Nhà văn Nguyễn Khắc Phục ngồi lẫn giữa đám bằng hữu bạn bè văn chương sân khấu. Kế bên ông là một phụ nữ trẻ, một người đàn bà mặn mà vóc dáng, cái mặn mà thường thấy của những người vừa qua kỳ sinh nở. Quán nhỏ, yên tĩnh như thói quen thường tình, ông vốn dị ứng với sự ồn ào đông đúc, luôn lắc đầu trước những săn đón trọng thị rườm rà. Rượu từ chối uống, bia nhấp nhấp ngụm nhỏ, ăn cũng sẽ sàng cảnh vẻ không phải bản tính trời cho mà bệnh tật thường trực trong người ép buộc ông phải giữ mình như thế…
Nhà văn Nguyễn Khắc Phục giờ tươm tất tươi trẻ, khác hẳn ông nhiều năm ròng xộc xệch vóc hình, đi về một cõi giữa phố phường Thủ đô như kẻ tha phương ôm nỗi buồn vô định.
1. 65 tuổi, ruột cắt vài đoạn, dạ dày còn phần nhỏ, sểnh ra một cái lại phải ghé qua bệnh viện kiểm tra lục phủ ngũ tạng, còm cõi thế, nhưng nhà văn Nguyễn Khắc Phục vẫn nguyên vẹn cường độ làm việc khủng khiếp đến ghê người. Ông vừa hoàn thành chương trình Cõi thiêng Đồng Lộc, một khúc tưởng niệm 10 cô gái anh hùng ngay tại ngã ba lịch sử của mảnh đất Hà Tĩnh kiên cường. Viết kịch bản lễ hội đã thành nghề của ông, một địa hạt ông mày mò khai phá, và dẫu người bon chen chia sẻ ngày một nhiều, Nguyễn Khắc Phục luôn là tên tuổi đắt sô đắt khách được mời chào đặt hàng rôm rả bậc nhất. Dự án này chưa xong, dự án khác đã nheo nhéo bên tai, bất chấp sức khỏe, ông “thợ cày” Nguyễn Khắc Phục chưa một giây phút nào được ngơi nghỉ, lơ là trên thửa ruộng thuần chữ nghĩa. Ông từng thổ lộ bản thân nặng gánh, là chỗ dựa của không ít người, tiền kiếm được đồng nào cho đi sạch sành sanh đồng ấy, nên nghĩ và viết vừa là bản năng, vừa là nhu cầu, vừa là thúc bách nội tại, hơn nữa còn là cách thức duy nhất giúp ông vận dụng văn tài để làm ra những đồng tiền cực nhọc. Tiền làm ra ông tãi hết ngay, toàn những địa chỉ cố định vì nghĩa, vì tình, vì trách nhiệm, hay đơn giản là vì lòng hảo tâm mà đều đặn ông nhận trách nhiệm chu cấp.
Quê quán Nam Định, sinh tại Sài Gòn, công tác và nhận lương ở Hà Nội, nhưng chính danh gia đình ông ở Nha Trang, một phần con cái lớn khôn đã chuyển vào thành phố Hồ Chí Minh lập nghiệp, hơn 20 năm ròng, Nguyễn Khắc Phục thuê nhà sống kiếp độc thân giữa Hà Nội phồn hoa.
Trong đám đông, Nguyễn Khắc Phục thường ít nói, chỉ cười cười nghênh nghênh đầu chả biết là lắng nghe hay đang mỉa mai giễu cợt kẻ ba hoa miệng mồm trước mặt. Ông hơi tí chuyển chỗ ở, lúc thì náu bên ngõ Dã Tượng tấp nập hàng quà khách vãng lai mua bán, lúc lại âm thầm tìm về Xã Đàn, Kim Giang, lên tận sông Hồng đón gió muôn phương, rồi vô số địa chỉ khác nữa mà bạn bè, người thân, kể cả những đối tác cần kiếm tìm chưa chắc đã mò ra để gặp được. Có những đận ở rịt trong nhà cả tuần cả tháng trời, viết và vẽ, hoặc chỉ vì chán gặp mọi người không có nhu cầu nhìn mặt giao tiếp với bất kỳ ai, xong lại tự tặc lưỡi cũng may chưa tới mức kiệt sức nằm còng queo một xó chả ai phát hiện ra.
Mỗi lần dời nơi trú ẩn, ông như muốn co hình lại, thu mình thành bé dần đi, biến thân xác thành nhỏ thêm chút nữa cốt sao càng ít người nhận ra càng tốt. Cảm giác như ông cồn cào ước muốn được trốn chạy, chỉ không rõ trốn chạy chính ông hay muốn đứt đoạn với những cái tên, những ảnh hình, những tháng năm, ông không muốn thêm vào cái trích ngang cuộc đời mình từng mảng ký ức bàng bạc, buồn buồn và không cách chi lý giải nổi.
Nguyễn Khắc Phục nằm trong số các nhà văn có cái đầu điện tử, chứa một lượng kiến thức khổng lồ tích nạp sau chừng ấy năm cần mẫn tích giữ. Ông đựng trong bộ óc của mình hàng bồ chữ, hàng đống ý tưởng, dường như mọi thứ được sắp xếp ngăn nắp gọn gàng để khi cần cốc cốc có tiếng gõ cửa là chữ nghĩa bật ra, ông cứ thế hùng biện hoặc tự ngồi ghi chép lại trên máy tính. Nguyễn Khắc Phục viết kịch bản cả sân khấu lẫn lễ hội cực nhanh, năng suất làm việc dồi dào như một thợ bậc cao cực kỳ quen tay thạo việc. Có vốn văn hóa, trải đời và giàu kinh nghiệm nên Nguyễn Khắc Phục rất đông bạn bè bằng hữu, phần nhiều lại nằm ngoài giới văn chương. Ông thường chơi cùng bạn dân ngoại giao, dân khoa học, các nhà nghiên cứu và lúc hữu sự, cái đầu vốn linh hoạt của ông lập tức tư duy, đưa ra những lời khuyên chí tình cho người cần đến.
Trong đám những người hay tìm Nguyễn Khắc Phục tâm giao chuyện trò, nhờ cố vấn có không ít cây viết nữ, những gương mặt vừa rụt rè bẽn lẽn được xướng tên giữa chốn đông người. Những người đàn bà trẻ ấy, lỡ bén duyên chữ nghĩa, ôm mộng văn chương, vừa đủ lãng mạn mơ mộng, vừa đủ dịu hiền toan tính, nhìn ông như thần tượng, cả như người dễ tính để không phải giữ kẽ nhòm trước ngó sau gì. Ông coi họ lúc thì như em lúc thì như cháu, xuề xòa và cũng chẳng thèm câu nệ, bảo ban chỉ dạy nhiều điều, toàn những lời hay ý đẹp và những suy tư tâm huyết như rút ruột rút gan.
Kỳ liên hoan hay hội diễn dài ngày của giới sân khấu, Nguyễn Khắc Phục có hay không là tác giả đứng tên vở diễn tham dự, cũng lẽo đẽo dài ngày theo đám em đám cháu ăn chực nằm chờ nơi tỉnh lẻ, cốt chơi và đếm thời gian trôi là chính. Tóc lúc trắng xóa lòa xòa lúc cạo trọc, nhà văn Nguyễn Khắc Phục chỉ một điệu cười nheo nheo mắt ơ hờ kể chuyện đông tây kim cổ cho những em những cháu đang thần mặt lắng nghe. Nguyễn Khắc Phục, Lê Hùng, Trọng Đài từng là ê kíp ruột, người tác giả, người đạo diễn người làm nhạc, tung hoành tại nhiều đợt đua tài, ẵm về không nhất thì nhì các huy chương, giải thưởng. Đấy xem ra là khoảng thời gian yên bình thanh thản của nhà văn Nguyễn Khắc Phục, khi ngoài gia đình bổn phận phải chăm lo, ông lại được nâng giấc sẽ sàng từ những tri âm ý hợp tâm đầu mà ông cũng rất mến mộ. Quãng đời ấy Nguyễn Khắc Phục vừa cặm cụi viết, vắt mình ra làm việc, vừa tung tẩy vẽ tranh, lấy sắc màu hình khối, đem ngôn ngữ hội họa làm thú vui tốn tiền, tốn thời gian, tốn cả bè bạn và sức lực.
2. Giờ thì những ngày tháng an nhàn đã qua, nhà văn Nguyễn Khắc Phục đang hưng phấn trong một khúc quanh định mệnh, một trạng thái mà người tuổi như ông ít cơ hội được tận hưởng. 65 tuổi, tưởng đã quá ngưỡng để thay đổi hay bắt đầu, Nguyễn Khắc Phục dò dẫm dấn thân vào một đoạn đời mới. Các cô con gái đều đã trưởng thành, người có chồng, người yên ổn công danh sự nghiệp, ông lẽ ra đã viên mãn cuộc đời, an nhàn tâm trí.
Người từng là thân thiết của ông kể, Nguyễn Khắc Phục cùng thời điểm có thể bay về Nha Trang tổ chức sinh nhật cho vợ, bay ra Hà Nội dọn tiệc kỷ niệm ngày gặp gỡ quen biết với một tri kỷ, và cũng ngay khoảnh khắc ấy, lại vỗ về an ủi một tâm hồn yếu đuối đang cơn rối lòng. Có thể vì chu đáo, có thể vì cả nể, có thể vì cái ích kỷ cố hữu đàn ông hoặc giả tiền kiếp ông là người cô đơn, cô độc, người ngay cạnh ruột thịt thân quen vẫn nặng nề cảm giác lạ xa trống vắng nên nhiều lúc, tưởng phải có hơn một con người mâu thuẫn nhau, đối kháng nhau trong chỉ một con người Nguyễn Khắc Phục.
Và có thể cũng vì quá đa mang phức tạp, nên Nguyễn Khắc Phục, ông nhà văn số lượng trang in tính ra dài dằng dặc, số lượng đầu sách nghe tên cũng chóng cả mặt chấp nhận thêm một lần nữa phiêu lưu để nhấm nháp dư vị bất an của hạnh phúc cuối đời. Có những nỗi niềm ông không công khai chia sẻ, nhưng chính ông hiểu và thừa nhận, tất cả đều do bàn tay sắp đặt, cả trêu ngươi cợt nhả của số phận. Số phận giúp Nguyễn Khắc Phục giờ đây quân dung tươi tỉnh, biết chú ý đến áo quần dáng vẻ bề ngoài mỗi khi ra mặt với đời, biết gấp gáp thu xếp chuyện gia đình để ổn thỏa một cõi riêng không ai được chạm tới.
Cuộc đời Nguyễn Khắc Phục được xâu chuỗi bởi những quyết định mà người thường dễ phán là ngông ngông, rồ dại. Được cử đi Liên Xô học giữa thời buổi kiếm một suất tây du khó như tìm đường lên mặt trăng, sang xứ sở trong mơ được dăm ba tháng, chưa hết học kỳ dự bị tiếng Nga, ông nằng nặc xin về, để lại sau lưng bao đồn đoán thị phi điều tiếng. Ông đòi về bởi sốt ruột trước những gấp gáp của thời gian, thấy vô lý khi cuộc sống thì bộn bề hối hả mà riêng mình nhàn nhã chui đầu vào chuyện học. May Nguyễn Khắc Phục không hanh thông chuyện học, nên mới có một loạt các tác phẩm cả tiểu thuyết, cả kịch bản điện ảnh được cấp tập ra đời trong quãng tháng năm ấy, định danh tên tuổi ông trên văn đàn. Rồi đang yên đang lành, ông xin về hưu, lĩnh lương hưu qua tài khoản, chả giận dỗi hờn mát gì, đùng đùng xin ra khỏi Hội Nhà văn và lúc nào cũng hãnh diện mình là người tự do vô đối. Tự do đôi khi chỉ là một khái niệm mà người đời rảnh việc nên mơ mộng, chứ không hẳn là cảm giác thực thể xoa dịu ve vuốt được các giác quan của con người
Nhà văn Nguyễn Khắc Phục đã có thêm những ràng buộc mới, cột chân ông lại với Hà Nội, níu chặt ông với cuộc đời, hành xác ông trong kiếp “trâu cày” nhọc nhằn mệt mỏi mà ông tự nguyện chui đầu vào ách. Nhưng chắc chắn một điều, tung hoành ngang dọc thế nào, quẫy đạp vẫy vùng ra sao, ông nhà văn của Học phí trả bằng máu, của những thiên sử thi Thăng Long ký, của vô cùng nhiều kịch bản sân khấu và lễ hội đông đúc trên truyền hình cũng khó lòng thoát ra khỏi nỗi cô đơn tiền kiếp
Nguồn: ANTGCT