Nguyễn Việt Hà viết những lời cay đắng về Hà Nội trong cuốn tiểu thuyết mới, như một cách xót xa cho những nét đẹp đã bị mất đi

Trong buổi tọa đàm mang tên “Hà Nội của Hà” diễn ra tối 7/1 tại L’Espace Hà Nội, Nguyễn Việt Hà kể những câu chuyện gắn bó với Hà Nội trong văn chương, trong đời sống của mình.

Là người ngại xuất hiện trước đám đông, Nguyễn Việt Hà cho biết, đã 10 năm qua, giờ anh lại mới ngồi ở Hội trường Trung tâm Văn hóa Pháp với vai trò diễn giả. Dù có ba tiểu thuyết được đánh giá cao, những tập tản văn nhiều lần tái bản, anh chỉ tóm tắt sự nghiệp viết lách của mình một cách ngắn gọn: “Như nhiều người viết, trước khi đến với tiểu thuyết tôi đã sáng tác truyện ngắn. Trước đây, tôi có truyện ngắn được giải nhì một cuộc thi trên Tạp chí Sông Hương. Đó là giải thưởng duy nhất của tôi. Sau đó tôi cũng viết tản văn. Với tôi tản văn như là một thứ nháp tay, tác phẩm lẻ. Mọi người hay nói trong tác phẩm của tôi có chất Hà Nội gì đó. Tới gần đây khi Nhà xuất bản Trẻ in lại các đầu sách cho tôi, tôi xem thì thấy có một Hà Nội xuyên suốt”.

Nhà văn Nguyễn Việt Hà

“Hà Nội thật ra chẳng của riêng ai. Nhưng trong từng người, Hà Nội lại có từng ý riêng, cách nhìn và tình cảm riêng với mảnh đất này” – Nguyễn Việt Hà trả lời khi được hỏi “Hà Nội của Hà là gì?”. Với Nguyễn Việt Hà, Hà Nội đâu chỉ là quê hương, là nơi gắn bó về tâm hồn, mà còn là một đề tài cho các sáng tác: “Hà Nội là một đề tài miên viễn, thời thượng. Tôi may mắn khi viết về đời sống thị dân ở đây”.

Trong các tác phẩm của Nguyễn Việt Hà, nhất là trong tiểu thuyết mới Ba ngôi của người, Hà Nội hiện lên xấu xí, nhốn nháo. Tác giả viết: “Nhà nghỉ nhiều nhan nhản đã làm cho Hà Nội trở nên một con đĩ thập thành”; “Hà Nội bây giờ thì buồn quá, nó không quá nghèo nhưng vô đạo và ít học”; hay “Thành phố đang loay hoay tha hóa”.

Viết vậy bởi Nguyễn Việt Hà – một người thuộc thế hệ 6X của phố cổ – đã quá gắn bó với mảnh đất này. “Khi nhớ, lẽ thường, người ta vẫn nhớ về những gì đẹp đẽ. Để rồi, con người ta đâu dễ tránh khỏi những cảm thức xót xa khi những điều tốt đẹp đó không còn trong hiện tại. Cũng bởi vậy, diễn ngôn của tôi đôi khi có chút cay đắng, câu chữ có phần chua ngoa” – Nguyễn Việt Hà nói. Họa sĩ Lê Thiết Cương – người bạn thân của Nguyễn Việt Hà – nhận định: “Nếu đọc Ba ngôi của người, độc giả cảm thấy buồn, thì đã hiểu được Nguyễn Việt Hà. Bởi đúng là anh ấy buồn khi viết về những cảnh huống ấy của Hà Nội”.

Hà Nội trong văn của Nguyễn Việt Hà là vậy, còn trong đời thực, mảnh đất này không chỉ là nơi gắn bó về mặt địa lý, mà còn là nơi gắn chặt tâm hồn của anh. Tác giả Cơ hội của Chúa sinh ra tại phố Nhà Chung, anh cho biết cách đây bốn năm mới đi tới và biết sông Tô Lịch. Cũng bởi loanh quanh ở quận Hoàn Kiếm nên anh tâm sự: “Những người Hà Nội tôi hay gặp là những người buôn bán. Nhưng họ hiển lộ chất gì đó rất riêng. Từ quan niệm nuôi con cái, văn chương, chính trị, buôn bán đều có gì đó rất riêng. Điều này được thể hiện qua nhân vật mẹ của Kun trong Ba ngôi của người“.

“Quê hương với mọi người là sông. Nhưng Hà Nội của tôi là một cái hồ”. Nguyễn Việt Hà nói và chia sẻ anh gắn bó với hồ Gươm tới mức “một cái hồ thân thiết mà bị dung tục đi thì mình rất xót xa. Hồ Gươm như bây giờ cũng được, nhưng nếu có gì đó xảy ra thì tôi rất đau lòng”.

 

Theo Lam Thu – Vnexpress.net

Exit mobile version