Chị không phải là nhân vật quá nổi tiếng trong làng văn. Chị cũng không ưa xuất đầu lộ diện trong các cuộc tranh cãi, hay phát ngôn về văn chương. Nhà văn Nguyễn Thị Anh Thư chọn một tâm thế dấn thân khác, miệt mài, lặng thầm với những trang viết, những con chữ. Đó là cách chị được sống trọn vẹn với văn chương.

1.Chị kể, trên đường đến trò chuyện với tôi, cứ băn khoăn mãi về một điều, đời chị tròn trịa thế, giản đơn thế, thậm chí “nhạt” thế, có gì để viết nhỉ. Tôi chỉ cười, cuộc đời, không phải cứ hao khuyết, cứ tổn thương, thì mới có cái đáng viết. Nhà văn, có thể viết về những nỗi đau, những đổ vỡ. Nhưng cuộc đời họ lại rất bình yên. Những trang viết ám ảnh chính là những trang viết đã vượt thoát khỏi đời sống, câu chuyện riêng của một cá nhân, chạm đến nỗi đau của nhiều người. Đó là lý do tồn tại của văn chương. Đời chị bình yên, có gì đó… bình lặng.

Theo cách nghĩ của nhiều người, khi họ muốn cuộc sống phải nhiều màu, phải tung phá, cựa quậy. Còn Anh Thư, ngay từ đầu chị đã lựa chọn một đời sống yên ả, một tâm thế bình thản trước mọi biến chuyển của đời sống này. Bởi chị không ảo tưởng về cuộc sống, và hơn nữa, chị không ảo tưởng về chính mình. Ở chị, có sự chỉn chu, tỉnh táo của một người viết thấu mọi lẽ được mất của đời sống, thấu mọi lẽ, danh vọng trên đời cũng chỉ là phù du mà thôi.

Nhà văn Nguyễn Thị Anh Thư.

Anh Thư chọn một góc riêng, trong thế giới văn chương xô bồ và không kém phần ồn ã, miệt mài với những trang viết của mình và của các bạn văn. Chị tự nhận mình không phải là người hoạt ngôn, không ưa những điều đao to búa lớn. Anh Thư lặng lẽ với những trang viết, những thân phận người nhỏ bé trong đời sống xã hội. Bạn đọc vẫn gọi những trang viết của chị như những vết thương tâm hồn, những va đập, tổn thương trong đời sống đô thị nhọc nhằn. Những vết thương mà phải sống thật chậm, sống kỹ mới cảm nhận được nó.

Những truyện ngắn của chị, viết từ thập niên 90 của thế kỷ trước vẫn được các nhà sách in đi in lại trong các tuyển chọn truyện ngắn hay. Và quan trọng, nó vẫn còn mang hơi thở nóng hổi của đời sống hôm nay. Một “Không nhan sắc” với cái kết sắc lẻm, bất ngờ về những thân phận phụ nữ không nhan sắc và những niềm tin bị đánh cắp trong cuộc đời. Một “Đầu thai dưới bóng hỷ tinh” viết về người hiến tạng, về nỗi bừng ngộ kinh hoàng về luật đời của một gã đàn ông mang chính trái tim của con trai mình trong lồng ngực mà không hề biết… Và nhiều câu chuyện ngồn ngộn hơi thở của đời sống.

Hơn 30 năm nay, nhà văn Nguyễn Thị Anh Thư vẫn chung thủy với một hành trình từ nhà đến 65 Nguyễn Du,  trụ sở Nhà Xuất bản Hội Nhà văn; nơi chị gắn bó từ ngày ra trường, tập tọng những trang viết đầu tiên. Lúc đó, chị chỉ nghĩ, được làm việc với sách vở, đối với một cô bé mê đọc sách, cả tuổi thơ chìm trong thư viện sách như chị là một hạnh phúc. Cuộc sống là những lựa chọn. Nhà văn Nguyễn Thị Anh Thư may mắn khi chị lựa chọn con đường bằng niềm đam mê của chính mình.

Ngày đó, tốt nghiệp khoa văn Đại học Sư phạm Hà Nội, về làm hợp đồng ở Nhà xuất bản Hội Nhà văn, Nguyễn Thị Anh Thư may mắn gặp nhà văn Nguyễn Minh Châu. Hồi đó, nhà văn Nguyễn Minh Châu mang bản thảo “Mảnh đất tình yêu” đến nhưng phải xếp hàng dài chờ đánh máy. Chị may mắn được trò chuyện và giúp ông đánh máy tác phẩm đó. Rồi, một lần, Anh Thư rụt rè mang truyện ngắn chị mới viết “Những phút giây cho cuộc đời” nhờ nhà văn Nguyễn Minh Châu đọc: “Cháu không muốn đi một con đường sai lầm từ bé, nên nhờ chú đọc xem cháu có khả năng văn chương không. Nếu có, cháu sẽ đi tiếp. Còn không, cháu sẽ vào TP Hồ Chí Minh làm kinh tế”.

Lúc đó, có một công việc khác đã chờ sẵn chị trong Sài Gòn. Mấy hôm sau, nhà văn Nguyễn Minh Châu sang và nói: “Cháu hoàn toàn có thể đi theo con đường văn chương, nhất là viết về tâm lý. Cháu nên viết thế sự chứ đừng viết thời sự…”. Nhà văn Nguyễn Minh Châu đã gửi truyện ngắn đó sang Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Sau đó truyện được đăng và chị được giải truyện ngắn hay trong năm. Một niềm hạnh phúc ngập tràn trong tâm hồn cô bé Anh Thư.

Từ sự khích lệ của nhà văn Nguyễn Minh Châu, Anh Thư đã đi tiếp con đường văn chương của mình. Chị nói dù có lúc mệt mỏi, dù có những nhọc nhằn, nhưng chị chưa bao giờ ân hận với lựa chọn của mình. Còn tôi nghĩ, câu chuyện với nhà văn Nguyễn Minh Châu như là một cú hích cho hành trình văn chương của chị, để chị thêm kiên định trên con đường của mình mà thôi. Bởi nghiệp văn đã gắn vào đời chị, thì dù chị có làm nghề gì đi nữa, chị cũng vẫn nặng nợ với nó cả đời.

2. Chị bây giờ là Phó Tổng biên tập Nhà xuất bản Hội Nhà văn. Chị không phải là người lựa chọn sự an toàn. Nhưng sự gai góc để được chấp nhận, giống như người đi trên dây, từ đỉnh núi này qua đỉnh núi khác, nếu không vững, sẽ trượt xuống vực thẳm. Với một người chung thủy với nghề như chị, thì đó là một nỗi trăn trở. Tôi thấy chị luôn bận rộn, cắm cúi với hàng chồng bản thảo. Thời gian hành chính ở cơ quan không đủ, chị lại mang về nhà, lọ mọ thức đêm. Có khi đến 1, 2h sáng. Chị yêu công việc biên tập, chị nói về nó như một niềm say mê.

Tôi không hiểu tại sao trong thời buổi kinh tế thị trường, mọi người chạy đuổi, lao theo số lượng vẫn có một nhà văn đắm đuối với nghề biên tập đến thế. Nhà văn Phạm Quang Đẩu đã nói đùa rằng chị là “sinh vật tiền sử còn sót lại”. Còn tôi, tôi tìm thấy ở chị bóng hình của một biên tập viên ngày xa xưa, cẩn trọng, tận tụy, tỷ mẩn với từng con chữ. Họ như một bà đỡ tinh thần đầy trách nhiệm cho những sáng tạo của nhà văn, điều rất thiếu trong đội ngũ biên tập trẻ hôm nay.

Anh Thư nói về nghề như lên đồng, với tất cả niềm say mê của mình. Với chị, đó là một hạnh phúc. Hạnh phúc được làm bà đỡ cho các tác phẩm, được các nhà văn tin yêu, gửi gắm đứa con tinh thần của mình cho chị. Và cũng ở đó, chị có khoảng thời gian tĩnh tại để dành cho những trang viết.

Nghề biên tập đã mang lại cho chị rất nhiều kỷ niệm. Chị là bà đỡ mát tay nhưng khó tính của nhiều nhà văn lớn. Họ tin quý chị, bởi một người làm nghề kỹ lưỡng. Họ tin quý, bởi sự khảng khái, thẳng thắn mà chị dành cho những trang bản thảo.

Lần đầu tiên đọc truyện ngắn “Quyên” của nhà văn Nguyễn Văn Thọ, chị đã khuyến khích ông viết thành tiểu thuyết. Bởi chị cảm nhận một nội lực rất lớn từ truyện ngắn đó, có thể phát triển thành tiểu thuyết. 8 năm sau, nhà văn Nguyễn Văn Thọ đến và đưa cho chị tiểu thuyết “Quyên”. Vừa mới đây, khi đang viết dở 10 chương cho một tiểu thuyết mới, nhà văn cũng nhắn nhe sẽ nhờ chị biên tập.

Trò chuyện với chị, những câu chuyện không dứt về nghề biên tập, về những kỷ niệm, chị nói về nó một cách say mê, như máu thịt vậy. Chị kể cho tôi nghe câu chuyện về nhà thơ Đồng Đức Bốn và tập bản thảo của ông. Hồi đó, ông mang đến cho chị một tập hợp  gồm 100 bài thơ lục bát, có lời giới thiệu trang trọng của nhà thơ Trần Đăng Khoa và nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. “Hồi đó tập thơ đã ra đến bản can, nhưng đọc xong, tôi vẫn gạch bỏ 50 bài. Nhà thơ Đồng Đức Bốn rất tức giận, vì in lại bản can tốn nhiều tiền. Hơn nữa, lúc đó ông là người nổi tiếng, lại bị một biên tập viên gạch bỏ thơ mình không thương tiếc như thế, chắc hẳn ông tự ái lắm. Nhưng tôi nói với ông rằng, tôi làm là vì ông, một nhà thơ từng giật nhiều giải thưởng liên tiếp như ông, tại sao tập thơ trước ông ra lại không được ai để mắt tới? Hẳn là ông đã tham mà độn quá nhiều. Tại sao ông không biến tác phẩm của mình thành ngọc! Ông ham dày để làm một viên ngói ư…”.

Chị viết 4 mặt giấy A4 để nhận xét, đánh giá về tập thơ. Nhà thơ Đồng Đức Bốn cầm bản can đã bị gạch nát ra về. Tận 2 năm sau, ông quay lại đồng ý in theo bản biên tập của nhà văn Nguyễn Thị Anh Thư. Tập thơ đó của nhà thơ Đồng Đức Bốn sau này được giải thưởng Hội Nhà văn. Mấy năm sau, tháng 7/2005, khi biết tin mình bị ung thư, nhà thơ Đồng Đức Bốn mang đến nhà xuất bản một bao tải bản thảo và giao cho Nguyễn Thị Anh Thư, nhờ chị tập hợp làm một cuốn sách để đời. Các con ông không ai biết gì về văn chương. Ông sợ sau này tất cả tác phẩm của ông sẽ thành tro bụi.

Chị lại lọ mọ mang về, đọc, sắp xếp và tập hợp lại thành một cuốn sách để đời cho nhà thơ Đồng Đức Bốn “Chim mỏ vàng và hoa cỏ độc”. Chị nhớ, hôm đó là 26 tết, ông chống nạng, nhờ cậu con trai dìu đến nhà xuất bản để tặng bằng được chị, bà đỡ cho cuốn sách cuối đời của ông. Hơn một tuần sau, vào ngày 14 tháng 2 năm 2006 ông mất.

Nhiều câu chuyện xúc động gắn với cuộc đời hơn 30 năm làm nghề biên tập của chị. Tôi hỏi chị, chị dành thời gian cho riêng mình vào lúc nào trong chuỗi ngày bận rộn, trong sự mê đắm với trang viết của các nhà văn như thế. Anh Thư cười, văn chương vẫn luôn ở trong chị, đồng hành cùng cuộc sống của chị. Chị đang thai nghén một cuốn tiểu thuyết về gia đình chị – cô gái Hà Nội, sinh ra trong một gia đình trí thức ở Hà Nội, chứng kiến những thời kỳ biến động của lịch sử.

Ai đã trải qua những năm tháng với nhiều biến động của đất nước như chị, có lẽ sẽ thấm hơn hết mọi sự được mất ở đời. Và sẽ biết lựa chọn, quý giá sự bình yên hơn. Dù phía sau sự bình yên đó, là những vết thương, những hằn vệt của đời sống không ngừng chảy trôi, không ngừng va đập.

Theo Khánh Linh (Văn nghệ công an)

Exit mobile version