Ở tuổi tám mươi, nhà văn Nguyễn Quang Sáng vừa hoàn thành ba mươi tập kịch bản phim truyện Khoảnh khắc Võ Văn Kiệt. Hiếm có nhà văn nào ở tuổi đó còn lặn lội đi về miền quê văn học của mình nhiều như thế. Ông hay dẫn các đạo diễn ”đi chọn cảnh, về cánh đồng nước hoài”. Ông nói, công việc của mình giờ đây chỉ là làm việc tập trung và trung thực.

 Trước đây nhiều năm, hình như ông đã từng làm phim về ông Võ Văn Kiệt?

Năm nào thì tôi không còn nhớ, cách nay khoảng hơn mười năm, khi ông Kiệt còn sống, tôi làm phim Ấn tượng Võ Văn Kiệt, Lê Văn Duy đạo diễn, nhưng làm xong rồi cất đó. Chính ông Kiệt không cho chiếu. Lý do ông nói là nhiều bậc tiền bối như ông Phạm Văn Đồng, ông Lê Duẩn còn chưa làm phim. Khi nào có dịp thì mới chiếu.

 Mối duyên nào đưa ông lại làm kịch bản cho bộ phim mới hôm nay?

Tôi có biết được đâu. Đài truyền hình Vĩnh Long gặp Hồ Ngọc Xuân, người từng làm phim về ông Phạm Hùng, ông Xuân gợi ý nói nhờ ông Sáng làm. Nói miệng với nhau thôi, chưa có hợp đồng gì.

Nhưng ông phải biết rất rõ về ông Võ Văn Kiệt mới được mời viết chứ?

Họ biết tôi từng nhiều lần uống rượu với ông Kiệt. Biết ông ấy qua nhiều thời kỳ và quan trọng là tôi viết không giống như những cuốn sách lớn đã viết về ông theo quan điểm chính trị hơn là về một con người cụ thể. Cuộc đời của nhân vật rất dài, rất nhiều sự kiện, tôi chỉ viết khoảnh khắc đời ông thôi.

 Đó là khoảnh khắc đặc biệt nào, thưa ông?

Là thời điểm ông từ Trung ương đi tàu không số về nhận chức Bí thư Quân khu 9, đoạn đời ba tháng của năm 1973 sau Hiệp định Paris. Đó là việc ông “làm ngược” chỉ đạo của Trung ương lúc đó đình chiến theo đúng Hiệp định. Ông Kiệt khi ấy phải đối mặt với một thực tế là chúng ta thi hành Hiệp định còn đối phương thì không. Ở miền Tây Nam bộ, tổng thống chế độ cũ Nguyễn Văn Thiệu từ Sài Gòn xuống tuyên bố vẫn tiến hành chiến tranh. Chúng ta “đình” còn đối phương “chiến”, nên bị lấn chiếm.

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng  

Ông Kiệt chủ trương đánh. Người ta nói rằng ông như đang làm xiếc, phải đi trên dây chính trị mà bên dưới không có gì bảo hiểm, té là tiêu luôn. Khi ấy, ông nói một câu rất hay: “Tôi làm theo mệnh lệnh của đất và dân”. Ông còn nói nếu Trung ương kỷ luật, ông sẽ đứng ra chịu trách nhiệm. Nhưng anh em Khu ủy đồng lòng: Nếu Trung ương kỷ luật, tất cả sẽ đứng ra nhận chung. Tinh thần đoàn kết lúc đó rất tuyệt vời. Từ chủ trương “đánh” của ông, các chiến trường đều hưởng ứng. Mở ra mặt trận mới. Ào ào tấn công, tạo cao trào tổng tấn công đến chiến thắng năm 1975.

Ông nói giai đoạn này có nhiều chuyện rất hay?

Ông Kiệt làm những việc lạ lắm. Lúc đó ta có nhiều đôla Mỹ tiền viện trợ mà không làm sao để xài được. Ông liên hệ với một nhà báo Sài Gòn thông thạo nhiều việc, nhờ đổi. Nhà báo đó là Nguyễn Khắc Hân, bạn học của tôi, giờ anh còn sống. Ông già anh là lãnh đạo trong cấp ủy của công an tỉnh Bạc Liêu, gia đình đi tập kết, mình anh ở lại làm báo, nổi tiếng tay chơi Sài Gòn. Việc chở tiền cũng ly kỳ như phim tình báo. Mang cả vali tiền vào đồn địch, chở cả tiền ngụy trang là tiền trả lương công nhân khai thác gỗ…

Tôi thích câu chuyện của ông Võ Văn Kiệt với văn nghệ sĩ. Thời kỳ tài chính eo hẹp khiến đời sống khó khăn, đơn vị đề nghị giải tán đoàn văn công, nhưng ông Kiệt không đồng ý. Ông nói có tiền nuôi cả bảy sư đoàn được mà, sao phải giải tán đoàn văn công. Nhà chính trị đăng đàn diễn thuyết mấy ai thích nghe, còn nghe tin có đoàn văn công, người ta chèo ghe ào ào đi coi. Chiến sĩ miền Bắc vô cả sư đoàn, tiền thì hết, Khu ủy chủ trương chỉ đủ tiền phát lương cho chiến sĩ miền Bắc vào, vì anh em không biết mò cua bắt ốc, còn người Nam bộ không bao giờ đói. Thời đó không ai ăn con cá thòi lòi mặt quỷ sống đầy ở các kênh rạch, chỉ bộ đội bắt ăn. Nhà bếp phải cắt bỏ đầu, kho hoặc nấu canh chua. Ông Kiệt ăn, thấy lạ, hỏi sao cá không thấy đầu. Nhà bếp không biết ông là “sếp lớn”, thân mật giải thích: “Con này mặt nó xấu nhưng bụng nó tốt, có gì đâu, ăn ngon là được mà”.

Câu chuyện nào ông cho là thú vị, hấp dẫn nhất?

Tôi thích nhất là chỉ trong một giai đoạn, mà có thể nói được về ông – con người đặc biệt. Một người bạn kể cho tôi câu ông Kiệt nói với ông Nguyễn Bá Thanh, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng. Ông Bá Thanh hỏi bí quyết để thành công, ông Kiệt nói ngắn gọn: “Là không sợ mất ghế”. Một câu thật sắc bén. Ông là người Cộng sản Việt Nam. Ông hiểu biết văn hóa, theo ông, kho tàng ca dao tục ngữ Việt Nam có tất cả triết học và lối sống trong đó. Ông hài lòng khi có người bạn có con đi du học chuẩn bị cho con đem theo tập ca dao tục ngữ Việt Nam và cuốn Truyện Kiều. Ca dao tục ngữ Việt Nam là để tìm trong đó cách giải quyết mọi vấn đề trong cuộc sống và Truyện Kiều là để trau dồi không quên ngôn ngữ Việt Nam.

Còn có gì khó khăn nhất?

Khó nhất là sợ… kiểm duyệt! Tôi chỉ có nhiệm vụ làm việc tập trung và viết ra trung thực. Một cái khó nữa là phải có nhân vật đối thoại, chứ không sẽ nhàm. Có đoạn này vui: Ông đang đi trên sông, bỗng trên chiếc xuồng đi ngược lại, có người gọi to: “Chín Lục Lạc!”. Ông quay xuồng, thì ra đó là một bà trong Ban Chấp hành Phụ nữ, trước đây là bí thư ở Vũng Liêm, khi ông mới mười sáu tuổi, là đảng viên ở đó. Bà bí thư này đã đặt cho ông cái tên Chín Lục Lạc vì người thanh niên trẻ này đi đến đâu tưng bừng đến đó, phong trào dậy lên. Những chi tiết đó ai biết, ai sáng tác ra nổi!

Kịch bản ông viết xong rồi, vậy bao giờ thì khởi quay, thưa ông?

Còn lệ thuộc vào đạo diễn. Phim truyện. Khó nhất là tìm diễn viên đóng vai ông Kiệt. Đang tìm. Quan điểm của tôi là không chọn các diễn viên nổi tiếng, vì nếu là những diễn viên ai nấy quen mặt, người xem phim có thể cảm thấy không thực. Hãng phim Teresa mua kịch bản, cộng tác với đài Tây Đô.

Tò mò muốn biết ông có được trả nhiều tiền không, bởi những ba mươi tập…

Tiền bạc cứ theo ba-rem, bên đài hỏi thằng con tôi (đạo diễn Nguyễn Quang Dũng – PV) biết mỗi tập bao nhiêu. Chưa nhận tiền. Tôi được viết về ông Kiệt là vui lắm. Mình cần tiền làm gì. Vui thôi. Viết tay tới bốn, năm tháng, còn chạy xuống Bạc Liêu, coi những chỗ ông đã đi. Nay sông rạch sầm uất lắm. Tôi xuống đó kết hợp với việc một công ty mời đi cùng với họ xây cầu cho bà con miền Tây.

Ông có còn giữ thói quen đi với đạo diễn, tham gia chọn cảnh cho phim luôn?

Tôi vẫn hay đi như thế. Nhớ khi đi với Hồng Sến chọn cảnh làm phim Mùa gió chướng, sen nở nhiều lắm nhưng tôi nói chọn bông súng cho đỡ nhàm. Gợi ý thế thôi, mà “nó” nghe. Tôi có thói quen, gợi ý mà đạo diễn không nghe là bỏ. Thuyết phục không nghe là dẹp. Vậy thôi. Phim này xong kịch bản phân cảnh, đài truyền hình chuẩn bị máy móc, xong là đi quay.

Ở  tuổi này đi nhiều lăn lộn vậy có đủ sức khỏe không, thưa ông?

Có gì đâu mà không đủ. Tôi đi chơi tối ngày. Đi bây giờ khỏe, đường sá, xe cộ, khách sạn… thuận tiện. Từ xưa tôi với Hồng Sến lăn lộn dữ quen rồi. Về lại Đồng Tháp Mười, cánh đồng vẫn như vậy, từ cái thời Trịnh Lê Văn định quay Chiếc lược ngà. Nhớ quá nên đi hoài, một năm tới hai, ba lần. Tôi vẫn về cánh đồng nước hoài.

Chắc về miền Tây, ông nổi tiếng dữ lắm, người hâm mộ có kéo đến “xem” tác giả Cánh đồng hoang không?

À, có địa phương nghe tin, cử một cán bộ đại diện Ủy ban đón đoàn đi chiêu đãi.

Có vẻ người đọc biết ông qua điện ảnh nhiều hơn qua văn chương?

Miền Nam có hai thế hệ: Đọc sách và xem phim. Cánh đồng hoangMùa gió chướng sau này được biết nhiều hơn Chiếc lược ngà.

Có phải Cánh đồng hoang là đỉnh cao nhất trong sự nghiệp viết văn của ông?

Đúng rồi. Tôi nuôi chi tiết, ý tưởng từ những năm 1966, nhưng mãi đến năm 1978 mới làm được. Vì lúc đó tôi đang ở miền Bắc, không có bối cảnh đồng nước mênh mông như Đồng Tháp Mười, nên không thể tiến hành. Hồi đó tôi được biết làm phim có cảnh một cô bơi xuồng mà người ta móc kéo xuồng vô. Giả quá! Để về miền Nam làm. Tôi không vội vàng.

Ông sống ở những cánh đồng nước đó lâu, chi tiết bọc đứa bé vào bao nylon nhấn chìm xuống nước để tránh máy bay nhìn thấy, ấn tượng cho cả thế giới. Nhiều bạn trẻ thế hệ ngày nay thắc mắc: Họ sống như vậy thật sao?

Lúc đó tôi là cán bộ vùng Đồng Tháp Mười về chiến trường ở nguyên một mùa nước nổi mà. Không có chuyện thực thì sao bịa được. Đồng Tháp Mười mênh mông nước, trực thăng hay rà bắn, không có chỗ ẩn nấp. Con nít sao lặn được? Mỗi nhà đều có trữ bao nylon. Cho vào, thảy xuống theo người lớn lặn, nó khóc là đương nhiên. Tôi mê chi tiết. Viết văn không chi tiết chỉ nói như xã luận thì còn ra gì. Viết văn giống quy luật của toán, chặt chẽ không thừa không thiếu. Tôi viết chặt chẽ vì xưa đi học giỏi toán.

Ông yêu đồng quê sông nước Nam bộ. Nó thật đậm đà trong văn, trong phim của ông. Bây giờ đô thị hóa khiến đồng quê mất dần, ông có tiếc không?

Đã xây dựng, công nghiệp hóa được bao nhiêu đâu. Đô thị hóa chưa nhiều nhưng cách sống và bi kịch đô thị thì tràn ngập.

Ông cũng vừa chủ biên cuốn sách đồ sộ kỷ  niệm 100 năm bóng đá Việt Nam, trong khi bộ môn thể thao mà ông giành nhiều giải thưởng là bóng bàn?

Trong cuốn đó tôi có viết bài về đội bóng làng. Ông bố tôi xưa là thủ quân một đội bóng làng ở An Giang, đội bóng được sự tài trợ của một ông cò người Pháp. Bố tôi cao ráo, đá bóng giỏi, hồi nhỏ ông học cùng Tạ Thu Thâu. Đội bóng làng Mỹ Luông của ông và đội bóng làng Long Điền kế đó đối đầu nhau lâu dần thành… đối địch. Ông Châu Văn Liêm hoạt động chi bộ đầu tiên ở An Giang, đến gặp ông già tôi, hỏi: “Tại sao vì chuyện đá banh mà để cho hai làng thù ghét nhau như vậy? Chi bằng gộp chung lại thành một đội mang tên ghép hai làng Mỹ Long, đội bóng của những người đoàn kết, yêu nước”.

Bố tôi nói: “Anh nói người ta nghe, vậy anh làm đội trưởng”. Sau giải phóng, tôi có về làng, làng mời đội bóng Sài Gòn xuống đá, giao hẹn nhường nhau, lúc về còn tặng mỗi người một bao gạo. Vui lắm. Tôi tham gia viết cuốn lịch sử bóng đá theo lời mời của anh Lê Hùng Dũng, Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá TP. Hồ Chí Minh. Tôi là chủ biên, duyệt đọc. Người ta mời tham gia nhiều thứ, mình cứ nói không hoài thì buồn chết cha. Những ông cán bộ không có nghề chuyên môn gì khi về hưu mới đi chơi lang thang.

Ông có nhận xét gì về tình hình sáng tác văn học của chúng ta hiện nay?

Chà, vụ này mệt đây! Nói chung là đề tài trong cuộc sống rất phong phú, nhưng tập trung cho viết lách hơi khó. Gì chứ làm nghề viết văn, không tập trung là thua.

Vậy ông thường đọc tác phẩm của ai?

Đọc sách Phật, hoặc các sách công cụ như Từ điển tiếng nói Nam bộ. Mà sao cả trong cuốn này cũng không có giải thích từ “U Minh”. Tìm hoài không ra lịch sử tên gọi rừng U Minh.

Điều gì khiến ông chuyển sang đọc sách Phật?

Đó không là phải “chuyển sang đọc”. Tôi đọc cả mười tám tập kinh Phật. Đọc cả sách Thiên Chúa. Đạo Hồi cũng có câu hay, không ai biết vũ trụ từ đâu và cũng không ai biết vũ trụ kết thúc lúc nào. Tức là mình đừng tưởng cái gì cũng biết. Mình không biết gì hết. Người ta tổng kết cái không biết của mình mới ghê chứ. Nếu trước đây mình đọc tất cả các triết lý cẩn thận thì viết chắc chắn sâu sắc hơn. Thâm thúy lắm. Tổng kết cuộc đời, dạy con người ta lòng nhân ái và biết chấp nhận. Tôi thích câu chuyện người mẹ có con bị chết, đem xác con đến nhờ Phật cứu sống lại. Phật bảo, hãy đi hỏi xem trong xóm có nhà nào không có người chết không. Những triết lý, cách nhìn rất sâu sắc.

Bây giờ ông sống và viết lách thế nào?

Sáng tập thể dục, tự xoa bóp theo phương pháp cốc đại phong, khỏi mát-xa tốn tiền. Uống cà phê quán cóc, gặp ai ngồi với người đó. Quán cóc lề đường nghe đủ thứ chuyện, cô này con kia thằng nọ. Về nhà đọc báo giấy. Không lên mạng internet. Không đi xe đạp nữa, mà taxi. Coi như mua bảo hiểm cái mạng của mình bằng vài trăm ngàn đồng.

Đang viết truyện ngắn, bút ký, buồn buồn vui vui, kể chuyện thật của bà già kể. Ngôn ngữ bà hay lắm. Bà hỏi tên mọi người rồi giao hẹn: “Hồi tôi quên tôi hỏi lại nữa”. Hỏi bà bao nhiêu tuổi, bà trả lời “mới tám mươi lăm”. Hài hước. Những chuyện về con gái miền Tây bỏ xứ đi như “hàng binh đoàn” cũng nằm trong các truyện ngắn và bút ký ấy… Tôi còn món nợ lớn, muốn viết cho khác mọi người về hai chuyến đi dọc đất nước trong chiến tranh. Năm 1966 còn khỏe, từ Bắc vô Nam chiến đấu, đi bộ, có rất nhiều kỷ niệm. Năm 1971 bị bệnh, phải từ Nam ra Bắc. Bệnh cũng đi bộ. Không phải viết hồi ký, vì sợ rằng khi ấy lại bị thói “cái hay thì kể ra, cái dở giấu đi” thì đâu còn trung thực nữa.

Ông có quan tâm đến các vấn đề thời sự của đất nước?

Có chứ. Thế giới này mở ra. Tôi đặc biệt theo dõi chuyện bảo vệ bờ cõi, chủ quyền.

Ông là người lắm bạn bè, thường nhậu với nhau, bây giờ ông dọn nhà sang quận 7 mà bạn bè ở quận 1, quận 3 cả?

Thế mới phải đi taxi sang chơi các bạn. Nhưng mấy bạn uống rượu của tôi bây giờ toàn người trẻ không. Dạo ra chơi Thái Nguyên, tôi nói với các bạn ngoài đó: hồi trẻ tôi chơi với mấy ông già, học mấy ổng. Nay mấy ổng lẩm cẩm như tôi, học gì nữa, phải chơi với người trẻ, họ bắt nhịp cuộc sống cho mình học.

Những bạn trẻ có biết uống rượu bằng ông không?

Hỏi lạc hậu dữ rồi nha. Họ uống còn hơn tôi. Tôi chơi với nhiều nhạc sĩ, ít nhà văn. Xưa thì với Từ Huy, Trịnh Công Sơn, Bảo Phúc… Tôi học nhạc từ những năm còn nhỏ, chuyện lịch sử âm nhạc có khi đố ra mấy nhạc sĩ còn chịu. Dạo ở Hà Nội cũng ham nghe nhạc lắm. Hồi đó có cái máy quay đĩa của Liên Xô là ghê rồi, chỉ tôi và Nguyễn Đình Thi có. Người ta cứ nghĩ tôi là nhạc sĩ. Bỏ mất cái máy quay đĩa của một thời, uổng quá.

Xin cảm ơn nhà văn và chúc ông có nhiều tác phẩm mới.

Theo Nguyễn Thị Ngọc Hải/ DNSG cuối tuần

 

Exit mobile version