Một thời, lợn “giải cứu” người, nông thôn “giải cứu” thành thị…, còn vừa qua thì “giải cứu lợn” lại trở thành một “từ khóa”, là tiếng kêu cứu của nông thôn với thành thị… – Một liên tưởng thú vị từ “Chuyện ngõ nghèo” (hay cũng có thể gọi vui là “Bách khoa lợn”, “Nhật ký lợn”…) – cuốn tiểu thuyết mới nhất của nhà văn “lão làng” Nguyễn Xuân Khánh.
“Không ít sai lầm là do nhìn ngắn”
Mất 34 năm để “Chuyện ngõ nghèo” đến được tay độc giả, kể từ lúc ông hoàn thành nó, vào cái thời người người, nhà nhà coi nuôi lợn là kế sinh nhai. “Muộn, còn hơn không”, hay với văn chương thì chẳng có gì là muộn cả, theo ông?
– Văn chương nói thế chứ nó cũng phải có tính thời sự của nó đấy! Ra đúng thời điểm thì vẫn tốt hơn nhiều chứ, nó nói được giúp người ta cái tâm trạng xã hội lúc bấy giờ. Còn ở thời điểm này, hẳn là những độc giả từng sống qua thời kỳ đó sẽ dễ đồng cảm hơn với cuốn sách. Trước hết là những độc giả đó. Sau nữa, tôi tin rằng, với những độc giả quan tâm đến sự tìm tòi trong lối viết, hẳn cũng có thể tìm thấy một điều thú vị nào đó trong “Chuyện ngõ nghèo”, dù nó được viết từ hơn 30 năm trước.
30 năm về trước, nhưng hẳn cũng vẫn còn tính thời sự của nó đấy, nếu hiểu rộng ra: Đằng sau những câu chuyện cười ra nước mắt đó chính là lời cảnh báo về sự suy thoái của đạo đức; cái phần “thú tính”, phần “con” ở con người trong xã hội hiện đại. Nếu như không muốn nói hiện thực bây giờ còn khốc liệt hơn thế: Cả hai phía phương Tây và phương Đông đều có những “cơn co giật” của mình, vì lẽ này hay lẽ khác, đe dọa đến “bản tính người” ở mỗi chúng ta…
Quả là có những “cơn co giật” như thế trong “Chuyện ngõ nghèo”. Những nhân vật trí thức của ông vì thế có lúc hành xử dường như thiếu điềm tĩnh. Theo ông, con người ta cần làm gì để giảm thiểu những “cơn co giật” đó?
– Thì chính là sự điềm tĩnh! Càng đứng trước vòng xoáy, con người hiện đại càng cần phải điềm tĩnh để không bị nó cuốn vào và nhấn chìm trong đó. Tất nhiên, phàm đã là con người thì khó mà triệt tiêu được hết những hành xử bản năng, lại cũng có những hành xử bản năng có ích cho xã hội. Nhưng về cơ bản, chúng ta vẫn nên cố gắng giữ được nhịp riêng của mình, mới có thể làm chủ được dòng chảy.
Trí thức nuôi lợn để tự “giải cứu” mình, rồi tới lượt, nông dân lại cầu trí thức “giải cứu lợn”… – điều đó theo ông bộc lộ điều gì?
– Nó bộc lộ sự lúng túng của xã hội, của người dân – phần nào là thế. Ở đâu đó trong sự phát triển nóng hôm nay rõ ràng đang thiếu đi một tầm chiến lược.
Trong nhiều trang viết của tôi thì câu hỏi mà ám ảnh tôi nhất vẫn là nhận dạng của dân tộc mình thật ra là gì, đâu mới thực là cái cốt tủy, cốt lõi…? Phải biết rõ mình là ai, mình có gì… thì mới có thể đứng vững trên đôi chân của mình và vươn tay chạm tới những khao khát lớn.
Có một liên tưởng vui khi đọc “Chuyện ngõ nghèo”: Một thời, lợn “giải cứu” người, nông thôn “giải cứu” thành thị…, còn vừa qua thì “giải cứu lợn” lại trở thành một “từ khóa”, là tiếng kêu cứu của nông thôn với thành thị… Cá nhân ông có thấy sự trùng hợp và trái ngược đó là một thú vị?
– Tôi thì không hay đọc báo, nhất là báo mạng. Thường, tôi đọc sách là chính và nếu lên mạng hay xem tivi, tôi chủ yếu xem thời sự quốc tế. Nên chuyện “giải cứu lợn”, tôi cũng chỉ mới nghe loáng thoáng. Nếu “Chuyện ngõ nghèo” ít nhiều gợi ra liên tưởng đó, thì cũng là một sự mỉa mai đấy: Một thời trí thức thành thị đổ xô đi nuôi lợn, còn giờ thì nông dân rên xiết cũng lại vì đổ xô nuôi lợn… – Vẻ như nhiều người trong chúng ta vẫn mắc phải cái nhìn thiển cận đó, chỉ cốt cái lợi trước mắt, mà thiếu đi cái nhìn rộng, nhìn xa cho lâu dài. Đồng ý, ở một thời điểm nào đó, con người ta có thể buộc phải nhìn ngắn, buộc phải sống cho những cái lợi trước mắt, “có thực mới vực được đạo”, nhưng rõ ràng, không ít sai lầm của chúng ta là do nhìn ngắn, nhìn hẹp mà không hẳn là do hoàn cảnh đốc thúc, hay không còn lựa chọn nào khác…
Hồ Qúy Ly – nhân vật lịch sử từng được ông lựa chọn cho cuốn tiểu thuyết cùng tên đình đám của mình hẳn đã thuyết phục ông ở tầm nhìn xa?
– Đúng vậy. Đành rằng đó có thể là một nhân vật lịch sử có cả công lẫn tội, nhưng điều hậu thế đánh giá cao nhất ở cụ Hồ Qúy Ly chính là tầm nhìn xa trông rộng – vật báu tối cần ở một nhà lãnh đạo. Lịch sử thế giới, cũng như của một dân tộc thi thoảng mới sản sinh ra được một con người như thế.
Có một mỉa mai rằng: Đọc “Chuyện ngõ nghèo”, thấy lúc trước người sống với… lợn có khi còn dễ hơn hôm nay…
– Thì đấy là chua chát ra thì nói thế thôi! Chứ về cơ bản vẫn phải sống thể tất cho nhau chứ! Thế mới là người với người. Sự thật là ai cũng có thể tử tế, có điều đừng đẩy họ đến đường cùng. Đừng nghĩ đạo Phật là một cái gì đó to tát quá, đôi khi chỉ cần nắm cho được, tu cho được 4 chữ “từ bi hỷ xả” của nó thôi cũng đã đủ vĩ đại và uyên bác lắm rồi; đủ để đối xử với đời, với người một cách vui vẻ, tử tế, đẹp đẽ…
“Tôi tiếc mình chỉ biết hai ngoại ngữ”
Trong “Mẫu Thượng ngàn”, “Đội gạo lên chùa”…, tôi thường thấy ông mượn chuyện làng để nói chuyện nước, lấy cái nhỏ để tả cái to. Vì sao bình thường ông lại chỉ thích xem… thời sự quốc tế?
– Tôi muốn biết bên ngoài hiện nay đang thế nào. Nhiều khi cũng thấy nóng ruột lắm. Lúc này sao mà nhiều người, nhiều nơi thiếu kiềm chế thế; thế giới lắm lúc thật đảo điên, hỗn loạn…
Còn thì khi viết, cố nhiên anh nào chẳng muốn đưa ra được những ẩn dụ nho nhỏ. Nói chung người viết văn luôn muốn đi đến được những khái quát lớn, còn những điều vặt vãnh, thường nhật nhiều khi chỉ là cái cớ mà thôi. Nhưng để đạt đến tầm khái quát, không phải cứ muốn là được, không phải cứ nói toạc ra là được. Nó đôi khi là sự tỏa ra rất tự nhiên, ngoài ý muốn của mình.
Đi qua một đời viết truân chuyên, đã bao giờ ông viết văn trong tâm thế tự “giải cứu” mình?
– Lẽ dĩ nhiên khi mình viết thì thường là từ nhu cầu giải xét, giải phóng mình ra khỏi những bức bối. Bởi lúc bấy giờ trong lòng mình cũng có nhiều ẩn ức chứ! Nhưng ẩn ức mà để mãi trong lòng, lâu lâu dễ thành tâm bệnh, chi bằng cứ nói ra, âu cũng là một cách tự giải cứu mình.
“Giải cứu” bạn đọc, có không?
– Nếu có thì đó là tác dụng phụ.
Có một nhà văn trẻ nói rằng: “Bất hạnh là một tài sản”. Ông có thấy thế?
– Nói chung bất cứ cái gì cũng có thể là một tài sản hết. Người viết văn nói chung không nên coi thường bất cứ cái gì. Đối với người viết văn thì không có gì là phí cả. Cho nên mình đừng bao giờ phí phạm cảm xúc. Nhiều trải nghiệm là không dễ gì có lại, nên hãy coi đó là cơ hội mài nhọn cảm xúc của mình.
Vậy nếu được làm lại, liệu ông có chịu đổi những tác phẩm của ông lấy một đời mát mẻ?
– Lẽ dĩ nhiên chả ai mong khổ để viết văn hay cả. Nhưng nếu như cái ngẫu nhiên của lịch sử nó không may rơi vào mình, thì cũng đừng nên coi đó là một điều gì đau khổ quá để mà chìm đắm trong kêu ca rên rỉ. Bất hạnh lấy đi của mình cái này, nó sẽ đền lại cái khác.
Như chị cũng biết, bên cạnh viết văn, tôi còn dịch sách. Nếu được chọn lại, nếu có gì cần tiếc nuối lúc này, thì tôi tiếc mình chỉ biết hai ngoại ngữ. Nếu cho tôi trẻ hơn 10 tuổi (nhà văn Nguyễn Xuân Khánh năm nay đã 85 tuổi – PV), chắc chắn tôi sẽ học thêm hai ngoại ngữ nữa. Được thế, chắc tôi sẽ hiểu biết nhiều hơn.
Nếu tóm về mình trong một chữ, ông sẽ chọn chữ gì?
– Hiền. Tôi hiền. Cố nhiên đời tôi cũng có lúc quyết liệt, có những trang viết cũng khốc liệt, nhưng về cơ bản là tôi hiền.
Một chữ nữa?
– Chăm.
Xin cảm ơn ông.
Theo Nguyên Lê
(Nguồn: Lao Động cuối tuần)
Phạm Thuý Quỳnh đưa bài