Là một nhà văn có sự nghiệp cầm bút truân chuyên và rực rỡ, sau cuốn tiểu thuyết “Chuyện ngõ nghèo”, có thể coi như cuốn tự truyện của nhà văn, Nguyễn Xuân Khánh chủ trương gác bút. Bởi ông biết mỗi người đều có giới hạn của mình, đến lúc thấy “mòn”, thấy “cùn” thì cũng là lúc nên nghỉ ngơi.
Tôi đến thăm nhà văn Nguyễn Xuân Khánh khi ông vừa trải qua một cuộc phẫu thuật trở về. Ông gầy hơn nhưng vui vẻ và nhiệt huyết với văn chương vẫn sôi nổi. Những “đứa con” của Nguyễn Xuân Khánh mỗi khi chào đời thường gây xôn xao văn đàn, không phải vì chúng được Hội nghề nghiệp trân trọng trao giải thưởng, mà vì những lời thán phục cũng như bình luận râm ran của người trong giới. Trung Trung Đỉnh nhất định rằng: Nếu một nhà văn Việt xứng đáng với giải Nobel thì nên trao cho Nguyễn Xuân Khánh. Tác giả “Lính trận” lâu nay có bệnh về mắt nhưng vẫn không bỏ sót bất kể “đứa con” mới lọt lòng nào của Nguyễn Xuân Khánh, đặc biệt cuốn “Chuyện ngõ nghèo”. Nguyễn Xuân Khánh tâm sự về tác phẩm có thể là cuối cùng trong đời viết của mình: “Lúc bấy giờ cả nước có phong trào nuôi lợn, đó là một sáng kiến của nhân dân để cải thiện đời sống. Tôi thấy hiện tượng này hay nên dựa vào đó viết cuốn tiểu thuyết cho vui”. Ông kể về sự lận đận của “Chuyện ngõ nghèo”: “Tôi đưa tới hai mấy nhà xuất bản nhưng chẳng nơi nào dám in”. Sau cùng trước khi nghỉ chức giám đốc NXB Hội Nhà văn, Trung Trung Đỉnh đã mạnh bạo “đỡ đầu” cho “đứa con” của Nguyễn Xuân Khánh. Có điều gì khiến cho tác phẩm của Nguyễn Xuân Khánh làm người ta e ngại? Nhà văn lí giải: “Tôi viết dưới dạng rất hiện thực, có thể sát mặt đất, chạm đến nhiều thứ. Nhưng rồi người ta nghĩ mãi thấy ghép tội cho nó cũng chẳng phải mà khen nó quá cũng không nên”.
Không bắt chước ai
Ông tâm sự thanh thản: Sẽ “giã từ” ngòi bút từ đây. Trong cuốn sách mới của ông, người ta vẫn thấy một Nguyễn Xuân Khánh còn tràn trề sáng tạo với bút pháp hậu hiện đại. Nhưng nhà văn lại phủ nhận những cố gắng của mình trong việc làm mới hình thức: “Tôi vui vì tâm sự của mình được nói ra. Do những nhu cầu về nội dung mà “đẻ” ra bút pháp như thế. Tôi viết có tính chất khoáng đạt, không giáo điều, khuôn mẫu, phá cách rất nhiều”. Từ khi dấn thân vào văn chương ông đã quan niệm: Phải viết khác, không tô hồng, không ảo tưởng với bức tranh hiện thực. Dù thế nào, người đọc cũng cần được gương mặt trung thực của thời đại. Nguyễn Xuân Khánh bắt đầu cầm bút trở lại từ những năm 90 của thế kỷ XX, bằng sự ra mắt của cuốn tiểu thuyết “Miền hoang tưởng”, rồi sau đó là sự ra đời của hàng loạt những tiểu thuyết buộc người ta phải thừa nhận Nguyễn Xuân Khánh đích thực là một nhà văn “đi nhẹ, nói khẽ”, gây chấn động lớn: “Hồ Quí Li”, “Mẫu thượng ngàn”, “Đội gạo lên chùa”. Thông thường mỗi tác phẩm ngốn của ông khoảng 5 năm làm việc liên tục. “Từ “Miền hoang tưởng” sang “Chuyện ngõ nghèo” tác giả cho thấy mình không chịu cũ như tuổi tác: “Miền hoang tưởng” có tính chất hư ảo, “Chuyện ngõ nghèo” sâu sắc, dung dị hơn. Cái này (tức “Chuyện ngõ nghèo”-pv) là tổng hợp nhiều truyện ngắn, truyện vừa hợp lại. Cốt truyện giải tán rất nhiều, phương pháp hiện đại. Tôi không bắt chước ai về hình thức mà nhu cầu của tác phẩm là như thế”.
Chinh phục kẻ “sành sỏi”
Sau chuỗi năm tháng long đong, Nguyễn Xuân Khánh trở lại rực rỡ, khi các tác phẩm của ông không chỉ được bạn đọc rộn ràng đón nhận mà còn giành những giải thưởng văn chương danh giá: “Mẫu thượng ngàn” đoạt giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội năm 2006. “Đội gạo lên chùa”, dày gần 900 trang, nằm trong bộ ba tiểu thuyết kiến giải lịch sử của Nguyễn Xuân Khánh, cùng “Hồ Quí Li”, “Mẫu thượng ngàn”. Tác phẩm nói về ảnh hưởng của văn hóa Phật giáo trong đời sống người dân Bắc bộ thế kỷ 20. Cũng như tiểu thuyết “Hồ Quí Li”, “Đội gạo lên chùa” tiếp tục giành giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2010-2011, ở thể loại tiểu thuyết. Đối với Nguyễn Xuân Khánh mỗi một giải thưởng đều là niềm vui, niềm an ủi với người cầm bút. Sự ủng hộ của độc giả với tác giả cũng là nguồn khích lệ nhưng điều ông khao khát là cuộc chinh phục “những người sành sỏi trong xã hội chứ không phải cái lửa, rơm của xã hội đâu”.
“Tôi biết đan rổ, rá, biết tát nước, biết gói bánh chưng”.
Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh
Nguyễn Xuân Khánh cũng đồng tình: Nhà văn là những kẻ cô đơn. Trên hành trình cầm bút có lúc họ được ủng hộ, có lúc họ bị bỏ rơi. Nhưng nhà văn không vì sự thích hay không của đám đông mà lung lay con đường mình lựa chọn: “Viết văn là một ảo tưởng và người ta sống bằng những ảo tưởng, tin vào những giá trị mà mình tôn vinh. Không thì sao viết được?”, Nguyễn Xuân Khánh bộc bạch.
Trong giới đồn: “Đứa con út” của Nguyễn Xuân Khánh là “đứa con” xuất sắc nhất của nhà văn. Còn bản thân người sinh ra “Chuyện ngõ nghèo” không nghĩ thế: “Tôi chỉ biết tôi đã hoàn thành công việc của mình. Còn mỗi tác phẩm có số phận riêng, đời sống riêng”. Theo ông, mỗi một cây bút cần phải có một số lượng tác phẩm nhất định để nhìn ra “chất” của từng tác gia, mặc dù mỗi tác phẩm không quan trọng độ ngắn, dài. Nguyễn Xuân Khánh quyết định dừng bút với gia sản khoảng chục cuốn tiểu thuyết, truyện ngắn “Bởi vì không phát triển được nữa. Đến độ nào đó ai cũng cùn đi, chẳng ai giữ mãi được sự sáng tạo”. Ông nói: “Có những người cả đời không dựng được phong cách cho mình. Thông thường được 3, 4 cuốn phải ra được gương mặt tác gia, nếu không ra được thì chịu”.
Nhưng độc giả cũng không nên buồn khi Nguyễn Xuân Khánh không còn “nhả tơ”. Bởi chính ông cũng không biết chắc điều gì sẽ xảy ra trong tương lai: “Không thể qui định chấm hết cho một tác gia”. Biết đâu, một ngày đẹp trời, có cảm hứng sáng tạo người ta lại thấy Nguyễn Xuân Khánh ngồi vào bàn viết. Chẳng hạn, ông sẽ viết về Tết, vì chính ông thừa nhận, đây là mảng đề tài ông chưa có dịp chạm đến.
Anh chàng nửa quê, nửa phố
Mỗi khi nhớ đến Nguyễn Xuân Khánh tôi thường nhớ tới Nguyễn Trí của “Bãi vàng, đá quí, trầm hương”. Họ đều có một cuộc đời lên thác, xuống ghềnh theo cách khác nhau. Những năm bị “treo bút” về nghỉ mất sức, Nguyễn Xuân Khánh làm đủ nghề để sống. Ít ai nghĩ ông từng là một thợ may, từng là tay nuôi lợn… “Tôi sống thật sự bằng những nghề đó, chứ không phải cưỡi ngựa xem hoa”, nhà văn nhớ lại.
Tác giả “Đội gạo lên chùa” sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Quê ngoại ở làng Thanh Nhàn, nay chính là con phố Trần Khát Chân, nơi ông đang sống. Quê nội của ông ở làng Cổ Nhuế. Do cha mất sớm, Nguyễn Xuân Khánh theo mẹ về bên ngoại. Trong ký ức của ông, làng quê ngoại đẹp như một bức tranh yên ả: “Làng Thanh Nhàn ngày xửa, ngày xưa không theo nông nghiệp truyền thống, làng có ao thả cá, trồng sen, trồng rau muống, trồng ổi… Sự thực cái làng này là một làng của thành phố, phía bên kia đường đã là phố Lò Đúc, nội thành Hà Nội. Làng là nơi sinh sống của những thợ tiện, thợ nguội, một số viên chức nghèo, mấy ông tham, ông phán có những cái nhà vườn ở đây”. Nguyễn Xuân Khánh lớn lên trong gia đình viên chức: “Đàn ông đi làm thợ ở nhà máy đèn, phụ nữ thì buôn bán ở chợ Hôm. Nhà tôi chuyên bán măng vì có mối liên hệ giữa gia đình tôi và gia đình ở Thái Nguyên”.
Mỗi khi tết đến, Nguyễn Xuân Khánh lại về quê nội ở làng Cổ Nhuế. Tết ở Cổ Nhuế cũng như tết ở mọi làng quê khác, “có cây nêu, có mọi thứ”. Ông tự vẽ chân dung mình: “Cái làng Cổ Nhuế của tôi cũng là làng bán nông nghiệp, đàn ông cũng ra thành phố làm việc. Tôi là cái anh chàng nửa nông thôn, nửa thành thị”. “Chàng nửa nông thôn, nửa thành thị” ấy bật mí: “Tôi biết đan rổ, rá, biết tát nước, biết gói bánh chưng”. Đó là Nguyễn Xuân Khánh đã nói giảm. Những công việc trên ông đều có thể làm ở mức độ giỏi. Nhiều mùa tết đi qua, cả ngàn chiếc bánh chưng đã nở ra trên đôi tay của người cầm bút. Ông khoe: Nhiều người nhờ tôi gói bánh chưng hộ. Gia đình ông vẫn giữ truyền thống tết đến gói bánh chưng: “Trẻ con thích nhà đun bánh chưng. Nhà tôi từ nghèo khổ vẫn gói, bây giờ vẫn gói. Chúng tôi muốn giữ lại không khí của hội hè. Con người càng ngày càng thèm những ngày hội thực sự”. Con trai thứ hai của Nguyễn Xuân Khánh bây giờ thay cha gói bánh.
Cái gì qua đi là qua đi
Tết ở gia đình nhà văn “Đội gạo lên chùa” vẫn giữ được hầu hết những nề nếp cổ truyền song ông thừa nhận, tết truyền thống đang nhạt dần. Đó cũng là điều tất yếu. “Cái gì qua đi là qua đi, Hà Nội cũ không bao giờ trở lại” nên ông không mang cảm giác của “Thăng Long thành hoài cổ”: “Khi tôi viết về lịch sử, văn hóa, tất cả những âu lo, mong muốn của tôi đều thể hiện trong đó”. Nguyễn Xuân Khánh viết “Mẫu thượng ngàn” cũng là sự cố tình giữ lại nét đẹp của văn hóa Việt. Về “Mẫu thượng ngàn”, nhà văn Nguyên Ngọc đã không tiếc lời khen: “Nếu đi tìm một nhân vật chính cho cuốn tiểu thuyết này thì hẳn có thể nói nhân vật chính đó là nền văn hóa Việt, cái thực tại vô cùng hiện thực, vừa rất hư ảo, bền chặt, xuyên suốt, mà cũng lại biến hóa khôn lường, rất riêng và rất chung, rất bản địa mà cũng rất nhân loại”.
Theo Nông Hồng Diệu – Tiền phong