Ngay ở lần tiếp xúc đầu tiên, tôi đã thấy Nguyễn Thị Việt Nga là người bộc trực, sôi nổi và có cá tính. Trước đó, tôi đã biết Nguyễn Thị Việt Nga qua nhiều tác phẩm: Tản văn, bút ký, truyện ngắn, thơ, phê bình văn học…của chị. Tôi hiểu chị là một người xông xáo, nhiệt huyết với văn chương và luôn muốn thử sức mình trong văn chương. Nhưng tôi quan tâm hơn cả chính là con đường dẫn đến cái gốc gác trở thành tiến sĩ văn học, nhà phê bình văn học của chị…
Rằm tháng giêng Ất Mùi (2015), tôi đã xuôi nam, làm một chuyến du xuân Tuy Hòa (Phú Yên), cho dù Ban Tổ chức Ngày thơ Việt Nam tại Văn Miếu (Hà Nội) và Hạ Long (Quảng Ninh) đã lên chương trình. Trong 2 chương trình ấy, tôi đều có suất…đọc thơ được “lên lịch” trước.
Sỡ dĩ tôi có quyết định và quyết tâm ấy là vì hai lý do. Thứ nhất, sự hấp dẫn của một vùng đất mà tôi chưa một lần đến. Thứ hai, sự hấp dẫn của đêm thơ núi Nhạn đã duy trì ba mươi mấy năm. Thêm nữa là sự gợi ý mang chất dẫn dụ của nhà thơ Mai Phương và nhà thơ Phan Hoàng. Còn bản thân tôi, cũng muốn tìm hiểu thêm nguyên do nào mà các nhà thơ người Thanh Hóa là Trần Mai Ninh, Hữu Loan, Trần Vũ Mai lại viết được những bài thơ, trường ca: “Nhớ máu”, “Đèo Cả”, “Ở làng Phước Hậu” tại Phú Yên, lại khác lạ đến vậy!
Riêng cái gió Tuy Hòa của Trần Mai Ninh đến giờ vẫn rất lạ và tạo nên ấn tượng trong tôi và nhiều người làm thơ khác: “Ơ cái gió Tuy Hòa/ Cái gió chuyên cần/ Và phóng túng/ Gió đi ngang đi dọc/ Gió trẻ lại lưng chừng/ Gió nghĩ/ Gió cười/ Gió reo lên lồng lộng…”.
Tham dự Đêm thơ Phú Yên, tôi có cảm giác: Thơ không còn là thơ, trăng không còn là trăng, tháp Nhạn không còn là tháp Nhạn, núi Nhạn không còn là núi Nhạn nữa. Tất cả như bổ sung cho nhau, hòa quyện vào nhau, nhập vào nhau, làm nên một vẻ đẹp bất ngờ, mông lung, thiêng liêng thuộc về thế giới tinh thần và chỉ ở thế giới tinh thần mới có.
“Một năm quen đến mấy trăm người/ không bằng quen một vùng đất mới” – Có một nhà thơ trước tôi đã nghĩ như vậy. Tuy cũng là người cực đoan nhưng tôi cũng không cực đoan đến thế. Tôi nghĩ: Đất và con người ở bất cứ nơi nào chẳng gắn bó, chẳng dằng dịt nhau.
Cho nên, nói đến đất là nói đến con người. Và ngược lại. Làm sao có thể tách bạch giữa đất và người, giữa người và đất ra được! Rồi trong cái khung cảnh của thơ ấy, tôi đã gặp những tấm lòng bè bạn của “Xứ Nẫu” và những tấm lòng bè bạn không thuộc “Xứ Nẫu”. Một trong những tấm lòng bè bạn không thuộc “Xứ Nẫu”, là nhà văn U40 Nguyễn Thị Việt Nga, khi ấy là Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Hải Dương.
Nguyễn Thị Việt Nga nói: “Nhân Ngày thơ Việt Nam diễn ra ở Phú Yên, tôi đến đây một phần vì thơ và một phần còn vì tình, vì nghĩa nữa. Ngay từ khi nước nhà chưa thống nhất, khi tôi chưa sinh ra, tỉnh Hải Dương đã kết nghĩa với tỉnh Phú Yên rồi. Vào đây, tôi cũng muốn làm mọi việc để tăng cường thêm sự giao lưu, gắn kết giữa Hội VHNT của hai địa phương. Tôi đến Phú Yên lần này là lần thứ hai”.
Ngay ở lần tiếp xúc đầu tiên, tôi đã thấy Nguyễn Thị Việt Nga là người bộc trực, sôi nổi và có cá tính. Trước đó, tôi đã biết Nguyễn Thị Việt Nga qua nhiều tác phẩm: Tản văn, bút ký, truyện ngắn, thơ, phê bình văn học…của chị. Tôi hiểu chị là một người xông xáo, nhiệt huyết với văn chương và luôn muốn thử sức mình trong văn chương. Nhưng tôi quan tâm hơn cả chính là con đường dẫn đến cái gốc gác trở thành tiến sĩ văn học, nhà phê bình văn học của chị.
Nhà văn Nguyễn Thị Việt Nga.
Nguyễn Thị Việt Nga bộc bạch: “Nói ra thì dài dòng lắm. Nhưng có thể vắn tắt thế này thôi. Học đến năm thứ tư Khoa Ngữ văn Đại học Sư phạm Hà Nội, khi đọc giáo trình văn học Việt Nam thấy cả “nền” văn học các vùng đô thị miền Nam trước 1975 chỉ có ít dòng: “Còn một bộ phận văn học nô dịch, đồi trụy dưới sự kiểm soát của Mỹ – ngụy ở miền Nam…” thì tự nhiên tôi thắc mắc, rồi thắc mắc ấy trở thành nỗi ám ảnh trong tôi.
Lục tìm bao nhiêu tài liệu, tôi cũng chưa tìm thấy tài liệu nào viết một cách cụ thể và thỏa đáng về những điều mình còn băn khoăn. Thế là từ đó, tôi nảy sinh ý định: Phải làm một việc gì đó để trả lời cho những thắc mắc, ám ảnh tự thân của tôi theo lối dấn thân. Luận án tiến sĩ: “Vấn đề thân phận con người trong tiểu thuyết đô thị miền Nam giai đoạn 1954 – 1975” của tôi cũng manh nha từ đó. Người xưa nói: “Bất phẫn thì bất phát”. Phải chăng, cũng có lúc tôi đã là người như vậy? Sau khi hoàn thành bảo vệ luận án này (2012), tôi bắt đầu chính thức vào nghề”.
Khó khăn và trở ngại trên con đường đến với cái bằng tiến sĩ của Nguyễn Thị Việt Nga có thể nói là thật vô vàn, chồng chất. Tất cả bắt đầu từ một con số không to tướng. Tư liệu gần như không có gì. Khu vực nghiên cứu này được coi là “vùng trống”, “vùng trắng”.
Tuy trước đó, có vài người để ý và làm vài luận văn về đặc điểm văn xuôi, lý luận phê bình và ảnh hưởng của phân tâm học đến văn học ở miền Nam trước 1975, nhưng xét về mặt tài liệu tham khảo và sự liên quan, với luận án của Nguyễn Thị Việt Nga, hầu như không có giá trị mấy. Mà cái nguyên nhân “bắt đầu từ một con số không to tướng” là do quan niệm quá ư phân biệt, ấu trĩ của một thời và một khi, đã là các tác phẩm bị liệt vào diện văn học nô dịch, văn học đồi trụy, thì làm sao được phép lưu giữ, xuất bản, tái bản nữa?
Trường hợp chúng còn ẩn náu ở đâu đó, chắc chắn sẽ bị coi là hiện tượng tàng trữ văn hóa phẩm trái phép. Chị tự nhận mình là người không được kế thừa, là người “đơn thương độc mã”, là người chấp nhận thử thách khi nhập cuộc.
Tôi nhận xét: “Vậy là Nga đã chọn đường khó mà đi rồi đó! Và có dù là đường khó, đường hẹp…thì trời và đất trên đầu mình, dưới chân mình, từ bao đời vẫn vốn thênh thang”. Nguyễn Thị Việt Nga cười cười: “Anh nói cứ như thơ vậy” và kể: “Tôi đã bỏ qua mọi quan điểm về chính trị để nhìn nhận giá trị nghệ thuật bằng cách tiếp cận tác phẩm một cách khách quan và phải hết sức nỗ lực vượt khó cùng với sự giúp đỡ của nhiều người tôi mới lần mò được vào các kho lưu trữ đặc biệt của quân đội, công an.
Tại những nơi đây, tôi phải đọc tại chỗ, ghi chép tại chỗ và đương nhiên là không được phô tô. Tôi chỉ được phép chụp ảnh bìa sách để chứng minh mình là người đã từng có văn bản trong tay trong một khoảng thời gian nào đó. Tôi còn liên hệ với nhiều bè bạn ở nước ngoài để tìm tư liệu…
Trong một môi trường làm việc đặc biệt như thế, tôi đã đọc hàng vạn trang của khoảng 500 cuốn tiểu thuyết. Bên cạnh đó, tôi còn phải đọc và khảo sát nhiều cuốn sách có liên quan khác về lịch sử Việt Nam, lịch sử triết học, triết học hiện sinh…Chưa kể tôi còn đến tận Cư xá Thanh Đa (TP Hồ Chí Minh), tỉnh Vĩnh Long…để hiểu thêm và cảm nhận thêm về không gian sống của các nhân vật trong các tiểu thuyết của nhiều nhà văn Sài Gòn trước năm 1975.
Tôi đã bỏ ra một năm để làm cái công việc chuẩn bị ấy. Đấy là thời gian, còn tiền bạc bỏ ra thì cũng không tính đếm được. Cuối cùng, với sự hướng dẫn tận tình và đầy trách nhiệm của thầy Trương Đăng Dung (Viện Văn học), luận án của tôi cũng “đi đến nơi, về đến chốn”. Khi tôi bảo vệ, cả 7/7 thành viên Hội đồng đã bỏ phiếu cho tôi điểm xuất sắc. Luận án của tôi là một trong số hiếm hoi các luận án chuyên ngành lý luận văn học đạt điểm xuất sắc tuyệt đối”.
Đến nay, Nguyễn Thị Việt Nga đã có gần 30 đầu sách ở nhiều mảng khác nhau: Truyện dành cho thiếu nhi, truyện dành cho tuổi mới lớn, tản văn, truyện ngắn, tiểu thuyết, thơ, phê bình văn học. Ở tuổi ngót nghét 40, sức làm việc như chị là rất đáng kể.
Riêng về thơ, Nguyễn Thị Việt Nga đã xuất bản 2 tập và mới đây, có một chùm thơ 5 bài rất đáng quan tâm trong tập “Ra ngõ ngóng mây”. Đó là các bài: “Cho tuổi mình 50”, “Anh đã đến phải không?”, “Đóa hoa thở dài”, “Bây giờ đã cuối tháng ba”, “Hình dung về Kafka”. Khi gặp người mình yêu mà viết được 2 câu xúc động đến thảng thốt: “Anh đã đến phải không?/ Mắt em trong như nước”, cũng không phải dễ.
Đón trước tuổi 50 mà viết: “Đã đến lúc cố quên đi tuổi tác/ Vẫn chạnh lòng trước màu áo trẻ trung/ Chuyện tình cũ chỉ nhớ mà không khóc/ Sợ một mai phải đối diện: Vô cùng”, cũng là một hình dung lạ. Ở cuối tháng ba mà viết: “Lục bình trôi ngược dòng sông/ Cuốc gào ở phía cánh đồng ngày xưa”, cũng là một tâm trạng không đơn giản. Cái chất Kafka phải ngấm vào người viết đến mức nào mới có thể bật ra những câu thơ trong một tứ thơ độc đáo như thế này:
Một ông già cô độc
Lặng lẽ đi trên đường
Gặp ai cũng bật khóc…
Mỗi người thấy ông một khuôn mặt
Mỗi người thấy ông một hình hài
Mỗi người nghe ông một giọng nói…
Giữa ảo mờ sương khói
Chỉ tưởng tượng ra cái bóng của ông lừng lững đổ xuống
Trên con đường mỗi ngày mỗi xa…
Không ai nghe thấy
Không ai nhìn thấy…
Mầm cô độc đã hóa cây cô độc
Trong khu vườn không có lối ra.
Được biết, hiện Nguyễn Thị Việt Nga đã chuyển từ chức Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật sang đảm đương một cương vị mới ở một lĩnh vực mới: Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hải Dương. Chị cũng là người hiếm hoi của giới văn học nghệ thuật trở thành “bà nghị” khóa Quốc hội mới này. Dù ở đâu, làm gì, tôi vẫn tin “người chọn đường khó mà đi” Nguyễn Thị Việt Nga vẫn giữ nguyên sự đam mê văn chương của một thời tuổi trẻ.
Theo Đặng Huy Giang – Văn nghệ công an