Đã hơn 20 năm trôi qua, đến giờ trong tôi vẫn vẹn nguyên cảm giác mong ngóng và háo hức mỗi chiều chủ nhật để được dán mắt vào màn hình tivi đen trắng dõi theo diễn tiến câu chuyện xoay quanh nhóm bạn Hạ – Hân – Hoa – Hằng của bộ phim “12A và 4H”…
1.Hồi ấy tôi 9 tuổi, chỉ biết phim thôi chẳng biết gì. Phải 10 năm sau đợt phim lên sóng truyền hình, nghĩa là năm 2005, khi đọc truyện dài “Vĩnh biệt mùa hè” của nhà văn Nguyễn Đông Thức, tôi mới ngờ ngợ như gặp lại người quen. Tìm hiểu thì ra “12A và 4H” chính là “Vĩnh biệt mùa hè” bước từ trang giấy sang màn ảnh nhỏ qua bàn tay của đạo diễn trẻ Bùi Thạc Chuyên. Lại biết thêm nữa, trước “12A và 4H”, “Vĩnh biệt mùa hè” đã được chính Nguyễn Đông Thức chuyển thể thành kịch bản phim điện ảnh cùng tên do Hãng phim Giải Phóng sản xuất bởi đạo diễn Tây học tài danh Lê Hoàng Hoa.
Sau “Vĩnh biệt mùa hè”, dấu ấn văn chương Nguyễn Đông Thức “đi thêm bước nữa” vào bộ nhớ cậu sinh viên là tôi bằng truyện dài “Ngọc trong đá” nhờ vỉa hè sách báo cũ ở Huế. Đấy là không gian, là thế giới thu nhỏ của những người trẻ, bước những bước đầu tiên tuy bỡ ngỡ mà háo hức vào đời, với vô vàn lãng mạn, hoài bão cùng không ít va vấp, tổn thương. Nhưng trên tất cả, vẫn là niềm tin vào cuộc sống, tin vào ngày mai, và hơn hết là tin vào chính mình.
2. Nhà văn Nguyễn Đông Thức sinh ra trong gia đình có truyền thống văn chương, báo chí. Ba là nhà thơ, nhà báo Hồng Tiêu – Nguyễn Đức Huy, từng được Chính phủ Trần Trọng Kim mời giữ chức Bộ trưởng Thông tin nhưng ông từ chối với lí do đây là Chính phủ bù nhìn, thân Nhật. Mẹ là nhà văn, nhà báo Bà Tùng Long – Lê Thị Bạch Vân, từng là cây bút tên tuổi của làng báo Sài Gòn với thể loại truyện feuilleton – truyện dài nhiều kỳ viết từng ngày để đăng báo. Sự nghiệp của Bà Tùng Long đồ sộ, với 60 truyện dài, gần 400 truyện ngắn và khoảng nghìn bài “Gỡ rối tơ lòng”, “Tâm tình cởi mở” trên các báo. Đến giờ nhiều truyện dài của Bà Tùng Long vẫn được Công ty Văn hóa Phương Nam tái bản, được bạn đọc đón nhận.
Thời điểm đất nước thống nhất, Nguyễn Đông Thức đang là sinh viên Luật khoa. Ngày 20/7/1975, Thành Đoàn TP. Hồ Chí Minh xây dựng 4 đại đội đầu tiên của Lực lượng Thanh niên xung phong, đến ngày 28/3/1976 thì chính thức ra quân với trên 10.000 đội viên, hừng hực sức trẻ đi vào những chiến dịch khai hoang phục hóa đất đai, làm thủy lợi, xây dựng nhà ở và các công trình phục vụ đồng bào từ thành phố lên định cư tại các vùng kinh tế mới.
Nguyễn Đông Thức là một trong những người trẻ để lại đô thành sau lưng, góp phần làm nên đội quân hùng tráng và đẹp đẽ ấy. Chính từ phong trào được đích thân nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt, khi ấy là Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi và động viên lên đường này, đã xuất hiện thế hệ văn nghệ sĩ mới của miền Nam, như Nguyễn Nhật Ánh, Đỗ Trung Quân, Cao Vũ Huy Miên, Nguyễn Đức Trung, Lã Văn Cường, Lê Văn Lộc… Và tất nhiên, có Nguyễn Đông Thức nữa.
Qua những bài viết Nguyễn Đông Thức gửi về từ Thanh niên xung phong, báo Tuổi Trẻ nhận ra khả năng viết lách của ông và đã xin ông về làm phóng viên từ năm 1977. Năm 1979, mặt trận Tây Nam bùng nổ, Nguyễn Đông Thức lại tình nguyện vào bộ đội sang Campuchia làm nghĩa vụ quốc tế. Trở về từ chiến trường biên giới Tây Nam khét lẹt mùi thuốc súng, Nguyễn Đông Thức chính thức dấn bước vào con đường chữ nghĩa với “hai tay hai súng” vừa viết văn vừa làm báo tại tòa soạn duy nhất là Tuổi Trẻ cho đến ngày về hưu.
3. Một ngày cuối tuần, tôi từ Bà Rịa ngược lên Sài Gòn để “giải ngố”, đang chạy xe dưới chang chang nắng gắt của hòn ngọc Viễn Đông thuở nào thì nhận được điện thoại. Là nhà văn Nguyễn Đông Thức. Lần đầu tiên tôi nghe giọng nói của ông. Lúc này ông đã nghỉ Trưởng ban Văn hóa – Văn nghệ của báo Tuổi Trẻ, chuyển sang phụ trách Tủ sách Tuổi Trẻ, là nơi tìm kiếm và cổ vũ các cây bút trẻ. Ông báo bản thảo tập truyện “Con gái tuổi Dần” của tôi đã được duyệt in, hãy gửi thông tin cá nhân và ảnh chân dung để làm bìa sách. Tin đến bất ngờ, lại trước một “ông lớn”, tôi chỉ biết cuống cuồng dạ vâng vâng dạ. Xong thì ngẩn ngơ vài phút mới dám chạy xe tiếp.
Thế là “Con gái tuổi Dần” được Tủ sách Tuổi Trẻ & NXB Trẻ ấn hành trước Tết Canh Dần 2010 và tái bản ngay sau đó không lâu, nhờ bà đỡ mát tay là nhà văn Nguyễn Đông Thức. Với tôi, đây là cuốn sách thứ hai, cuốn sách khiến tôi mơ hồ nghĩ rằng, hình như mình có thể viết được văn. Bởi, tôi nhớ đâu đó, một nhà văn nước ngoài nói, đại ý: Người ta chỉ trở thành nhà văn từ tác phẩm thứ hai, bởi tác phẩm đầu tay giống như nhật ký thường viết về chính mình, còn tác phẩm thứ hai phải cần đến óc tưởng tượng, là cái mà nhà văn rất cần. Văn chương tôi giờ chưa đâu vào đâu, vẫn lẫm chẫm tự dò đường đi, nhưng tôi biết cuốn sách thứ hai ấy quan trọng với tôi như thế nào.
Nhà văn Nguyễn Đông Thức ít nói. Thoạt tiên, cứ tưởng ông là người hợp với… lặng im. Ngôn ngữ chính của ông là… trầm ngâm. Hóa ra tôi nhầm. Nguyễn Đông Thức còn là người dẫn chuyện cực kỳ duyên ở các buổi lễ liên quan đến văn chương, như giới thiệu sách của đồng nghiệp hoặc lễ trao giải các cuộc thi văn chương. Trong lời dẫn của ông, rất tự nhiên, lúc lúc lại chêm thêm vài câu với những chi tiết khiến người nghe không thể không cười, riêng ông vẫn tỉnh rụi. Cái duyên này phải là người từng trải, thêm phần thông minh và hóm hỉnh mới làm được.
4. Có lẽ không mấy người trong làng văn Sài Gòn giữ được tốc độ viết như nhà văn Nguyễn Đông Thức. Song song với nhiều tác phẩm cũ vẫn đều đều tái bản, hầu như năm nào ông cũng có sách mới ra mắt độc giả. Tiểu thuyết, truyện dài, truyện vừa rồi truyện ngắn, tổng cộng gần 30 đầu sách. Và ông vẫn chưa có ý định dừng lại. Không chỉ văn học, Nguyễn Đông Thức còn là chủ sở hữu của hơn 20 kịch bản phim và kịch bản sân khấu, nhiều kịch bản do chính ông chuyển thể từ tác phẩm văn học của mình.
Bìa tập truyện mới của nhà văn Nguyễn Đông Thức.
Nhà thơ Lê Minh Quốc, người “tham lam vô độ” trong nghề viết với đủ các món như: viết báo, viết văn, làm thơ, biên khảo văn hóa, viết truyện lịch sử, truyện danh nhân, thậm chí cả sưu tầm chuyện cười dân gian lẫn đương đại, mà cũng phải thốt lên: “Trong mắt tôi, thế hệ viết sau năm 1975 tại miền Nam có hai người đáng nể là Nguyễn Nhật Ánh và Nguyễn Đông Thức. Nhìn khối lượng sáng tác của họ mà sợ. Tác phẩm của họ nhiều hơn tuổi đời của họ và nhân vật của họ cũng đông hơn số bạn bè mà họ đã quen. Viết. Và viết. Không mệt mỏi”.
Các sáng tác của Nguyễn Đông Thức ngồn ngộn chi tiết đời. Nhiều ý kiến trước giờ cho rằng nghề báo khô khan, cứng nhắc với những sự kiện, tin bài nhanh gọn, không ưa bay bổng có thể giết chết văn chương. Với ai đó có thể là vậy, chứ riêng Nguyên Đông Thức, dường như nghề báo góp phần làm nên những trang văn của ông. Hầu như góc nào của bộn bề cuộc sống cũng đều được con mắt nhà báo Nguyễn Đông Thức tải vào văn một cách rất ngọt. Biên độ hiện thực được phơi bày ngổn ngang thẳng cánh với đủ mọi sắc diện đa chiều.
Cứ thế, các tác phẩm lần lượt ra lò sau sự lao động cần mẫn nghiêm ngắn của chủ nhân. Vậy nên, một năm vài lần nhà văn Nguyễn Đông Thức “tạm biệt cả nhà” trên facebook để ở ẩn “luyện chữ” cho kịp tiến độ với đơn vị xuất bản sách hay nhà sản xuất phim nào là chuyện hết sức bình thường.
5. Sau khi nhận sổ hưu, nhà văn Nguyễn Đông Thức với đôi chân từng hai lần phải phẫu thuật xương khớp đã “cù” bạn văn Đoàn Thạch Biền tự bỏ tiền túi và kêu gọi bạn bè ủng hộ rồi tự chạy môtô đi trao học bổng cho các em học sinh nghèo hiếu học. Hai ông rong ruổi khắp các tỉnh miền Tây, sang miền Đông rồi lên Tây Nguyên và ra miền Trung.
Càng ngày facebook nhà văn Nguyễn Đông Thức càng nóng hơn, với các thông tin liên quan đến chương trình từ thiện “Môtô học bổng”. Nào là danh sách bạn bè trong và ngoài nước ủng hộ. Nào là thông tin bán đấu giá hiện vật gây quỹ cho chương trình. Nào là hành trình, hình ảnh các chuyến đi, đảm bảo học bổng đến tận tay các em, không đi lạc vào nhà quan như vốn xóa đói giảm nghèo của nhà nước. Rồi nhiều học sinh thông qua nhà văn Nguyễn Đông Thức được các Mạnh Thường Quân bảo trợ đến trường, được “Môtô học bổng” làm nhà kiên cố.
Ở tuổi 65, lên chức ông ngoại từ lâu, nhưng tinh thần thanh niên xung phong vẫn còn dào dạt chảy trong nhà văn Nguyễn Đông Thức, điều này thể hiện rõ ở những trang văn chưa chịu ngưng nghỉ và cách ông ngược xuôi cùng chương trình từ thiện “Môtô học bổng”!
Theo Văn Thành Lê – Văn nghệ công an