ấu thơ. Lớn lên chị lại được tôi luyện trong khói lửa chiến tranh để trở thành một phụ nữ tài năng, đầy bản lĩnh, đầy nghị lực để đi vào cuộc sống vô cùng gian nan vất vả, luôn luôn phải vượt qua những cam go thử thách… Những vở kịch Thanh Hương viết cách đây hơn 30 năm, nhưng giá trị hiện thực gần như hôm nay, bởi tính tư tưởng của kịch Thanh Hương vẫn thống nhất với tư tưởng của Đảng trong xây dựng con người mới và chống tư tưởng quan liêu, tham nhũng… Đó là những tác phẩm sân khấu không mang tính thời sự mà có tính chất vĩnh cửu, sống mãi với thời gian.”
Toàn cảnh buổi tọa đàm
Bà Hoàng Thị Mai – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đánh giá về những đóng góp của nghệ sĩ Thanh Hương khi giữ vai trò Đại biểu Quốc hội: “Trong những bài phát biểu, bà Thanh Hương luôn quan tâm đến nâng cao đời sống của nhân dân vùng biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, hải đảo; đề nghị có cơ chế, chính sách thích hợp đối với vùng cửa khẩu, biên giới; quy hoạch vùng nuôi thủy hải sản…; quan tâm đến công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa của dân tộc, đến chế độ, chính sách đối với anh em văn nghệ sĩ… Qua hai khóa là Đại biểu Quốc hội, gắn bó với Ủy ban trên cương vị Phó Chủ nhiệm, bà đã tạo được dấu ấn riêng trên diễn đàn Quốc hội, những đóng góp của bà được Quốc hội ghi nhận, tôn vinh. Là một nhà văn, một nhà viết kịch, một chính khách, trên cương vị nào bà cũng lao động nghiêm túc, tâm huyết và để lại những thành quả đáng trân trọng.”
Sau ba giờ đồng hồ tham luận, trao đổi, phát biểu ý kiến, các văn nghệ sĩ đã đưa ra những đánh giá, nhận định chính xác về cuộc đời và sự nghiệp văn hóa, nghệ thuật của nghệ sĩ Thanh Hương trong công cuộc đấu tranh bảo vệ và xây dựng, phát triển đất nước.
PV
Vanvn.net
Phạm Thuý Quỳnh đưa bài