Hiếm có người nào mà cái nghiệp viết lách lại nặng trĩu vui buồn như nhà văn Nguyễn Hiếu. Ít nhất, trong đời văn của ông, có đến 4 – 5 kỷ niệm nhớ đời, làm nên những cú xốc về mặt tâm lý lẫn cảm xúc. Chắc chắn, chúng còn theo ông đến hết cuộc đời và nói theo cách của một nhà thơ thì… dẫu “lâu bao nhiêu, chúng cũng không già”.
Kỷ niệm thứ nhất: Năm 1964, lần đầu tiên, truyện ngắn “Bác tôi” của ông đoạt giải nhất cuộc thi truyện ngắn, bút ký của Trường cấp 3 Xuân Đỉnh khi ông mới 13 tuổi học lớp 8 (hệ 10 năm). Sau bao nhiêu năm mà đến giờ, Nguyễn Hiếu vẫn còn nhớ như in: “Cho dù tôi viết còn non tay và cho dù giải thưởng chỉ là 1 cây bút Trường Sơn, 1 quyển sổ tay bìa nilon màu lá mạ, 1 chiếc khăn tắm, nhưng cũng làm tôi rưng rưng cảm động mãi.
Nhưng tôi nhớ nhất là việc khi lên lĩnh thưởng, thầy Dương Văn Huê, Bí thư Chi bộ nhà trường ôm tôi làm những quả cà chua tôi vặt ở đồng Giàn bị vỡ, vọt lên dây hạt nhoe nhoét vào chiếc áo đại cán nghiêm chỉnh khiến thầy Huê cau mặt nói: “Tôi không ngờ sự nghịch ngợm của em diễn ra ngay cả lúc long trọng này”.
Nhà văn Nguyễn Hiếu.
Kỷ niệm thứ hai: Năm 1973, bài thơ “Người đứng giữa ước mơ” của ông “ăn” giải thơ do Bộ Nội thương kết hợp với Hội Nhà văn tổ chức. Nguyễn Hiếu nhớ lại: “Cái giải khuyến khích của tôi trị giá 100 đồng (gồm hiện vật là một chiếc cặp, một phích Trung Quốc và 6 tờ “cụ mượt” (6 tờ 10 đồng – đồng tiền có mệnh giá cao nhất thời điểm ấy – ĐHG). Chỉ có ngần ấy tiền thôi mà tôi làm cùng một lúc được khối việc: Mua tặng vợ sắp cưới 1 áo dài (10 đồng), mua một con lợn cưới (40 đồng), còn 10 đồng thì dành để chiêu đãi bạn bè”.
Kỷ niệm thứ ba: Năm 1976 (hồi đó Nguyễn Hiếu tròn 28 tuổi), lần đầu tiên vở hài kịch “Chuyện như thế thì cần phải nói” (nhại lại đầu đề hài kịch danh tiếng xưa Shakespeare “Chuyện chẳng có gì mà ầm ĩ thế”) của ông được “người trứ danh” Lộng Chương đạo diễn cho Đoàn kịch Công nghiệp thuộc Liên hiệp Công đoàn Hà Nội. Cho dù đã lên lịch diễn, đã phát hành vé, giấy mời.
Đêm tổng duyệt, nhà viết kịch trẻ náo nức hệt như người trồng cây ròng rã bao năm chờ ngày hái quả, vậy mà đến phút chót lại bất ngờ không được công diễn với một lý do: “Kịch bản có ý đồ nói xấu giám đốc”. Thời điểm ấy, người phát ra nhận xét này đang phụ trách phần văn hóa, văn nghệ của Liên hiệp Công đoàn Hà Nội và đương nhiên, ông ta có quyền sinh quyền sát trong tay.
Theo ông ta: Muốn bôi ai thì bôi, chứ bôi đến lãnh đạo, dù chỉ là lãnh đạo cỡ nhỏ, cũng là không được. Làm gì có chuyện làm lãnh đạo mà xấu! Có lẽ, trong đầu ông ta luôn bị định hướng bởi một cách nhìn một chiều đặc sệt một màu hồng, chịu sự chi phối quan niệm một thời theo cách nói của nhà thơ Việt Phương: “Đồng hồ Liên Xô tốt hơn đồng hồ Thụy Sĩ/ Trăng Trung Quốc tròn hơn trăng nước Mỹ”.
Sau hơn hai tháng tối tối ròng rã đạp xe từ khu tập thể Trường cấp II Xuân Đỉnh đến Câu lạc bộ Lao động cùng đạo diễn lừng danh Lộng Chương dựng vở vậy mà… Rời đêm tổng duyệt, Nguyễn Hiếu đã ức đến hộc cả máu mũi và sau đó, thấy sợ thuốc lá, quyết định bỏ thuốc lá.
Kỷ niệm thứ tư: Năm 2010 – năm kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, Nguyễn Hiếu được Nhà xuất bản Hà Nội ấn hành một tuyển tập văn học 10 quyển gồm tiểu thuyết, truyện ngắn, kịch bản, thơ – trường ca dày tới hơn 6.000 trang và trở thành nhân vật danh giá. Tuyển tập này, Nguyễn Hiếu đã được trả nhuận bút 80 triệu đồng. Hay dở chưa bàn đến, chỉ riêng có bộ sách “khủng” đến như thế, lại ra mắt độc giả vào một dịp đáng nhớ và có phần “trọng đại” như thế, theo tôi, cũng là oách lắm rồi. Đây có lẽ cũng là một kỷ lục được xác lập của Nhà xuất bản Hà Nội trong làng xuất bản Thủ đô trong vòng vài chục năm trở lại đây.
Kỷ niệm thứ năm: Năm 1984, Nguyễn Hiếu được in tác phẩm đầu tiền. Đó là tập truyện ngắn hài “Chuyện cái vòi nước” qua Nhà xuất bản Hà Nội do nhà văn Hà Ân biên tập, nhà thơ Vũ Cao chịu trách nhiệm xuất bản, họa sĩ Bùi Xuân Phái vẽ bìa. Thời điểm ấy cũng là thời điểm “Những người thích đùa” của Azit Nêxin được ấn hành qua Nhà xuất bản Tác phẩm mới đang ăn khách.
Khi đọc xong “Chuyện cái vòi nước”, nhà thơ Vũ Cao hóm hỉnh nhận xét: “Đọc hài của Nguyễn Hiếu thấy gần đời sống hơn của Azít Nêxin”. Sau đó, bìa “Chuyện cái vòi nước” được phóng to hết cỡ vào một pa-nô và được đặt choáng ngợp trước cửa Nhà hát Lớn Hà Nội trong Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc. Vậy mà tác giả của nó lại không được mời dự, thế mới… hài!
Trong 5 kỷ niệm trên, Nguyễn Hiếu nhớ nhất kỷ niệm thứ nhất, vì theo ông, đó là dấu ấn của “cái thuở ban đầu lưu luyến ấy”.
Từ 1988 đến 1993 có lẽ là giai đoạn sung sức nhất trong nghiệp viết của Nguyễn Hiếu. Trong vòng 5 năm, ông in đến 13 cuốn tiểu thuyết, 2 tập truyện ngắn, 2 kịch bản sân khấu được dựng, 2 kịch bản phim truyền hình được chiếu. Ông bảo: “Những năm tháng ấy, tôi “cày” như điên và ngỡ như trong đầu lúc nào cũng sục sôi lên và lặp lại… viết, viết và viết. Mỗi ngày tôi viết không dưới 10 trang bằng bút chấm mực”. Trong loạt tiểu thuyết đầu tiên, có “Người đàn bà quỷ ám” (NXB Phụ nữ, 1988).
Đây là nhân vật sống bằng việc “bán trôn nuôi miệng”. Cuốn này cùng cuốn “Quá cảnh” (NXB Tiền Giang, 1988) bán rất chạy. (Cố nhà văn Đà Linh cho biết các hiệu sách ở Đà Nẵng (nơi có đơn vị vận tải ôtô quá cảnh đóng) dạo đó một ngày bán tới 400 cuốn “Quá cảnh”). Có ngày, hiệu sách trước cổng cơ quan Đài Tiếng nói Việt Nam bán được những 200 cuốn “Người đàn bà quỷ ám”.
Hình như nhiều đồng nghiệp của ông tưởng Nguyễn Hiếu viết về một đồng nghiệp hư hỏng nên họ tò mò đua nhau tìm đọc. Chất huyền thoại trong tiểu thuyết của Nguyễn Hiếu bắt đầu xuất hiện từ hàng loạt tiểu thuyết đầu tiên như “Vết xoáy trước ngực làng”, “Người đàn bà quỷ ám”…
Một sự manh nha về bút pháp mang chất “định tính” như thế là thật đáng mừng. Nhưng với Nguyễn Hiếu, quan trọng nhất đối với các sáng tác văn học dù ở thể loại nào là sự cách tân. Chính sự cách tân khi thành khi còn là sự thể nghiệm ít nhiều, là một trong những nguyên nhân ngăn cản sự phổ cập tác phẩm của Nguyễn Hiếu. Nhất là trong lĩnh vực kịch bản sân khấu.
Tọa đàm Nguyễn Hiếu do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức.
Ơn người đi trước, Nguyễn Hiếu bảo: “Ngay từ khi mới cầm bút, tôi đã được nhiều vị tiền bối trong làng văn “hướng đạo”. Nguyễn Hiếu từng nhận được nhiều ý kiến góp ý trực tiếp hoặc gián tiếp thể hiện sự quan tâm, giúp đỡ của những người đi trước như Thế Lữ, Chế Lan Viên, Nguyễn Công Hoan, Vũ Thị Thường, Phạm Hổ… Qua đó, ông học được họ rất nhiều. Chỉ có một chùm thơ của Nguyễn Hiếu mà nhà thơ lớn Chế Lan Viên góp ý đến từng chi tiết: Câu “Tiếng bom làm méo cả vầng trăng” là một câu thơ hay, nhưng bài thơ “Khi nào anh cởi áo ngụy trang” là phô diễn một tứ thơ thiếu thận trọng.
Viết thế này dễ rơi vào “chủ nghĩa nhân văn” (có ý liên hệ đến tàn dư và ảnh hưởng hiện tượng “Nhân văn giai phẩm”) đấy. Còn khi dựng “Chuyện như thế thì cần phải nói”, đạo diễn Lộng Chương bảo: “Cháu ghi là hài kịch nhưng kịch bản này mới chỉ là náo kịch. Hài đúng nghĩa là sau khi cười người ta bật khóc, đằng này mới chỉ tạo ra một cái cười cơ giới kiểu cù nách thôi! Nhưng tôi tôn trọng anh. Nếu tôi có sửa chữa gì thì phải có sự đồng ý của anh. Bởi vì anh là tác giả, còn tôi chỉ là đạo diễn”.
Cứ đi… khắc đến. Gần nửa thế kỷ qua, ít nhất truyện ngắn và tiểu thuyết của Nguyễn Hiếu đã có 3 người làm luận văn cử nhân và thạc sĩ. Đó là các đề tài: “Sự chuyển hóa của ngôn ngữ trong văn chương Việt Nam từ “Tố Tâm” của Hoàng Ngọc Phách đến “Lặng lẽ cuối cùng” của Nguyễn Hiếu”, “Bút pháp huyền thoại trong tiểu thuyết Nguyễn Hiếu qua “Con ngố” và “Chuyện tình người điên”, “Hình tượng con người xã hội trong truyện ngắn của Nguyễn Hiếu”. Đó là sự ghi nhận của xã hội, của giới học thuật về văn xuôi Nguyễn Hiếu.
Thời thanh niên sôi nổi, Nguyễn Hiếu có mấy hướng để lựa chọn. Thứ nhất, theo nghề bóng đá chuyên nghiệp. Thứ hai, theo nghề Công an bảo vệ văn hóa chuyên nghiệp. Mà tất cả đều có sơ sở cả. Nhưng cuối cùng, ông lại chọn Đài Tiếng nói Việt Nam làm nơi trú chân đầu tiên và cuối cùng, từ khi còn trẻ cho đến lúc nghỉ hưu.
Ông bảo: “Tôi vốn có năng khiếu về bóng đá từ nhỏ. Chính thế bố tôi từng có ý định cho tôi xung vào Đội bóng đá Công an. Nhà tôi có nhiều người gắn bó lâu dài với ngành Công an, trong đó có bố tôi tham gia ngành Công an từ năm 1946, từng là chiến sĩ trong Đội trinh sát Lãng Bạc. Sau tốt nghiệp Khóa 11 Khoa Văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, ông dẫn tôi đến gặp chú Hinh (nhà văn Lê Tri Kỷ) và nói với chú Hinh: Anh giúp tôi tạo điều kiện cho cháu về làm việc ở chỗ anh nhé”.
Có lẽ vì nguyên do ấy mà sau này, Nguyễn Hiếu viết khá nhiều về đề tài Vì An ninh Tổ quốc và Bình yên cuộc sống do ngành Công an tổ chức. Ông từng đoạt giải nhất cuộc thi ký và truyện ngắn của Công an Hà Nội năm 2010 bằng tác phẩm “Bố tôi là công an là công an Hà Nội”; giải B cuộc thi “Vì bình yên cuộc sống…” của Bộ Công an và Hội Nhà văn với tiểu thuyết “Mặt nạ để đời”…
Mới đây, ông tham gia trại viết Cây bút vàng lần thứ 3 do Chi hội Nhà văn Công an nhân dân và Nhà xuất bản Công an nhân dân phát động và đã “nộp quyển” bằng một tập ký mang tên “Người công an thế kỷ 20”. Có lẽ vì nguyên do ấy mà có thời vào ba năm cuối thập niên 80 của thế kỉ 20, Nguyễn Hiếu từng là huấn luyện viên 3 năm nhiệt tình của Câu lạc bộ OIJ – đội bóng đá phong trào của Hội Nhà báo Hà Nội nổi đình đám một thời gian.
Tính đến nay, Nguyễn Hiếu đã có 25 tiểu thuyết, 9 tập truyện ngắn, 300 bài thơ ngắn và trường ca, đã viết hàng chục kịch bản sân khấu, điện ảnh (đã dựng 10 kịch bản sân khấu và từng ấy kịch bản điện ảnh) cùng hàng nghìn bài ký, bài báo khác.
Một người cầm bút mà có một khối lượng tác phẩm như thế, một sự nghiệp như thế, thì thật đáng nể. Và theo dòng thời gian, Nguyễn Hiếu vẫn tiếp tục “viết trên từng cây số”.
Theo Đặng Huy Giang – Văn nghệ công an