Nhà văn, nhà thơ Trúc Hoài tên thật là Nguyễn Trúc, sinh năm 1942, quê quán Bình Định. Hiện đang sống và làm việc tại Buôn Ma Thuột – Đắc Lắc. Tác phẩm đã xuất bản : Từ những tháng năm (Thơ – 2 tập), Vượt dải Trường Sơn (Nhật ký – Truyện ngắn) và vừa mới xuất bản cuốn tiểu thuyết “Từ sông Krông Bông” (NXB CAND). Đã nhận được một số giải thưởng ở địa phương.
Được biết bác vừa ra mắt độc giả cuốn tiểu thuyết “Từ sông Krông Bông” (NXB CAND – 2012), đây có phải là cuốn tiểu thuyết đầu tay đầy tâm huyết mà bác đã viết ròng rã trong mười năm?
– Nhà văn Trúc Hoài: Quả thực đây là cuốn tiểu thuyết đầu tay của tôi, một cuốn tiểu thuyết đầy tâm huyết, được thai nghén từ lâu, đến khi ra mắt, có hơn mười năm với độ dày 600 trang. Tôi bận nhiều việc khác nên thời gian dành cho viết văn thường rất eo hẹp.
Bác là người trực tiếp tham gia vào chiến trường miền Nam Việt Nam đầy khói lửa và gắn bó hơn 39 năm với mảnh đất Tây nguyên nói chung và mảnh đất Đắc lắc nói riêng, có phải cuốn tiểu thuyết “Từ sông Krông Bông” (NXB CAND – 2012) như một trang nhật ký mà bác thể hiện lại cuộc sống, tình cảm cũng như quá trình chiến đấu anh dũng của bác và các đồng đội?
– Tôi sống và công tác ở chiến trường Đắc Lắc từ năm 1965, trải qua thực tế cuộc sống chiến tranh chống Mỹ. Vào thời kỳ đó, tôi và các bạn tôi còn rất trẻ, hăm hở vô cùng, xông xáo vô cùng, với tất cả nhiệt huyết cùng đồng bào đánh giặc, cứu nước. Tôi tri ân những tháng năm chiến tranh gian khổ, ác liệt, hết sức hào hùng ấy. Tất nhiên, nếu không trải qua thực tế ấy thì tôi không thể nào viết cuốn tiểu thuyết như vậy được. Sách đã in ra, khi đọc lại, ở nhiều trang, tôi không cầm được nước mắt. Trong tâm khảm, tôi nhớ các nhân vật trong sách như nhớ những người bạn bằng xương, bằng thịt trong đời.
Đề tài chiến tranh và để tài về cuộc sống xã hội trong thời bình, đề tài nào cho bác cảm xúc nhiều hơn?
– Đề tài chiến tranh và đề tài về cuộc sống xã hội trong thời bình, đề tài nào tôi cũng thích. Nhưng do nhiều lẽ, tôi tập trung cảm xúc của mình cho các nội dung thuộc đề tài chiến tranh. Tôi yêu thiết tha với đề tài ấy, bởi tôi khâm phục, kính trọng những con người thuộc thế hệ ấy. Tôi viết văn bằng một tình yêu, cảm xúc chân thật.
Được biết bác còn là một nhà thơ. Vậy làm sao để duy trì cảm xúc và dung hòa giữa hai mảng thơ, văn xuôi bởi hai thể loại có những đặc tính khác nhau?
– Tôi cũng không hiểu tại sao tôi vẫn duy trì được cảm xúc dung hòa giữa thơ và văn xuôi, hai thể loại có đặc trưng khác nhau. Tôi luôn nghĩ viết văn, làm thơ, là viết là làm cái gì đó rất thật, bởi nếu không có cảm xúc đó thì đừng cầm bút. Thơ hay văn xuôi, cả hai thứ đều phải dụng công, nó là sản phẩm được chưng cất, chắt lọc từ tim óc người ta, cao quí lắm.
Mình viết điều mà mình yêu thích, nó luôn ám ảnh mình thì sẽ có cảm xúc thôi. Còn nó là thơ hay văn xuôi thì còn tùy vào nội dung đề tài, ý đồ tương ứng của người viết.
Để viết được tiểu thuyết, theo bác người viết cần những yếu tố gì?
– Tôi chỉ mới “chạm” tới lãnh địa này, chưa có kinh nghiệm nhiều nên khong dám lạm bàn. Tôi chỉ biết, viết tiểu thuyết là một thử thách rất nhiều mặt đối với người cầm bút. Có khi mình viết được nhiều trang, nhưng đấy chỉ là một cách làm khổ, làm mất thì giờ của người đọc. Vì vậy, chọn viết tiểu thuyết, tôi phải đắn đo rất nhiều, và hơi…liều mạng.
Bác đã từng đảm nhận chức vị Hiệu trưởng Trường CĐSP Đắc Lắc, công việc hành chính có ảnh hưởng gì đến quá trình sáng tác của bác không?
– Với người viết văn, công việc hành chính nó chi phối hai mặt:
Nó chi phối quá nhiều mạch tư duy nghệ thuật.
Nó cho thời gian rất ít để ngồi viết.
Trong tương lai bác có dự định viết thêm tiểu thuyết hay hồi ký về thời kỳ tham gia kháng chiến chống Mỹ không?
– Lượng sức mình là điều rất quan trọng, với lại văn chương quí ở chất lượng, nên tôi dự kiến công việc tương lai của tôi chỉ có thể như thế này:
Chữa đi, chữa lại để cuốn tiểu thuyết “Từ sông Krông Bông” có chất lượng tốt hơn. Dự định viết một cuốn tiểu thuyết nữa với qui mô nhỏ, chừng hai trăm trang trở lại, cũng đề tài chiến tranh, cách mạng, chống Mỹ.
Tôi chưa từng nghĩ đến việc viết hồi ký.
Xin càm ơn bác!
Nguồn: Vannghetre