Nguyền Đình Tú là nhà văn quân đội có nhiều đầu sách ăn khách, sắp xuất bản tiểu thuyết “Xác phàm” viết về những con người đã quên mình vì đất nước, những ngày tháng chiến đấu khốc liệt của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân khu vực thị xã Vùng Biên (địa danh được mã hóa của địa bàn Lạng Sơn) trong chiến tranh biên giới phía Bắc 1979. Phóng viên báo PLVN đã trò chuyện với anh xung quanh cuốn tiểu thuyết này/

Xin anh chia sẻ cảm hứng từ đâu để anh viết về cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc trong tiểu thuyết Xác phàm?


Nhà văn Nguyễn Đình Tú: Là một nhà văn quân đội nên tôi hay có những chuyến công tác các tuyến biên giới. Tôi thường ghé thăm những địa điểm còn in dấu những cuộc chiến thảm khốc từng xảy ra trong lịch sử, và cố gắng hình dung điều gì đã xảy ra ở hai bên đường biên vào mấy chục năm trước. Tôi thường bâng khuâng một mình, có khi lặng lẽ ứa nước mắt trước những tấm bia mộ của các anh hùng liệt sĩ trong những nghĩa trang biên giới vào những buổi chiều lãng đãng sương khói và ngập tràn lau lách. Đôi khi tôi tự hỏi, bên những cột mốc, những cửa khẩu, những hàng lô cốt, những dãy giao thông hào dọc ngang  đường biên này đã có bao nhiêu người lính từng sống, chiến đấu và hy sinh? Rồi nhìn những “tuổi đôi mươi” xếp hàng trong những dãy mộ đá chìm trong cỏ lau sương trắng vùng biên, tôi muốn được đối thoại và chia sẻ với họ.

Tôi đã đi, đã quan sát, đã ghi chép, đã gặp gỡ và nghiên cứu tư liệu bằng nhiều hình thức. Tôi muốn cảm nhận và thấu hiểu. Cả chục năm trời với những chuyến đi như thế, tôi có cảm giác vong linh các anh hùng liệt sĩ nhắc nhở mình phải viết về hai cuộc chiến gần đây nhất ở hai đầu đất nước: Cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam và cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc.

Khi điều kiện cho phép, tôi bắt tay viết tiểu thuyết Hoang tâm, khai thác những khía cạnh của cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam, với nhân vật chính là những người lính tình nguyện Việt Nam từng vượt biên giới sang chiến đấu ở trên đất K. Cuốn Hoang tâm đã được xuất bản hơn một năm và gây được ấn tượng khá tốt với bạn đọc. Ngay sau đó tôi viết tiếp cuốn tiểu thuyết có tên là Xác phàm, khai thác những khía cạnh của cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc. Đây là hai cuốn tiểu thuyết nhưng cùng đề cập chiến tranh – những cuộc chiến tranh với những đội quân đã từng chung lý tưởng, chung một phương pháp tác chiến, thậm chí chung một chiến hào với chúng ta.

– Với cuộc chiến biên giới phía Bắc, bản thân anh cũng như gia đình anh có tham gia hoặc có ấn tượng trực tiếp nào hay không?

Nhà văn Nguyễn Đình Tú: Bố tôi là bộ đội chống Pháp, anh trai tôi là bộ đội chống Mỹ, còn tôi gia nhập quân đội khi đất nước đã chấm dứt chiến tranh. Với cuộc chiến biên giới phía Bắc tôi chỉ có những ấn tượng thời niên thiếu, khi đó tôi là học sinh tiểu học, ông tổ trưởng dân phố thường bắc loa tay nhắc nhở: “Các gia đình xây hầm trú ẩn, khi có thông báo, mọi người phải rút ngay xuống hầm!”. Tôi nhớ nhà tôi có một cái cống bi (bằng bê tông, để đựng nước), bố mẹ tôi đã đổ nước ra, đặt bán âm xuống lòng đất làm hầm trú ẩn. Trước khi đi làm, bố mẹ tôi thường dặn mấy anh chị lớn của tôi rằng, nếu có báo động thì phải lập tức đưa bà nội và các em chui vào cống bi. Năm đó tôi chỉ khoảng 5 tuổi, ký ức về chiến tranh biên giới chỉ có thế. Sau này lớn lên, nhìn lại lịch sử dân tộc, tôi thấy đây là một cuộc chiến gần với tôi nhất nhưng thế hệ trẻ hầu như không được biết đến. Với tư cách nhà văn, tôi thấy cuộc chiến này cần phải được nhắc đến, còn nhắc đến ở khía cạnh nào thì tùy mỗi nhà văn.

– Giặc Tàu hay quân bành trướng Trung Quốc nhiều người đã quen nghe gọi là “Tàu khựa”, nhưng sao trong tác phẩm của anh lại trở thành “Khợ” – bọn Khợ, lính Khợ?

Nhà văn Nguyễn Đình Tú

Nhà văn Nguyễn Đình Tú: Tiểu thuyết là tác phẩm văn học, không nệ thực và không phản ánh cuộc sống một cách thô sơ, trần trụi. Cuộc chiến biên giới phía Bắc hay cuộc chiến Tây Nam khi đi vào tác phẩm của tôi đều đã được “mã hóa”. Người đọc có thể hình dung ra không gian và thời gian của tiểu thuyết nhưng nhà văn không gắn câu chuyện của mình vào một mô thức cụ thể nào. Trong tiểu thuyết Hoang tâm, không có một từ nào nhắc đến Camphuchia hay Pôn Pốt, trong Xác phàm cũng không có một từ nào nhắc Trung Quốc hay Tàu, nhưng khi đọc, mọi người sẽ hiểu hiện thực mà tiểu thuyết đề cập là hiện thực nào. Tôi chủ ý mã hóa mọi thứ như thế bởi viết về một cuộc chiến tranh dưới dạng tiểu thuyết khác với một cuốn ký sự lịch sử, thế giới nghệ thuật do nhà văn tạo nên có tính đa thanh, đa dạng và đa diện hơn bất cứ một hiện thực nào mà bạn đọc có thể mường tượng tới.

– Không khí cuộc chiến trong tiểu thuyết của anh, dù kẻ thù bị đánh bại, quân dân thị xã Vùng Biên dẫu giành được chiến thắng cuối cùng nhưng sao thật buồn, thậm chí bi tráng, anh có thể chia sẻ quan điểm của anh về cuộc chiến trong truyện?

Nhà văn Nguyễn Đình Tú: Đây là cuộc chiến mà chúng ta ở thế bị động. Họ tấn công chúng ta với lực lượng áp đảo và vũ khí dồi dào. Cơ bản là họ đã đạt được một số mục tiêu mà họ đặt ra, đó là chiếm một số tỉnh biên giới. Và khi họ chiếm được một số tỉnh biên giới rồi, khi chúng ta chuẩn bị đủ lực lượng chính để phản công thì họ tuyên bố “đã hoàn thành các mục tiêu đề ra” và rút quân. Chưa có những trận chiến thực sự lớn để ta phản công lại họ mà chỉ là sự phòng vệ của quân và dân các tỉnh biên giới là chủ yếu. Quân dân địa phương với sự hỗ trợ của lực lượng chủ lực khá mỏng, đứng trước một đại quân hùng mạnh như thế thì rõ ràng chúng ta phải bị thiệt hại là điều dễ hiểu. Nhưng quân dân của chúng ta đã chiến đấu và hy sinh trong một tư thế hết sức lẫm liệt dù phải đánh đến người cuối cùng, đến tàn hơi, kiệt sức. Khi chúng rút lui trước khi ta đưa quân chủ lực mạnh đến thì cũng đã có hàng vạn chiến sĩ và nhân dân các tỉnh vùng biên hy sinh. Biên giới còn căng thẳng cả chục năm sau đó nữa nhưng tiểu thuyết Xác phàm chỉ khai thác 17 ngày động binh ác liệt nhất, trên một hướng chính là Quốc Môn dẫn vào Pháo đài Cảnh Giác của thị xã Vùng Biên trong khoảng thời gian ngắn đó. Rõ ràng, đây là một cuộc chiến vô cùng bi tráng, những trang sách của tôi sẽ nhắc nhớ lại những tháng ngày quân dân các dân tộc vùng biên dũng cảm đánh giặc như thế nào và “bài học cảnh giác” trước kẻ thù ở bên kia biên giới cần phải được suy nghĩ thấu đáo ra sao?

– Với cách thể hiện của tiểu thuyết, dùng hình thức giải phẫu chuyển đổi giới tính, dẫn tới “một cuộc đại phẫu ý thức” (Từ của nhà phê bình Trịnh Sơn), có cảm giác việc phản ánh cuộc chiến này trong tiểu thuyết của anh dường như gặp quá nhiều khó khăn?

Nhà văn Nguyễn Đình Tú: Có lẽ nhiều người có suy nghĩ như tôi, rằng tại sao với cuộc chiến chống Pháp, chống Mỹ chúng ta tự hào với những chiến công vang dội mà đến cuộc chiến biên giới này chúng ta lại ít được nhắc đến một cách đường đường chính chính? Đành là vì hòa hiếu, đành là vì tình cảm lân bang nhưng chuyện của lịch sử thì phải sòng phẳng chứ, tại sao cứ nhắc đến cuộc chiến này là lại rơi vào trang thái “đau mà không được kêu” là sao? Đó là lý do tại sao trong cuốn tiểu thuyết của tôi, cuộc chiến được nói đến một cách nhọc nhằn như vậy, thủ pháp “ốc mượn hồn” để hồn chiến sĩ cất lên tiếng nói của chính mình vừa là hình thức thể hiện vừa là nội dung đề cập, cũng đồng thời là thông điệp mà chị đã chỉ ra rằng “phản ánh cuộc chiến này quá khó khăn”. Vừa rồi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nói “chúng ta không đánh đổi chủ quyền để lấy về sự hữu nghị viển vông”. Đây cũng là lúc các hình thức văn học nghệ thuật cần phải lên tiếng về hai cuộc chiến tranh biên giới bởi sự im lặng quá lâu sẽ gây ra hậu quả là chúng ta tự chối từ những trang sử được viết bằng máu và nước mắt của chính chúng ta, đồng thời mất đi sự cảnh giác cần thiết đối với những kẻ thù nằm ở đâu đó bên kia biên giới.

“Trong tiểu thuyết mới này ta thấy tác giả đã chuyển dịch ngòi bút của mình đi hẳn vào thế giới bên trong của con người như một bí ẩn vô cùng vô tận. Vì thế, tôi riêng có cái cảm giác hồi hộp, đôi lúc nghẹt thở khi thấy Nguyễn Đình Tú như một nghệ sĩ xiếc trên dây. Nói cách khác, tác giả quan sát đời sống, luận bàn về nó từ ánh sáng bên trong của thần thức (hai chữ xuất hiện dày đặc trong tác phẩm, từ đầu đến cuối). Cậy nhờ vào cáithần thức này mà Nam đã thú nhận với sư thầy Minh Thông rằng, việc lớn nhất của đời anh là “tìm lại mình”. Cũng nhờ thần thức này mà ngay từ lúc còn nhỏ tuổi, Nam đã có được cái trực giác, và cao hơn là linh giác về thế giới xung quanh mình: chẳng hạn cậu ta đã cảm nhận được cái “mùi buồn”, hoặc cụ thể hơn là “mùi tan rã, buồn nản và hoang hoải” của thế giới”.

Nhà phê bình Bùi Việt Thắng

– Trong các tác phẩm của mình, anh thường đưa các yếu tố đương đại vào với một dụng ý nghệ thuật rất rõ ràng. Câu chuyện chuyển đổi giới tính trong Xác phàm lần này lại một lần nữa ghi công cho anh là nhà văn đầu tiên khai thác đề tài chuyển giới trong tiểu thuyết. Anh có thể chia sẻ lý do nào anh lại chọn câu chuyện chuyển đổi giới tính để mở ra thế giới tâm linh của nhân vật trong Xác phàm?

Nhà văn Nguyễn Đình Tú: Văn học luôn lấy con người làm trung tâm. Con người càng dị biệt càng là “bệ phóng” tốt để nhà văn triển khai các “đo lường chiều kích” thế giới nhân sinh qua tác phẩm của mình. Tôi từng đề cập con người đồng tính, song tính và bây giờ là chuyển giới để qua đó triển khai những dụng ý nghệ thuật của tác phẩm. Xác phàm đề cập “kiểu con người đặc biệt” để qua đó, hướng câu chuyện đến những vấn đề đặc biệt của đời sống mà bình thường không dễ dàng nói được.

– Vậy còn thái độ chính trị của chính phủ và nhân dân ta hiện nay về sự kiện Trung Quốc ngang ngược ở biển Đông, anh có suy nghĩ gì?

Nhà văn Nguyễn Đình Tú: Tất nhiên tôi ủng hộ sự bình tĩnh và kiềm chế của chính phủ và nhân dân ta trong những ngày này. Đất nước chúng ta đã có mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước. Chúng ta đã từng đánh thắng bất kể kẻ thù nào có dã tâm xâm lược và thôn tính Việt Nam. Dù có sóng gió thế nào đi nữa tôi cũng luôn tin tưởng vào nhân dân mình.

– Nếu có ý kiến cho rằng anh chọn thời điểm Trung Quốc cắm giàn khoan trên vùng biển Việt Nam để tung ra Xác phàm, tạo hiệu ứng xã hội tốt, dễ bề bán sách thì anh nghĩ sao?

Nhà văn Nguyễn Đình Tú: Cuốn sách này tôi hoàn thành đã lâu rồi, nhưng nó nằm trong tình trạng chung là để trong ngăn kéo vì viết về đề tài này sẽ không in được. Nhưng viết là do thôi thúc nội tại nên tôi cứ viết, và viết xong thì để đấy. Rất may là Nhà xuất bản Trẻ đã nhận in và đưa tác phẩm đến với công chúng trong thời điểm mà bộ mặt bành trướng của nước láng giềng khổng lồ đang lộ mặt giữa thanh thiên bạch nhật. Hy vọng cuốn sách góp thêm được một tiếng nói tri âm với bạn đọc và nhân dân cả nước trong những ngày chúng ta đang hướng về biển Đông này.

– Anh có nghĩ đến khả năng sẽ đón nhận phản hồi của bạn đọc như thế nào?

Nhà văn Nguyễn Đình Tú: Điều quan trọng nhất là những điều mình ấp ủ đã thành hiện thực. Cũng như những cuốn sách trước, giờ đây Xác phàm đã ở trên tay bạn đọc, số phận của nó thuộc về bạn đọc. Với tư cách là người viết ra cuốn sách, tôi trân trọng tất cả những phản hồi của độc giả, dù đó là khen hay chê.

 

Hiền Hòa

Nguồn: Pháp luật Việt Nam