Những năm gần đây, cây bút trẻ Nguyễn Xuân Thủy đã tạo được sự chú ý trên văn đàn sau khi giành hàng loạt giải thưởng, của Bộ Công an-Hội Nhà văn Việt Nam, Bộ Quốc phòng, Tạp chí Nhà văn, Giải vàng Sách hay với các tác phẩm “Biển xanh màu lá”, “Khát vọng dưới đỉnh Fansipan”, “Sát thủ Online”, “Tôi kể em nghe chuyện Trường Sa”… “Sát thủ Online” đã được VFC dựng thành phim vừa phát sóng trên VTV3. Ngày 15/4, Ban văn trẻ (Hội Nhà văn Việt Nam) đã tổ chức ra mắt tiểu thuyết “Nhắm mắt nhìn trời”– cuốn sách thứ 9 của anh và sẽ được trình diễn tại Ngày hội Sách và Văn hóa Đọc tại Hà Nội ngày 20/4. Nhân dịp này, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện cùng nhà văn Nguyễn Xuân Thủy (NV NXT):
PV: “Nhắm mắt nhìn trời” được đánh giá là bước chuyển mới của anh trong phong cách cũng như đề tài. Anh có thể chia sẻ lý do anh chọn đề tài Hà Nội trong quá trình đô thị hóa cho tác phẩm?
NV NXT: Năm 2011, tôi về sống tại vùng ven đô và vùng đất nhá nhem này đã cho người viết văn những trải nghiệm thú vị. Ở nơi đang đô thị hóa về mọi mặt, có nhiều chuyện cười ra nước mắt. Nơi mà văn hóa làng đang bị xâm thực và phân tách, rạn vỡ, người ta chới với giữa những dòng chảy. Nơi có những ngôi chùa bị vây bọc, cô lập bởi những tòa nhà cao tầng, đối diện cổng chùa có thể là một tiệm Spa, thậm chí là một quán thịt chó… Nơi ấy hàm chứa, tích tụ những bất ổn của đời sống. Cuộc sống hiện đại mâu thuẫn, đối chọi với lối sinh hoạt truyền thống, nhu cầu tinh thần thời hiện đại đối chọi với những tín ngưỡng dân gian. Những điều đó đã tạo cảm hứng để tôi viết “Nhắm mắt nhìn trời”.
PV: Anh đã dành tâm sức cho cuốn sách trong bao lâu?
NV NXT: Tôi viết trong khoảng 3 năm. Từ 2011 bắt đầu viết và một phần cuốn sách được viết tại Trại sáng tác do Bộ Công an tổ chức ở Hạ Long. Nhân đây tôi cũng xin lỗi NXB Công an, đơn vị tổ chức trại sáng tác, lẽ ra cuốn sách được viết cho NXB Công an, nhưng vì một số lý do mà ý định ấy chưa thành.
PV: Cảm giác thật rõ những day dứt, trăn trở về sự bất ổn của đời sống trong từng câu chữ của anh?
NV NXT: Khi viết cuốn sách, điều ám ảnh tôi nhất là sao bây giờ cái ác nhiều thế, có dịp hiển lộ thế. Đừng tưởng cầm dao giết người mới là ác. Bạn đi mua rau bạn gặp cái ác của người nông dân canh tác rau bẩn, bạn ốm đi mua thuốc gặp thuốc rởm, gặp cái ác trong y học. Ác trong sự ích kỷ, trong sự lo cho cái bát của mình mà bỏ cái mâm của chung… Nhiều khái niệm của thời hiện đại khiến người ta thất vọng và buồn nhiều hơn.
PV: Lựa chọn tên sách “Nhắm mắt nhìn trời” nghe là lạ, nhưng hẳn mang những ẩn ý thẳm sâu của tác giả?
NV NXT: Những năm tháng này buộc chúng ta phải suy nghĩ. Chưa khi nào bất ổn xã hội lại đáng báo động như bây giờ: con giết cha, bác sĩ ném xác bệnh nhân, giới trẻ chạy theo những giá trị ảo, học để kiếm tiền quan trọng hơn học để làm người… Đôi khi con người công dân trong tôi muốn nhắm mắt lại, để không phải thấy những gì đang diễn ra, để không phải mệt mỏi, mất niềm tin vào đời sống, nhưng con người nhà văn trong tôi lại nhắc tôi phải mở mắt, thậm chí mở căng mắt, dỏng tai để đối diện với thực tại, đi tìm căn nguyên của nó. Cuốn sách này là giây phút tôi khép lại bờ mi sau một thời gian quan sát, để chiêm nghiệm, để tự vấn… Tôi nhắm mắt vì bất lực trước thực tại không như tôi mong muốn, nhưng cũng là để mơ về một bầu trời xanh. Tôi nhắm mắt để tự vấn phải làm gì để cuộc sống này tốt đẹp hơn, nhân ái hơn. Đôi mắt công dân của tôi nhắm lại cũng là lúc đôi mắt nhà văn mở ra cho một hành trình sáng tạo, hướng đến những khát vọng thiên lương.
Ban văn trẻ chúc mừng nhà văn Nguyễn Xuân Thủy. |
PV: Đầu thế kỷ XX, những tác phẩm của một số nhà văn, như Nam Cao, đã cho thấy những bi kịch của giới trí thức. Giờ đây, trong “Nhắm mắt nhìn trời”, người đọc có vẻ lại gặp vấn đề này?
NV NXT: Thời nào có bi kịch của thời đó. Những tác phẩm của Nam Cao viết trước cách mạng, phản ánh những bi kịch xã hội của giới trí thức, nhà văn khi đó. Tuy nhiên, hôm nay lại có những bi kịch của hôm nay. No đủ đến mức thừa mứa cũng là một bi kịch. Con người luôn chung sống cùng những bi kịch và luôn luôn phải đối mặt với những bi kịch. Bi kịch của Nguyễn là nhìn thấy bi kịch của người khác, là bi kịch của người thất bại trong nỗ lực chống lại cái ác, cái xấu, lại còn bị quấn vào guồng quay đó. Bi kịch của Nguyễn là bi kịch của lương tâm con người. Tôi đã để nhân vật nhà văn, nhà báo, trí thức ngang hàng với tầng lớp dưới đáy xã hội. Thực tế thì họ cũng chẳng hơn gì những tầng lớp cần lao, thậm chí họ còn khổ hơn vì ít nhiều họ có tri thức, ngộ giác được thân phận mình. Anh trí thức ngoài phần khổ còn là phần đau, đau đời, đau cho mình, đau cho cộng đồng, đau cho xã hội.
PV: Liệu có thể nói, tác phẩm là một quá trình tự vấn của anh?
NV NXT: Có thể coi “Nhắm mắt nhìn trời” như một tự vấn của con người nhà văn trong tôi. Một sự phản tỉnh của nhà văn Nguyễn.
PV: Nhiều người thấy những điểm tương đồng giữa nhân vật Nguyễn và tác giả. Liệu có phải Nguyễn là bóng dáng của chính anh?
NV NXT: Ở một góc nhìn nào đó, nhân vật có sự đồng dạng với tác giả. Nguyễn là tôi mà không phải là tôi. Tôi là Nguyễn nhưng ai đó, một đồng nghiệp nào đó cũng có thể là Nguyễn nếu như thấy đồng cảm với Nguyễn.
PV: Lựa chọn nhân vật chính có nhiều điểm giống mình, rồi thẳng thắn bóc tách những tha hóa trong một bộ phận trí thức. Anh không ngại bị suy diễn và thậm chí, không hài lòng?
NV NXT: Khi viết, tôi không quan tâm mình viết ra sẽ bị ghét bỏ hay được yêu thích. Tôi viết cái tôi thấy hứng thú, có đất để đào bới, cào xé nhân vật, có đất để nhân vật giãy giụa. Văn sĩ trí thức cũng bình đẳng như bất kỳ những người làm việc ở các ngành nghề, các thành phần khác, không có gì phải phân biệt hay né tránh. Tuy nhiên, cuốn sách này tôi vẫn nói vui đó là “tôi đi bán tôi”, bạn đọc sẽ gặp những mẫu nhân vật khác, làm những ngành nghề khác, những cuốn sách khác của tôi. Tôi muốn, mọi người hãy nhìn nhận cuốn sách bởi con mắt văn chương.
PV: Trong tác phẩm, hình ảnh nhà thơ hiện lên có phần dị mọ, liệu anh ngại ngần vì ai đó phản ứng?
NV NXT: Tôi tin các nhà văn, nhà thơ sẽ đọc nó như đọc một tiểu thuyết. Tôi cũng nghĩ, chẳng nhà thơ nào lại “dại dột” nhận mình giống với nhân vật méo mó dị mọ ấy làm gì.
PV: Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!
Nguồn: CAND