Nếu để nói một điều gì đó về Nguyễn Văn Học, có lẽ đó chính là sự chân thực đến róng riết, bạo liệt trong đời sống và trang viết. Cuộc đời đã trút vào anh bao nỗi cực nhọc, éo le để rồi sau tất cả anh lại xách ba lô mà đi, cầm bút lên mà viết. Vừa qua anh đã cho ra mắt tập truyện ngắn “Bình minh lúc nửa đêm” cũng là tập sách thứ 20 trong gia tài tác phẩm đồ sộ so với tuổi 30 đầy sung sức.
Nhà văn trẻ Nguyễn Văn Học
Ám ảnh về những kiếp “hoa giang hồ”
Có thể nhiều người sẽ ngạc nhiên khi đối diện với dáng dấp thư sinh, khuôn mặt hiền lành, thuần chất như cái tên cha sinh mẹ đẻ của Nguyễn Văn Học và nghe anh thổ lộ: “Mình từng làm ở nhà nghỉ, quán karaoke…”. Tuy nhiên, nếu để ý một chút thì sự trùng hợp từ tên gọi các tập sách anh đã xuất bản như: “Những cô gái bất hạnh”, “Gái điếm”, “ Hoa giang hồ”… đã ngầm hé mở chút gì đó về số phận đặc biệt của cây bút này.
Khác với nhiều văn sĩ thường cố khỏa lấp những câu chuyện riêng tư, cuộc sống của chính mình, Nguyễn Văn Học thành thật đến hồn nhiên. Anh không quen giấu diếm, che đậy sự thật. Tốt nghiệp trường trung học nghiệp vụ, cầm trong tay tấm bằng đi xin việc, anh được giới thiệu vào một… nhà nghỉ với công việc đầu tiên là dắt xe, dọn phòng, nấu cơm.
“Ở đó, có những cô gái hơn tôi nhiều tuổi cũng vẫn gọi tôi bằng anh. Có ông chủ nhà nghỉ khi biết tôi hí hoáy cầm bút thường vỗ vai: “Cậu đừng viết về ai ở đây nhé”… Thế mà không ít tác phẩm đã được tôi viết trong lúc ngồi trực hay những đêm khuya ngồi một mình trên tầng tum, trước trang giấy trắng. Những lúc ấy, tôi thường nhìn về quầng sáng ở trung tâm Hà Nội rồi ao ước tìm được một công việc tử tế nào đó”, tác giả tập truyện “Những cô gái bất hạnh” tâm sự.
Sống trong môi trường nhiều cám dỗ, Học đã giữ vững quan điểm của một anh chàng “nhà quê” là kiếm tiền gửi về cho bố mẹ nuôi các em, không dính dáng đến chơi bời. Anh thấm thía điều đó từ năm lên 10 tuổi, phải làm lụng như trụ cột gia đình đỡ đần bố mẹ nay ốm mai đau, em út đông đúc, nheo nhóc, nhà lại có bà nội bị bệnh tâm thần… Tất cả cảnh sống túng quẫn ấy lặp đi lặp lại trong ngôi nhà vách đất xiêu vẹo và những nỗi đau không thể tả thành lời.
Hình ảnh khiến anh xót xa cho đến tận bây giờ đó là cả một vùng quê ở làng Thành Lập (Phú Xuyên, Hà Nội) trồng rau, những người nông dân trầy trật gánh nước, chăm bón và bòn mót từng đồng tiền lẻ. Học nuôi nấng ước ao cầm bút từ ngày ấy, viết như một sự sẻ chia, một niềm an ủi.
Hay sau này, anh vẫn giữ liên hệ với một số người ngày xưa làm nghề “bán phấn”,. Cả khi đã là một nhà báo, Học cũng gặp họ, có người lại trở thành bà chủ nhà nghỉ, thậm chí thuê hai cơ sở để làm. Anh khuyên: “Chị về nhà làm việc khác thôi, cho con cái được nhờ”. Chị ta không nghe, Học buồn não nề.
Sau này, trong chính môi trường tưởng như phức tạp như nhà nghỉ, quán karaoke… lại là cái nôi để những tác phẩm của anh ra đời. Truyện ngắn và tiểu thuyết của Nguyễn Văn Học thời điểm ấy chủ yếu bắt nguồn từ số phận những người đàn bà “đứng khóc”, sau những lần “cởi áo lau son phấn” là bao góc khuất, ê chề và đau đớn. Nhiều lần, Nguyễn Văn Học đã rơi nước mắt cho nhân vật trong truyện của mình, cũng chính là khóc cho những thân phận mình đã từng biết rõ. Anh kể, chính anh đã đưa một cô gái ra khỏi nhà nghỉ, xin cho cô công việc nhưng rốt cuộc “hoa giang hồ” lại “ngựa quen đường cũ”. Hỏi Nguyễn Văn Học: “Anh thương vay khóc mướn như vậy, có bao giờ khóc cho chính mình không?”, anh thành thật: “Có đôi lần, trong đắng cay, tủi cực. Ví như hai năm tôi làm ở quán karaoke, ngoài công việc chính thì chủ quán còn giao luôn cho nhiệm vụ nuôi chó, chăm chó, đưa chó đi chơi nhưng cậu ấm chủ nhà thì coi mấy con chó đó đáng giá hơn mấy đứa nhân viên quèn như tôi”.
“Khi vết thương nằm xuống”
Còn nhớ, cách đây dăm năm, tại những hội chợ sách, độc giả đã xếp hàng dài để mua các tác phẩm của Nguyễn Văn Học. Cùng thời điểm ấy xuất hiện nhiều luồng dư luận trái chiều. Người thì nghi ngờ sao cây bút này lại viết nhanh, viết khỏe đến thế? Liệu các tác phẩm có đảm bảo chất lượng hay không? Người thì ghi nhận, trân trọng những gì anh đã viết. Nguyễn Văn Học khi ấy thì cứ thản nhiên lăn lóc vào đời sống, bám riết vào những chi tiết đời thực để diễn tả nỗi đau của bao kiếp người khốn khổ để thai nghén tác phẩm.
Sau thời gian trầy trật, lăn lộn trong những “ổ chứa cạm bẫy”, Nguyễn Văn Học khăn gói quyết tâm ôn thi và đỗ vào Khóa 8 Trường Viết văn Nguyễn Du. Những ngày tháng ở đây, bạn bè thấy anh vẫn nhận việc làm thêm, đi lại như con thoi và các tác phẩm đủ thể loại từ tiểu thuyết, truyện ngắn, tạp văn, bút kí, phóng sự… vẫn nối tiếp nhau ra đời trong căn phòng trọ chật hẹp, chiếc máy tính lỗi thời được mua thanh lý với nỗi ám ảnh về bao nhiêu số phận vẫn đang tơi bời sống ngoài kia.
Sau tiểu thuyết “Bão người” lọt vào chung khảo cuộc thi tiểu thuyết 2008-2010 của Hội Nhà văn Việt Nam, gần đây nhất, Nguyễn Văn Học tiếp tục cho ra đời tập truyện ngắn “Bình minh lúc nửa đêm”. So với trước kia, loạt tác phẩm này đã chệch hẳn với quỹ đạo mà anh đã đi, những đề tài mà anh đã viết. Với đề tài xoay quanh những mối quan hệ gia đình, xã hội trong đời sống hiện đại luôn phức tạp với biết bao cạm bẫy, lừa lọc, giả dối, “Bình minh lúc nửa đêm” đã tạo được dấu ấn với độc giả.
“Chính những đổ vỡ, mâu thuẫn trong xã hội đã thôi thúc tôi cầm bút. Tôi viết ngay cả trong những điều kiện nắng nóng gắt gao. Là một người cầm bút, tôi gửi gắm vào những tác phẩm đó hi vọng nhiều người đọc được. Qua đó để mỗi người cần phải cố gắng, có trách nhiệm làm cho xã hội tốt đẹp hơn, nhân văn hơn. Và phần nào giúp cho xã hội bớt cái xấu, nhân lên cái đẹp, giảm cái bất trắc. Đó là thông điệp của tôi”, Nguyễn Văn Học chia sẻ. Nói về những dự định sắp tới, nhà văn trẻ tiết lộ, anh quan tâm đến đề tài về Tôn giáo bởi con người cần có đức tin, lòng tin. Một khi suy kiệt đức tin, thì sẽ sinh ra nhiều trái ngang, nhiều việc làm lầm lỡ.
Sau bao năm mưu sinh ở phố phường, chuyển hết phòng trọ này sang phòng trọ khác, bây giờ niềm hạnh phúc của nhà văn trẻ này là đón đứa con ra đời – kết quả của mối tình từ thời sinh viên. Niềm vui trong ánh mắt và những lối rẽ bất ngờ trong tác phẩm của Nguyễn Văn Học khiến người ta tin rằng “Khi vết thương nằm xuống” sẽ là những giá trị sống được chắt lọc trong đớn đau và nỗi niềm thành thật như những vần thơ anh viết năm nào: “Tôi tìm mình trên nắng vàng sỏi cát/ Được ngày xanh cho đến kiệt cùng”.
Theo Lữ Mai