Thủy Nguyên – Lao động cuối tuần

 

Một dạo, Thu Huệ đi đâu cũng bị chỉ trỏ, vì… xinh, và diện (vừa viết văn hay vừa xinh xưa nay ở ta quả vẫn là sự hiếm!). Có người còn ví chị là… “Thanh Lam của làng văn” vì vẻ đẹp sắc sảo đậm đà ở chị. Một dạo, cái tên Nguyễn Thị Thu Huệ nổi như cồn trên văn đàn vì tập truyện ngắn “Hậu thiên đường” kể câu chuyện tình buồn của cô con gái mới lớn với “người đàn ông thích ăn xôi buổi sáng cho chắc dạ”, nhưng hơn hết, là lối viết sử dụng rất nhiều câu đơn đặc biệt vừa lạnh vừa “tình” ấy của chị.

“Nhà văn thường cực đoan một cách dễ thương”

Chị được bầu là Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội trong một diễn biến khá kịch tính: Từ chỗ bị sót tên trong danh sách đề cử của hội nghị cơ sở, rồi lại dành số phiếu chung cuộc tuyệt đối. Vì sao các ĐH nhà văn thường hay kịch tính ở khâu bỏ phiếu thế nhỉ?

– Đúng là ĐH nhà văn lần nào cũng kịch tính và bất ngờ. Tôi nhớ nhà thơ Hữu Thỉnh, trong một lần đại hội nhà văn Việt Nam từng nói nôm na: “Chúng ta có mặt ở đây hơn 600 nhà văn, đại diện cho hơn 600 “quốc gia”…”, mọi người cười vỗ tay. Kịch tính không chỉ ở bỏ phiếu mà còn ở tham luận bàn về giải thưởng hay những xu hướng, quan điểm sáng tác và sau đấy là bầu BCH Hội – bao giờ cũng là ba vấn đề lớn ấy. Phần lớn các nhà văn không có điều kiện gặp nhau thường xuyên, mà chỉ chủ yếu đọc và quan tâm đến nhau qua tác phẩm nên đại hội được cho là dịp để họ gặp gỡ, trực tiếp tham gia ý kiến và quyết định chuyện mình sẽ bầu ai…

Thường ra, trước thềm đại hội, mỗi người đã có sẵn trong đầu một vài cái tên, nhưng tới lúc diễn ra, chứng kiến cách điều hành đại hội, hoặc nghe một bản tham luận của người đó, họ lại đổi ý, bỏ phiếu cho người khác. Đơn giản là, ứng xử thế, nói năng thế, sao làm lãnh đạo Hội, gạt thôi! Thế nên, mỗi lần Đại hội là một lần kịch tính, có khi là thêm bạn (từng trước đó hiểu nhầm), lại có những tình bạn tan vỡ, đơn giản chỉ vì tự nhiên thấy thất vọng, chán chả muốn chơi… (cười)

Khi Chủ tịch Hội là một nhà văn nữ có nhan sắc, liệu có… dễ “thu phục nhân tâm” hơn?

– Ai thì cũng đều yêu cái đẹp. Nhưng trong giới thì lại chủ yếu quan tâm tới tác phẩm và quan niệm, đường hướng sáng tác. Hai “món” đấy chi phối cao nên yếu tố hình thức thường bị đẩy xuống sau khá xa. Mà hình như, các nhà văn nữ ngắm nhau, quan tâm đến hình thức của nhau hơn nam giới đấy! Gặp nhau là tấm tắc, tóc này được, váy có vẻ hơi dừ đấy, tươi lên đi! Béo à, giảm cân cách này chị làm rồi, hay lắm! Kem bôi da loại này được, bôi nhanh đi, nám rồi, nó mà to ra là đời tàn đấy!… Ngắm nghía khen nhau chân thành, có vẻ quan trọng hơn lúc chìa sách mới tặng nhau. Trong khi nam giới gặp phụ nữ lại hay nói về tác phẩm mà họ mới viết, hoặc một quan niệm văn chương nào đó, hoặc sùi bọt mép tức cái thằng “thơ như khẩu hiệu, sao em lại comment khen nó”…

Vậy nếu không phải là… hình thức, thì đâu là điểm mạnh của tân Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội?

– Thường tôi luôn cố gắng dung hoà các mối quan hệ, tôn trọng sự khác biệt, chân thành thẳng thắn với tinh thần xây dựng. Trong BCH, tôi ít tuổi nhất, lại là nữ, nên khả năng xảy ra “to tiếng” do tranh luận chắc không nhiều, có khi không bao giờ xảy ra, tôi mong như thế.

Nói gì thì nói, có âm có dương hay mà! Trong BCH khóa này, có hai nhà văn nữ, hóm hỉnh đùa vui đủ độ các anh chịu được, và cũng biết “rút củi đáy nồi” khi cần. Ngay cuộc họp BCH đầu tiên, chúng tôi đã nói với nhau, làm gì thì làm, trước là vì niềm tin của Hội viên đã bầu chúng ta, sau là 3 năm tới sẽ nhìn nhau thường xuyên. Phải đoàn kết và cùng làm hết khả năng, trước là vui với nhau, sau là vui với Hội viên khi ra Đại hội 13 tới…

Nhà văn, như người ta vẫn nói, là đối tượng khó “cầm cương” nhất. Vậy đâu là “gót chân Achilles” của chị?

– Nhà văn thường cực đoan một cách dễ thương. Mà tính tôi lại hay cả nghĩ. Sau mỗi việc, tôi thường hay lăn tăn nghĩ xem có khiếm khuyết gì không. Hiện chúng tôi đang hoàn thiện quy chế, điều lệ hoạt động. Thống nhất xong trong BCH, sau cứ thế thực hiện, chắc tôi sẽ không phải nghĩ là mình có sai gì không, sau mỗi quyết định.

Cùng lúc đảm nhiệm Giám đốc Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam, lại thêm công việc bận rộn ở Đài Truyền hình Việt Nam, chị lấy đâu ra thời gian chăm chút cho chức danh mới? Khi tình trạng kiêm nhiệm luôn được cho là một phần nguyên nhân làm hạn chế tính hiệu quả của BCH?

– BCH lần này ai cũng gánh khá nhiều việc, nhiệm kỳ lại chỉ có 3 năm, nên mọi người chắc khó mà sao nhãng. 8 thành viên trong BCH đều đã từng làm quản lý nên bắt tay vào việc cũng nhanh và và hiểu việc…

Hoạt động Hội chủ yếu xoay quanh giải thưởng hàng năm, sinh hoạt chuyên đề, ra mắt sách, tổ chức trại viết, đi thực tế… – tất tật đều nhằm thúc đẩy, tạo không khí sáng tác, kết nối quan hệ… Còn có tác phầm hay hay không, thì lại tuỳ vào tài năng của mỗi nhà văn.

Mạng xã hội sẽ là tác nhân tích cực

Làm Chủ tịch Hội ở vào cái thời nhà nhà chăm viết… status hơn là viết văn, chị nghĩ mình cần làm gì?

– Tôi lại nhìn chuyện này theo góc độ tích cực. Thực ra giới nhà văn luôn quan tâm tới những vấn đề của xã hội, nhưng trước đây không có facebook để chia sẻ thông tin. Phản biện lại những vấn đề nóng trong cuộc sống không xa lạ với nhà văn. Và thực tế là nhiều nhà văn xuất hiện dày đặc trên mạng xã hội vẫn ra sách đều đều. Trại sáng tác hay những chuyến đi dã ngoại vẫn nhiều người tham gia. Điều tôi trăn trở là dấu ấn thế hệ. Lâu nay, chúng ta vẫn nhắc tới những thế hệ nhà văn đi trước, cho tới gần đây nhất là 8X, trong khi hiện tại đã là 9X. Thu hút bồi dưỡng thế hệ nhà văn trẻ, trong sự kết nối với mạng xã hội – vì thế sẽ là một trong những nội dung được quan tâm.

Chị có nghĩ trong thời mạng xã hội, khi ai cũng có thể tự làm một “tờ báo” cho riêng mình để nói lên tâm tư nguyện vọng của mình thì vai trò của các hội nghề nghiệp cũng phần nào mờ nhạt hơn?

– Các hội nghề nghiệp có cách “chơi” riêng, đã và sẽ tồn tại, không mờ nhạt đi. Nhưng nếu Hội có những chiến lược nắm bắt những mặt tích cực của các cách thức truyền thông mới này thì sẽ bắt nhịp, tương tác tốt hơn với lớp trẻ và xu hướng thời đại mới.

Mẹ chị – nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Tú – từng đảm nhiệm vị trí Uỷ viên BCH Hội nhà văn Việt Nam, liệu chị có thừa hưởng được kinh nghiệm nào từ mẹ? Hay mỗi thời một khác?

– Tôi nhớ về mẹ mỗi ngày, giống như bà vẫn đang loanh quanh đâu đó bên cạnh. Khi đảm nhận vai trò quản lý Hội, tôi lại càng nhớ và soi vào cách bà ứng xử trước đây để học tập. Ngày xưa, mỗi lần thấy có chuyện gì đó xảy ra với mẹ ở cơ quan hay ngoài xã hội, tôi hay hỏi: Sao biết ông/bà ấy xấu với mẹ, mà mẹ cứ bỏ qua coi như không biết thế? Thì mẹ bảo: Khi mình không chấp nhặt, thì tự khắc người ta cũng sẽ thấy chướng để lần sau không nỡ làm xấu nữa… Hay khi lớn tuổi, mẹ thường dắt theo con dao nhỏ hoặc cái kéo con con trong túi, ra là để xắt nhỏ đồ ăn cho dễ nuốt, vì răng mẹ đã yếu. Một chuyện bị cho là “khó nuốt” hay “dễ nuốt”, đôi khi phụ thuộc vào cách chúng ta có biết “xắt nhỏ” nó ra như thế hay không…

Truyền hình hiện đang rất khát kịch bản để đáp ứng được tốc độ sản xuất phim hiện nay. Khi tân Chủ tịch Hội đồng thời là người của “nhà đài”, bản thân chị cũng từng có khá nhiều tác phẩm được dựng phim, liệu chị đã nghĩ đến một sự kết nối nào đó?

– Từ trước tới giờ, có nhiều bộ phim được làm dựa trên tác phẩm văn học và thành công. Từ khi chưa làm việc bên Hội, tôi đã rất ý thức về sự kết hợp này. Và trong tương lai, chắc chắn sẽ phát huy hơn.

Từ “Hậu thiên đường” tới “Thành phố đi vắng”…, thấy một Nguyễn Thị Thu Huệ phần nào đó trở nên lạnh lùng chua chát hơn nhưng cũng nặng tình công dân hơn. Chuyển động tâm lý đó liệu sẽ giúp gì cho chị trên cương vị mới?

– Lúc trước, tôi chưa tiết chế được cảm xúc khi viết, đôi khi bị cảm xúc kéo đi. Sau này, tôi luôn tách mình ra khỏi câu chuyện của các nhân vật, để họ tự ứng xử với thế giới xung quanh. Xã hội lúc này ngày càng nhiều những kiểu người “đa nhân cách” với những thay đổi khó lường. Nhất là yếu tố kỳ ảo, hư hư thực thực là điều tôi thấy hàng ngày. Truyện tôi viết về sau vì thế cũng đa chiều đa nghĩa hơn. Một phần có thể còn do tuổi tác và sự thay đổi tự thân, cách nhìn nhận sự việc xung quanh không còn đơn giản như ngày 20 tuổi nữa…

Tương tự, cư xử trong đời sống hay công việc cũng trở nên có trách nhiệm và mềm dẻo hơn. Cùng một sự việc, có khi lúc trước chắc là sốc và tức giận lắm, giờ thì bình tĩnh cho qua, khi thử đặt mình vào hoàn cảnh của họ, để lý giải tại sao họ làm thế…

Chị có lo rằng những đầu việc kia sẽ dần choán hết con người sáng tác của chị?

– Tôi lâu nay tự cân chỉnh được. Viết, đọc, xem phim… là những việc không gì ngăn tôi được. Hoá ra, càng bận, tôi càng phát hiện ra khả năng của con người khá vô tận. Cứ làm với tinh thần tập trung cao độ, sẽ xử lý được tương đối nhiều việc. Nếu cùng thời gian đấy không làm gì rồi ngày tháng cũng qua mà! Cách tiêu thời gian thế nào quyết định giá trị sống của chính mình thế đấy. Làm gì cũng được, miễn đừng ngồi không và than vãn, vì kiểu gì thì ngày cũng qua và đời cũng hết…

Xin cảm ơn chị!

Phạm Thúy Quỳnh đưa bài