Sinh năm 1979 tại Khánh Hòa, nhưng lớn lên ở Ninh Thuận, tốt nghiệp trung học phổ thông, Nguyễn Vĩnh Nguyên vượt đèo Ngoạn Mục lên cao nguyên Lâm Viên làm sinh viên Văn khoa Đại học Đà Lạt. Thuở ấy Đà Lạt có nhóm sinh viên mê văn thơ, ôm mộng văn chương đắm đuối đến không cùng…
1. Chẳng hiểu sao, nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên luôn khiến tôi liên tưởng đến câu “Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình” mà cụ Nguyễn Du dành cho nàng Kiều đoạn bị tình yêu sét đánh nên liều mình bước qua lề thói cũ đi tìm chàng Kim. Tất nhiên, Nguyễn Vĩnh Nguyên không đi tìm Kim hay Kiều nào đấy, anh đi tìm hết nàng thơ rồi đến chàng văn, một mình. Vậy nên cải biên chút đỉnh lời cụ Tố Như ở Tiên Điền, thành “Xăm xăm băng lối vườn văn một mình” thì như úp sọt trúng phóc đối với anh.
Làm báo ở Sài Gòn, nơi náo nhiệt rộn ràng nhất nước, tuần vài ba cuộc họp báo và sự kiện lớn nhỏ, tưởng chừng người như Nguyễn Vĩnh Nguyên, tay báo tay văn, phải quen lối “vung tay vung chân” giữa chỗ đông người và “chén chú chén anh” mỗi chiều nơi quán nào đó với các bạn văn nghệ. Nhưng không. Nguyễn Vĩnh Nguyên rất ít khi xuất hiện ở chỗ ồn ào, nếu có vì công việc thì anh thường lẳng lặng đến, ghi ghi chép chép, rồi lẳng lặng ra về lúc nào không biết.
Cứ vậy, Nguyễn Vĩnh Nguyên đi giữa làng báo làng văn mà như người hoạt động bí mật, như điệp viên ngầm. Chỉ các trang văn, trang báo của anh là nóng hổi và chắc chắn, “chất” hơn bất cứ tiếng “dô” ở chỗ đông người nào khác.
Nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên.
2. Sinh năm 1979 tại Khánh Hòa, nhưng lớn lên ở Ninh Thuận, tốt nghiệp trung học phổ thông, Nguyễn Vĩnh Nguyên vượt đèo Ngoạn Mục lên cao nguyên Lâm Viên làm sinh viên Văn khoa Đại học Đà Lạt. Thuở ấy Đà Lạt có nhóm sinh viên mê văn thơ, ôm mộng văn chương đắm đuối đến không cùng.
Những cái tên như Nguyễn Vĩnh Nguyên, Ngô Liêm Khoan, La Văn Tuân, Lê Văn Tiến, Quân Thiên Kim, v.v… ăn cùng văn thơ, ngủ cùng thơ văn. Và mơ mộng cùng con chữ. Không khí này tràn vào cả truyện ngắn thuở ban đầu của Nguyễn Vĩnh Nguyên, như trong “Trăng câm” và “Tiếng lá rụng trong đêm”.
Bốn năm sau, hành trang xuống núi của Nguyễn Vĩnh Nguyên ngoài tấm bằng cử nhân còn có một trời ước mơ vùng vẫy lẫn cả kho ký ức được phủ bởi mờ ảo sương mù của xứ sở ngàn hoa cùng dày mỏng những trang sáng tác đầu đời, anh tính về quê lập nghiệp. Nhưng gõ cửa cơ quan nào cũng vấp phải những cái lắc đầu. Cực chẳng đã, anh dấn bước vào Sài Gòn. Dường như thời đoạn này được Nguyễn Vĩnh Nguyên gói gọn khá đầy đủ, nhiều tâm trạng, trong các sáng tác ở tập truyện đầu tay “Phù du của núi” (2004).
Sẽ nực cười nếu đọc văn mà chăm chăm áp đặt tác giả là hình ảnh các nhân vật do họ tạo ra. Xa rồi thời phê bình tiểu sử. Nhưng sự thật không thể phủ nhận, rằng dấu ấn cá nhân Nguyễn Vĩnh Nguyên thời sinh viên và thời chập chững đi tìm chỗ đứng lúc vào đời “lộ thiên” khá rõ trong “Phù du của núi”. Đấy cũng là điều dễ hiểu.
Ai đến với văn chương cũng bắt đầu từ việc kể câu chuyện của chính mình. Khác chăng là Nguyễn Vĩnh Nguyên kể chững chạc và chắc chắn. Cách kể của anh dự báo một đường văn, một cá tính văn chương đang hé lộ, đầy nội lực với ý thức của người cầm bút rất rõ.
Bởi vậy, từ thuở ấy, nhà văn Trần Nhã Thụy đã nhìn ra: “Truyện của Nguyên đầy ắp tâm trạng của những người trẻ tự “bơi” giữa cuộc đời, vừa lăn xả kiếm sống, vừa trăn trở với ý nghĩa cuộc đời, vừa đi tìm vẻ đẹp của tình yêu (…). Nguyên là người viết rất hay về những trạng thái tinh thần. Hình như Nguyên đã nhận ra “con đường” của mình”.
3. Đến với văn chương bằng thơ, Nguyễn Vĩnh Nguyên từng tạo dấu ấn, được “điểm mặt chỉ tên” là một trong những gương mặt thơ trẻ đương đại cùng Nguyễn Vĩnh Tiến, Văn Cầm Hải, Vi Thùy Linh, Phan Huyền Thư, Nguyễn Thúy Hằng, Lê Vĩnh Tài, Ly Hoàng Ly v.v… Tuy nhiên, về sau anh ít “dan díu” với thơ, và càng ngày càng được nhắc đến như một tác giả văn xuôi chất lượng, miệt mài tìm tòi đổi mới của thế hệ 7X.
Riêng tôi, văn Nguyễn Vĩnh Nguyên khiến tôi nhớ bắt đầu từ “Năm mười mười lăm hai mươi” (2005). Tôi đọc tập truyện này vào thời điểm mới tốt nghiệp đại học. 19 truyện ngắn như 19 phiên bản người trẻ nhập – môn – với – đời, đập thẳng vào não trạng.
Cảm nhận được Nguyễn Vĩnh Nguyên không chỉ viết cho thế hệ anh mà cả thế hệ tôi, hay đúng hơn là bất kể thế hệ nào từng đi qua tuổi trẻ. Cuộc sống ngoài kia không lấp lánh hồng như sách vở đã vẽ ra, như trong trí tưởng nhiều mơ mộng hão huyền đã nghĩ. Giọng văn Nguyễn Vĩnh Nguyên mạnh, gấp, bạo liệt, gồ ghề.
Khía vào người đọc. Nguyễn Vĩnh Nguyên điểm huyệt cuộc sống sắc, sâu, thậm chí phát sợ. Nhà văn Hồ Anh Thái gọi đấy là cách anh tạo ra “dư vị của cảm giác”: “Đọc xong rồi mà cảm giác từng truyện vẫn bám chặt lấy tâm trí (…). Các chi tiết đều được chọn lọc nhằm gây ấn tượng mạnh. Làm được như vậy không dễ, cái đời thường hỗn tạp bao giờ cũng có xu hướng lái ngòi bút nhà văn theo hướng phơi bày dàn trải. Chỉ cần thiếu bản lĩnh, thiếu tỉnh táo, thiếu tài năng nữa, văn chương sẽ bị hiện thực đời sống ngổn ngang ấy lái đi theo hướng tham lam, cái gì cũng có mà rốt cục chẳng để lại một ấn tượng”.
Chính tập truyện “Năm mười mười lăm hai mươi” này, Nguyễn Vĩnh Nguyên đã gửi tham dự cuộc thi văn chương khá uy tín, là nơi “khai quật” nhiều tác giả trẻ và tạo bệ phóng cho họ bước vào làng văn. Tập truyện được đa số giám khảo đánh giá là hay nhất. Nhưng rốt cuộc ban tổ chức đã gác lại với lý do viết về người trẻ/ cho người trẻ mà cái nhìn… âm u quá. Từ chỗ xứng đáng ngôi “hoa hậu”, tập truyện phải đứng… ngoài giải, cho… an toàn.
Một tập sách mới của nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên.
4. Sau “Năm mười mười lăm hai mươi”, lối đi của Nguyễn Vĩnh Nguyên rõ hơn, bằng các tập truyện “Khu vườn lưu lạc” (2007), “Động vật trong thành phố” (2008), rồi “Ở lưng chừng nhìn xuống đám đông” (2011). Truyện ngắn của anh không nệ thực. Hiện thực chỉ còn như những đinh vít nhỏ, như cái khung rỗng để Nguyễn Vĩnh Nguyên treo tâm trạng nhân vật lên. Trò chơi thoát ly hiện thực trong nền hiện thực.
Lạ hóa thói quen. Lạ hóa điều cũ kĩ. Nguyễn Vĩnh Nguyên làm trình diễn, làm sắp đặt trong thế giới tâm tưởng của anh, liên hoàn các cuộc khảo sát nội tâm, cật vấn các vấn đề/ hiện tượng trong xã hội đương đại. Trăn trở nhiều. Nghiêm cẩn nhiều. Nhưng không thiếu khôi hài.
Trong lúc người đọc đinh ninh Nguyễn Vĩnh Nguyên đã xác quyết được lối đi, đùng cái, anh viết cho thiếu nhi. Hài hước. Trong sáng. Thế giới tự nhiên vô cùng đẹp. Đấy là “Đi tìm hoang dã” (2010), “Câu chuyện về hai con bò khù khờ thích triết lý!”.
Nói như nhà báo Văn Bảy, là “Nguyễn Vĩnh Nguyên lùa hai con bò vào triết học”, lùa rất duyên, không đau đầu và “khô” như bản thân mọi người mặc định về “món” này. Tôi vẫn nghĩ, “Đi tìm hoang dã” đáng lẽ phải được chào đón và tạo hiệu ứng nhiều hơn như nó đã có mới là… công bằng.
Rồi trong lúc người đọc đinh ninh Nguyễn Vĩnh Nguyên đang say truyện ngắn, đùng cái, anh tung ra tập tạp văn “Giỡn với số” (2006) nóng hổi hơi thở thời đại công nghệ thông tin. Hấp dẫn hơn nữa là tập tạp văn về thế giới đồ vật, hiện tượng đời sống trong xã hội Việt Nam đương đại với cái tên dài ngoằng chẳng thể lẫn vào đâu, là: “Tivi, xe máy, nhạc chế, chày cối, karaoke, tăm xỉa răng và những thứ khác” (2012) và “Những đồ vật trò chuyện cùng chúng ta” (2014). Sách của một người đọc sách. Tản văn/ tiểu luận của Nguyễn Vĩnh Nguyên nhiều thông tin, giàu kiến thức. Anh như người đọc sách giùm, khái quát giùm, tổng hợp giùm. Đọc tạp văn của anh là được “nạp” theo đúng nghĩa của từ này, đảm bảo không bổ ngang cũng bổ dọc.
Lại nữa, trong lúc người đọc đinh ninh Nguyễn Vĩnh Nguyên lý trí, đùng cái, anh tung ra tập tản văn “Với Đà Lạt, ai cũng là lữ khách” (2014) mềm và mướt như bảng lảng sương khói nơi đây. Đất, rồi người, rồi cảnh sắc Đà Lạt được Nguyễn Vĩnh Nguyên vén dần ra qua từng trang văn tràn xúc cảm, đẹp nao lòng.
5. Khi nói về nghề viết, có lần Nguyễn Vĩnh Nguyên chia sẻ, điều anh quan tâm nhất là kiếm tìm cái mới. Anh nói: “Chúng ta chứng kiến những cái mới tạo nên lịch sử văn học và cũng cay đắng nhận ra có không ít những “cái mới” thải rác vào lịch sử văn học. Nhưng tôi nghĩ, dù cho đó là những thứ phế bỏ – sản phẩm của những nỗ lực tìm kiếm bất thành – thì cũng đáng được trân trọng hơn việc người ta cứ chấp nhận đi theo những lối mòn nát dấu chân người, coi sáng tác là một quán tính, bị chi phối, khống chế bởi các quy phạm cũ kỹ, không có mưu cầu tạo ra một sự đổi thay nào”.
Tôi hình dung con người và văn chương Nguyễn Vĩnh Nguyên được tượng hình như quy trình rèn dao của bác thợ rèn lão luyện. Đầu tiên được nung nóng ở mảnh đất có nhiệt độ trung bình cao nhất nước là Ninh Thuận, sau đấy làm lạnh ở nơi có nhiệt độ trung bình thấp nhất nước là Đà Lạt, ra “thành phẩm” thì được khẳng định ở môi trường Sài Gòn nhiều thử thách nhất. Quá trình con – dao – văn – người Nguyễn Vĩnh Nguyên đi tìm cái mới trong văn chương là như vậy. Và ở đấy, anh chọn cách “xăm xăm băng lối vườn văn một mình”.
Theo Văn Thành Lê – Văn nghệ công an