Nguyễn Trương Quý gọi việc giao lưu, ra mắt sách, đăng đàn, lập ngôn… của nhà văn thời nay là “làm màu”, nhưng với nghĩa trung tính, không tốt cũng không xấu. Anh vừa tham gia một cuộc “làm màu” dài ngày như thế ở Malaysia.
Sự kiện mà Nguyễn Trương Quý (tác giả nhiều tản văn, truyện ngắn về Hà Nội và đời sống đô thị) tham gia là The Cooler Lumpur Festival 2014 vào tháng 6 ở thủ đô của Malaysia, chơi chữ “Cooler Lumpur” gần giống với “Kuala Lumpur”.
Đây là một chuỗi sự kiện về ý tưởng, với sự góp mặt của các nhà văn, đạo diễn, blogger người Malaysia, Philippines, Hong Kong, Anh, Ireland… Họ đến từ 2 lĩnh vực văn học và điện ảnh. Bởi theo quan điểm của nhà tổ chức, văn học và điện ảnh là hai ngành nghệ thuật có tính xã hội học rõ nét, nói lên nhiều điều về xã hội đương đại. Nguyễn Trương Quý tham dự liên hoan này thông qua sự kết nối của Hội đồng Anh tại Việt Nam.
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần có cuộc trò chuyện với nhà văn Nguyễn Trương Quý nhân lần “đi một ngày đàng” này.
* Vài năm trở lại đây, các cuộc ra mắt sách, giao lưu về sách ngày càng dày đặc, trở nên phổ thông hơn bao giờ hết. Thế nên, ngoài áp lực viết hay ra, hình như nhà văn có một áp lực rất lớn là phải biết cách phát ngôn?
– Đây là thời buổi của những lời trích, lời rao mà. Khi tôi dự Liên hoan Cooler Lumpur, tôi thấy các nhà văn nước ngoài nhận thức rất rõ được rằng, một khi đã xuất hiện thì họ cần có thứ gì đó để “show” cho công chúng. Họ phải biết cách kể điều gì đó về tác phẩm của mình, về sự nghiệp sáng tác của mình sao cho công chúng chú ý, báo chí có thứ gì đó để trích dẫn. Tôi gọi điều đó là “làm màu”.
Chẳng hạn, ở Cooler Lumpur, có một nhà văn Philippines nhưng đang sống ở Canada viết về chủ đề đấu tranh cho người đồng tính và gần đây đoạt một số giải văn chương. Khi công chúng hỏi: “Nếu ở Philippines, anh có dám viết như vậy không?”, nhà văn này trả lời rằng những chủ đề như vậy còn cấm kỵ ở Philippines, anh ấy chỉ có thể xuất bản tác phẩm vì đang ở Canada. Tuy nhiên, khi tìm hiểu về chế độ kiểm duyệt ở Philippines, tôi thấy nước này được đánh giá là khá thoáng, đứng ở vị trí rất thấp trong bảng xếp hạng kiểm duyệt của các quốc gia trên thế giới. Từ đó tôi nghĩ, nhiều khi cũng có vô số cách thức để thu hút độc giả đến với tác phẩm của mình.
Nhà văn Nguyễn Trương Quý (giữa) và một số khách mời quốc tế tại Liên hoan Văn hóa Cooler Lumpur ở Kuala Lumpur, Malaysia
* Theo anh “làm màu” tốt hay xấu?
– Không tốt và không xấu. Đánh giá như vậy không cần thiết. Tôi nghĩ, làm màu có lẽ là thao tác cơ bản của nhà văn thời nay, dù các nhà văn lớp trước chưa hẳn đã nghĩ như vậy. Thời nay, nếu người viết không chấp nhận làm những thao tác đó, thì họ đã cũ mất rồi.
Tôi nghĩ quan niệm “viết cho cá nhân mình” không còn phù hợp với văn chương bây giờ. Điều đó chỉ xảy ra ở một thời đại người viết không bị vây bủa bởi truyền thông và mạng xã hội. Trong đó, mạng xã hội lại là thứ không thể ngăn cản được. Đã viết văn trong thời buổi này, người viết không thể không quan tâm đến độc giả. Mà đã quan tâm đến độc giả thì cũng là lúc các thao tác “làm màu” được thực hiện.
* Là biên tập viên sách của NXB Trẻ, anh nắm rõ về các thao tác hậu trường. Anh có ví dụ gì khác về “làm màu” không?
– Nhà văn có thể “làm màu” từ khi sách chưa in. Chẳng hạn, khi thiết kế bìa, nhà làm sách luôn yêu cầu tác giả gửi thông tin về tiểu sử và chọn một đoạn trích dẫn mà họ tâm đắc, hoặc một đoạn viết ngắn ấn tượng về tác phẩm để đưa lên bìa lót, bìa 4… Tôi đánh giá cao những nhà văn nghiêm túc làm công việc tưởng như vụn vặt này. Có những đoạn họ chọn ra, tôi cảm thấy tâm đắc. Trái lại, có những tác giả không mấy nhiệt tình, tôi cho rằng điều đó không có lợi cho chính tác phẩm của họ khi in ra.
Trả lời phỏng vấn cũng là một cách hay để giới thiệu tác phẩm. Chỉ có một vấn đề nhỏ là nhà văn thường cho rằng những gì họ muốn nói đều đã nằm trong tác phẩm, nên thường thấy khó khi được phỏng vấn. Còn trực tiếp xuất hiện ra mắt sách, làm khách mời tọa đàm, cũng được xếp vào loại “thao tác làm màu cơ bản”, nhưng thực ra lại là những việc nhà văn rất sợ (cười).
* Vì sao vậy?
– Với người viết, những buổi như thế mệt mỏi lắm. Đó là những sự kiện có tính tương tác cao, không như khi đối diện một mình với màn hình máy tính. Khi là nhân vật trong một buổi giao lưu, bạn sẽ có cảm giác: mong sao MC “chuyền cho mình một đường bóng hay”, tức gợi ra chủ đề tốt để mình phát biểu hay hơn. Cũng nơm nớp mong công chúng đến dự đông đông một chút và có phản hồi chứ đừng ngồi yên, như vậy thì buồn lắm, lại sợ đến mức lần sau chả dám xuất hiện nữa.
* Những tưởng với lớp nhà văn hiện đại, quen tương tác, thì mọi chuyện phải khác chứ. Với lớp nhà văn cuối 8X, đầu 9X ở Hội sách TP.HCM chẳng hạn, ra mắt sách gần giống như ra mắt phim, ra mắt nhạc vậy. Có ngôi sao, có người hâm mộ, nói chung khá là… showbiz.
– Thế hệ 8X, 9X truyền thông mạnh là điều đương nhiên. Họ quá quen với việc chia sẻ ầm ầm mọi thứ, hình ảnh, thông tin… Ngay cả với những nhà văn 7X mà tôi quen trong Cooler Lumpur, khi về nhà, theo dõi Facebook của họ, tôi cũng ngạc nhiên khi họ thường xuyên đăng ảnh “selfie”, ảnh chụp các hoạt động thường ngày của mình, nhưng cũng bàn luận những đề tài xã hội mà họ đang quan tâm.
Tóm lại, viết, ra sách, tạo sóng truyền thông – những điều đó không nên coi là lạ lẫm nữa. Trong thời buổi của hình ảnh và những câu status này, độc giả còn có nhu cầu mua sách rất thời thượng là để chụp ảnh “check in” nữa cơ. Những cuốn sách của các tác giả trẻ, trong đó có những tác giả ở hội sách TP.HCM như bạn nói, nếu phục vụ được nhu cầu này, theo tôi cũng là điều tốt. Bởi xét cho cùng thì giải trí cũng là một việc cực kỳ quan trọng trong cuộc sống.
Nghĩ về “căn cước văn hóa” của Việt Nam |
Mi Ly
Nguồn: Thể thao & Văn hóa Cuối tuần