Buổi xế chiều tiễn linh cữu nhà văn Nguyễn Quang Sáng về nơi an nghỉ cuối cùng có đông đảo đồng nghiệp, bạn bè và bạn đọc yêu văn ông.

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng sống một cuộc đời dân dã giữa phố xá đô hội.   Dẫu nơi cư trú thuộc khu phố sang trọng, nhưng ông vẫn giao thiệp với tất cả mọi người thuộc mọi tầng lớp xã hội, bất kể giàu hay nghèo, sang hay hèn. Sống vô tư, trọng người là tính cách Nam Bộ nổi trội trong con người ông. Thích bù khú, ăn nhậu nhưng ông tránh được xô bồ, tuyệt đối không dùng chất men để phát ngôn bừa bãi, biết dừng để trở về với gia đình, với cái bàn viết thân thuộc. Có lẽ nhờ vậy mà ông có được khối lượng tác phẩm đồ sộ, bao gồm truyện ngắn, bút ký, truyện vừa, tiểu thuyết, kịch bản phim truyện, cải lương…Ở thể loại nào, ông cũng tạo được ấn tượng. Đó là điều rất khó với một nhà văn.

Một lần nào đó, ông tâm sự:

– Nếu không vào quân đội, không tập kết ra Bắc, sống ở Hà Nội, tao không trở thành nhà văn.

Điều này ông bộc bạch với nhiều người. Trong lời tựa cho tiểu thuyết Đất lửa, tái bản 2011, nhà thơ Lê Đạt cũng kể tới trong bữa cơm thân mật ở nhà hàng Bảo Khánh bên hồ Thuyền Quang, Nguyễn Quang Sáng cũng nói như vậy.

Đó không phải là lời nói đãi bôi. Trước khi tập kết ra Bắc, Nguyễn Quang Sáng cũng đã tập viết văn, tuy tác phẩm chưa thành hình nhưng đã có dấu hiệu về một tài năng. Trong thời gian sinh sống ở Hà Nội, Nguyễn Quang Sáng được nhà văn Nguyễn Tuân kèm cặp. Thời đó, Hội Nhà Văn Việt Nam phân công một hoặc hai nhà văn bồi dưỡng nghề cho một cây bút trẻ từ miền Nam tập kết. Nghề văn, nói cho cùng là học được bí quyết của nghề. Truyện ngắn Con chim vàng – có thể xem là tác phẩm đầu tay của Nguyễn Quang Sáng – được hình thành sau khi tác giả đọc truyện Cây mít của Nguyễn Công Hoan.

Suốt cả đời văn, Nguyễn Quang Sáng dành sự ưu ái của mình cho đề tài chiến tranh cách mạng. Cho dù sau hòa bình, ông có viết một vài truyện ngắn về các mảnh đời ở đô thị Sài Gòn, những cô đào cải lương, người làm nghề phục vụ sân khấu, các cô gái trong quán bia…nhưng đó chỉ là mảng phụ, viết theo lối tùy hứng, tác phẩm ông dành công sức nhiều nhất vẫn là đề tài chiến tranh.

Tập truyện ngắn nổi bật nhất của Nguyễn Quang Sáng là Chiếc lược ngà. Đây là cuốn sách tập hợp những truyện ngắn ông viết khi trở về miền Nam chiến đấu, vào năm 1966. Truyện ngắn thời kỳ này của Nguyễn Quang Sáng có chất liệu nóng hổi của cuộc chiến đấu của quân và dân Nam Bộ. Các truyện Chị xã đội trưởng, Một chuyện vui, Người đàn bà Tháp Mười, đều có nguyên mẫu trong cuộc đời. Các truyện đều có bố cục chặt, gọn, kết thúc đột ngột, bút pháp truyện ngắn cổ điển.

Nguyễn Quang Sáng luôn chú trọng chi tiết trong tác phẩm. Đa phần các truyện của ông đều có một vài chi tiết đắt, đáng nhớ mà tiêu biểu là chi tiết người cha cưa, mài mảnh ngà voi làm một chiếc lược để tặng con gái yêu trong Chiếc lược ngà. Trước khi nhắm mắt người cha đáng kính ấy đã trao chiếc nhẫn nhờ bạn chuyển đến con gái. Thế rồi trong một chuyến hành quân, người bạn đã gặp được cô con gái, chính là giao liên dẫn đường cho mình. Một câu chuyện xúc động thường gặp trong thời chiến. Ở đây, yếu tố ngẫu nhiên trọng tâm thắt nút cho truyện nhưng vẫn không thấy khiên cưỡng. Truyện ngắn Nguyễn Quang Sánh thường vận dụng tối đa yếu tố ngẫu nhiên, nhưng vẫn cái duyên của người kể chuyện. Truyện Quán rượu người câm, đứng được chính là chi tiết nhân vật biểu hiện bằng tay. Và, khi cách mạng thành công nhân vật ấy bật lên tiếng nói. Vâng, đó chính là tự do, là dân chủ, cả trong phát ngôn mà cách mạng mang đến cho nhân dân.

Tiểu thuyết Mùa gió chướng, Cái áo thằng hình rơm là những tác phẩm khá nổi trội viết về chiến tranh. Các tiểu thuyết này có kết cấu đơn giản, theo lối đơn tuyến, lôi cuốn người đọc bằng chi tiết và giọng văn đặc trưng Nam Bộ. Nguyễn Quang Sáng là nhà văn hiện đại mang chất Nam Bộ nhất.

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã sống cuộc đời chiến sĩ đúng chín năm ròng. Chín năm ở chiến trường miền Tây Nam Bộ, sau này từ miền Bắc trở về sống ở mặt trận gần mười năm nữa, đủ cho Nguyễn Quang Sáng có nhiều chất liệu để sáng tác. Những lúc trò chuyện với chúng tôi, ông vẫn dành tình cảm thân thương với chiến sĩ và các nhà văn quân đội, phần lớn là bạn bầu của ông. Không tham gia quân đội, không tập kết ra Bắc sống ở Hà Nội, tao khó trở thành nhà văn. Câu nói được ông nhắc lại nhiều lần, chính là tình cảm chân thật nhất của ông đội với quân đội ta. Và, một lần nào đó, ông còn cho hay sở dĩ ông viết được đều tay như vậy là nhờ tính kỷ luật mà khi sống trong quân đội ông tiếp nhận được. Tuy ham chơi nhưng ông biết dừng lại đúng lúc để về với trang văn.

Trong mỗi lần trò chuyện với chúng tôi, Nguyễn Quang Sáng thường hỏi về lực lượng sáng tác văn học trong quân đội. Rồi ông chậm rãi, từ tốn nói về thế hệ nhà văn trưởng thành trong quân đội thời kháng chiến. Cũng như nhiều người, ông lấy làm tiếc cho thế hệ chiến sĩ chúng ta hôm nay, vốn học vấn  tuy khá cao, tỷ lệ tốt nghiệp Trung học phổ thông chiếm đa số, nhiều chiến sĩ  là cử nhân đại học, lại được tiếp cận nguồn sách báo, thông tin vô cùng dồi dào nhưng tại sao không thấy xuất hiện những người cầm bút sáng tác văn học? Mà người đọc sách trong các đơn vị cũng không phải là nhiều. Trái lại, thế hệ bộ đội trong kháng chiến, sách báo hiếm, có được một cuốn sách bộ đội chuyền tay nhau rồi bàn luận sôi nổi. Sách được quí trọng, dù hành quân mang vác nặng nhưng trong ba lô bộ đội bao giờ cũng có sách. Muốn có cảm hứng cuộc sống, cảm hứng sáng tạo, không gì hơn là phải đọc sách. Quân đội có càng nhiều nhà văn chuyên nghiệp, càng tốt, càng mạnh. Sau mỗi cuộc chuyện trò với chúng tôi về thế hệ nhà văn cầm súng, bao giờ ông cũng thốt lên câu đó. Tình cảm của ông đối với các nhà văn quân đội thật đáng quý, đáng trọng.

Bây giờ, trên bàn thờ gia đình Nguyễn Quang Sáng có cái bình nhỏ đựng thờ tro cốt của ông. Được biết, đó là nguyện vọng của ông. Đối với nhà văn, còn lại vẫn là tác phẩm. Tác phẩm của Nguyễn Quang Sáng, cũng như của các nhà văn Việt Nam, đã và đang trở thành món ăn tinh thần của người chuộng văn và biết thưởng thức văn chương. Văn chương nghệ thuật, không chỉ là sử thi bằng ngôn ngữ của dân tộc mà còn là cho người tiếp nhận cảm hứng  sống đẹp. Khước từ nó con người có nguy cơ dẫn tới tha hóa. Đó là điều tưởng như ai cũng biết.

N.Q.T

Nguồn: vannghequandoi

Exit mobile version