Linh An
Những ngày đầu năm 2018, chúng tôi có cuộc trò chuyện với nhà văn, nhà viết kịch Nguyễn Toàn Thắng là tác giả của nhiều tác phẩm cho thiếu nhi dưới các hình thức như văn học, sân khấu, phim hoạt hình.
Lý do nào khiến anh dành phần lớn tâm huyết cho sự nghiệp sáng tác cho thiếu nhi?
Đầu tiên là bởi một lý do rất cá nhân. Tôi có một tuổi thơ tương đối êm đềm, ăm ắp kỷ niệm của hai quê nội và ngoại. Hồi ấy, tôi rất muốn kể cho bạn bè câu chuyện của mình, giấc mơ của mình, nhất là khi biết đa phần đều có tuổi thơ không được như tôi. Sau này, khi bước chân vào nghề sáng tác, những hồi ức tuổi thơ quay lại. Tôi viết cho thiếu nhi như trả nợ cho tuổi thơ của mình. Tất nhiên, làm gì cũng phải có duyên. Năm 2003, tôi gặp đạo diễn, NSND Lan Hương-“Em bé Hà Nội” khi chị cần một kịch bản thiếu nhi cho Nhà hát Tuổi Trẻ. Một tuần sau, tôi viết xong kịch bản “Trận chiến giữa rừng xanh”. Vở diễn thành công và được khán giả nhí hồi ấy đón nhận nồng nhiệt. Thành công ấy khiến tôi càng tin vào sự lựa chọn của mình.
Anh gặp những khó khăn và thuận lợi gì trong việc sáng tác cho thiếu nhi?
Tôi không gặp nhiều khó khăn. Là bởi, khi sáng tác cho thiếu nhi, tôi nhìn thế giới, tôi miêu tả cuộc sống bằng con mắt của trẻ thơ. Tôi có một may mắn là bản thân có khả năng phân thân. Vả lại, tôi cũng có nhiều kinh nghiệm giảng dạy cho thiếu nhi về văn học, về sân khấu. Tôi dạy cho thiếu nhi những kỹ thuật về sáng tác và các bé dạy lại tôi về cách nhìn thế giới, điều mà tôi cũng như nhiều người càng lúc càng kém đi do bị hạn chế bởi những hiểu biết của mình. Sáng tác cho thiếu nhi luôn là một thách thức, vì thế giới của thiếu nhi tuy trong trẻo đấy, hồn nhiên đấy nhưng cũng rất phức tạp theo cách riềng của mình. Mối quan tâm của thiếu nhi đôi khi rất lạ, và nếu chúng ta nhìn bằng lăng kính của mình thì không bao giờ giải mã được.
Với anh, điều gì là quan trọng nhất trong một tác phẩm dành cho thiếu nhi?
Tôi đặt sự hấp dẫn lên hàng đầu. Sự hấp dẫn mới đủ sức truyền tải những thông điệp của cuộc sống, những giá trị nhân văn. Sự hấp dẫn theo cách của tôi bao gồm cả cái đẹp của câu chuyện, của nhân vật. Trong những tác phẩm của tôi, ngay cả nhân vật đại diện cho cái xấu cũng phải rất dễ thương, hoặc gây cười. Chẳng hạn con Mối Chúa phá hoại trong vở kịch đồng thoại “Cậu bé khổng lồ lạc vào hang kiến” cũng là con mối bị lé, nó nhìn bên nọ thì mắt hướng sang bên kia. Vì sao, là bởi nếu tả nó dữ dằn quá độc ác quá thì sẽ gây cho các khán giả nhí cảm giác sợ hãi, ghê rợn không đáng có. Những cảnh được gọi là “bạo lực” gây xung đột trong kịch cũng phải được mềm mại hoá bằng cách màn nhảy Rap, hát hò hoặc đố mẹo. Tôi luôn cố gắng làm sao cho thế giới huyền thoại của thiếu nhi phải bí ẩn một cách trong trẻo, hấp dẫn một cách hồn nhiên. Chúng ta phải dành những thứ tốt đẹp nhất cho thiếu nhi.
Là một người sáng tác cho thiếu nhi nhiều kinh nghiệm, có khi nào anh nghĩ đến việc bồi dưỡng cho thế hệ sau?
Đó cũng là vấn đề tôi luôn trăn trở. Năm 2001, tôi dạy một lớp kịch cho Cung Văn hoá Hữu nghị Việt Xô, Suốt 4 tháng trời, tôi dạy cho các con những kỹ thuật biểu diễn, cách phân tích tâm lý nhân vật để rồi hè năm ấy, vở ca kịch “Cho trái đất mãi xanh” do tôi viết kịch bản, đạo diễn và là diễn viên chính cùngvới hơn 100 diễn viên nhí ra mắt thành công, khán giả chật kín rạp. Chỉ có điều vì lý do không có rạp cũng như không thể đi diễn xa do các tiết mục đòi hỏi có mặt tất cả các diễn viên nên chỉ diễn được vài buổi. Lúc đó, tôi và ca sỹ Minh Châu, giảng viên của Cung VHHN Việt Xô thống nhất với nhau là các thành phần sáng tạo của vở diễn phải là những người xuất sắc trong lĩnh vực của mình.
Anh vừa nói đến việc phải mời những người xuất sắc nhất cho thiếu nhi. Anh có thể giải thích lý do?
Có nhiều lý do, nhưng lý do quan trọng nhất là chỉ những người xuất sắc nhất mới khơi gợi được năng khiếu của thiếu nhi, cũng như đủ để cha mẹ các bé hãnh diện khi con mình được theo học. Việc phát hiện ra năng khiếu của thiếu nhi không phải việc dễ dàng, do mỗi bé là một thế giới riêng. Có những bé hoạt bát nhưng chưa chắc đã có năng khiếu diễn xuất, có những bé sống khép kín lại có tố chất rất tốt. Điều này, phải những nghệ sỹ bậc thầy mới phát hiện ra.
Với những gì anh đã làm, hẳn là rất uổng phí nếu anh không dạy cho thiếu nhi?
Vừa qua, tôi có tham gia dạy văn học cho câu lạc bộ ArtStar của báo Thiếu niên Tiền phong. Tôi cũng đang tư vấn cho trung tâm Moonlight Piano thuộc công ty Thiên Tường, một trung tâm đào tạo nghệ thuật cho trẻ thơ. Trung tâm này rất có tâm huyết với việc đào tạo nghệ thuật cho trẻ thơ, nhưng họ đang lúng túng trong việc thực hiện.
Lớp “Sao nhí toàn năng” của trung tâm Moonlight
Tôi đề xuất ra việc mở lớp SAO NHÍ TOÀN NĂNG, mời những văn nghệ sỹ hàng đầu như NSND Lan Hương “Em bé Hà Nội”, nhà văn Y Ban, MC Nguyễn Hữu Chiến Thắng, hoạ sỹ Lê Tiến Vượng của báo Thiếu niên Tiền phong tham gia giảng dạy các bộ môn sân khấu, MC, văn học, hội hoạ, và tôi sẽ là trợ giảng. Lớp học sẽ được mở vào khoảng giữa tháng 1 năm 2018 khi các bé thi xong, cung cấp cho các bé những kỹ năng hay nói đúng hơn là “mẹo nghề” của những tên tuổi hàng đầu. Cho tôi xin một phút dành cho quảng cáo (cười). Lớp “Sao nhí toàn năng” của trung tâm Moonlight có mong muốn là bệ phóng cho các sao nhí tương lai, dự kiến khai giảng vào 9/1/2018 tại địa chỉ tầng 2 toà nhà ANTT,26 Trần Hữu Dực, Nam Từ Liêm, Hà Nội.
Xin cảm ơn anh. Chúc anh thành công với những dự án dành cho thiếu nhi.
Depviet.net.vn
Phạm Thúy Quỳnh đưa bàid